Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:44 (GMT +7)

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc

VNTN- Chiều nay (14/11), Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương do PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Thái Nguyên nhằm khảo sát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hóa văn nghệ.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Hội nghị diễn ra tại Trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Báo Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

          Vị trí đặc biệt của Thái Nguyên

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung trong buổi làm việc

Tỉnh Thái Nguyên là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 8 thành phần dân tộc chủ yếu. Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, được Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn xây dựng An toàn khu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954).

Hiện, Thái Nguyên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước; có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ khá đông đảo. Trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, 50 di tích cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt cùng 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản văn hóa cấp Quốc gia.

Xác định đây là nguồn lực quan trọng và lợi thế đặc trưng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển đời sống của Nhân dân theo đúng định hướng, đường lối, mục tiêu của Đảng, Nhà nước, trong đó trọng tâm là xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Thái Nguyên theo yêu cầu nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước.

Những kết quả đáng ghi nhận

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW  - Trưởng Đoàn công tác, phát biểu tại Hội nghị

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, góp phần định hướng chính trị, tư tưởng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo các văn bản quy định của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn được tăng cường.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Các thành viên trong Đoàn công tác

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học để góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh, đồng thời là nguồn tư liệu quý cho các thế hệ mai sau.

Hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh, cấp huyện được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động; Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên và các chi hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đóng trên địa bàn được thành lập và hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm.

Hội Văn học Nghệ thuật các cấp đã trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của hơn 1.000 văn nghệ sĩ, góp phần thiết thực đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW vào cuộc sống. Đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên của tỉnh cũng như của trung ương đã đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết của trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, sau 10 năm thực hiện kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của thế hệ đi trước, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu và mở ra những cơ hội phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới.

Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và nhu cầu của Nhân dân. Các giá trị văn hóa mới của con người Thái Nguyên đã dần được hình thành, bước đầu phát huy, góp phần tạo nên bản sắc riêng của con người Thái Nguyên trong tổng thể phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam, đó là: Con người Thái Nguyên nhân ái, nghĩa tình, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện. Đời sống văn hóa, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt.

Tiếng nói từ thực tiễn

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trao đổi thảo luận tại buổi làm việc

Phát biểu trao đổi tại buổi làm việc nhằm cung cấp thêm thông tin, tình hình thực tiễn trong việc phát triển Văn hóa nghệ thuật của tỉnh với Đoàn công tác, lãnh đạo Hội Văn học nghệ tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch; lãnh đạo Báo Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã trao đổi nhiều ý kiến thiết thực bao gồm những thành tựu, hạn chế những vướng mắc trong quá trình hoạt động và phát triển.

Trong đó khẳng định, thành quả từ việc thực hiện Nghị quyết 23 là vô cùng to lớn trong đời sống của người dân Thái Nguyên nói chung và hoạt động của nhiều các cơ quan, đơn vị nói riêng.

Đối với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sau 15 năm Hội đã đóng góp nhiều mô hình, hoạt động sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết. Trong đó có thể kể đến việc Hội đã thành công trong việc đưa Báo Văn nghệ Thái Nguyên (nay là Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên) trở thành tuần báo vào năm 2015. Đáng nói hơn, Báo Văn nghệ Thái Nguyên còn được Tỉnh ủy đặt hàng để cấp phát về tới các xóm, tổ dân phố. Với tinh thần, đưa một kênh thông tin thẩm mỹ về cơ sở, góp phần để văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung đến gần hơn với đời sống. Bên cạnh đó, Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng luôn bám sát đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương. Cùng với đó, Báo được phép xuất bản báo điện tử vận hành song hành cùng báo in.

Một dấu ấn nữa của Thái Nguyên là phát triển Hội Văn học nghệ thuật đến cấp huyện. Từ chương trình hành động của Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã hiện thực hóa. Đến nay, 100% các huyện, thành của tỉnh đều có Hội Văn học nghệ thuật.

Thêm một điểm sáng nữa mà Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên có thể tự hào đó là là ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật cho dù còn gặp phải không ít khó khăn. Hòa vào bình diện chung của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số, Hội đã linh hoạt thực hiện các hoạt động của mình một cách mới mẻ, đầy sáng tạo, như tổ chức các cuộc thi online, trại sáng tác, triển lãm online kết hợp với trực tiếp. Vì thế, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động bị gián đoạn và đứt gãy thì các hoạt động của Hội vẫn được diễn ra đầy chất lượng. Cùng với đó, Hội đã chủ động số hóa các tác phẩm phục vụ quảng bá, phát hành trên thị trường và lưu trữ trên các nền tảng số. Qua đó, làm cho các giá trị văn học nghệ thuật được lan tỏa rộng hơn, góp phần làm tăng uy tín của tỉnh Thái Nguyên trong cộng đồng văn học nghệ thuật.

Trong những thành tựu đã đạt được nhờ việc thực hiện Nghị quyết 23, không thể không kể đến những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ sáng tạo trẻ. Cùng với đó, Hội đã tích cực phối hợp, liên kết với các địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội trong tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật…

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên (thứ hai từ phải sang) trao đổi những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện các Nghị quyết, Kết luận trong thực tiễn

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện thường xuyên việc kiểm duyệt, thẩm định nội dung, chương trình biểu diễn nghệ thuật đúng theo các quy định của trung ương. Công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp được duy trì thường xuyên, tập trung chủ yếu vào thanh kiểm tra các lễ hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hội chợ - triển lãm, cơ sở lưu trú.

Kết quả trong 15 năm, các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra trên 1.000 điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa, karaoke, in, photocopy, đại lý Internet công cộng, 17 buổi biểu diễn nghệ thuật, trên 70 lễ hội; lập biên bản gần 300 cơ sở vi phạm, thu giữ 11.325 đĩa hình không có tem nhãn của cơ quan quản lý nhà nước, 717 cuốn sách nhân bản vi phạm bản quyền và có nội dung xấu theo thông báo thu hồi của Cục A03 - Bộ Công an; 6.339 xuất bản phẩm in, photocopy trái quy định. 

Trả lời câu hỏi mà Đoàn khảo sát đặt ra liệu có mối quan hệ hay mâu thuẫn gì giữa bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa với phát triển kinh tế, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định: Đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao, điều đó đã khiến đời sống tinh thần của người dân ngày càng được bồi đắp và phong phú. Nhiều loại hình nghệ thuật được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy...

Đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, luôn dành một dung lượng tương xứng để tuyên truyền về văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng như mở chuyên trang, chuyên mục...

Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế là điều không tránh khỏi. Thẳng thắn nhìn nhận, công tác chỉ đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có việc chưa thường xuyên; công tác tham mưu trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế; việc xây dựng và ban hành các văn bản để cụ thể hóa nội dung của nghị quyết gắn với thực tiễn ở từng địa phương còn thiếu, chưa cụ thể.

Công tác đảm bảo an ninh thông tin, nhất là ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, phi thẩm mỹ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn chưa đồng đều; các thư viện, phòng đọc, bưu điện văn hóa, tủ sách còn thiếu các đầu sách về văn hóa, văn nghệ; việc phát huy thế mạnh, gìn giữ các phong tục, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa tưng xứng với yêu cầu đặt ra…

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật trung ương gợi mở nhiều điểm nhấn trong hoạt động của Thái Nguyên thời gian tới

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề cốt lõi. Trong đó nhấn mạnh:

Tỉnh Thái Nguyên cần xác định được thế mạnh của mình, tìm ra bản sắc riêng, để từ đó khai thác và quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa. Song song với đó là tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Các thành viên trong Đoàn công tới cũng gợi mở và kỳ vọng tỉnh Thái Nguyên tập trung nhiều hơn nữa trong việc phát triển nguồn lực phục vụ việc phát triển văn hóa, để có được đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật hiệu quả. Từ đó góp phần quan trọng để hình ảnh đất và người Thái Nguyên, tinh hoa văn hóa Thái Nguyên sẽ sớm hiện diện khắp mọi miền Tổ quốc và trên toàn thế giới.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy một lần nữa nhấn mạnh những đề xuất của tỉnh Thái Nguyên trong việc mong sớm có giải pháp giải quyết những bất cập trong hoạt động văn hóa như chế độ chính sách dành cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân; bổ sung nguồn nhân lực trong hoạt động văn hóa và một số vấn đề quan trọng khác.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên giàu bản sắc
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp

Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn coi văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển. Điều Thái Nguyên hướng tới là Thái Nguyên sẽ là tỉnh luôn bình yên, thân thiện đồng thời luôn sung túc và phát triển.

Trước đó, Đoàn công tác đi thực tế tại 2 cơ sở văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh gồm : Không gian văn hóa trà Tân Cương tại thành phố Thái Nguyên và Khu du lịch sinh thái Thái Hải (Làng nhà sàn Thái Hải) tại thành phố Thái Nguyên.

* Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”;

* Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

* Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW".

Kim Ngân

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy