Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:59 (GMT +7)

Xuân về bên kia sông Đuống

VNTN - Nhà thơ Hoàng Cầm, người làng Hồ, bên bờ nam sông Đuống đã viết về bãi sông quê mình:

“Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc...”

Mùa xuân này bạn có dịp cùng tôi đi một chuyến dọc theo dải đê, từ cửa Dâu nơi nối sông Đuống với sông Hồng, xuống cửa Mỹ Lộc, chỗ sông Đuống đổ vào Lục Đầu Giang, bạn sẽ thấy ngô khoai dâu chuối nõn nà lá biếc thế nào. Cả cánh bãi mênh mông, mùa nào thức ấy ngập màu xanh mướt. Đất phù sa do nước sông bồi đắp bao đời mới nên, thơm mát mịn màng như miếng giò lụa. Trồng cấy cây gì xuống cũng tốt tươi, cũng cho ra hoa kết trái. Mùa đông cây khô lá vàng nhưng bên bãi sông vẫn cứ ngan ngát xanh. Thỉnh thoảng chen vào một vạt cải ra hoa vàng rực triền sông, nam thanh nữ tú rủ nhau về chụp ảnh seo phi, up lên phây rồi còm khen nhau rối rít...

Làng quê bên sông Đuống đằng nam Kinh Bắc hầu như nằm cả phía trong đê. Không bị lũ lụt hành hạ. Cây trái tốt tươi, khí hậu thuận hòa, con người hiền hậu. Ngày xưa kinh tế thuộc hàng khá nhất nước nên đời sống phong lưu lắm. Làng nào tổng nấy quy củ ngăn nắp. Chả thế mà anh trai làng Đông Hồ chèo thuyền trên sông chở tranh tết đi các nơi bán, nhìn thấy cô nàng đi chợ đã tán thế này: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề làm tranh.” Làng Mái là tên Nôm của làng Đông Hồ. Các làng vùng này đều có hai tên. Một tên Nôm, một tên tự. Như làng Hồ, nơi sinh ra nhà thơ Hoàng Cầm thì tên tự là Lạc Thổ. Một ngôi làng nổi tiếng trong vùng do đến bây giờ vẫn giữ được khá nhiều hồn cốt của văn hóa làng xã Kinh Bắc là làng Nôm, thì tên tự là làng Đại Đồng. Sao lại có cái tục này? Tôi đã hỏi khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thế nhưng câu trả lời hầu như vẫn còn bỏ ngỏ... Còn như có lịch có lề ở đây thì, lịch là thanh lịch đấy. Dân làng tranh Đông Hồ ngày xưa ngồi vẽ tranh trong nhà, tao nhã lắm. Mấy cái việc đồng áng bùn đất thuê người nơi khác đến làm cả. Còn lề, chính là đất lề quê thói. Là cái lề lối ăn ở. Là phong cách ứng xử của người dân vùng này. Là cái lệ làng, hương ước được xây đắp từ bao đời truyền lại. Là “nhịn miệng đãi khách đường xa/ Ấy là của để chồng ta ăn đường.” Là “lời chào cao hơn mâm cỗ.” Là lời ca quan họ, “Đến đây thì ở lại đây, bao giờ tốt rễ xanh cây thì về/ Hôm nay sum họp trúc mai, tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm...”

Hồi xưa có ông bạn học cùng lớp đại học, người miền Trung, bảo: “Quê nhà ông chắc phải giàu có lắm thì mới thấy hội hè đình đám quanh năm. Hát quan họ thâu đêm suốt sáng được chứ?” Tôi lúc đó cũng chẳng biết trả lời thế nào, đành ậm ừ. Bởi vì lúc đó tôi cũng đói, cũng nghèo có khác gì ông bạn tôi kia? Thế nhưng dù gì thì quê tôi miền Kinh Bắc, năm hết tết đến xuân về vẫn cứ vui xôn xao. Đương nhiên là phải đủ bánh chưng thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Trẻ em xúng xính quần áo mới, đợi nhận tiền mừng tuổi. Và mỗi nhà thế nào cũng ra chợ, ra đình mua một bức tranh Đông Hồ xanh đỏ tím vàng rộn mắt, đem về dán lên bức vách đón xuân. Thế nhưng hình như tết xưa vui hơn tết nay. Ngày xưa, trước tết đôi tháng là cả làng đã bắt đầu chuẩn bị đón xuân. Các bô lão hai giới quét dọn sang sửa đình chùa, rồi tranh thủ dắt con cháu ra đồng tảo mộ, mời các cụ về ăn tết cùng người thân. Các gia đình thì gạ nhau “đụng” lợn tết. Con bé thì hai nhà, con to thì ba bốn nhà chung nhau mổ một con lợn. Vui nhất là sáng ba mươi tết, đầu làng cuối xóm rộn tiếng lợn kêu eng éc. Rồi thì tiếng băm chặt. Tiếng cối giã giò kí cốp. Mùi thơm của thịt chín bốc lên lừng lẫy. Buổi trưa ba mươi, gần như phụ nữ cả làng ra bến nước hoặc giếng làng vo gạo nếp, đãi đỗ xanh, rửa lá dong về gói bánh. Trong khi các ông bố ngồi khoanh tròn tỉ mẩn xếp lá, dồn gạo, đỗ, thịt lợn và khéo léo gấp bẻ rồi buộc chặt bằng những cái lạt giang mềm để thành cái bánh chưng to vuông vức, thì lũ trẻ con hau háu chầu xung quanh, đợi bố sẽ gói cho mỗi đứa một cái bánh chưng “út” để chơi riêng. Và ngọn lửa bập bùng luộc bánh chưng đêm ba mươi tết chắc sẽ còn in mãi trong ký ức nhiều người...

Cơ mà tết nay khác rồi. Mọi thứ đa số đi mua, chẳng còn cái nhộn nhịp sắm sửa bán mua, đủ thiếu. Chả nhà nào còn phải lo đồ ăn thức đựng nữa. Tết nay chú trọng đi chơi hơn. Cái lệ, mùng một tết cha mùng hai tết mẹ mùng ba tết thày cũng giản tiện đi nhiều. Thế nhưng việc du xuân hội hè đình đám thì hình như vẫn thế. Thi sĩ Hoàng Cầm xưa đã từng viết:

“Mấy trăm năm thấp thoáng

mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Tháp

Giữa huyện Lang Tài...”

Quê tôi là miền lễ hội. Mùa xuân là mùa lễ hội. Bắt đầu từ ngày mùng bốn tết là lễ hội làng Đồng Kỵ và Hội ngắm hoa Mẫu Đơn trên núi Phật Tích. Cứ thế triền miên, làng nọ tổng kia thay nhau mở hội. Dịp đó đi trên con đê sông Đuống, dưới mưa xuân lất phất bay, bạn sẽ được nghe văng vẳng tiếng trống hội thì thùng từ các làng vọng ra. Không khí như đượm một mùi thơm khó tả. Hình như là mùi của hoa xoan hoa bưởi. Mùi của hương trầm. Mùi của rượu quê ngây ngất say. Tất cả những thứ đó hòa trộn vào với nhau thành ra một thứ hương say Kinh Bắc. Bảng lảng. Ngây ngất. Rồi bạn sẽ gặp trên đường đê, xưa thì là từng tốp các cô áo dài mớ ba mớ bảy, thắt lưng xanh, đỏ, hồng điều, kèm thêm nón thúng quai thao ríu rít rủ nhau đi xem hội... Nay thì xe máy tay ga, váy áo son phấn tưng bừng. Vẫn ríu rít như xưa. Vẫn má đỏ môi hồng cho khách phương xa ngơ ngẩn. Chàng Từ Thức xưa gặp tiên trên núi Phật Tích rồi quên cả đường về. Nay có cả muôn ngàn chàng đến hội làng rồi cũng chẳng muốn về. Bởi hội đã tan đâu. Hết hội làng này mai sang làng khác. Lại có hội. Bởi tại câu ca dao: “Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu, mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng.” Mùng chín tháng tư âm lịch hội tế Đức Thánh Gióng bên kia sông Đuống, làng Phù Đổng mới kết thúc mùa lễ hội của miền Kinh Bắc cơ mà...

Dọc triền sông Thiên Đức, tên chữ của sông Đuống. Vùng Nam Kinh Bắc gồm các huyện Gia Lâm (nay thuộc Hà Nội), Văn Lâm (nay thuộc Hưng Yên), Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, các làng hầu như có phong tục tập quán giống nhau. Cảnh quan cũng giống nhau lắm. Các tục lệ từ ma chay cưới xin giỗ chạp cỗ bàn... hầu như thế cả. Hầu như không có sự khác biệt. Làng Kinh Bắc xưa nề nếp quy củ. Trai gái dựng vợ gả chồng đều phải nộp cheo cưới mấy trăm viên gạch chỉ, để lát đường và xây cổng làng ngõ xóm. Thế cho nên con đường làng, đường ngõ của vùng này hầu hết xưa đều được lát gạch nghiêng, gồ sống trâu. Cổng các làng đều được xây cất khá quy mô chắc chắn. Tối đến đóng cổng chèn kỹ, nội bất xuất ngoại bất nhập. Trên tam quan cổng làng có cả chỗ để cho tuần đinh ngủ canh làng ban đêm. Hồi còn bé, cổng làng chưa bị phá, bọn trẻ con chúng tôi nhiều hôm còn công kênh nhau lên đó ngồi hóng mát trưa hè và chơi tam cúc, chơi tú lơ khơ với nhau mãi...

Nhưng mà nay khác xưa rồi.

Cổng làng cổng xóm, đình chùa miếu mạo tới những năm từ giữa thế kỷ hai mươi trở đi, chả biết do nhân tai hay thiên tai mà bỗng dưng mất sạch. Làng xóm xác xơ. Người làng ra ngồi dưới chân tre đợi kẻng hợp tác nhìn nhau ngao ngán. Thế rồi vật đổi sao dời, dịp gần đây bỗng dưng các làng lại đua nhau xây cất lại đình chùa miếu mạo. Xây lại cả cổng làng. Cơ mà rặt xanh đỏ tím vàng, bê tông cốt thép lạnh băng. Trông chán lắm. Hồn cốt xưa của làng hình như đã bay đi đâu mất. Ừ, hồn làng Kinh Bắc xưa là cây đa bến nước sân đình. Là rặng tre là cây xoan đầu ngõ cây bưởi trong vườn thơm ngát mỗi độ xuân về. Là mái nhà tranh nho nhỏ, là mái ngói thâm u nép dưới tán cây sấu, cây mít, cây muỗm trong vườn. Bây giờ làng nào cũng đường bê tông. Nhà nào cũng bê tông cao ba bốn tầng, mái tôn xanh đỏ nhọn hoắt chọc vào mắt thì hồn làng biết trú ngụ nơi đâu. Người đi xa về có hơi buồn, làng mình chẳng còn như xưa. Thế nhưng dòng sông Đuống vẫn cứ thao thiết chảy tắm mát cho bờ bãi nương dâu. Xuân về cả dải nam sông vẫn dập dìu à ơi câu hát. Các cô má đỏ môi hồng vẫn ríu rít cùng nhau đi hội. Tao nhân mặc khách vẫn ngân nga câu thơ của cố thi sĩ tài danh làng Hồ:

“Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.”

Còn bạn, xuân này mời về bên bờ nam sông Đuống với tôi...

Trần Thanh Cảnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước