Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:24 (GMT +7)

Xóm Đồi yêu dấu

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ, quen với sông ngòi hiền hòa và những đêm trăng lộng gió ngàn ngát hương sen. Từ ngày theo bố lên Thái Nguyên, vào Mỏ Sắt Trại Cau công tác và sinh sống, tôi như lạc vào một thế giới mới với rất nhiều điều xa lạ. Anh trai lớn hơn tôi vài tuổi ra chiều hiểu biết nên luôn phải giải thích những câu hỏi của tôi. Sao lại có núi hả anh? Sao nước suối trong và mát hơn nước sông? Sao rừng họ trồng nhiều loại cây thế, không như quê mình, chỉ một loại đến hai loại cây là cùng? Đầu óc non nớt của tôi có hàng trăm câu hỏi cần được giải đáp ở miền quê mới ấy.

Tác giả trong một lần trở lại xóm Đồi
Tác giả trong một lần trở lại xóm Đồi

Cái xóm nhỏ gia đình tôi trú ngụ là xóm mới, có một đoạn đường ray chạy qua và có những quả đồi lô xô như bát úp. Xóm có một tên khác nhưng lũ trẻ chúng tôi chỉ thích gọi là xóm Đồi. Về sau, cũng có nhiều người lớn gọi theo. Từ đường quốc lộ đi tới ngôi nhà của tôi phải qua một con đường đất gập ghềnh; phải lên, xuống ba cái dốc cao. Ngôi nhà đơn sơ được dựng bằng tranh tre nứa lá ấy không có gì đặc biệt, nhưng điều ấn tượng nhất đối với tôi là bao quanh nhà là những đồi dứa mênh mông. Xóm tôi ở, nhà nào cũng trồng dứa. Buổi sáng vừa mở mắt đã nhìn thấy dứa. Mỗi khi đi học hoặc ra ngoài đường cái, bàn chân phải len lỏi trong dứa. Mùa dứa chín, hương thơm ngát cả một vùng. Hàng nghìn, hàng vạn quả dứa ửng lên trong nắng trông như một thảm vàng, tầng tầng lớp lớp xa hút đến tận chân rừng.

Xóm tôi có khoảng hai mươi nóc nhà. Tầm tuổi chúng tôi có năm sáu đứa. Hằng ngày, chúng tôi tới trường phải mất nửa tiếng đi bộ dọc theo con đường mòn song song với đường sắt. Những ngày đầu, đây là nỗi ám ảnh đối với tôi. Mỗi khi tàu ầm ầm chạy qua, tạo ra những luồng gió vù vù; bánh sắt nghiến vào đường ray rít lên ghê rợn cùng "tiếng thở" phì phì nặng nề của đầu máy hơi nước. Nhất là khi tiếng còi tàu cất lên váng động cả một vùng… làm tôi sợ xanh mắt, nép vào vệ đường. Nhưng chỉ khoảng một tuần sau, tôi đi theo các bạn và đã quen dần, còn cảm thấy thích thú mỗi lần tàu chạy qua.

Khu vực xóm Đồi có hai tuyến đường sắt chạy qua, chúng được chia ra từ ga Khúc Rồng cách đó chừng hơn 1 km. Nhánh chạy qua sát nhà tôi là tuyến Kép - Lưu Xá. Tuyến bên kia là đường tàu chở quặng sắt từ Mỏ Sắt Trại Cau về Khu Gang thép. Ngày ấy, tuyến đường sắt từ ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) đi ga Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) là con đường chiến lược, là trạm trung chuyển hàng hoá nhu yếu phẩm và vũ khí các nước viện trợ vào miền Nam. Còn trên tuyến đường sắt từ Mỏ về Gang thép cũng đã có hàng nghìn chuyến tàu, chở hàng triệu tấn quặng cung cấp nguyên liệu để luyện ra gang thép, và nó cũng từng phải đương đầu với những trận bom Mỹ oanh tạc.

Có lần trên đường đi học, các bạn đã chỉ cho tôi xem những hố bom sâu hoắm, miệng tròn như chiếc chảo khổng lồ rải rác trên mặt đất. Qua những câu chuyện chúng kể lại, tôi còn biết trên mảnh đất này đã có những cô chú công nhân hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Máu của các cô chú đã thấm xuống chính con đường mà chúng tôi ngày ngày đi học. Đoạn đường sắt ngắn ngủi và bé nhỏ này có thể không có một chấm nhỏ trên bản đổ đất nước, nhưng bất cứ một người dân bản địa hoặc người ngụ cư trên mảnh đất Trại Cau cũng không ai có thể quên.

Một đoạn đường sắt qua xóm tôi, đã từ lâu không còn tàu chạy
Một đoạn đường sắt qua xóm tôi, đã từ lâu không còn tàu chạy

Từ thuở ban đầu ngu ngơ, xa lạ, dần dần mảnh đất Trại Cau và cái xóm Đồi bé nhỏ đã đẹp dần lên trong mắt tôi. Từng mảnh vườn, từng vạt đồi, từng đoạn đường ray xù xì, băng lạnh nhưng đối với tôi đều trở nên những hình ảnh ấm áp, thân thương. Chính từ mảnh đất đầy vất vả, nhọc nhằn và thấm máu của cha anh ấy, tôi đã trưởng thành, tạo đà cho những bước đi đúng hướng của cuộc đời sau này.

* * *

Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua. Bao nhiêu năm xa cách, hôm nay tôi mới có dịp quay trở lại đất Trại Cau, trở lại xóm Đồi, nơi tôi vẫn hằng tâm niệm là quê hương thứ hai của mình. Quang cảnh đã bao đổi thay. Cả hai tuyến đường sắt qua xóm Đồi hiện giờ hằng ngày không có tàu chạy qua. Tuyến Lưu Xá – Kép từ lâu đã không còn chạy tàu. Một nhánh đường sắt tránh hầm chui chạy qua xóm tôi đã được gỡ đi, thay vào đó là con đường bê tông khang trang có đóng tấm biển “Chi hội phụ nữ tổ 4 tự quản”. Đường tàu chở quặng vào Mỏ cũng không còn tàu quặng chạy nữa, bởi từ giữa năm 2020 Mỏ đã hết nguyên liệu và đóng cửa. Mặc dù vậy, nhưng những tuyến đường sắt vẫn còn đó, nó là vật minh chứng cho một thời huy hoàng, góp phần làm nên kỳ tích của dân tộc trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Tôi tìm đến nhà cô Biển, một người hàng xóm cũ ở xóm Đồi. Vừa thấy tôi, cô vồn vã:

  - Trời ơi, cháu đấy à? Lâu quá mới trở lại. Gia đình cháu chuyển đi nhưng cả xóm vẫn dõi theo gia đình ông quản đốc mỏ đấy, thấy các cháu thành đạt lại vẫn theo nghề của cha ông, ai cũng mừng.

Tôi chưa kịp nói gì, cô Biển cứ rối rít:

  - Ngồi đây, cô có loại bánh mà cháu thích hồi bé đấy. Bánh hương dứa, cháu còn nhớ không?

Tôi giật mình sửng sốt:  

  - Lâu thế rồi cô vẫn nhớ sở thích của cháu ạ?

  - Cô quên làm sao cái đêm định mệnh của mẹ con cô. Nếu không có bố cháu đi làm ca đêm về gặp cô đau đẻ giữa đường trong cái đêm Mỹ bỏ bom con đường ray chiến lược ấy cô không còn sống đến ngày hôm nay. Chiều hôm ấy cô còn làm bánh cho các cháu ăn mà.

  - Cháu nhớ rồi ạ,…

  - Thấy cô đau bụng lăn lộn, bố cháu nhanh chóng lên khu tập thể gọi người lấy tăng bạt làm võng cáng cô vào hầm địa đạo. Nửa tiếng sau thì thằng Chiến ra đời.

 Nói rồi cô đưa tôi đĩa bánh dứa thơm nức vừa nướng xong.

Tôi run run đón đĩa bánh mà cảm thấy cả tình thân trong đó, như thấy cả bao hình ảnh yêu thương của xóm Đồi xưa. Ngày ấy, mỗi dịp lễ tết, xóm Đồi có tục làm bánh hương dứa. Lũ trẻ chúng tôi thường được quây quần dưới ánh trăng thưởng thức loại bánh thơm ngon mà dường như chỉ xóm Đồi mới có. Cô Biển là người làm bánh ngon nhất xóm, lại hay vời vẫy lũ trẻ chúng tôi đến ăn.

Tôi ngạc nhiên: 

 - Cô có nhiều sản phẩm về dứa không ạ?

 - Nhà cô vẫn giữ được nếp cũ cháu ạ. Mỗi mùa dứa đến, cô vẫn làm bánh hương dứa và vài sản phẩm từ dứa. Thằng Chiến nhà cô hồi còn trong quân ngũ, thư nào viết về nhà cũng nhắc và động viên mẹ về chuyện này. Mỗi lần về phép, nó mang đi cả ba lô bánh hương dứa cô làm để chiêu đãi anh em trong đơn vị và rất tự hào về sản phẩm của quê hương.

Từ năm 2021, đường tàu vào Mỏ Sắt không còn tàu chạy nữa
Từ năm 2021, đường tàu vào Mỏ Sắt không còn tàu chạy nữa

Nghe cô Biển nói, tôi rất vui. Người xóm Đồi của tôi là thế. Mỗi bước xa quê, dù đi công tác, đi bộ đội bảo vệ Tổ quốc hay bất cứ nơi đâu nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê cũ, nơi có những mái nhà tranh đơn sơ, bé nhỏ; nơi có con đường ray hun hút phía chân trời; nơi có hương thơm ngào ngạt của mùi bánh dứa đồng quê; nơi có những tấm lòng bao dung, nhân hậu…

Bần thần cầm chiếc bánh dứa trên tay, cô Biển nói bằng một giọng hơi buồn:

- Nhưng cháu ạ, hiện nay nhiều nhà đã phá cây dứa để trồng keo, trồng chè nên sản phẩm bánh dứa cũng mai một dần.

 Tôi hiểu, an ủi cô:

- Thời hiện đại thì phải có những cây trồng phù hợp cô ạ. Điều ấy rất bình thường. Gia đình cô vẫn tìm cách giữ gìn loại bánh truyền thống của xóm ta là mừng rồi.

 Cô Biển phấn khởi:

- Nhất định cô sẽ giữ loại bánh truyền thống ấy của xóm ta cháu ạ.

Tôi trở về thành phố với một lô bánh hương dứa do chính tay cô Biển làm cùng những tâm tư buồn vui lẫn lộn.

Đất nước đang từng bước đi lên, cái xóm Đồi bé nhỏ của tôi hôm nay cũng có nhiều thay đổi. Nhưng trong tâm trí tôi dường như vẫn còn nguyên đó những mái tranh nghèo nghiêng nghiêng bên những quả đồi lô xô như bát úp, những con đường sắt cùng những chuyến tàu chở quặng, chở hàng hóa, vũ khí đi xa, và nhất là mùi dứa chín thơm như vẫn còn mãi mãi thoảng bay trong tâm hồn…

Cồ Thị Thơm

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục