Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:54 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

70 năm vẫn rạng ngời thành tích - Kỳ 1

Kỳ 1: Tiếng vọng từ cứ điểm 311A

VNTN- Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Tăng (số nhà 622, tổ 7, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) liên tục nhận được những cuộc gọi từ các phóng viên báo chí. Họ muốn được nghe ông kể lại chuyện của 70 năm trước, ông là người lính Cụ Hồ tham gia đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Đã 90 tuổi mà trí óc mẫn tiệp, ngôn ngữ chuẩn xác như ông, báo chí tìm đến ông là điều dễ hiểu.

Chúng tôi gặp khi ông vừa trở về từ Điện Biên Phủ, chiến trường mà ông đã chiến đấu và bị thương cách đây 70 năm.

Clip: Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Ngọc Tăng

Ông Tăng chia sẻ về chuyến trở lại chiến trường Điện Biên tháng 4/2024
Ông Tăng chia sẻ về chuyến trở lại chiến trường Điện Biên tháng 4/2024

Trùng trùng đoàn quân năm ấy

Hẹn trước và đưa chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Ngọc Tăng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Hải (Ngọc Như Hải) nói với anh trai mình: đây là các anh chị của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nơi em sinh hoạt đấy, anh cố gắng thu xếp, giúp đỡ nhiệt tình nhé!

Chỉ sau tuần trà ướp hoa sói ngắt trong vườn nhà dành đãi khách đặc biệt, vẫn với tác phong người lính, ông vào việc ngay: Tôi và chú Hải vừa ở Điện Biên về, Truyền hình Quân đội nhân dân họ mời lên để ghi hình, phỏng vấn, làm phim. Mai kia lại còn mấy cuộc gặp mặt của Tỉnh, TP. Thái Nguyên, của Ban liên lạc… gần như là kín lịch, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn đầy đủ tư liệu cho các đồng chí đây rồi!

Và ông “sơ qua” rất nhanh về gốc gác của mình, ý như là để câu chuyện của nhà báo “có đầu có cuối”: Tôi sinh năm 1935 ở làng Lạc Thổ, huyện (nay là thị xã) Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây có hai thứ rất nổi tiếng mà gần như ai cũng biết, đó là gà Hồ tiến vua và tranh dân gian Đông Hồ. Bố tôi là đảng viên, được kết nạp từ khi tổ chức Đảng của địa phương còn hoạt động bí mật.

Từ năm 1946, tôi đã tham gia Thiếu niên Cứu quốc, rồi Thanh niên Cứu quốc. Năm 1951 vào Thanh niên xung phong, thuộc Đoàn 38 làm đường lên ATK. Năm 1952, khi Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong, sau này là Sư đoàn 308) tuyển quân, tôi xung phong và được nhận vào bộ đội, thuộc Đại đội 225, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ Anh hùng, được Bác Hồ đặt tên sau khi tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ trong Chiến dịch Hoà Bình đầu năm 1952).

Câu chuyện đang bắt đầu rôm rả thì vợ ông, bà Đào Thị Nhật, đi ngang phòng khách. Ông liền “tranh thủ” giới thiệu: Bà nhà tôi đấy, cùng tuổi với tôi. Năm 1957, sau khi bị thương tôi được về điều dưỡng ở Bắc Ninh. Bà ấy là văn công Sư đoàn 308, cũng về điều dưỡng. Chúng tôi quen nhau rồi nảy nở tình cảm và cưới nhau cùng năm đó. Năm 1959, hai vợ chồng tôi chuyển ngành về Ty Lâm nghiệp. Tôi ở Ty, còn bà ấy ở Công ty Lâm sản… 

Ông bà Tăng – Nhật trước Nhà thờ họ Nguyễn Ngọc của gia đình
Ông bà Tăng – Nhật trước Nhà thờ họ Nguyễn Ngọc của gia đình

Như sợ mải kể chuyện gia đình sẽ quên mất chuyện chiến trường, ông Tăng cẩn thận hỏi: Tôi kể tiếp chuyện đi đánh Điện Biên Phủ cho các đồng chí nghe nhé? 

Bắt đầu là chúng tôi hành quân lên Tây Bắc. Tất nhiên là đi bộ, băng rừng, vượt suối mà đi. Từ Thái Nguyên, chúng tôi sang Đoan Hùng (Phú Thọ) rồi ở đó một thời gian ngắn. Sau đó sang Yên Bái qua phà Âu Lâu, qua Ngã ba Cò Nòi sang Sơn La, vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo, rẽ trái áp sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cứ đêm đi, ngày nghỉ, mất hơn chục ngày.

Là đơn vị bộ binh, nên mỗi người chúng tôi đeo một bao gạo, một cơ số đạn, lựu đạn và súng. Ngày nghỉ trong rừng, bẻ lá cây để nằm, đêm lại hành quân. Sinh hoạt rất thiếu thốn, vất vả. Vừa đi đường, vừa “hò lơ” và hát cho quên bớt mệt nhọc. Khi xuất phát ở Thái Nguyên, chúng tôi được quán triệt là “Đi chiến dịch Trần Đình” chứ không biết ở đâu. Đến ngã ba Cò Nòi chúng tôi mới chính thức được thông báo là đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại đoàn 308 được phân công phụ trách ở hướng tây. Lúc đầu được quán triệt là phải “đánh nhanh, thắng nhanh”, chúng tôi đã áp sát cứ điểm. Sau đó, bỗng nhận được lệnh phải rút ngay vì chuyển sang thực hiện chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”. Thế là Trung đoàn 88 của chúng tôi rút ra và hành quân sang Thượng Lào để tiêu diệt các cứ điểm xung quanh Điện Biên Phủ nhằm hỗ trợ cho việc tiến công Điện Biên Phủ được chắc thắng.

Các cứ điểm bên Thượng Lào địch dùng để dự phòng cho việc nếu thất thủ ở Điện Biên sẽ rút quân sang. Nhưng có lẽ bọn chúng “nghe danh” Trung đoàn Tu Vũ đang tiến đánh, nên chúng tôi đi tới đâu thì địch ở đó lại rút hết từ trước, chúng tôi chiếm toàn bộ các mục tiêu mà chưa cần nổ súng.

Tiếp theo, chúng tôi lại quay về trận địa ban đầu, ở hướng tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là củng cố trận địa và đào hào. Tuyến hào chúng tôi đào là tuyến đường trục nối từ Bản Cháy sang Sư đoàn bộ (lúc này đóng ở một khu rừng phía tây thung lũng Mường Thanh). Ngoài đường trục, chúng tôi bắt đầu đào các tuyến nhánh tiến thẳng vào cứ điểm, tạo thế bao vây. Mặc dù đào ban đêm, nhưng địch vẫn bắn rát, dội pháo vào chiến hào. Đào càng gần, chúng bắn càng dữ dội, khiến bên ta phải chịu nhiều thương vong. Trung đội 4 của tôi có đêm bị hy sinh mất 2/3. Thời điểm đó, Trung đội trưởng của tôi hy sinh và tôi được chỉ định làm Trung đội trưởng thay thế.

Ông Tăng xem tài liệu nói về ông trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Như Hải
Ông Tăng xem tài liệu nói về ông trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Như Hải

Người chiến sĩ ôm bộc phá vuông năm ấy

 Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được phân công phụ trách 10 cứ điểm, trong đó có sân bay Mường Thanh và hầm Đờ Cát. Đơn vị tôi là Trung đoàn 88 được phân công đánh 3 cứ điểm là 311, 311A, 311B.

Lại nói về những gian nan, vất vả trong sinh hoạt của người lính. Sắp vào trận nhưng chúng tôi vẫn phải ăn cơm gạo hẩm với rau rừng, sức lực của anh em bị giảm sút. Gạo do dân công chở lên bằng xe thồ, bằng quang gánh, một phần do chính chúng tôi “cõng” lên, trên đường bị mưa ướt, qua suối bị ngập… nên trở thành gạo hẩm. Có lúc hỏi anh nuôi: “Sao không vo kĩ đi cho đỡ hôi?” thì anh nuôi trả lời “Nếu vo kĩ, vò mạnh thì còn tan ra hết, lấy gì mà ăn!”. Sau này, lúc bắt đầu vào chiến dịch, chúng tôi mới có gạo từ Khu 4 đem ra tiếp tế, lại có cả mắm kem Thanh Hoá (loại mắm sền sệt hơi giống mắm tôm chua bây giờ), đôi khi còn được ăn cả gạo nếp của đồng bào Tây Bắc rất thơm và dẻo. Lấy cơm nắm chấm với mắm kem, thi thoảng có rau rừng nữa, ăn rất ngon. Nhờ đó, sức khoẻ của bộ đội được cải thiện đáng kể.

Tôi vẫn nhớ một kỉ niệm, đó là lần chúng tôi lấy thực phẩm của giặc Pháp để tự bồi bổ cho mình. Chẳng là, quân Pháp dùng máy bay để thả đồ tiếp tế. Thời gian đầu, chúng bay thấp, thả hàng rất chính xác vào các doanh trại. Nhưng sau bị cao xạ của ta bắn nên chúng phải bay cao để thả hàng và bị chệch mục tiêu khá nhiều, rơi ra xung quanh cứ điểm. Chúng thả ban ngày, còn ta phải đợi ban đêm mới lấy được.

Ban ngày chúng tôi quan sát xem hàng rơi ở chỗ nào. Đêm xuống, chúng tôi cử một người bò vào để lấy. Chiến sĩ này sẽ buộc dây dù vào chân và bò vào. Sau đó, cắt cái dù thả hàng, lấy sợi dây dù buộc ở chân mình đem buộc vào hàng rồi giật dây để ra hiệu cho đồng đội ở ngoài kéo ra. Chiến lợi phẩm có cả súng đạn và các hộp không rõ đựng thứ gì. Chúng tôi chuyển cả về tuyến sau, chỉ giữ lại những gì ăn, uống được. Lương khô, thịt hộp, thậm chí cả cà - phê, thuốc lá… thế là lính ta được dịp thưởng thức!

Ông Tăng (ngoài cùng bên trái) cùng các nhân chứng tham gia làm phim tư liệu về Điện Biên Phủ (tháng 4/2024). Ảnh: Ngọc Như Hải
Ông Tăng (ngoài cùng bên trái) cùng các nhân chứng tham gia làm phim tư liệu về Điện Biên Phủ (tháng 4/2024). Ảnh: Ngọc Như Hải

Ngày mùng 1 tháng 5, đợt 3 chiến dịch bắt đầu. Từ 5 giờ chiều, chúng tôi bí mật hành quân từ Bản Cháy phía tây Mường Thanh xuống đường hào trục rồi ra đường hào nhánh, tiến về cứ điểm 311A. Trời mưa nhiều, hào hầu hết ngập bùn, nhiều chỗ trên mặt bùn còn loang loáng vết máu chiến sĩ ta, đúng là “máu trộn bùn non” như nhà thơ Tố Hữu từng viết. Nhờ đào hào đánh lấn mà chúng tôi coi như đã tiến sát vào trung tâm của địch rồi.

Tôi phụ trách Thê đội 2 của mũi bộc phá cánh trái, khi tiến sát cứ điểm địch, tôi cảm giác như đang tiến sâu vào biển lửa, trước mắt, sau lưng, bên phải, bên trái chỗ nào cũng rừng rực lửa đạn.

21 giờ, lệnh phát hỏa, Thê đội 1 có nhiệm vụ tiến công trước. Họ căng hai vải dù trắng hai bên, đánh dấu cho 15 chiến sĩ bộc phá ống xông lên phá tan 15 lớp rào kẽm gai của địch. Đến lượt Thê đội 2, tôi dẫn đầu 15 chiến sĩ bộc phá vuông xông lên cửa mở, đánh vào lô cốt. Đạn pháo địch lúc này rót liên tiếp vào đột phá khẩu, những tiếng nổ chói óc, những ánh chớp và khói bụi mù mịt. Tôi hô “Tiến lên”. Bỗng mắt tôi tối sầm lại, tôi chỉ còn nghe những tiếng nổ và mang máng những bước chân nhảy qua người rồi lịm đi không biết gì nữa.

Ông Tăng xuống thăm lại những đường hào mình đã từng chiến đấu cách đây 70 năm. Ảnh: Ngọc Như Hải
Ông Tăng xuống thăm lại những đường hào mình đã từng chiến đấu cách đây 70 năm. Ảnh: Ngọc Như Hải

Tôi bị thương cả vào đầu, tay và chân, mấy ngày sau anh em đơn vị vào thăm cho biết: Tiểu đoàn 322 chúng tôi đã đánh rất tốt, cùng Tiểu đoàn 290 tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở cứ điểm 311A chỉ sau gần 1 tiếng chiến đấu.

Nâng tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ trên tay, ông Nguyễn Ngọc Tăng xúc động nói: Tấm Huy hiệu này tôi được trao tại bệnh viện dã chiến. Chỉ huy của tôi nói: “Đây là phần thưởng Bác Hồ tặng chúng ta”. Từ đó, tôi luôn giữ tấm Huy hiệu bên mình, coi đó là biểu tượng tự hào của tôi và con cháu.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Trong căn nhà ngát mùi hoa bưởi

Minh Hằng – Trần Thép

Clip: Trần Thép – Ngọc Hải

3 đã tặng

2

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy