Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:45 (GMT +7)

Trường THPT Lương Ngọc Quyến: Những dấu hỏi về việc thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh

VNTN - Nổi tiếng là “Lá cờ đầu” trong khối các trường THPT của tỉnh với bề dày truyền thống và những thành tích đáng tự hào, nhưng trường THPT Lương Ngọc Quyến (thành phố Thái Nguyên) cũng nhận về không ít lời than phiền, bức xúc từ phía phụ huynh về các khoản thu đầu năm học. Tìm hiểu về quy trình, nội dung thu chi các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh (CMHS) nhà trường, quả thật vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời.


 Trường THPT Lương Ngọc Quyến (LNQ) là một trong những trường đứng đầu tỉnh về việc tuyên truyền vận động thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Điển hình như chỉ trong 3 học kỳ (năm học 2014-2015 và học kỳ I năm học 2015-2016) tổng số tiền xã hội hóa giáo dục huy động được đã là hơn 2,2 tỉ đồng, trong đó số tiền do CMHS đóng góp ủng hộ lên tới hơn 1,2 tỉ đồng. Đấy là chỉ tính riêng khoản tiền “xã hội hóa giáo dục”, còn các khoản “thỏa thuận và tự nguyện” khác do CMHS đóng góp hàng năm, con số thu được cũng lên tới hàng tỉ đồng.

Nhưng đằng sau những khoản tiền rất lớn đó là nhiều chuyện cần bàn xoay quanh quy trình và nội dung thu, chi.

  Quy trình… ngược?

Ngày 27/8/2017, trường THPT LNQ tổ chức Hội nghị Ban đại diện CMHS trường mở rộng. Hội nghị có sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường, Ban đại diện CMHS trường và 43 đại diện CMHS của 43 lớp. Tại Hội nghị, Ban đại diện CMHS trường đưa ra Nghị quyết thống nhất về các khoản thu và sử dụng các khoản do CMHS đóng góp (trong đó có nhiều khoản thu mang tính chất thỏa thuận và tự nguyện). Ngay sau đó, Nghị quyết đã được thông qua luôn, mặc dù sau đó 14 ngày, cuộc họp phụ huynh toàn trường mới diễn ra. Như vậy chỉ có khoảng 50 trong số gần 2000 phụ huynh nhà trường được tham gia đóng góp ý kiến và thống nhất Nghị quyết.

“Đó hoàn toàn là quy trình ngược. Lẽ ra phải thông báo dự kiến các khoản thu, rồi tiếp thu, lắng nghe ý kiến của phụ huynh các lớp phản hồi, thì mới được thông qua Nghị quyết. Chứ đưa Nghị quyết rồi thì đương nhiên là bắt buộc, không thể thay đổi được. Ý kiến của một phụ huynh không thể là tiếng nói chung của mấy chục phụ huynh một lớp được!”, một giáo viên trong trường bày tỏ quan điểm không tán thành với cách làm của nhà trường và Ban đại diện CMHS.

“Quy trình ngược” này đã đẩy giáo viên và phụ huynh vào “thế đã rồi”.

Dù là người trực tiếp tham gia triển khai và thu các khoản đóng góp của phụ huynh nhưng các giáo viên chủ nhiệm cũng bị “đẩy ra ngoài” việc bàn bạc, thống nhất. “Chúng tôi không được bàn, không được biết, không được dự các cuộc họp đó. Chỉ được biết trước cuộc họp phụ huynh toàn trường một đến hai ngày để triển khai tới phụ huynh.”, một giáo viên chủ nhiệm khẳng định.

Trước cuộc họp phụ huynh toàn trường hai ngày, các giáo viên chủ nhiệm trường LNQ mới được cung cấp thông tin về các khoản thu, cùng với đó là những văn bản “hỗ trợ” giáo viên trong việc giải trình các thắc mắc của phụ huynh. Và đương nhiên phụ huynh học sinh các lớp cũng chỉ nắm được thông tin về các khoản cần nộp trước ngày họp một đến hai ngày. Việc này đã vi phạm Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Trong Công văn nêu rõ: “Cần phải lập Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí chi tiết... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giang Minh Thuyết - Trưởng Ban đại diện CMHS nói rằng: “Trước mỗi năm học mới, biết được chủ trương của nhà trường, chúng tôi tiến hành họp ban Thường trực (9 người) dự toán chi phí, báo cáo Sở Giáo dục-Đào tạo rồi triển khai tới phụ huynh 43 lớp lấy ý kiến. Các bậc phụ huynh đều nhiệt tình ủng hộ.”. Như vậy các khoản đóng góp của CMHS có hay không sự đề xuất từ phía nhà trường mà người đứng đầu là Hiệu trưởng? Đảng ủy, Hội đồng sư phạm nhà trường có bàn bạc và thông qua các khoản huy động này?

Và quy trình cũng như ý kiến “Các bậc phụ huynh đều nhiệt tình ủng hộ” mà Trưởng Ban đại diện CMHS nói trên có đúng với thực tế mà chúng tôi đã tìm hiểu được? Xin trích ra đây ý kiến của một phụ huynh có con đang theo học lớp 12 tại trường: “Hôm nay họp đóng tiền mà hôm qua mới có thông báo các khoản thu lên đến mấy triệu đồng. Chẳng kịp chuẩn bị, phải chạy đi vay nóng đến khổ!”.

Sai phạm, bất cập trong khoản thu?

Trực tiếp tham dự cuộc họp phụ huynh toàn trường ngày 10/9/2017 tại một số lớp của trường LNQ, ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều những tiếng bàn tán, phàn nàn về các khoản thu đầu năm học.

Anh H. có con gái mới vào học lớp 10 tại trường ngao ngán: “Đến hôm qua cháu nhà tôi mới được các cô phổ biến danh sách các khoản thu. Thú thực nhìn vào nó tôi thật sự bị sốc, nhiều khoản thu với số tiền không hề nhỏ, đó quả thực là gánh nặng với chúng tôi bởi đồng lương hai vợ chồng cộng lại mới được 7 triệu, chắt chiu lắm mới sống được”.

Nhìn vào các khoản thu đầu năm của con anh H. ngoài tiền học phí công lập là 65 nghìn/tháng còn có nhiều các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện khác như: tiền nước uống - 100 nghìn; hỗ trợ bảo vệ, lao công - 150 nghìn, xã hội hóa giáo dục - 300 nghìn; quỹ hội phụ huynh lớp - 500 nghìn; tiền mua cơ sở vật chất 3 năm - 500 nghìn (đối với lớp 10); tiền trông xe máy điện - 400 nghìn… và tổng số tiền phải đóng góp lên đến gần 4 triệu đồng. Các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trên đều do Ban đại diện CMHS thực hiện và ở tất cả các lớp, đều có hầu hết các khoản thu này.

Rất nhiều phụ huynh thắc mắc: “các khoản điện, nước, bảo vệ cơ quan của các đơn vị sự nghiệp đã được ngân sách cấp đủ vậy sao vẫn còn thu thêm nhiều tiền như vậy? Đành rằng đây là khoản phụ huynh hỗ trợ thêm nhưng lại có sự trùng lặp, chồng chéo, đơn cử như đã thu tiền hỗ trợ bảo vệ rồi lại còn tiền gửi xe? Rồi lại có khoản tăng lên so với năm trước, như tiền điện nước tăng 20 nghìn, tiền trông xe tăng gấp đôi so với năm học trước (từ 20 nghìn đồng/tháng lên 40 nghìn đồng)…”.

Thắc mắc, phàn nàn của các phụ huynh cũng chỉ xoay quanh các khoản, số tiền mà rất ít người biết rằng trong các khoản thu mà họ phải “tự nguyện” đóng góp đó có không ít khoản là sai phạm và Ban đại diện CMHS không được phép thu. Tại mục 4 điều 10 Thông tư 55/2011/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định rõ “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.”

Như vậy, đối với các khoản thu của trường LNQ như: tiền điện nước, tiền hỗ trợ bảo vệ, lao công, tiền gửi xe, tiền mua cơ sở vật chất,… do Ban đại diện CMHS thực hiện đều là vi phạm Điều lệ Ban đại diện CMHS của Bộ GD&ĐT ban hành.

Như đã nói ở trên, trước ngày họp phụ huynh toàn trường một ngày, các giáo viên sẽ phát văn bản hoặc đọc danh sách các khoản cần thu đầu năm học cho học sinh chép mang về thông báo với phụ huynh. Nhiều phụ huynh đã chuẩn bị sẵn tiền cùng mảnh giấy ghi rõ số seri từng tờ cho vào phong bì, bên ngoài ghi họ tên con mình để ngày hôm sau dự họp mang đến nộp. Các khoản tự nguyện, thỏa thuận đã được ấn định cụ thể như: tiền mua cơ sở vật chất - 500 nghìn (đối với lớp 10); quỹ khuyến học - 120 nghìn; tiền xã hội hóa giáo dục (dự kiến đầu tư cơ sở vật chất vào 4 phòng thực hành đạt chuẩn để đảm bảo công nhận lại trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2015 - 2020) khối 12 - 150 nghìn, khối 11 - 200 nghìn, khối 10 - 300 nghìn… Phụ huynh nào có điều kiện có thể đóng góp nhiều hơn.

Với cách làm như vậy, thời gian để từng phụ huynh cụ thể được đóng góp ý kiến là không thể và chẳng phải các khoản thu mang tính chất tự nguyện đều đã bị trường LNQ hay Ban đại diện CMHS cào bằng? Việc này cũng lại vi phạm Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD&ĐT. Trong Công văn chỉ rõ: “Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo...”.

Không chỉ trường LNQ mà không ít trường trong tỉnh mắc phải những vi phạm về các khoản thu và quy trình thu. Những vi phạm này đã kéo dài trong nhiều năm nay và có vẻ như vì tồn tại lâu nên đều đã “sai hóa thành đúng”. Dù bức xúc nhưng các bậc phụ huynh cũng chỉ biết phàn nàn, chia sẻ với nhau rồi để đó. Ai nấy đều lo sợ khi phản ánh, thắc mắc sẽ khiến việc học tập của con em mình bị ảnh hưởng nên cứ im lặng mà đóng góp các khoản tự nguyện, dù trong lòng chẳng “tự nguyện” chút nào. Dần dần, các bậc phụ huynh ngày càng có “ác cảm” đối với Ban đại diện CMHS, nó trở thành nỗi ám ảnh đối với họ, đặc biệt là những phụ huynh nghèo.

Có hay không việc lạm chi?

Việc thu là như vậy. Còn việc sử dụng các khoản thu đó thực tế diễn ra như thế nào?

Khoan bàn đến những vấn đề chung như việc phải tuân thủ quy trình, đối tượng, nguyên tắc chi tiêu; các quy định của pháp luật về thủ tục, chứng từ chi tiêu…, ở đây, chúng tôi muốn đi sâu xem xét trên một văn bản cụ thể, đó là “Báo cáo quyết toán các quỹ năm học 2016 - 2017” của trường LNQ.

Nhìn tổng thể, có cảm giác bản báo cáo này được kê khai khá chi tiết, cụ thể, “khoản nào ra khoản ấy”; đối chiếu với “Kế hoạch sử dụng các khoản thu thỏa thuận - xã hội hóa” được thông qua từ đầu năm học 2016 - 2017 cũng thấy các khoản được chi đúng theo tinh thần, nội dung kế hoạch đã đề ra. Nhưng sau khi đọc kỹ, đối chiếu với các quy định của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Điều lệ Ban đại diện CMHS, chủ yếu là Điều 10 - Kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS sẽ thấy nhiều điều bất ổn.

Trước hết, theo quy định, việc thu phải dựa trên tinh thần thu theo thỏa thuận, thu đủ chi. Nhưng thực tế thì ở một số khoản có sự chênh lệch đáng kể giữa thu và chi, dẫn đến khoản tiền dư, ví như: mục “điện nước sạch”, thu 209 triệu, dư 62 triệu; mục “tài năng” thu 224 triệu, dư 45 triệu; thậm chí, mục “quỹ hội thể thao” thu 38 triệu, dư 35 triệu. Ở đây có thể thấy rõ việc thu - chi không sát thực tế. Phải chăng người thu thì cứ thu, chỉ biết thu, với phương châm “thừa còn hơn thiếu”, không cần tính đến tình hình tài chính của đối tượng phụ huynh khó khăn - những người mà mỗi lần đóng góp đều phải vất vả thu xếp từng đồng một? Số tiền dư được thông báo sẽ chuyển vào năm học sau. Điều này có đúng quy định không? Và những học sinh cuối cấp có được trả lại tiền dư hay không?

Không chỉ vậy, dễ dàng nhận thấy nhiều khoản chi xa lạ, không thuộc chức trách, nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS.

Đó là danh mục một loạt các khoản chi cho việc tặng quà các ngày Lễ, Tết Nguyên đán cho từ nhân viên bảo vệ, phục vụ, bộ phận tài vụ, đến 108 cán bộ giáo viên nhà trường, với mức chi từ 500 nghìn/người đến 1 triệu/người (tổng chi cho mục này hết 180,75 triệu, với 11 tiểu mục). “Chu đáo” hơn, còn có khoản chi quà 1/6 cho 89 cháu thiếu nhi, có lẽ là con em cán bộ giáo viên nhà trường (hết 4,45 triệu). Chưa hết, còn chi “hỗ trợ các tổ chuyên môn, Đoàn Thanh niên, hoạt động chuyên môn”, với 8 tiểu mục, tổng chi là 59,39 triệu… “Tôi thật không hiểu họ dựa vào đâu để chi những khoản này?” - một phụ huynh bày tỏ.

Những khoản chi này dù đều nằm trong Quy chế chi tiêu của Ban đại diện CMHS trường LNQ nhưng thử hỏi, những khoản chi này có thiết thực, có đúng với trách nhiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không?

Bên cạnh một số khoản phụ huynh thấy việc chi còn “mạnh tay”, chưa tiết kiệm, chưa hợp lý so với mức giá thực tế, thì một điểm cũng cần nói nữa, đó là việc mập mờ, thiếu minh bạch, thiếu thuyết phục ở một số khoản chi, khi chỉ ghi một số tiền chung chung (với giá trị không hề nhỏ) mà không có các tiểu mục đi kèm. Ví dụ: mục “chi thăm hỏi, hiếu hỷ”: 30.110.000đ; “chi khen thưởng”: 126.530.000đ; “chi trả thuê bảo vệ, lao công, vật tư...”: 90.570.000đ. Không biết, trong trường hợp phụ huynh thắc mắc, muốn làm sáng tỏ các khoản chi này, liệu có được cung cấp chứng từ đầy đủ, chính xác?

Đến đây, có lẽ không quá lời khi nói đó là những biểu hiện của việc lạm chi?

Và chúng tôi cũng muốn đặt thêm câu hỏi: Với hàng tỉ đồng huy động từ PHHS, hàng trăm triệu đồng do Ban đại diện CMHS cấp trường trực tiếp chi, thì việc giám sát hoạt động quản lý chi tiêu của họ được ai thực hiện, thực hiện như thế nào?

                   *

Như vậy, tại trường THPT LNQ, Ban đại diện CMHS cấp trường đã vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý, thu-chi các khoản đóng góp của CMHS. Tình trạng vi phạm này còn xuất hiện ở một số trường khác trong tỉnh. Chắc chắn không thể nói rằng các Ban đại diện CMHS “tự tung tự tác” lạm thu - lạm chi theo ý họ, vì vậy dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà trường và ngành giáo dục khi để xảy ra tình trạng vi phạm này. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt và “mạnh tay” hơn nữa trong việc giám sát, chấn chỉnh, xử lý mọi hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Các bậc phụ huynh cũng phải tự trang bị kiến thức, vốn hiểu biết và mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng phản ánh, đấu tranh với những sai phạm. Có như vậy mới chấm dứt được nạn lạm thu và làm trong sạch môi trường giáo dục.

Nhóm PV

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước