Xuyến Chi
Truyện ngắn. Nguyệt Chu
Tôi chạy qua cánh đồng chiều vi vút gió, lao về phía sông. Bàn chân đạp trên những thảm hoa xuyến chi trắng ngần vương vãi suốt dọc đường. Gió tơi tả đập vào mặt, rát bỏng. Như một ngọn đuốc hừng hực, tôi nhảy ào xuống sông. Cố nhắm mắt lại, ngụp lặn giữa dòng nước mát lành nhưng hình ảnh chị vẫn hiện ra trước mắt. Tim tôi như bị bóp nghẹt vì hạnh phúc và tội lỗi. Giá mà, tôi không lao vào nhà ầm ầm như một kẻ điên. Giá mà, khi thấy chị thấp thoáng sau khe cửa, tôi đã bỏ đi. Giá mà... Sau những phút giây chết lặng, tôi giật mình ngơ ngác. Tiếng nước chị dội ào ào từ bên kia khe cửa không đủ dập tắt ngọn lửa đang cháy trong lòng tôi. Tôi đã thoáng ước ao giá mình là đôi bàn tay ấy.
Chị không hề biết tôi đã nhìn thấy chị. Chỉ mình tôi gặm nhấm nỗi sung sướng và đau khổ ngấm ngầm như một bi kịch diễm tình đầu tiên của một người trai mới lớn. Tôi vùng vẫy, hò hét giữa cái mênh mông khắc khoải của dòng sông. Những con sóng mệt nhoài rồi nát vụn trong những hơi thở gấp gáp và nóng hổi. Rồi lặng đi. Đôi bờ thiêm thiếp. Tôi rệu rã bước lên bờ. Cả thân hình ướt sũng. Tôi nằm vật xuống đám hoa xuyến chi, ngửa mặt lên trời. Mảnh trăng non mong manh như một cánh hoa vừa bị gió thổi tung vào bầu trời xa ngút. Hàng triệu bông hoa nhỏ xinh sáng lên trong bóng tối, rập rờn trước gió mềm mại như dải lụa tít tắp đến khôn cùng. Cả người tôi nhẹ bẫng tựa cánh hoa, tan đi trong dịu ngọt. Tan đi trong những giọt nước long lanh trên da thịt chị trinh nguyên. Chỉ còn lại một cảm giác mê đắm mơ hồ…
Bỗng tiếng ếch nhái kêu rộ lên làm tôi choàng tỉnh. Một mùi hăng hăng lạ lẫm xộc vào mũi tôi. Thân dưới ướt sũng và nóng hổi. Tôi ngỡ ngàng chợt hiểu ra, từ giờ mình đã không còn là một cậu bé hồn nhiên vô tư nữa. Một cảm giác bâng khuâng, khó hiểu. Vừa háo hức lại vừa tiếc nuối.
Tôi ngẩn ngơ nhìn dòng sông đêm. Loang loáng dưới trăng mờ. Những bông hoa loang loáng. Cả chị cũng loang loáng. Như một ảo ảnh. Sao người ấy lại là chị? Rồi lại giật mình. Biết đâu lúc này, chị chẳng đang hớt hải chạy tìm tôi?
*
Bố tôi đi xây, bị ngã giàn giáo. Cả nhà cuống cuồng. Tôi chẳng còn thời gian và tâm trí nào nghĩ về chuyện đã xảy ra với chị. Một khao khát câm nín tạm thời ngủ vùi trong sâu thẳm. Mẹ tôi sau bao đêm miệt mài thức trắng, giờ mái tóc đã pha sương. Tôi giật mình thấy mắt mẹ đục mờ. Những nếp gấp của thời gian mải miết xô đuổi nhau trên khuôn mặt mẹ. Chị vẫn lặng yên như từ thuở xưa. Cái lặng yên nhoi nhói tủi hờn, chất chứa bao điều, muốn nói ra mà không thể.
Bố ra viện. Cũng đồng nghĩa với bao món tiền kéo nhau đội nón ra đi. Tiền lúa, tiền khoai, tiền chuẩn bị cho tôi thi đại học. Cả con trâu, cái cơ nghiệp của nhà tôi cũng được ngã giá ba chục triệu để dồn vào chữa chạy cho bố. Thế mà vẫn nợ đầm đìa. Thôi thì, người còn, của còn. Nhưng giờ bố tôi không thể lao động nặng được vì chấn thương cột sống.
Những đêm đầu tiên từ viện về, bố không sao ngủ được. Ông nằm quay mặt vào vách, như muốn tan ra cùng bóng tối câm lặng. Rồi lại lục đục trở dậy. Ra đầu hồi, vớ cái điếu cày, rít một hơi. Những ngọn khói bạc phếch, quẩn vào ông, không sao bay lên được. Rồi lại lên cơn ho dữ dội. Mẹ lại vội vàng xỏ chiếc dép, loẹt quẹt trở dậy, dìu bố vào nhà, vừa đi, vừa an ủi, vừa trách móc. Tôi nghe rõ từng cái cựa mình của chị ở trong buồng. Những tiếng thở dài cố nén lại trong lồng ngực. Ánh sáng của chiếc đèn bàn làm mắt tôi hoa lên như nổ đom đóm. Tôi chẳng còn tâm trí nào mà học nữa. Thi đỗ đại học thì sao chứ, càng làm cho cái món nợ chồng chất của gia đình tôi thêm nặng hơn. Tôi vớ lấy quyển sách, nghiến ngấu mà xé. Thấy cổ họng mình nghẹn lại. Rồi nằm vật xuống giường. Côn trùng rền rĩ trong đêm, xoáy vào lòng tôi nhức buốt.
Hôm sau, tôi nói với bố mẹ rằng sẽ không thi đại học mà sẽ đi làm. Giờ tôi phải là trụ cột của cái nhà này chứ không phải một kẻ ăn bám sức dài vai rộng. Gia cảnh giờ đã thế, bố mẹ cũng chẳng có cách nào thay đổi quyết định của tôi. Chị nhìn tôi buồn buồn. Đôi mắt như dòng sông ngập gió.
Ở quê, tôi cũng chẳng thể kiếm được công việc nào khác ổn hơn là đi phụ hồ cho người ta. Mọi người cũng thường làm công việc này trong lúc nông nhàn. Bây giờ, chỗ nào mà chẳng xây nhà xây cửa, nhà nhà đua nhau, làng làng đua nhau. Dù có ăn mắm mút dòi, có vay mượn tứ tung thì cũng cố xây cái nhà khang trang để ngẩng mặt nhìn thiên hạ. Mà nếu không xây nhà cho người sống thì cũng khối đám xây nhà cho người chết, vừa to, vừa đẹp. Thế nên tôi chẳng thiếu việc để làm. Sức trai tráng thì làm gì cũng được.
Bố tôi ở nhà, buồn chân buồn tay, quanh quẩn mãi với mấy con lợn, con gà cũng chán. Rồi bỗng thấy ông trái tính trái nết. Rất hay cáu bẳn và quát mắng người khác một cách vô lý. Lại còn uống rượu. Uống rượu trong bữa cơm. Rồi uống bất cứ lúc nào. Uống vào thì lời ra. Lúc đầu, tôi chậc lưỡi, rượu nói chứ không phải là bố nói. Thấy thương. Bố đang giận đời, giận mình lắm chứ. Nhưng, càng ngày, tôi càng khó chịu bởi những cơn say của ông. Những cơn giận dữ ngùn ngụt của con ma men dâng lên làm cho ông điên đảo. Tôi cãi nhau với bố. Ông vơ điếu cày ném tôi. Tôi tránh được. Chiếc điếu cày đập vào tường vỡ toác. Nước điếu chảy ra lênh láng, bốc lên một mùi nồng nặc, khăn khẳn. Ông rít lên chửi rủa. Quân mất dạy, quân bất hiếu. Tôi vùng vằng bỏ đi. Chị cuống quýt chạy theo tôi. Chị sợ ánh mắt bố. Những tia lửa đỏ vằn lên trong lòng mắt trắng dã. Ông vẫn không ngớt làu bàu, đay nghiến. Mẹ lặng lẽ quét dọn, lau chùi. Có lúc, tôi chợt giật mình, biết đâu đến lúc nào, mẹ tôi cũng lặng câm như chị.
Tôi và chị ra ngồi ở bờ sông. Heo may chùng chình đậu trên từng con sóng. Xuyến chi giăng ngập lối, chập chờn như cánh bướm. Những cánh hoa mỏng tang rớt xuống, nhụy hoa thành hạt, găm tua tủa vào chiều. Đầu nhụy có móc, vương cả vào tóc chị. Chúng tôi ngồi giữa bạt ngàn xuyến chi trong ngần khi hoàng hôn bảng lảng buông. Tiếng cha âm u vỡ tan vào sóng. Tóc chị xổ ra, cuồn cuộn dâng lên trong lòng tôi, nhức nhối xanh. Tôi thoáng nhìn khuôn ngực phập phồng của chị căng đầy sau lần áo mỏng. Chợt rùng mình. Buổi chiều xưa lại ùa về đánh thức những khao khát tưởng đã ngấm ngầm quên. Bàn tay tôi ngây dại chạm vào tóc chị. Gỡ ra những nhụy hoa hãy còn xanh rồi lại nắm chặt trong tay run rẩy. Chị gần tôi quá đỗi. Hơi thở chị nồng ấm bao bọc thân thể tôi. Từ thuở nhỏ tới giờ, chẳng đếm được số lần tôi và chị gần nhau. Ấy vậy mà kể từ buổi chiều định mệnh đó, cảm giác của tôi về chị đã hoàn toàn đổi khác. Tôi không thể trở về là một đứa em hồn nhiên khi nhìn vào chị. Tôi đã từng ước ao một cái gì đó. Tội lỗi chăng?
Bỗng chị cầm bàn tay tôi đang nắm chặt rồi mở tay tôi ra. Những nhụy hoa biếc xanh giập nát rơi xuống đất, sực lên mùi ngai ngái hăng hăng. Chỉ còn lại bàn tay chai sần thô ráp của nhọc nhằn vất vả. Mới có vài tháng mà vôi vữa đã hằn in trên đường chỉ tay tôi. Những đường chỉ tay chạm khắc số phận. Chị đưa tay tôi lên áp vào má chị. Đôi má bầu bầu, mịn màng và ấm áp. Tôi biết chị đang muốn xoa dịu nỗi đau trong tôi. Như trước kia, chị vẫn thường làm vậy. Tôi xoay người lại, ôm lấy chị. Mái tóc chị trùm phủ khuôn mặt tôi. Tôi hít hà để hương thơm từ chị lan thấm sang cơ thể mình. Miên man gió nâng tôi trôi trong một cõi bồng bềnh. Ký ức thuở ấu thơ bừng lên như một cánh hoa rụng xuống ngày hư ảo.
Ngày đó, mẹ dắt chị về. Một đứa bé còi cọc, lấm lem và khuôn mặt luôn cúi gằm xuống đất. Mái tóc cháy nắng, rối bù, khét lẹt. Tôi gườm gườm nhìn chị như một kẻ lạ mặt xâm phạm vào vương quốc của mình. Tôi giãy lên khi mẹ ân cần âu yếm và chăm sóc chị. Mà chị thì, chỉ lắc hoặc gật đầu mỗi khi ai hỏi gì và ú ớ liên hồi. Chị không nói được, chân tay khua khoắng khi muốn diễn đạt điều gì đó. Mẹ bảo thấy chị ngồi lơ vơ bên góc chợ, nước mắt nước mũi giàn giụa, đi chẳng đành lòng nên đem chị về nuôi. Chẳng biết chị tên gì, từ đâu đến, mấy tuổi rồi, sao lại lạc đến đây. Bao nhiêu năm nay, câu hỏi ấy vẫn chẳng thể trả lời như một bí mật về ký ức bị số phận cố tình chôn giấu. Chỉ vì khi ấy, chị giữ khư khư trong tay những bông hoa xuyến chi nên mẹ đặt tên chị Xuyến Chi. Loài hoa dại ven đường, thầm lặng và đơn côi như chị.
Bỗng có tiếng chim kêu thảng thốt. Sương đã giăng mờ kín cả dòng sông. Mảnh trăng bạc khuất nửa sau dải mây xám đục. Xuyến chi khép cánh, nép vào bóng tối. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Kéo chị đứng dậy, tôi nắm chặt bàn tay chị. Tôi và chị bước đi, bỏ lại đằng sau, dòng sông rền rĩ. Âm thầm. Gió vi vút trong điệu nhạc không lời. Dòng sông và cánh đồng, và tuổi thơ, nơi tôi và chị đã ngụp lặn suốt những tháng ngày thênh thang.
*
Buổi chiều, tôi đi làm về sớm. Vòng ra đồng, mẹ bảo, chị vừa về rồi. Lại bảo, tôi cũng về luôn đi, cầm bó rau khoai lang về cho chị xào. Mẹ sẽ ghé vào nhà bà ngoại và ở luôn đó. Trong cơn gió chiều sắt se, tôi thấy mùi thơm ngào ngạt từ món rau xào tỏi len vào mũi. Cánh đồng chiều nghiêng nghiêng trên đôi vai của mẹ, rồi khuất dần, chỉ còn là những đốm sáng li ti của những cánh xuyến chi mỏng tang rắc bên trời.
Tôi dựng cái xe máy cà tàng ở cổng, định ra sân giếng rửa mặt mũi chân tay thì bỗng nghe thấy tiếng động lạ từ trong nhà. Cửa gian cạnh khép hờ, chút ánh sáng hấp hối của vầng dương rớt rơi nơi góc thềm phong rêu. Bỗng “choang!” có tiếng nghe như chai lọ vỡ, tôi lao vào nhà. Tôi kinh hoàng hét lên, xộc ngay tới, túm lấy bố rồi quật ngã ông. Ngay tức khắc, chị nhổm dậy rồi ào chạy. Nhưng chị bỗng rú lên, mảnh chai thủy tinh đâm vào bàn chân, loe loét máu. Tôi quay cuồng trước những gì đang xảy ra, cả người run lên vì giận dữ và xót xa. Tôi ôm lấy chị, xé vội mảnh áo quấn vào chân chị. Khuôn mặt chị lấm lem, nước mắt chị mặn chát nơi cổ họng tôi. Áo chị bị giật đứt chiếc cúc ở ngực, lộ ra một vài vết xước hơi rỉ máu. Tôi xiết chặt hơn. Cả thân hình chị rung lên trong những nức nở không thành tiếng.
Căn nhà chìm trong bóng tối âm u. Mùi rượu sực lên nồng nã. Những mảnh thủy tinh ánh lên sắc lẹm, nhoi nhói đâm vào lòng tôi. Bố tôi nằm còng queo ở một góc, rên rỉ. Ông có tỉnh chăng hay vẫn trong cơn say nghiệt ngã? Rượu thấm đẫm thân thể ông, tưới lên cơn khát thú tính. Tôi hận ông! Nếu ông không phải là bố tôi, có lẽ tôi đã giết chết ông ngay trong khoảnh khắc ấy. Tôi hận mình! Lẽ ra tôi phải về sớm hơn. Lẽ ra tôi phải biết khi say thì người ta chẳng còn là mình nữa. Nếu tôi không về kịp, chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi đau đớn không dám nghĩ đến điều khủng khiếp ấy.
Cõng chị vào phòng, đặt chị lên giường, tôi mặc thêm áo và băng lại vết thương cho chị. Ánh mắt chị đâm sâu vào khoảng không lạc lõng. Như ánh mắt ngày ấy, khi mẹ dắt chị về.
Tôi nhớ có lần mình giẫm phải mảnh chai, chị vừa băng cho tôi vừa khóc. Còn tôi vẫn cứ nhe răng cười, vì may mà người ta không bắt được cái thằng bé ăn trộm ổi. Bao nhiêu năm rồi, lại đến lượt tôi băng vết thương cho chị. Chị chảy hộ tôi những giọt nước mắt đắng đót thấm vào đời.
Sáng sau, mẹ về, không hề biết những chuyện đã xảy ra. Mùi rượu nồng nã đã tan đi và những mảnh thủy tinh từ cái chai rượu vỡ đã được chôn ở xó vườn, như chôn đi một cú sốc đầu đời nhức buốt. Nhưng bố tôi vẫn nằm mà không trở dậy. Ông kéo cái chăn trùm kín đầu. Từng hơi thở nặng nhọc, rệu rã. Mẹ lật chăn lên, đưa tay đặt vào trán bố, bỗng giật nảy người. Bố mày sốt cao thế này mà chả đứa nào hay. Tao mà không về, khéo bố mày chết cũng không ai biết. Sốt ư? Chết ư? Chết quách cho rồi! Tôi lầm bầm đay nghiến. Như thể ông đang diễn kịch trước mặt mẹ tôi.
Vậy mà từ hôm đó, bố tôi nằm liệt giường. Cũng do chấn thương cột sống. Tôi hoang mang nghĩ đến lúc mình đã xô ngã ông khi nhảy vào cứu chị. Lỗi ở tôi chăng? Không! Ông đã gieo nên nghiệp chướng. Nhìn ông nằm lọt thỏm trong bóng tối, tôi vừa hận lại vừa xót xa. Tôi bước ra phía cửa. Quay lưng đi, bỏ lại chút hơi thở tàn tạ cuối mùa.
*
Chị sắp lấy chồng. Bố tôi muốn trước khi chết được nhìn thấy chị lên xe hoa. Tôi chẳng thể ngăn cản lễ vu quy của chị. Mẹ sẽ bảo tôi là một kẻ điên. Nói với mẹ về những chuyện đã xảy ra? Để rồi dằn vặt nhau và chẳng bao giờ có thể nhìn vào mắt nhau được nữa. Chị sẽ tuột khỏi tay tôi như những cánh hoa xuyến chi rớt vào lòng đất. Chỉ còn nhụy hoa nhoi nhói, từ khi biếc xanh đến lúc đã ngả màu, tả tơi găm vào nỗi đau, gỡ hoài mà chẳng thoát.
Mẹ kiếm cho chị một đám khá. Mẹ bảo vậy. Dù sao chị cũng phải lấy chồng. Dù sao chị cũng chẳng cả đời ở với nhà mình được. Chị vốn đã thiệt thòi thì cũng nên sớm để cho chị có hạnh phúc riêng tư. Hạnh phúc ư? Chị đã biết người ấy thế nào đâu mà nói là hạnh phúc? Tôi những muốn chị giãy lên phản đối nhưng chị vẫn cúi đầu lặng im. Cái cúi đầu nhẫn nhịn cũng là đồng ý.
Những ngày tháng chạp. Khi gió rền rĩ từng cơn trên những con nước giữa dòng, thuyền hoa rước chị tôi rời bến. Chiếc áo trắng tan theo những cánh hoa màu trắng, loang loáng. Đám cưới ồn ã cả một khúc sông mà những giọt nước mắt chị tôi rớt rơi trong câm lặng. Chiếc thuyền xa khuất. Chỉ còn lại những vệt nước chầm chậm trôi.
Tôi ngập giữa những bụi xuyến chi. Nhụy hoa hóa mũi tên tua tủa. Những cánh hoa sắc lạnh như những mảnh thủy tinh tan tác trong một chiều hơi men nồng nã.
Chị đi rồi. Tôi cũng bỏ làng đi. Mẹ níu chân tôi. Khóc. Tôi vẫn bước mà không quay đầu lại. Bố tôi nằm nghiêng, nhìn về phía con đường. Ánh mắt chìm lút vào xa xôi. Tôi ào chạy ra bến sông. Ánh mắt ấy rơi vãi dọc đường. Tôi không lượm lại.
Qua sông, tôi bắt xe lên thành phố. Ngơ ngác trước những cái ồn ào xa hoa. Khư khư ôm cái ba lô trước ngực, đến chỗ nào tôi cũng nghếch lên xem người ta có tuyển người làm. Gần hết ngày, tôi đánh liều vào một nhà nghỉ đang treo biển tìm bảo vệ. Sau một hồi thỏa thuận, tôi được nhận vào làm. Tôi sẽ ở luôn trong nhà kho, thế là đỡ phải thuê nhà. Tôi mau chóng ổn định chỗ ở. Cô chủ còn trẻ, áng chừng ngoài ba mươi chỉ bảo tôi rất ân cần. Những ngày đầu tiên trôi qua nhẹ nhàng, dễ chịu. Tôi băn khoăn chẳng lẽ kiếm tiền ở thành phố lại đơn giản vậy sao. Hết tuần, cô chủ gọi tôi lên phòng. Cô mời tôi uống trà, bảo rằng muốn tâm sự với tôi nhiều hơn.
Chén trà trôi xuống cổ họng chan chát ngòn ngọt. Tôi thấy toàn thân nóng ran và bức bối. Chao đảo, mắt hoa lên. Trước mắt tôi rực rỡ một miền xuyến chi lấp lánh. Chị nhìn tôi đắm đuối. Khuôn ngực trắng ngần như một cánh hoa. Tôi khờ khạo lao vào chị. Mê man và hoang dại. Như lồng lộng một chiều bên sông ngập gió, tan tác những cánh trắng mỏng manh.
Có tiếng chạy rầm rầm làm tôi tỉnh giấc. Ngơ ngác chưa kịp hiểu gì thì ba thanh niên hùng hổ xông vào. Bốp! Cú đấm như trời giáng làm mắt tôi như nổ ra. Thằng đĩ non, xéo ngay khỏi đây. Tôi luống cuống run rẩy xỏ lại xống áo rồi hớt hải chạy khỏi phòng, thu xếp đồ đạc rồi mau chóng cuốn xéo khỏi cái cạm bẫy kinh hoàng đó.
Tôi lang thang ra gầm cầu. Một mắt sưng vù. Nhục nhã và đau đớn. Tôi ngồi phệt xuống đất, ôm chặt chiếc ba lô trước ngực, đôi mắt vô hồn thả vào dòng người ngược xuôi tấp nập. Chợt nhớ chị muốn khóc. Một đám xuyến chi cánh rụng tả tơi, chỉ còn đám nhụy như những mũi tên cố ngoi lên trong màn khói bụi giữa chốn phồn hoa.
Sau sự cố ấy, tôi xin được một chân phụ hồ. Một đám người tứ xứ ăn tục nói phét, đề đóm, cờ bạc rủ tôi vào hội. Một đám đàn ông lâu ngày đói cái khoản đàn bà. Có bữa, các lão rủ tôi đi giải khuây. Đang phút cao trào, bỗng hình ảnh chị vụt qua. Tôi xịu xuống.
Những tháng ngày bí bách và rệu rã. Những con người ẩm mốc, đói khát phần bản năng. Đột nhiên tôi thấy một nỗi sợ mơ hồ. Và một chút gì đó của sự cảm thông. Cho những góc khuất.
*
Tôi lại trở về bến sông xưa. Hoa xuyến chi rớt xuống như mưa trước những ngọn gió sắt se của những ngày tháng chạp. Sáo đã sang sông để lại một vùng nước u sầm. Bố tôi nằm giữa cánh đồng lạnh giá đơn côi. Chỉ còn là cỏ. Cả quá khứ, cũng chỉ còn là cỏ. Cỏ xanh, cỏ vàng rồi cũng tan vào đất nâu. Tôi hụt hẫng, chới với giữa chiều. Chợt thấy ánh mắt thuở xưa rơi vãi dọc đường. Giá mà tôi lượm lại.
Tôi ra góc vườn ngồi trước những mảnh chai vỡ trong một chiều nghiệt ngã. Đất đùn thành một nấm mộ hoang. Xuyến chi đã mọc lên, những bụi hoa mỡ màng. Cánh hoa xoẹt ngang như một vết cứa từ mảnh chai sắc lạnh.
Mẹ ủ dột trong bóng tối. Suốt từ ngày tôi đi. Tiếng nói âm u loang vào đêm. Gờn gợn. Một sự cô độc bủa vây. Tôi níu chân mẹ. Khóc. Cha tôi hoảng loạn trong những ngày cuối đời…
Chị về đột ngột. Hơi sông lành lạnh còn phủ mờ gương mặt. Chị nhìn tôi ngượng ngập. Đôi mắt bải hoải rã rời. Phải chăng con sáo sang sông đã bị trúng thương? Chị nắm bàn tay lớp lớp tầng tầng chai sạn của tôi rồi khóc. Như muốn hỏi tôi rằng những tháng qua tôi đã phiêu bạt nơi nao.
Chị đi rồi, đến lượt mẹ lại khóc. Tôi hoang mang gặng hỏi. Mẹ lắc đầu, chuyện đàn bà, mày chẳng hiểu được đâu. Tôi thở dài, bỏ ra sông. Nhìn đàn sáo bay đi, ắt có con đã xổ lồng. Chiều đè nặng lên cánh chim bạt gió.
Một chiều, tôi ngỡ ngàng thấy mẹ sang sông dắt chị về. Như chiều thuở xưa trong ánh mắt chị buồn rơi buồn rụng. Tôi ào ra đón chị, chị cúi mặt, quay đi rồi rảo bước vào buồng. Tôi sững lại như trời trồng trước cửa. Mẹ lặng lẽ đi vào nhóm lửa. Bỏ lại tôi chông chênh, tứ phía gió ùa vào. Mưa như rắc bụi phủ trắng xóa. Chân tôi như hóa rễ. Mái tóc phất phơ vi vút gió một chiều đông. Bỗng chị chạy ra kéo tôi vào nhà. Gục đầu vào vai tôi chị khóc. Lại một lần tôi ngây dại vuốt lên tóc chị. Nhưng không gỡ những nhụy xuyến chi. Nước mắt chị nhỏ vào lòng tôi xót lặng. Tôi đỡ khuôn mặt chị lên, bàng hoàng thấy những vết bầm tím ngắt. Trong phút chốc, tôi lờ mờ hiểu ra. Điều mà tôi lo sợ, trớ trêu thay, đã là sự thật. Mẹ tôi đã tự dằn vặt mình biết mấy. Bà đâu thể ngờ, người mà bà tin tưởng khi họ rước chị về lại là con người cuồng bạo và đê tiện. Hắn hành hạ chị để thỏa mãn những vui thú xác thịt. Và càng hả hê khi chị chẳng thể nói gì…
Tôi choáng váng khi nghe mẹ nói. Cố kìm sự phẫn uất trong bàn tay nắm chặt. Từng khớp xương kêu khô khốc rã rời. Gió lùa vào, đập cửa bếp phành phạch. Những sợi khói quẩn lên, nhòe mắt đắng. Cục than hồng bốc thành lửa ngùn ngụt trong lòng tôi.
*
Con đò vừa chòng chành cập bến, tôi đã nhảy lên bờ. Lướt qua những cái ồn ã của một chiều cuối năm, tôi náo nức bước đi. Đâu đó có tiếng gọi: “Sinh viên về nghỉ tết rồi à?”. Tôi đáp lại bằng những tiếng cười xôn xao. Hai bên đường, xuyến chi đẫm sương. Từng cánh mỏng khiêm nhường mà bền bỉ trong những cơn gió bấc và mưa giá. Chị thấp thoáng sau màu xanh non tơ, đôi tay vẫy vẫy như những cánh hoa trắng trong một ngọn đông phong chớm thổi về hơi ấm nồng nàn.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...