Xây dựng văn hóa và con người Thái Nguyên phát triển toàn diện
VNTN- Chiều 27/5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW do đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm trưởng Đoàn đã thực hiện kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Vũ Duy Hoàng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33-NQ/TW) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền triển khai, cụ thể hóa bằng việc ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch.
Qua 10 năm thực hiện, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Báo cáo đánh giá cho thấy: Trong 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 một cách nghiêm túc, có nhiều đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương. Hầu hết các mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết đều đạt và đang thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên.
Môi trường văn hóa có thay đổi, chuyển biến rõ rệt; văn hóa trong hệ thống chính trị, từng thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình ngày càng được nâng cao.
Kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước xây dựng và hình thành con người Thái Nguyên phát triển toàn diện, có lối sống, ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình, xã hội và nhiệm vụ được giao.
Các chuẩn mực, giá trị văn hóa, tri thức con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được hoàn thiện.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.
Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa, nhất là các hoạt động giao lưu, đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được tăng cường, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành.
Hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, tiếp tục thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào xây dựng văn hóa, con người; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản đúng theo quy định và đáp ứng được nhu cầu tham gia, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Thái Nguyên luôn nhận thức đầy đủ và đề cao vai trò của việc phát triển văn hoá trong quá trình phát triển. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Trong những năm qua Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển đồng bộ cả bốn trụ cột chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng nhiệm kỳ, số chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội luôn chiếm trên 40% tổng số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những chính sách chung của trung ương được triển khai trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đã và đang có nhiều chính sách đặc thù riêng nhằm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Phát biểu thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đều bày tỏ sự trân trọng đối với những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết suốt 10 năm qua.
Bên cạnh việc đề nghị các đại biểu của tỉnh Thái Nguyên có mặt tại buổi làm việc chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong quá trình thực hiện, các thành viên trong đoàn công tác cũng đặt ra nhiều câu hỏi nhằm làm rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc cũng như chi tiết kết quả trong thực hiện 6 nghiệm vụ của Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hầu hết các ý kiến trao đổi, những câu hỏi do các thành viên trong đoàn công tác của trung ương đặt ra đều được các đồng chí: Lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội VHNT tỉnh giải đáp thoả đáng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ ấn tượng sâu sắc với nhiều kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong những kết quả Thái Nguyên có được, đã có nhiều con số “biết nói”. Cụ thể như: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phân bổ được 4.562 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 70 công trình, dự án lĩnh vực văn hóa - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 18% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Hay, năm 2023, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh là trên 94%; gần 98% làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá... là những kết quả rất đáng khích lệ, tự hào. Đây là yếu tố quan trọng phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng thời đánh giá cao hoạt động VHNT của tỉnh. Đồng chí cho rằng, với số lượng 300 hội viên, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá tỉnh nhà nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Đồng chí mong muốn, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm để lực lượng văn nghệ sĩ có điều kiện, môi trường sáng tạo, phát huy khả năng và cống hiến nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng chí Thứ trưởng cũng nhiệt liệt biểu dương Thái Nguyên khi nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” được triển khai có hiệu quả trên địa bàn Thái Nguyên là một điểm sáng mà ít địa phương nào thực hiện được...
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị cũng đã được các đại biểu của tỉnh Thái Nguyên gửi tới Đoàn công tác như: Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm xem xét, tạo điều kiện để có thể thúc đẩy việc phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, khu du lịch Hồ Núi Cốc; Xem xét nâng hạng Khu di tích Lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái thành Di tích Quốc gia đặc biệt; kiến nghị Bộ sớm trình Chính phủ ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn,kịp thời giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá nhằm tăng hiệu quả thực hiện chương trình; quan tâm dành nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, các thiết chế văn hóa của Bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với đó là nhiều kiến cụ thể khác, như: Đề nghị Bộ có thêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm giúp Trung tâm Văn hoá nghệ thuật cấp tỉnh nói chung, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nói riêng hoạt động hiệu quả sau sắp xếp, sáp nhập; Xem xét rút ngắn độ tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn ở một số môn nghệ thuật đặc thù; Gỡ khó cho “bài toán” nhân lực, nguồn lực đối với Hội VHNT tỉnh…
Kim Ngân
2 đã tặng
1
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...