Xuôi dòng nước mắt
… “Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”!
(Ca dao)
Bảo nằm thiếp đi bên giường bệnh của bố, đã là đêm thứ ba anh thức trắng để trông ông. Cô y tá đẩy cửa bước vào, tiếng cửa mở khiến Bảo giật mình choàng tỉnh, anh đứng dậy khẽ gật đầu chào cô y tá và chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cô. Sau khi kiểm tra huyết áp và thay lọ dịch truyền mới, cô y tá dặn khẽ:
- Anh chú ý theo dõi nhịp thở cũng như dịch truyền cho bác, có gì không ổn anh sang phòng trực gọi em.
Nói rồi cô nhanh nhẹn bước ra, Bảo ngồi xuống ghế chăm chú quan sát gương mặt bố. Bộ râu lởm chởm do đã hơn tuần nay chưa được cạo, khuôn mặt gầy hốc hác, hằn sâu những nếp nhăn. Mái tóc dài đã bạc. Hơi thở nặng nề, khó nhọc. Nhìn bố, Bảo xót xa vô cùng. Ôi mới đấy mà sao ông xuống sức nhanh vậy. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ mới chỉ sau một tuần nằm viện mà đã suy kiệt đến vậy? Lòng Bảo bỗng thổn thức trào dâng một nỗi niềm thương cảm… ký ức bỗng ùa về...
Bảo mồ côi mẹ khi mới học lớp 2, chị gái học lớp 5. Bố một mình làm lụng nuôi hai chị em ăn học. Thời trai trẻ bố đi bộ đội làm hậu cần, do giỏi nấu ăn nên ông được thủ trưởng đơn vị cho đi học lớp nấu ăn sáu tháng về phục vụ cho các thủ trưởng. Sau khi lấy vợ được ba năm, thương vợ một mình nuôi con vất vả ông xin phục viên về quê cùng vợ mở quán ăn ven làng kiếm sống. Nhưng do vốn liếng ít mà khách hàng lại chịu nhiều nên sau hơn một năm vợ chồng ông phải đóng cửa quán. Từ đó ông đi làm đầu bếp cho mấy quán ăn trên phố, lúc nhà này, khi nhà khác. Do tay nghề giỏi lại hiền lành, chất phác sau cùng ông được một nhà hàng lớn trên phố mời lên làm đầu bếp chính. Từ đó công việc của ông trở nên ổn định vì lương của ông được chủ nhà hàng trả rất hậu hĩnh. Công việc đang thuận lợi thì vợ ông bị ung thư vậy là bao nhiều tiền nong tích cóp ông đều dùng lo thuốc thang cho vợ, ấy vậy mà bà vẫn quyết bỏ ba bố con ông. Trước khi nhắm mắt bà nắm tay ông và dặn gắng nuôi hai con ăn học nên người. Thương vợ ông nén nỗi đau trong lòng, ngày đêm làm lụng, nuôi nấng hai con.
Bảo nhớ sau ngày mẹ mất, sáng sáng bố đèo hai chị em đến trường trên chiếc xe Honda đã cũ. Bọn bạn cùng lớp biết ông là đầu bếp nên chúng thường trêu trọc hai chị em đủ kiểu, có đứa còn chế cả thơ để trêu. Mỗi khi chúng thấy hai chị em đứng chờ bố đến đón là chúng lại đồng thanh gào lên:
“Ôi ông Bồi, đội nồi xuống bếp/ Nhanh tay làm, ông xếp vào mâm/ Ai cũng bảo, ông hâm ông dở/ Nhưng không ngờ, cơm phở rất ngon!”
Những lúc thế hai chị em tức lắm nhưng không làm gì được chúng. Về mách bố thì ông bảo:
- Các con chấp với chúng làm gì, kệ chúng nó, mà chúng nói thế là chúng khen bố nấu ăn ngon đấy chứ, có gì xấu đâu nào?
Ông ôm hai đứa vào lòng xoa đầu xí xóa, rồi bất ngờ ông móc từ trong túi áo ra gói kẹo vừng to bự dúi cho hai chị em bảo:
- Thôi ngồi đây ăn đi để bố nấu nồi canh nữa là xong, bố con mình ăn cơm, chiều bố phải đi làm sớm.
Khi Thảo học đến lớp 12 chị không thích bố đi nấu bếp nữa, lần ấy chị bảo:
- Giờ con lớn rồi, con không muốn mang tiếng là con ông “Bồi bếp” nữa, bố hãy vì chúng con mà nghỉ việc đi có được không? Bố làm gì cũng được, miễn không phải là nấu bếp! Con xấu hổ với các bạn lắm! Bố người ta thì…
Ông chết lặng người không biết nói thế nào với con. Ông thấy như chính mình là tội đồ, tim ông nhói đau! Hồi lâu, ông mới nói, giọng như van vỉ:
- Bố biết bấy lâu nay các con đã xấu hổ vì bố không được như bố người ta, bố không phải là ông giám đốc này, ông trưởng phòng nọ, bố cũng không phải là bác sỹ, hay kỹ sư… mà chỉ là anh đầu bếp, suốt ngày nhom nhem cùng than củi và đồ ăn… công việc thấp hèn! Bố chả biết diện comle - cà vạt ra sao. Nhưng các con biết đấy, bố cũng chỉ học hết cấp 3 rồi đi bộ đội, rồi làm công việc bếp núc. Cái bố được học cũng chỉ là sáu tháng nấu bếp rồi bố thấy công việc đó hợp với bố, bố thích nên bố làm và đeo đuổi nó… Giờ đã già bố còn biết làm gì nữa hả con? Đằng nào cũng chỉ còn vài tháng nữa con tốt nghiệp cấp 3 và sẽ vào đại học, xa nhà rồi con không sợ mọi người biết bố mình là ai đâu? Bố hứa sẽ giấu kín danh phận của mình. Còn giờ các con hãy cứ để bố làm, bởi nếu không làm, bố con mình sẽ sống như thế nào? Việc ăn học của con bốn năm đại học, lại còn em con nữa lấy gì ra chi tiêu? Một tháng họ trả bố hai mươi triệu đấy. Vất vả bố chịu được, xin các con hiểu bố.
Nghe bố nói vậy, chị Thảo vụt chạy vào buồng tức tưởi khóc. Còn Bảo không biết nói gì. Chỉ biết từ đó hầu như bố không xuất hiện cùng hai chị em ở bất cứ sự kiện nào cả. Chính vì vậy mà cũng ít người biết đến ông là ai? Làm gì?
Ngày chị Thảo ra trường đi làm cho công ty ngoại quốc lương tháng được trả bằng tiền đô, ông mừng rơi nước mắt. Hơn năm sau chị lấy chồng Đài Loan và theo chồng về bên đó. Trước ngày cưới, ông gọi chị về trao cho mười cây vàng làm của hồi môn và dặn chị những điều cần thiết cùng lời chúc hạnh phúc. Rồi ông giao hết quyền đón tiếp khách khứa, bạn bè của con cho mấy người em chú họ xa đảm nhiệm. Tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn 5 sao dưới Hà Nội, ông lấy cớ say xe không thể tới dự. Đêm ấy ông gục đầu khóc thầm trước bàn thờ vợ!
Giống như chị gái, Bảo lớn lên vào đại học ra trường thành kỹ sư giỏi, có uy tín, Bảo được bổ nhiệm giám đốc khi tuổi còn rất trẻ… và cũng từ đó Bảo xa dần vòng tay người bố vốn suốt đời tận tụy vì con. Bảo vui với bạn bè, quen với những bữa tiệc xa hoa cùng các đối tác… Bảo bỏ lại làng quê có ngôi nhà nhỏ cùng người cha già một mình, ngày đêm vò võ mong ngóng anh về! Bảo cứ mải miết đi, mải miết chạy đua với các công trình, dự án, mải miết kiếm tiền và đắm chìm trong những cuộc tình đầy lãng mạn... Bảo quên bẵng đi trách nhiệm của người con đối với bố. Bảo cho rằng, ở quê bố vẫn khỏe và vẫn sống tốt. Họa hoằn Bảo mới gọi điện về cho bố hỏi qua quýt vài câu chiếu lệ. Dịp tết vừa rồi, anh về với bố kèm theo một bó giấy khen, giấy chứng nhận các loại… Ông mừng lắm, đem treo hết lên tường, mấy ngày tết ai đến ông cũng khoe. Mọi người mừng, khuyên ông nên theo con về Hà Nội ở cho đỡ cô đơn, nhưng ông từ chối vì không quen. Thực tình ông biết Bảo muốn được tự do. Ông vẫn đi làm rất siêng năng và vẫn được trả lương rất hậu hĩnh. Ông vẫn sống bình dị, thi thoảng góp chút tiền từ thiện hoặc ủng hộ quỹ người nghèo. Ông đóng góp nhiều mà không bao giờ ghi danh…
Hôm ấy Bảo đang cùng các bạn ăn nhậu tại một nhà hàng sang trọng thì nghe có chuông điện thoại gọi đến, thấy số máy lạ Bảo liền tắt ngay nhưng số máy đó liên tục gọi đến, phải tới cuộc gọi thứ năm Bảo mới nghe máy:
- Anh có phải là Bảo con ông Bồi đó không? Tôi gọi từ quê lên cho anh đây. Bố anh đang cấp cứu tại bệnh viện tỉnh anh thu xếp về ngay để gặp ông cụ nhé!
Lúc này Bảo mới như người mơ sực tỉnh. Anh vội vã về với bố. Lúc vào phòng cấp cứu, gặp Bảo ông vẫn còn tỉnh táo, ông vội nắm chặt tay con như không muốn dời, hai hàng nước mắt giàn giụa chảy xuôi bên gò má, rồi ông nói:
- Giờ con đã lớn, có công ăn việc làm rồi, con hãy sớm lo xây dựng gia đình, yên bề gia thất… tiếc là bố không thể đồng hành cùng con được nữa chỉ mong con hạnh phúc!
Đêm hôm ấy ông dặn dò Bảo mọi điều, có lẽ ông lượng được sức mình biết không còn sống được bao lâu. Sức khỏe của ông cứ yếu dần theo từng ngày, sang ngày thứ tám thì ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trưa ngày thứ mười ba, ông mất!
Lo tang ma cho bố xong, Bảo mở tủ lấy ra chiếc hộp gỗ mun đen bóng, khi còn sống bố anh thường dùng cất những giấy tờ quan trọng của gia đình. Mở hộp ra anh thấy một sổ tiết kiệm gần một tỷ đồng cùng tờ di chúc của ông để lại. Mắt anh nhòe đi khi đọc những dòng sau cùng… “Cuối cùng bố xin lỗi các con vì bố không phải là người bố tuyệt vời như các con mong đợi, để các con tin tưởng, tự hào, hình ảnh của bố đã có lúc làm các con xấu hổ! Tha lỗi cho bố vì những điều bố không thể làm được cho các con! Cầu mong các con hạnh phúc! Được như vậy khi gặp mẹ bố cũng đỡ tủi! Vĩnh biệt các con! Bố: Trần Đức Bồi.”
Bảo giật mình khi biết đây chính là nỗi day dứt của bố suốt bao năm qua! Thì ra bố đã âm thầm chịu đựng sự cô đơn, buồn tủi như thế chỉ vì lo giữ thể diện cho con mình! Hình ảnh dòng nước mắt chảy xuôi hai bên khóe mắt lúc lâm chung của bố giờ đây khiến anh day dứt khôn nguôi!
Phố Đu chiều mưa, 14/7/2018
Bùi Nhật Lai
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...