Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
15:19 (GMT +7)

Xiếc và rock: Sân chơi mới liệu có tạo ra đột phá?

Kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một tiếc mục biểu diễn, đêm diễn không phải là câu chuyện quá xa lạ trong đời sống nghệ thuật quốc tế và Việt Nam, nhưng kết hợp giữa xiếc và rock thì “Thiên thần lên núi” được xem là một khởi đầu quan trọng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa hai loại hình nghệ thuật.

 Sự kỳ vọng về một loại hình nghệ thuật mới, đánh thức công chúng, đặc biệt là lớp trẻ đã bắt đầu nhen nhóm sau “Thiên thần lên núi”, nhưng vẫn còn không ít hoài nghi về giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ và những thông điệp đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật nếu chỉ đơn thuần chạy theo thị hiếu.

Xiếc và rock: Sân chơi mới liệu có tạo ra đột phá?
Tiết mục “Biểu diễn xiếc trên lưng ngựa” trên nền tảng nhạc rock

Mới và lạ

Thông thường, xem biểu diễn của các nghệ sĩ, nhạc sĩ ở thể loại nhạc rock, có không ít người cho rằng mình không thích hợp để cảm thụ dòng nhạc này, song lại có người cho rằng nhiệt huyết trong người của họ muốn bùng cháy lên cùng với những âm hưởng, giai điệu của nó. Đây cùng là điều dễ hiểu, bởi thị hiếu âm nhạc của mỗi người là khác nhau và việc cảm thụ âm nhạc còn phụ thuộc khá nhiều vào tâm trạng và đôi khi là cả sức khỏe của mỗi cá nhân. Song có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, dù rock là thể loại không dành cho người có tuổi (trên 60 - 70 tuổi) nhưng là một thực đơn gây nghiện của giới trẻ.

Nắm bắt được thị hiếu này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có sáng kiến kết hợp rock và xiếc cho ra đời chương trình nghệ thuật mang tên “Thiên thần lên núi”. Trước đó, sự kết hợp giữa xiếc và dàn nhạc giao hưởng đã được thực hiện và ghi dấu ấn nhất định trong lòng công chúng, nhưng vẫn được xem là một sự thể nghiệm khá khiêm tốn và kén khán giả. Đến “Thiên thần lên núi” thực sự đã tạo ra sự bùng nổ, bùng nổ không chỉ cho nghệ thuật xiếc mà cho cả rock Việt và khán giả Việt.

Xiếc và rock: Sân chơi mới liệu có tạo ra đột phá?
NSND Tống Toàn Thắng với xiếc trăn trong chương trình “Thiên thần lên núi”

Tiết tấu âm nhạc nhanh, đòi hỏi các thao tác biểu diễn của nghệ sĩ xiếc cũng phải nhanh, mạnh mẽ và cuốn người nghe, xem vào từng động tác, để rồi thực sự cháy cùng âm nhạc. Sẽ rất khó để ngồi yên khi xem rock và xiếc - đó là cảm nhận của phần đông khán giả. Đặc biệt, với phần trình diễn cầu bật, đu nữ 4 dây lụa; “Yêu” với màn dây đôi nam nữ do diễn viên Hoàng Thái - Thu Hương thể hiện đã tạo dấu ấn thật sự xuất sắc. Phần biểu diễn ảo thuật “Cô đôi thượng ngàn”  trong sự kết hợp của chầu văn trên nền nhạc rock đã khiến cho cả sân khấu gần như vỡ òa trong câu chuyện giàu cảm xúc về khởi nguồn của văn hóa dân tộc với những di sản mà ông cha kiến tạo trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Bên cạnh sân khấu tròn, chương trình “Thiên thần lên núi” đã sử dụng 3 sân khấu phụ trên cao để mở rộng không gian biểu diễn, nhất là sự xuất hiện của ba tay trống Trần Đức, Huy Hùng và Dũng Joon… đã thực sự là những điều mới và lạ cuốn hút khán giả không chỉ ở nội dung mà còn ở sự kết hợp giữa nhạc rock và xiếc mang lại sự trải nghiệm riêng và những dấu ấn riêng vô cùng độc đáo.

Sự lên ngôi của những giá trị nghệ thuật truyền thống

Ban nhạc Ngũ Cung, dàn diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị trong sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng không ăn nhập gì với nhau (một bên cần sự khéo léo, chính xác và gần như tĩnh tại là xiếc), còn một bên là sự sôi nổi, bùng nổ của rock. Các nhà phê bình nghệ thuật đã khẳng định, với “Thiên thần lên núi”, để đạt đến độ thăng hoa trên sân khấu là sự nỗ lực đầy khâm phục của lực lượng diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam với các tiết mục biểu diễn trên nền nhạc Rock Việt. Các tiết mục: “Hành khúc ngày và đêm - Lá đỏ - Nhào lộn trên không”, “Yêu”, “Cướp vợ”, “Sức mạnh và quay thảm nghệ thuật”, “Xiếc, rock, hát văn - Cô Đôi Thượng Ngàn”, “Nỗi đau”, “Trò lẻ kết hợp với trống”, “Công chúa xiếc”, “Vòng xoay mạo hiểm”… và đặc biệt là tiết mục “Xiếc với trăn” do NSND Tống Toàn Thắng thể hiện cực cuốn hút và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Xiếc và rock: Sân chơi mới liệu có tạo ra đột phá?
Tiếc mục “Nối vòng tay lớn” khép lại chương trình

Thường thì khi biểu diễn xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam hay các đơn vị, tổ chức biểu diễn xiếc đều có dàn nhạc riêng và có những list nhạc riêng, nhưng khi kết hợp với một ban nhạc mới như Ngũ Cung thì Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị đi đầu. Sự kết hợp này vô hình chung đã và đang mở ra những hướng đi mới đầy tìm tòi và sáng tạo của xiếc Việt. Trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc gần đây đang bị thu hẹp đất diễn, các nghệ sĩ xiếc kém mặn mà với việc sáng tạo những tiết mục mới chưa kể nhiều tiết mục xiếc thú bị cấm biểu diễn do vướng các điều khoản trong luật. Và dù, thực tế xiếc Việt và nhiều nghệ sĩ xiếc đã đạt các giải thưởng danh giá tại các cuộc thi trong nước, khu vực và quốc tế, nhưng chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ còn thấp, chưa theo kịp mức sống của xã hội khiến khó quần tụ và phát triển được tài năng trẻ trong nghề này.

Sự không mặn mà với nghệ thuật xiếc của công chúng Việt những năm qua được chỉ ra với nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung và phổ biến nhất vẫn là lối biểu diễn cầu toàn, những tiết mục quen thuộc và bị mặc định là dành cho trẻ em. Do đó, với sự ra mắt đầy mới mẻ “Thiên thần lên núi” đã cho công chúng - người xem quyền hy vọng về một sức sống mới của loại hình nghệ thuật này. Theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Liên đoàn Xiếc mong muốn đưa nghệ thuật xiếc với bản sắc riêng của mình hòa nhập với xu thế âm nhạc đương đại, khẳng định sự sáng tạo, dựa trên bản sắc văn hóa của dân tộc kết hợp với nhạc rock rất được giới trẻ yêu thích sẽ mở ra một hướng đi mới cho xiếc Việt. Từ đây xiếc Việt tự tin có thể hội nhập một cách toàn diện với thế giới.

Đổi mới để tồn tại

Chương trình “Thiên thần lên núi” quy tụ hơn 60 diễn viên xiếc và nhạc công, khai thác phong cách mới trên nền nhạc rock Việt, với thời lượng khoảng 90 phút, đã mang lại sự tươi trẻ cho nghệ thuật xiếc. Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động tự đổi mới để thích nghi với cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật khác của Liên đoàn Xiếc. Trước đó, tại Hội nghị  khách hàng diễn ra đầu năm 2023, Liên đoàn Xiếc đã khẳng định, một trong những phương hướng mới nằm trong kế hoạch phát triển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam năm nay là kết hợp với đa dạng các đơn vị trong nhiều lĩnh vực, nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù giúp Liên đoàn quảng bá được thương hiệu của mình. Trước hết, Liên đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh dự án “Huyền sử Việt” cùng Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trên tinh thần kế thừa những thành công của năm 2022 qua hai vở diễn: “Cây gậy thần” và “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Sự thăng hoa của xiếc và cải lương, nay thêm rock cho thấy quyết tâm không ngại đổi mới của xiếc Việt. Và quyết tâm này đang dần chứng minh, thông qua “Huyền sử Việt”, “Thiên thần lên núi” sẽ làm thay đổi quan điểm lâu nay rằng xiếc chỉ dành cho trẻ em hay rock chỉ dành cho giới trẻ và cải lương chỉ dành cho người lớn tuổi.

Xiếc và rock: Sân chơi mới liệu có tạo ra đột phá?
Tiết mục xiếc đu dây “Yêu”

Quay trở lại với “Thiên thần lên núi” vẫn là những tiết mục được dàn dựng theo tiêu chí: Mạo hiểm, dũng cảm, sáng tạo… nhưng không quá cầu toàn (không để cho khán giả nhận thấy sự an toàn trong từng tiết mục) khiến tiết mục bị nhạt, đánh mất đi tính mạo hiểm, phi thường và sự chính xác tuyệt đối... vốn là hồn cốt của xiếc. Điều này cũng được chứng minh khi xiếc Việt tham gia chinh chiến trên đấu trường quốc tế, gặt hái nhiều giải thưởng danh giá. Ngoài kỹ thuật biểu diễn, yếu tố văn hóa ẩn chứa trong từng tiết mục biểu diễn (từ trang phục, âm nhạc, cho đến ý tưởng dàn dựng), đã làm nên sức sống và những giá trị không thể phủ nhận của xiếc Việt. Đây cũng chính là dấu ấn riêng của xiếc Việt mà không một quốc gia nào trên thế giới có được.

Đổi mới xiếc là đòi hỏi từ thực tiễn. Và sự đổi mới ấy phải chấp nhận cả sự thất bại. Đổi mới trước hết là từ nhận thức của chính những người làm nghề và sau nữa là của công chúng. Với sự kết hợp xiếc với cải lương, xiếc và rock, nhiều người cho rằng xiếc đang bị lép vế, thậm chí trở thành phụ họa cho hai loại hình nghệ thuât nói trên. Nhưng, nếu bình tâm suy xét, sự cộng sinh của các loại hình nghệ thuật đã và đang tạo sự sự mới mẻ hơn cho những giá trị cũ.

Một hướng đi mới đã mở ra cho xiếc và rock từ sự hợp tác trong “Thiên thần lên núi” nhưng để sự hợp tác có thể đi cùng nhau, cần đôi bên không chỉ có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp mà còn phải nắm bắt được cơ hội, thị hiếu khán giả để đưa ra những tiết mục xiếc hấp dẫn, vươn tới những tác phẩm, sản phẩm xiếc đỉnh cao. Làm được điều đó xiếc Việt sẽ bảo đảm được yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật, vừa có thể trở thành một đơn vị độc lập trong ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam hiện nay.

Bắt tay với các loại hình nghệ thuật, tự tìm đến với khán giả đang là hướng đi mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đẩy mạnh bên cạnh công tác đầu tư, đãi ngộ diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Làm thật ăn thật, không thể chạy theo thị hiếu nhất thời, cũng không thể bỏ qua những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của nghệ thuật, xiếc Việt đã và đang tạo hướng đi rất rõ cho mình. Theo nghệ sĩ nhân dân Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam: Sự kết hợp giữa xiếc và rock rất phù hợp, ăn ý và nâng cao tinh thần biểu diễn của nghệ sĩ, làm cho những màn biểu diễn hay hơn, “máu lửa” hơn... Với “Thiên thần lên núi” giới làm nghề và công chúng có quyền kỳ vọng về những mối lương duyên có thể đi cùng nhau giữa các loại hình nghệ thuật, góp phần tạo nên sức sống mới, màu sắc mới và đặc biệt tạo ra những đột phá mới cho đời sống nghệ thuật biểu diễn hiện nay.

Thảo Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục