Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:21 (GMT +7)

Xổ số

Shirley Jackson (1916 – 1965) là nhà văn người Mỹ được biết đến với những tác phẩm kinh dị và bí ẩn. Xổ số (The lottery) là truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà, một câu chuyện ớn lạnh mà ý nghĩa của nó đã được tranh cãi khá nhiều và tạo nên tổn thương trong công chúng kể từ khi được đăng trên tờ The New Yorker vào năm 1948.

 

Buổi sáng ngày 27 tháng 6 trời trong trẻo, nắng vàng rực rỡ, và mang cái ấm áp tươi mới của một ngày hè; hoa bung nở khắp chốn còn cỏ thì xanh ngắt. Dân làng bắt đầu tụ tập lại ở quảng trường nằm giữa bưu điện và ngân hàng lúc khoảng 10 giờ; ở vài thị trấn dân đông tới mức phải mất hai ngày mới mở xổ số xong và nó phải bắt đầu vào ngày 26 tháng 6, nhưng ở làng này, nơi chỉ có khoảng 300 người thì toàn bộ cuộc xổ số chỉ mất độ hai giờ, vậy nên nó có thể bắt đầu lúc 10 giờ sáng và làm xong vẫn kịp giờ cho dân làng về nhà ăn trưa.

Hiển nhiên là lũ trẻ tập hợp lại trước tiên. Trường vừa mới cho nghỉ hè và cái cảm giác tự do chất chứa khiến hầu hết bọn chúng đứng ngồi không yên; chúng định lặng lẽ tụ tập lại một lúc rồi mới ùa vào cuộc chơi huyên náo, và cuộc chuyện trò của chúng vẫn là về trường lớp và thầy cô, về sách vở và mấy lời trách phạt. Bobby Martin đã nhét sẵn cả mớ đá cuội vào túi còn mấy thằng nhóc khác thì bắt chước theo, chọn ra những hòn đá nhẵn và tròn nhất; Bobby, Harry Jones và Dickie Delacroix – dân làng đọc cái tên này là “Dellacroy” – cuối cùng cũng chất được một đống đá cuội ở một góc quảng trường và canh nó để mấy đứa con trai khác không cướp được. Đám con gái đứng qua một bên tán chuyện với nhau, thi thoảng lại khẽ liếc nhìn con trai, còn các em bé bước lẫm chẫm trong bụi đường hoặc bám chặt tay anh chị mình.

Chẳng mấy chốc các ông bắt đầu tụ tập, họ quan sát con mình, nói chuyện về trồng trọt và mưa gió, xe máy kéo và thuế má. Họ đứng với nhau cách xa đống đá trong góc, còn chuyện cười họ kể thì kín đáo và họ cười mỉm thay vì cười to. Cánh phụ nữ đến ngay sau đàn ông, người mặc những bộ váy và áo len ở nhà đã bạc màu. Họ chào hỏi nhau và trao đổi mấy chuyện tầm phào khi đến chỗ chồng mình. Chẳng mấy chốc sau khi đã đứng cạnh chồng thì họ bắt đầu gọi con mình lại, và lũ trẻ sau khi đã bị gọi bốn năm lần thì mới miễn cưỡng đi đến. Bobby Martin cúi xuống né bàn tay mẹ túm lấy mình và bỏ chạy, miệng cười vang vào đống đá. Bố nó cất tiếng gọi gay gắt và thế là Bobby nhanh chân chạy lại và đứng chen giữa bố và anh cả.

Cũng như những cuộc khiêu vũ ở quảng trường, câu lạc bộ thanh thiếu niên, chương trình Halloween, cuộc xổ số được chủ trì bởi ông Summers, người có đủ thời gian và sức lực dành cho mấy hoạt động chung như thế này. Đó là một người đàn ông mặt tròn, vui tính, sở hữu một doanh nghiệp than đá, mọi người cảm thấy tiếc vì ông ta không có con, còn bà vợ thì lại bẳn tính. Lúc ông ta tới quảng trường, mang theo cái hộp gỗ màu đen thì trong dân làng có tiếng xì xào, ông ta vẫy tay gọi, “Hôm nay hơi muộn tí các ông các bà ạ”. Trưởng bưu điện, ông Graves theo sau mang theo một chiếc ghế đẩu ba chân, chiếc ghế được đặt chính giữa quảng trường và ông Summers bỏ cái hộp gỗ lên trên. Dân làng cứ đứng xa xa chừa ra một khoảng giữa họ và cái ghế, khi ông Summers nói, “Có ai trong quý vị muốn giúp tôi một tay không?”, thì có chút do dự ở chỗ hai người, ông Martin và cậu con trai lớn Baxter bước ra giữ lấy cái hộp cố định trên ghế trong khi ông Summers lục lọi trong đống giấy bên trong. Đồ dùng xổ số ban đầu đã mất lâu rồi, còn cái hộp đen giờ đang đặt trên ghế đẩu đã được đem ra dùng ngay cả trước khi cụ Warner, người già nhất trong làng được sinh ra nữa. Ông Summers thường nói với dân làng về việc làm một cái hộp mới, nhưng chả ai muốn đảo lộn truyền thống tới mức làm một cái hộp đen mới khác. Có một câu chuyện nói là hộp quà được làm từ vài tấm gỗ của cái hộp trước kia vốn được làm ra hồi những người đầu tiên định cư lập làng ở đây. Hàng năm, sau buổi xổ số, ông Summers lại bắt đầu nói về cái hộp mới, nhưng năm nào chủ đề này cũng được rơi vào quên lãng mà chẳng ai làm gì hết. Cứ qua một năm thì cái hộp đen lại ngày càng trở nên te tua; giờ thì nó không còn màu đen tuyền nữa mà đã bị nát một bên để lộ ra màu gỗ nguyên thủy, và vài chỗ thì bị bạc màu hoặc dính bẩn.

Ông Martin và con trai cả Baxter giữ chặt cái hộp đen trên ghế tới khi ông Summers đã khuấy đảo hết đống giấy. Vì khá nhiều nghi lễ đã bị lãng quên hoặc bỏ qua nên ông Summers đã dùng mấy mẩu giấy thay cho thẻ gỗ vốn được dùng qua nhiều thế hệ. Ông Summers cho rằng thẻ gỗ khá là ổn hồi làng còn nhỏ, nhưng giờ dân số là hơn 300 rồi và có khả năng còn tăng nữa thì cần phải dùng thứ gì dễ nhét vào hộp hơn.

Đêm trước ngày xổ số, ông Summers và ông Graves làm ra mấy mẩu giấy và bỏ vào hộp, sau đó được đem tới chỗ két sắt ở công ty than đá của ông Summers và khóa lại tới khi ông Summers cần phải mang nó tới quảng trường vào sáng hôm sau. Trong cả năm còn lại, chiếc hộp được cất đi lúc chỗ này lúc chỗ kia; nó đã ở kho thóc nhà ông Graves một năm và một năm khác ở bưu điện, đôi khi nó lại được bỏ trên một cái kệ trong quán tạp hóa nhà ông Martin.

Trước khi ông Summers tuyên bố mở xổ số thì có cả mớ chuyện rườm rà cần phải làm. Phải làm danh sách người đứng đầu dòng họ, các chủ hộ trong mỗi dòng họ, thành viên mỗi hộ trong mỗi họ. Ông trưởng bưu điện phải tiến hành một buổi tuyên thệ nhậm chức tử tế cho ông Summers trở thành ủy viên cử hành xổ số; vài người nhớ là có thời ủy viên còn ngâm thơ, một tiết mục qua loa đại khái nhạt nhẽo phải đọc cho đủ mỗi năm; vài người tin là ủy viên ban xổ số từng đứng tại chỗ lúc đọc hoặc ngâm thơ, người khác thì tin là ông ta phải đi giữa mọi người, nhưng nhiều năm trước phần này của nghi lễ đã được cho qua.

Cũng từng có một nghi lễ chào hỏi mà ủy viên ban sổ số phải dùng để chào từng người một lên rút thăm, nhưng phần này cũng đã thay đổi theo thời gian, tới giờ thì ủy viên chỉ cần phải cất tiếng với mỗi người lên thôi. Ông Summers rất giỏi làm hết mấy việc này; mặc chiếc áo sơ mi trắng sạch sẽ và quần jean xanh, một bàn tay để hững hờ trên cái hộp đen, ông có vẻ rất phù hợp và quan trọng trong khi nói chuyện không ngớt mồm với ông Graves và người nhà Martin.

Ngay khi ông Summers cuối cùng cũng dứt lời và quay sang đám dân làng thì bà Hutchinson hối hả đi đến trên con đường dẫn tới quảng trường, áo len bà vắt lên vai, và bà len lỏi vào chỗ của mình phía sau đám đông. “Quên khuấy mất hôm nay là ngày gì luôn đấy”, bà nói với bà Delacroix đứng bên cạnh, và cả hai đều phá lên cười khe khẽ. “Cứ nghĩ là ông lão nhà tôi đi chất củi chứ”, bà Hutchinson nói tiếp, “rồi tôi nhìn ra cửa sổ và lũ trẻ cũng đi hết rồi, thế là tôi nhớ ra hôm nay là ngày 27 và cứ thế ba chân bốn cẳng chạy thôi”. Bà lau tay bằng tạp dề, bà Delacroix nói, “Vậy mà bà cũng tới đúng giờ đó. Họ vẫn còn đang nói nhăng nói cuội trên kia”.

Bà Hutchinson nghển cổ lên nhìn qua đám người và thấy chồng con mình đứng gần phía trước. Bà vỗ vào tay bà Delacroix để chào và bắt đầu đi xuyên qua đám đông. Họ vui vẻ tách ra để bà qua đi qua; hai ba người nói giọng đủ to để phía bên kia cũng nghe được. “Bà Hutchinson giá đáo”, và “Bill, cuối cùng thì bà ấy cũng làm được rồi”. Bà Hutchinson tới được chỗ chồng, ông Summers, lúc này vẫn đang chờ, liền vui vẻ nói, “Cứ nghĩ chúng tôi sẽ tiến hành mà không có cô ấy chứ, Tessie”. Bà Hutchinson cười nhăn nhở nói, “Ông không muốn tôi để bát đĩa chưa rửa lại đấy à Joe?” và một tràng cười khẽ lan ra trong đám người trong khi họ lục tục lùi lại về đúng chỗ của mình sau khi bà Hutchinson đã tới.

“Giờ thì”, ông Summers nói nhã nhặn, “chắc là ta nên bắt đầu thôi, cho qua chuyện này nhá, rồi mình trở lại làm việc. Có ai không có mặt không?”

“Dunbar”, nhiều người cùng nói. “Dunbar, Dunbar”.

Ông Summers tra lại danh sách. “Clyde Dunbar”, ông nói. “Đúng rồi. Anh ta mới gãy chân đúng không? Ai sẽ rút thay anh ta đây?”.

“Chắc là tôi rồi”, một người phụ nữ nói, và ông Summers quay sang nhìn. “Vợ rút thay cho chồng”, ông Summers nói. “Cô không có đứa con trai lớn nào làm cho hả Janey?”. Dù ông Summers và ai trong làng cũng biết rõ câu trả lời rồi, nhưng việc của ủy viên ban xổ số là phải hỏi mấy câu đó một cách trang trọng. Ông Summers chờ với vẻ mặt quan tâm đầy lịch sự khi bà Dunbar trả lời.

“Horace chưa đủ 16 tuổi”, bà Dunbar nói vẻ tiếc nuối. “Chắc là tôi phải thế chân ông nhà tôi năm nay rồi”.

“Được rồi”, ông Summers nói. Ông ghi chú vào danh sách đang cầm. Rồi ông hỏi, “Cậu con trai nhà Watson năm nay rút thăm phải không?”. Một chàng trai cao lớn trong đám đông giơ tay lên. “Đây”, cậu ta nói. “Cháu sẽ rút cho mẹ và cháu”. Cậu nháy mắt đầy lo lắng và rụt đầu xuống lúc nhiều tiếng người trong đám đông nói, “Giỏi lắm Jack”, và “Thật hay khi mẹ cháu có đàn ông làm cho”.

“Chắc là ai cũng có mặt hết rồi. Cụ Warner tới chưa?”, ông Summers nói.

“Đây”, một giọng cất tiếng, và ông Summers gật đầu.

Đột nhiên đám đông im bặt khi ông Summers hắng giọng và nhìn vào danh sách. “Sẵn sàng chưa?” ông gọi. “Giờ thì tôi sẽ đọc tên – trước tiên người đứng đầu dòng họ – và đàn ông trong nhà lên đây lấy một tờ giấy ra khỏi hộp. Cứ cầm đó không được nhìn tới khi ai cũng có lượt hết rồi. Rõ ràng cả hử?”.

Mọi người đã làm việc này nhiều lần tới mức họ chỉ nghe bằng nửa tai; hầu hết bọn họ đều im lặng liếm môi và không nhìn đi đâu hết. Rồi ông Summers giơ cao một tay và nói, “Adams”. Một người đàn ông bước ra khỏi đám đông. “Chào Steve”, ông Summers nói, và ông Adams nói, “Chào Joe”. Họ cười nhăn nhở với nhau vừa hài hước vừa bồn chồn. Sau đó ông Adams thò tay vào hộp và lấy ra một tờ giấy gấp lại. Ông ta giữ chặt nó ở một góc khi quay người đi hấp tấp trở lại chỗ của mình trong đám đông, nơi ông đứng hơi cách xa gia đình mình, tránh không nhìn xuống tay.

“Allen”, ông Summers nói. “Anderson… Bentham”.

“Giờ y như mấy cuộc xổ số cứ diễn ra liên tiếp vậy”, bà Delacroix nói với bà Graves ở hàng sau. “Y như mới tuần trước mình vừa chơi xong xổ số á”.

“Thời gian trôi nhanh thật đó”, bà Graves nói.

“Clark… Delacroix”.

“Ông nhà tôi kìa”, bà Delacroix nói. Bà nín thở khi chồng mình bước lên.

“Dunbar”, ông Summers nói, và bà Dunbar điềm tĩnh bước tới chỗ cái hộp trong khi một bà khác nói, “Cố lên Janey”, và một người khác nói, “Cô ấy kìa”.

“Tiếp theo là mình đó”, bà Graves nói. Bà nhìn ông Graves đi vòng qua một bên cái hộp, nghiêm trang chào ông Summer, và chọn một mẩu giấy từ cái hộp. Lúc này, khắp đám đông có những người đàn ông đang cầm những tờ giấy gấp nhỏ trong bàn tay to xù, lật chúng qua lại đầy lo lắng. Bà Dunbar và hai cậu con trai đứng với nhau, bà Dunbar cầm tờ giấy.

“Harburt. . . . Hutchinson”.

“Lên đi, Bill”, bà Hutchinson nói, và những người đứng gần bà phá lên cười.

“Jones”.

“Người ta nói”, ông Adams nói với cụ Warner đang đứng cạnh mình, “rằng ở ngôi làng phía bắc họ đang nói về việc bỏ xổ số”.

Cụ Warner khịt mũi. “Đúng là cái đám điên khùng. Cứ nghe theo lũ trẻ thì chả có gì tốt đẹp hết. Tiếp theo mấy người đó sẽ muốn trở lại sống trong hang hốc cho mà coi, không ai làm việc nữa, cứ sống vậy một thời gian. Hồi trước có câu như thế này ‘Tháng sáu xổ số, lúa bắp nứt đố’. Chẳng chóng thì chầy ai cũng sẽ phải ăn cỏ gà và quả đầu hầm. Xổ số đã có từ xưa tới giờ”, ông nói vẻ nóng nảy. “Coi gã Joe Summers đứng trên đó cợt nhả với mọi người kìa, quá tệ”.

“Có vài nơi đã bỏ xổ số luôn rồi”, bà Adams nói.

“Làm vậy chỉ toàn gây chuyện rắc rối thôi”, cụ Warner quả quyết. “Một đám trẻ khùng điên”.

“Martin”. Bobby Martin nhìn theo bố mình bước lên. “Overdyke… Percy”.

“Ước gì họ làm nhanh lên cái”, bà Dunbar nói với đứa con trai lớn.

“Gần hết rồi mà”, cậu con trai nói.

“Con chuẩn bị đi kêu bố đi”, bà Dunbar nói.

Ông Summers đọc tên mình và bước về phía trước một cách chính xác, chọn một tờ giấy từ cái hộp. Sau đó ông gọi, “Warner”.

“Tôi tham gia xổ số 70 năm rồi đấy”, cụ Warner nói lúc đi qua đám đông. “Đây là lần thứ 70”.

“Watson”. Một chàng trai cao ngồng ngượng nghịu rẽ đám đông mà đi. Ai đó nói, “Đừng lo Jack”, còn ông Summers nói. “Cứ từ từ con trai”.

“Zanini”.

Sau đó mọi thứ dừng lại một lúc lâu, mọi người nín thở, tới khi ông Summers giơ cao mẩu giấy của mình và nói, “Được rồi cả nhà”. Không ai nhúc nhích gì hết trong chốc lát, và rồi mọi mẩu giấy đều được mở ra. Bất thình lình toàn bộ cánh phụ nữ đều bắt đầu cất tiếng cùng một lúc, “Là ai?”, “Ai bốc được nó đấy?”, “Có phải nhà Dunbar không?”, “Có phải nhà Watson không?” Rồi có giọng nói vang lên, “Là nhà Hutchinson. Là Bill”, “Bill Hutchinson bốc được rồi”.

“Đi nói cho bố biết đi”, bà Dunbar nói với cậu con lớn.

Mọi người bắt đầu tìm quanh xem nhà Hutchinson ở đâu. Bill Hutchinson đang đứng im lặng nhìn xuống tờ giấy trong tay. Đột nhiên, Tessie Hutchinson hét lên với ông Summers, “Ông không cho ông ấy đủ thời gian để lấy tờ giấy ông ấy muốn. Tôi thấy rồi. Thật không công bằng!”.

“Vui vẻ nào Tessie”, bà Delacroix gọi, còn bà Graves nói, “Tất cả chúng ta đều có cơ hội như nhau mà”.

“Im đi Tessi”, Bill Hutchinson nói.

“Thưa mọi người”, ông Summers nói, “mọi chuyện xong xuôi khá là nhanh, và giờ thì chúng ta phải gấp rút hơn một chút để làm xong đúng giờ”. Ông ta nhìn vào danh sách tiếp theo. “Bill”, ông nói, “anh rút cho nhà Hutchinson. Có người nào của nhà Hutchinson ở đây không?”

“Có Don với Eva ấy”, bà Hutchinson la lên. “Cho chúng thử cơ hội đi!”

“Mấy đứa con gái thì rút thăm với nhà chồng nó chứ Tessie”, ông Summers nói nhẹ nhàng. “Cô cũng biết chuyện đó như ai mà”.

“Thật không công bằng”, Tessi nói.

“Chắc không đâu Joe”, Bill Hutchinson buồn rầu nói. “Con gái tôi rút với nhà chồng nó, thế là công bằng. Tôi thì lại không còn người thân nào khác ngoài lũ trẻ”.

“Vậy thì về phần rút thăm cho dòng họ thì đó là anh”, ông Summers giải thích, “còn rút thăm cho hộ thì cũng là anh luôn. Phải không?”.

“Đúng vậy”, Bill Hutchinson nói.

“Nhà anh có mấy đứa Bill?” ông Summers hỏi trịnh trọng.

“Ba”, Bill Hutchinson nói. “Có Bill Con, Nancy và nhóc Dave. Rồi Tessie và tôi”.

“Được rồi”, ông Summers nói. “Harry, anh lấy vé của họ lại chưa?”

Ông Graves gật đầu và giơ cao mấy mẩu giấy. “Bỏ vào hộp đi”, ông Summers ra lệnh. “Lấy tờ của Bill bỏ vào”.

“Chắc mình phải bắt đầu lại từ đầu quá”, bà Hutchinson nói khẽ hết mức có thể.

“Tôi nói là không công bằng mà. Ông có cho ông ấy đủ thời gian để chọn đâu. Ai cũng thấy hết”.

Ông Graves đã chọn ra năm mẩu giấy bỏ vào hộp, số còn lại ông thả hết xuống đất, gió thổi tới cuốn chúng lên cao.

“Mọi người nghe đây”, ông Hutchinson nói với mọi người xung quanh.

“Sẵn sàng chưa Bill”, ông Summers hỏi, và Bill Hutchinson quay qua liếc vợ con mình một cái rồi gật đầu.

“Nhớ này”, ông Summers nói, “lấy vé và cứ giữ chúng gấp lại tới khi mọi người đều đã rút. Harry, anh giúp nhóc Dave đi”. Ông Graves nắm tay cậu bé vui vẻ tiến tới chỗ cái hộp với ông. “Lấy một tờ giấy trong hộp ra nào Davy”, ông Summers nói. Davy thọc tay vào hộp và cười to. “Lấy một tờ thôi nhá”, ông Summers nói. “Harry cầm cho nó đi”. Ông Graves cầm lấy tay đứa trẻ rồi lấy đi tờ giấy gấp lại từ bàn tay nắm chặt và giữ nó trong khi cậu bé Dave đứng cạnh nhìn ông vẻ thắc mắc.

“Tiếp theo là Nancy”, ông Summers nói. Nancy 12 tuổi, bạn học của nó hít thở nặng nhọc khi nó tiến về phía trước, váy tung tẩy, và lấy một mẩu giấy xinh xắn từ cái hộp. “Bill Con”, ông Summers nói, còn Billy đỏ mặt tía tai, bàn chân to quá khổ, gần như đánh đổ cái hộp khi nó lấy tờ giấy ra. “Tessie”, ông Summers nói. Chị ta do dự một chút, nhìn quanh vẻ thách thức, rồi mím môi đi tới chiếc hộp. Chị ta giật lấy một tờ giấy và giữ nó sau lưng.

“Bill”, ông Summers nói, Bill Hutchinson với tới chỗ cái hộp và mò mẫm một lúc, cuối cùng cũng rút tay ra với mẩu giấy.

Đám đông im phăng phắc. Một cô gái thì thầm, “Mong là Nancy được”, và tiếng thì thầm lan ra khắp cả đám người.

“Hồi xưa không phải như thế này”, cụ Warner nói dõng dạc. “Mọi người không giống như hồi xưa nữa”.

“Được rồi”, ông Summers nói. “Mở thăm ra nào. Harry, anh mở giấy của Dave đi”.

Ông Graves mở mẩu giấy và đám đông truyền ra tiếng thở dài khi ông ấy giơ nó lên cao, ai cũng thấy là nó trắng. Nancy và Bill Con mở vé của mình ra cùng lúc, chúng tươi cười rạng rỡ quay qua đám đông và giơ cao mẩu giấy trên đầu.

“Tessie”, ông Summers nói. Ông ngừng một chút rồi nhìn Bill Hutchinson, Bill mở tờ giấy của mình và giơ ra. Nó trắng trơn.

“Là Tessie”, ông Summers nói, rồi giọng ông bị át đi mất. “Cho chúng tôi xem vé của cô ấy đi Bill”.

Bill Hutchinson qua chỗ vợ mình và giằng tờ giấy ra khỏi tay chị ta. Nó có một chấm đen, cái chấm đen mà ông Summers đã vẽ ra vào đêm hôm trước bằng chiếc bút chì nặng trịch trong văn phòng công ty than đá. Bill Hutchinson giơ nó lên cao, và trong đám đông có tiếng xì xào.

“Được rồi mọi người”, ông Summers nói. “Hãy làm cho xong thôi”.

Dù dân làng đã quên mất nghi thức và làm mất cái hộp đen ban đầu, họ vẫn nhớ là phải dùng đá. Đống đá mà lũ trẻ trai đã chất lên trước đó; trên mặt đất có những hòn đá với mấy mẩu giấy bay lất phất lấy từ cái hộp. Bà Delacroiz chọn ra một hòn đá to tới mức phải bê bằng cả hai tay và quay sang bà Dunbar. “Thôi nào”, bà nói. “Nhanh lên”.

Bà Dunbar cầm mấy hòn đá nhỏ trong cả hai tay, và vừa thở hổn hển bà vừa nói.

“Tôi không chạy được luôn á. Chị phải đi trước rồi tôi sẽ đuổi kịp thôi”.

Lũ trẻ đã cầm sẵn đá trong tay, và ai đó đưa cho nhóc Davy Hutchinson vài viên sỏi.

Tessie Hutchinson giờ đã đứng ở giữa một khoảng trống, chị ta tuyệt vọng vươn tay ra lúc dân làng quây quanh mình. “Thật bất công”, chị ta nói. Một hòn đá đập vào một bên đầu chị.

Cụ Warner nói. “Làm thôi mọi người”. Steve Adams đứng đằng trước với bà Graves bên cạnh.

 “Thật bất công, như vậy thật không đúng”, bà Hutchinson gào lên, và rồi mọi thứ đổ lên người chị ta.

 

Dịch giả: Trương Thị Mai Hương. 

Shirley Jackson: Mỹ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy