Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
14:12 (GMT +7)

Âm nhạc cồng chiêng ngân lên giữa núi rừng

Cấu tạo địa lý của vùng Trường Sơn Tây Nguyên rất khác nhau. Phía Bắc là núi rừng trập trùng hiểm trở kéo dài sang phía Nam là thảo nguyên mênh mông. Ngay trong từng tiểu vùng, nơi cư trú của một số tộc người thiểu số bản địa cũng có khác nhau, thông qua sự chia cắt của từng con sông, dòng suối vốn là xuất phát điểm của nhiều con sông ở miền Trung. Sự chia cắt đó tạo ra vẻ đa dạng trong một thể thống nhất của văn minh rừng, văn minh thảo mộc mà nổi trội là văn hóa cồng chiêng với nhiều sắc thái cung bậc khác nhau của từng cộng đồng người bản địa cư trú.

Người ta nói nhiều đến âm nhạc Trường Sơn Tây Nguyên thông qua không gian văn hóa cồng chiêng, một loại hình âm nhạc luôn gắn liền với không gian lễ và hội vốn phù hợp với chức năng biểu đạt của nó. Cồng chiêng bao giờ cũng vậy, là âm thanh, âm sắc chủ đạo trong rất nhiều lễ thức, lễ hội của các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên.

Không gian văn hóa - âm nhạc cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy vậy cồng chiêng và không gian văn hóa mà nó tấu lên là phải ở làng, ở cộng đồng làng. Cồng chiêng trước tiên gắn liền với lễ, sau đó là hội. Theo truyền thống, người Tây Nguyên không bao giờ tấu chiêng mà không có lễ đi trước.

Bộ chiêng tha của người Brau

Người Cor cư trú ở phía đông bắc sơn hệ Ngọc Linh rất tôn trọng nghi thức tâm linh đối với các nhạc cụ chiêng trống. Không một lý do gì mà chiêng trống không được gióng lên trong cộng đồng làng khi có lễ trọng. Ví như vào mùa lễ Sa-a-ní, người Cor dành hẳn một nghi thức cúng chiêng trống, cáo với thần chiêng, thần trống rồi mới được đem ra tấu, biểu diễn trong suốt các ngày Tết tưng bừng của họ.

Thường thì không một người bản địa thực thụ nào của Tây Nguyên mà không biết tấu chiêng của dân tộc mình và mỗi dàn cồng chiêng khi tấu lên cho từng lễ và hội khác nhau cho ta biết tín hiệu âm nhạc cồng chiêng của dân tộc đó. Thậm chí nó như một ám thị âm nhạc rất dễ nhận biết của không gian mà dân tộc đó đang cư trú ở vùng rừng nào.

Chiêng trống được đem cúng trước khi đem ra sử dụng

Ở làng Kơ Rông Kơ Tu, nằm sát bên dòng Đăk Pla tỉnh Kon Tum, bà Kyth là chủ nhân sở hữu một bộ chiêng cổ. Bà Kyth đã qua đời. Sinh thời bà sống một mình lặng lẽ với bộ cồng chiêng gia bảo cả dòng họ bà. Nó luôn được giữ kín trong kho trừ khi có người đến muốn được chiêm ngưỡng. Như một chất men trỗi dậy từ âm thanh của dàn cồng chiêng mỗi khi tấu lên là làm cho người phụ nữ Ba Na ngoài 90 tuổi này như được sống lại tuổi thanh xuân của mình. Chưa ai được biết có một dân tộc thiểu số bản địa nào ở Trường Sơn Tây Nguyên đúc được cồng chiêng, họ chỉ mua hoặc trao đổi lâm thổ sản, gia súc để có loại nhạc khí này từ người đồng bằng hoặc của các bộ tộc Lào bên cạnh. Không ít bộ chiêng phải đổi 10 -15 con trâu mới có được. Nhưng khi về tay họ, với bản năng thẩm âm tài hoa, cồng chiêng đã trở thành một di sản âm nhạc độc đáo riêng có của vùng sơn nguyên này.

Bao giờ cũng vậy, lễ hội cồng chiêng luôn là tâm điểm nổi trội nhất trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Trường Sơn Tây Nguyên. Mọi ước vọng của con người được bộc lộ sâu sắc nhất trong hội lễ tưng bừng này. Người Ba Na thường xướng hát lên rằng “Chúng ta thường gặp trong một nhịp, tay chúng ta thường múa theo một điệu, đầu chúng ta chạm vào nhau và nhận ra nhau”.

Cồng chiêng ngân lên cùng những vũ điệu và rượu cần trong lễ ăn mừng lúa mới

Bộ tộc này thường có các ngày lễ lớn, bắt đầu từ mùa xuân như lễ Sơ mah Kơ Quay, tức lễ Cúng trời; lễ Sơ mah Kơ Chăm, tức lễ cúng lúa mới hay lễ Pơ ti, tức lễ bỏ mả. Mỗi cuộc lễ và hội là sự tổng hòa các sắc thái văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng hòa trộn vào nhau. Âm nhạc cồng chiêng cất lên cùng rượu cần tạo mối giao cảm hồn nhiên giữa con người với con người trong cộng đồng.

Một cuộc vui đầu năm nhưng lại có nhiều chiều kích của một hệ thống quan niệm nhân sinh còn in đậm dấu vết nguyên khai. Cả cộng đồng tỏ rõ thái độ vui mừng khi đã đạt được những điều mình cầu ước là thông qua dịp hội cồng chiêng vòng quanh đống lửa như một sự hưng phấn giao hòa giữa âm nhạc và rượu cần giữa thế giới siêu nhiên và cuộc đời thực, giữa đêm và ngày của sinh thái rừng ngự trị.

Sau mùa rẫy hoàn tất, lúa đã vào kho, bao giờ người vùng cao cũng dành thời gian thích hợp để tổ chức ăn uống vui chơi trong cộng đồng, trong dòng tộc để bàn công việc nông lịch cho mùa rẫy mới. Người Ca dong dưới chân núi Ngọc Linh còn có tục cúng lúa dư, tức cúng xin thần linh cho được ăn phần lúa giống còn dư sau khi đã tỉa trên nương. Hạt lúa, nhất là lúa giống vốn được coi trọng trong xã hội nông nghiệp cổ truyền ở vùng cao. Đồng bào cũng có hẳn một lễ thức cúng thần lúa để cầu mong được mùa tươi tốt. Các thành viên trong gia đình được người chủ lễ hoặc Pơ-dâu (thầy cúng) đọc lời cầu phúc hoặc cột chỉ tay cho từng người để lấy hên. Nghi lễ được cử hành một cách đầm ấm trong gia đình nhưng lại có tác động sâu xa đến tâm hồn mỗi thành viên trước khi lên nương đuổi thú hay chăm sóc mùa màng.

Dàn cồng chiêng được đánh trong lễ hội

Vẻ đẹp hồn nhiên trong văn hóa Trường Sơn Tây Nguyên là luôn hòa quyện với cảnh giới rừng hư ảo, một vẻ đẹp hoang dã, thô mộc và không bao giờ rời khỏi các quan niệm ứng xử của con người với thế giới chung quanh tức thế giới thảo mộc.

Đáng lưu ý là không khí âm nhạc và diễn xướng trong lễ hội cồng chiêng có thể được phát huy tốt nhất trong không gian văn hóa buôn làng nghĩa là nơi hình thành và phát sinh của nền văn hóa đó, do chính chủ nhân của nền văn hóa đó tự nguyện tổ chức. Một sinh hoạt cộng đồng thực sự chứ không hề ngăn cách giữa người diễn, người xem một cách thụ động vô hồn như ta từng gặp đây đó trên sân khấu hóa cồng chiêng nơi đô thị.

Bộ chiêng lớn nhất của cộng đồng người Gia Rai

Ở những vùng xa xôi chưa bị các luồng văn hóa ngoại lai xâm thực như vùng Đông Nam cao nguyên Gia Lai hay quanh vùng chân núi cao của khối núi Kon Tum, nghệ thuật cồng chiêng còn giữ được nguyên vẹn bản sắc riêng độc đáo của mình. Tiếng cồng chiêng đã từng vang vọng từ thời đại đồ đồng, được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ có hình dạng bộ cồng gồm bảy chiếc, biểu hiện hình thái sinh hoạt nghệ thuật có tính cộng đồng cao của mọi thành viên trong buôn làng.

Âm nhạc cồng chiêng bao giờ cũng vậy, là công cụ âm thanh chủ đạo trong nhiều không gian lễ hội khác nhau của người Tây Nguyên. Họ tin rằng, bộ cồng chiêng càng cổ thì thần chiêng càng linh nghiệm trong các lễ tục của họ.

Tiếng chiêng vang vọng giữa thế giới thảo mộc luôn là một là một di sản sống động của người ở rừng, là tấm căn cước cho bộ mặt văn hóa tinh thần của họ để trường tồn giữa sơn nguyên bao la này.

Vũ Ngọc Giao

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy