Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
05:34 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

70 năm vẫn rạng ngời thành tích - Kỳ 2

Kỳ 2: Trong căn nhà ngát mùi hoa bưởi

Ông bà xem an - bum ảnh chuyến đi Điện Biên Phủ của ông. Ảnh: Khắc Thiện
Ông bà xem an - bum ảnh chuyến đi Điện Biên Phủ của ông. Ảnh: Khắc Thiện

Clip: Chia sẻ của ông Tăng

70 năm vẫn rạng ngời thành tích

Ông nhanh nhẹn dẫn chúng tôi lên gác hai thăm phòng truyền thống. Các hiện vật trưng bày ở đây đã kể cho chúng tôi nghe về quá trình phát triển mạnh mẽ của dòng họ Nguyễn Ngọc, đặc biệt là của gia đình ông. Từ tấm ảnh cưới của ông bà năm 1957; từ chiếc máy ảnh chụp phim Minolta và máy phóng nhãn hiệu Axomat giúp ông bà nuôi 5 người con thời kỳ bao cấp thiếu thốn; từ cuốn sách, bài báo, thành công của các thành viên dòng tộc… đều được ông bà nâng niu, gìn giữ. Ông tự hào nói: Dòng họ Nguyễn Ngọc Thái Nguyên hiện nay có cả nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, doanh nhân và nhiều cán bộ lãnh đạo.

Trong số hiện vật ấy, chúng tôi để ý có một góc rất trang trọng, ông trưng bày bức tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (thu nhỏ) do UBND tỉnh Điện Biên tặng; tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên; tấm ảnh ông chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; những cuốn sách nói về Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong; những bài báo nói về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; lá thư ông gửi Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, góp ý một số chi tiết cần chỉnh sửa trên bảng thông tin ở khu di tích…

Kể thêm về chuyến trở lại chiến trường Điện Biên theo lời mời của Truyền hình Quân đội nhân dân vừa qua, ông Tăng chia sẻ: Chuyến đi thật ý nghĩa và có nhiều kỉ niệm xúc động. Trong toàn quốc, họ mời thêm 3 nhân chứng nữa, còn ở tỉnh Thái Nguyên chỉ có một mình tôi. Lúc ghi hình tôi đi từ sân hành lễ lên Tượng đài Chiến thắng, sợ tôi cao tuổi, sức yếu nên các cháu bên Truyền hình động viên: Bác cố gắng bước lên mấy bậc thôi cũng được, để chúng cháu ghi hình rồi bác dừng lại. Họ còn cẩn thận cho một nữ chiến sĩ đi cùng tôi. Leo được một đoạn thì họ bảo dừng. Rồi lại leo tiếp. Hai lần nghỉ như thế, cuối cùng tôi đã leo hết cả 320 bậc, lên tận chỗ đặt Tượng đài. Đến sân Tượng đài, các cháu Truyền hình chạy ra ôm tôi và bảo: Tuyệt vời quá, thành công hơn cả mong đợi bác ạ!

Ông Tăng trao đổi với nhà sử học người Pháp tại Bảo tàng. Ảnh: Ngọc Như Hải
Ông Tăng trao đổi với nhà sử học người Pháp tại Bảo tàng. Ảnh: Ngọc Như Hải

Lúc vào Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có một ông người nước ngoài tiến đến nói chuyện với tôi. Qua phiên dịch giới thiệu, ông này là một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp. Tôi khá bất ngờ và cũng không có nhiều thời gian để trao đổi, chỉ nói với ông ấy mấy câu, giải thích cho ông ấy về nguyên nhân của chiến thắng. Tôi nói: Ngày đó các ông mạnh hơn chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn thắng. Nguyên nhân vì sao thì ở góc độ nghiên cứu lịch sử ông sẽ tìm hiểu thêm. Nhưng tôi chỉ nói với ông rằng: Ngày đó các ông đã thách thức chúng tôi, thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng tôi. Và điều đó khiến những người lính chúng tôi càng quyết tâm để chiến thắng!

Lúc tham quan trận địa đồi A1, nơi tôi chiến đấu và bị thương năm xưa, có một người tầm tuổi tôi, thấy tôi đeo huy hiệu Sư đoàn 308 nên ra bắt tay và nói: tôi cũng lính 308 đây! Cũng vội không kịp hỏi han nhiều, chỉ biết đồng chí ấy đi thăm chiến trường Điện Biên cùng với đoàn ở Nam Định. May tôi có chú em là nghệ sĩ nhiếp ảnh đi cùng, nên chúng tôi kịp ghi lại mấy bức hình làm lưu niệm rồi chia tay.

Ông Tăng gặp người lính cùng Sư đoàn 308 năm xưa. Ảnh: Ngọc Như Hải
Ông Tăng gặp người lính cùng Sư đoàn 308 năm xưa. Ảnh: Ngọc Như Hải

Còn một kỉ niệm nữa khiến tôi nhớ mãi. Sau khi ghi hình dưới giao thông hào, mọi người kéo tôi lên. Những người đứng xem vỗ tay cổ vũ trong niềm phấn khởi. Ngay lúc đó, có một cháu gái tiến đến bên tôi và nói: “Ông ơi, nhìn thấy ông con lại nhớ bố con. Bố con cũng chiến đấu và hy sinh ở đây”. Rồi cháu ôm lấy tôi và òa khóc. Tôi cũng khóc theo vì xúc động quá.

Kỷ niệm Điện Biên Phủ với tôi còn nhiều lắm, nhưng tôi nhớ lộn xộn, nên tôi cứ kể vậy rồi tùy nhà báo sắp xếp nhé – ông Tăng nói. Hôm đánh đồi A1, tôi làm Trung đội trưởng thay thế cho đồng chí Trung đội trưởng bị hy sinh. Trận ấy chúng tôi thương vong khá nhiều và được bổ sung quân liên tục nên có những người tôi chưa kịp nhớ tên, nhớ mặt thì đã hy sinh. Có một đồng chí, trước trận đánh kể với tôi là người Chợ Đồn (Bắc Kạn), tên là Nguyễn Văn Tiến. Sau đó, đồng chí Tiến hy sinh. Mãi sau này tôi mới có điều kiện qua Chợ Đồn và hỏi thăm, tìm được gia đình đồng chí ấy. Nhưng khi đó, bà mẹ của Tiến đã mất. Địa phương cho biết: Bố của đồng chí Tiến mất từ sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng anh vẫn xung phong đi bộ đội… Bây giờ, đất nước hòa bình và phát triển rồi, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm, nhưng nhắc về kí ức, tôi vẫn luôn nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Mình được sống, mình càng phải trân trọng sự hy sinh của họ.

Cháu gái nói với tôi: Bố con cũng hy sinh ở Điện Biên Phủ…(Ảnh: Ngọc Như Hải)
Cháu gái nói với tôi: Bố con cũng hy sinh ở Điện Biên Phủ…(Ảnh: Ngọc Như Hải)

“Cuộc chiến” chống đói nghèo và truyền thống khuyến học hôm nay

Sau khi vết thương lành, ông Nguyễn Ngọc Tăng được cử đi làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất, rồi công tác trong ngành lâm nghiệp từ năm 1959. Năm 1963, ông được điều động sang công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Năm 1990 ông nghỉ hưu ở chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái.

Ông tâm sự: Vợ chồng tôi đều là quân nhân, con đông, lương thấp, nên phải tìm cách thoát nghèo. Một thời tôi sắm máy ảnh, ngày vào bản làng chụp ảnh “dạo”, tối cặm cụi in, phóng, đóng bao, mang trả tận nhà, cũng thêm được đồng rau đồng mắm. Rồi vợ chồng tôi bàn nhau đi thu mua phế liệu, dần hình thành tổ hợp phế liệu, rồi thành lập Doanh nghiệp tư nhân sắt thép 27-7, giải quyết công ăn việc làm cho thương binh, con em trong họ, con em cựu chiến binh quanh vùng. Đến nay, chúng tôi đã có 6 doanh nghiệp kinh doanh sắt thép.

 Kinh tế đã vững, nhưng điều ông luôn đau đáu suy nghĩ là việc học tập của con em trong họ. Ông Tăng chia sẻ: Gia phả dòng họ ghi thế này: “Kể từ Cụ Thủy Tổ tồn tại và phát triển cho đến nay tới 20 đời với 500 năm, họ Nguyễn Ngọc đã vun trồng công đức, rễ ăn sâu gốc chặt cây bền, cành lá sum suê, tinh hoa nảy nở. Về học hành thi cử đã đỗ đạt có hạng ở quê”. Vốn là người ham đọc, ham học hỏi, ông luôn tự nhủ phải xây dựng dòng họ xứng với 4 chữ tiền nhân truyền dạy là Nguyễn Ngọc Nhân Hiền và 14 chữ ghi hai bên hoành phi câu đối treo trang trọng trong nhà thờ họ: Tổ tiên nhân hậu muôn đời thịnh/Tử tôn hiền tài vạn đại vinh.

 Nghĩ là làm, năm 1994, ông mời các chi trưởng trong dòng họ đến bàn bạc và quyết định thành lập Ban Khuyến học (gồm 4 thành viên, do ông là Trưởng Ban) và phát động phong trào khuyến học trong toàn dòng họ. Do các gia đình kinh tế còn khó khăn nên Ban chưa huy động đóng góp Quỹ khuyến học. Vậy nên, suốt 4 năm (từ 1994 đến 1998), ông dành 500 nghìn đồng mỗi tháng là toàn bộ tiền chế độ thương binh của mình, làm nguồn khen thưởng con cháu có thành tích tốt trong học tập. Năm 2009, kỷ niệm 15 năm thành lập Ban Khuyến học của dòng họ, ông bà đã dùng tiền riêng mua tặng 3 cháu có 12 năm đạt học sinh giỏi liên tục, mỗi cháu 0,5 chỉ vàng; tặng 1 triệu đồng cho người đạt học vị thạc sĩ đầu tiên của dòng họ.

Từ năm 1997, dòng họ Nguyễn Ngọc thực hiện quy chế Lệ họ, hằng năm có hai ngày Giỗ tổ, trong đó 4 đối tượng sẽ được vinh danh trong ngày quan trọng này gồm: Các cháu học sinh giỏi; người trong họ đạt các giải nhất, nhì, ba từ cấp huyện trở lên ở các lĩnh vực; người được thăng chức, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; gia đình có 100% con cháu được đi học, thực hiện Lệ họ tốt; doanh nghiệp và cá nhân có công đóng góp quỹ họ và quỹ khuyến học khuyến tài. Dòng họ còn thống nhất đặt lệ vinh quy bái tổ, tôn vinh những người đạt học vị từ thạc sĩ trở lên nhằm khích lệ phong trào học tập.

Ông Nguyễn Ngọc Tăng giới thiệu phòng truyền thống của dòng họ Nguyễn Ngọc trên căn gác 2 của Nhà thờ dòng họ. Ảnh: Khắc Thiện
Ông Nguyễn Ngọc Tăng giới thiệu phòng truyền thống của dòng họ Nguyễn Ngọc trên căn gác 2 của Nhà thờ dòng họ. Ảnh: Khắc Thiện

Qua 30 năm khuyến học khuyến tài, dòng họ Nguyễn Ngọc Thái Nguyên đã vinh danh, tặng quà cho gần 400 lượt học sinh giỏi, gần 200 lượt cá nhân đạt giải và được đề bạt; vinh danh và tặng 27 gia đình danh hiệu Gia đình hiếu học.

Với 80 hộ sinh sống tại các huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên và thành phố Phổ Yên, dòng họ Nguyễn Ngọc ở Thái Nguyên đã có 42 người có bằng đại học, 7 thạc sĩ; các gia đình trong họ đều hiếu thuận, trên dưới một lòng, luôn đề cao đức tính nhân hậu và trọng hiền tài như các bậc tiền nhân truyền dạy.

Dòng họ Nguyễn Ngọc Thái Nguyên đã được Hội Khuyến học tỉnh tặng 5 giấy khen và ghi nhận là Dòng họ khuyến học - khuyến tài tiêu biểu của tỉnh; Hội Khuyến học thành phố Thái Nguyên, UBND phường Gia Sàng tặng nhiều giấy khen ghi nhận thành tích của dòng họ. Riêng Trưởng Ban khuyến học Nguyễn Ngọc Tăng được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” Việt Nam.

Thăm nhà truyền thống, tôi để ý đến một đồ vật khá đặc biệt, được đặt trang trọng trong tủ kính, đó là chiếc Cúp kiểu dáng đẹp, đế cúp 3 tầng vòng cung, thân cúp xòe như hai bàn tay đỡ ngôi sao 5 cánh. Ông Nguyễn Ngọc Tăng kể: Chiếc Cúp mạ vàng này là món quà của Doanh nghiệp sắt thép 27-7 và Công ty TNHH Vân Cường (doanh nghiệp gia đình tôi) tri ân công lao xây dựng và phát triển dòng họ, phát triển doanh nghiệp mấy chục năm qua của ông bà.

Ông Nguyễn Ngọc Tăng với chiếc Cúp được tặng. Ảnh: Khắc Thiện
Ông Nguyễn Ngọc Tăng với chiếc Cúp được tặng. Ảnh: Khắc Thiện

 Nhìn bà kính cẩn cắm nhang lên ban thờ, nhìn ông thong thả lật từng trang sử Điện Biên Phủ trong căn nhà ngan ngát mùi hoa bưởi, tôi thấy cuộc sống an nhiên tĩnh tại biết bao. Người chiến sĩ ôm bộc phá vuông đánh trận năm xưa nay vẫn là chỗ dựa tinh thần cho dòng họ Nguyễn Ngọc ở Thái Nguyên phát triển “tốt cây bền rễ”, mang cho đời bóng mát và niềm vui.

Trần Thép – Minh Hằng

Clip: Trần Thép

Kỳ 1: Tiếng vọng từ cứ điểm 311A

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy