Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:48 (GMT +7)
TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI “ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XX VÀO CUỘC SỐNG”

Xây dựng Thái Nguyên trở thành điểm đến thân thiện

Ngành Du lịch Thái Nguyên đang quyết liệt bứt tốc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời trở thành trung tâm du lịch của Vùng Việt Bắc. Lộ trình đến năm 2025 tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 16.000 lao động; đến năm 2030 tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho 24.000 lao động.

 

“Mỏ vàng lộ thiên” chưa được khai thác hiệu quả

Thái Nguyên không có bờ biển dài mơ mộng như Trà Cổ (Quảng Ninh); Cửa Lò (Nghệ An); Nha Trang (Khánh Hòa). Không có xứ lạnh như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Bù lại, Thái Nguyên có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú được ví như những “mỏ vàng” lộ thiên phục vụ ngành du lịch phát triển. Đặc biệt trong năm 2023 Thái Nguyên có 25 dự án du lịch tỉnh ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư. Phong phú nhất phải kể đến nguồn tài nguyên phục vụ du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng; điểm du lịch cộng đồng nông thôn và hệ thống hang động phục vụ du lịch khám phá, mạo hiểm. Tuy vậy, hiện chúng vẫn đang dừng lại ở tiềm năng.

                                    1-1694395061.jpg
Điểm du lịch cộng đồng tại xã Phú Đình (Định Hóa) thu hút nhiều du khách đến live stream

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh: Hiện tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Điển hình có khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các điểm đến được du khách trong nước, quốc tế quan tâm như: Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai); hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền như: Đền Đuổm (Phú Lương); chùa Hang, chùa Phù Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (TP. Thái Nguyên).

Các khu thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” có Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc (Đại Từ); hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai). Cùng đó là hệ thống di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay Phú Lương, Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ)… được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng vào Danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt từ sau festival trà Thái Nguyên - Quốc tế năm 2011, Thái Nguyên có thêm một sản phẩm du lịch mới, đó là tour tuyến qua những vùng chè và văn hóa thưởng trà.

Tài nguyên phong phú, nhưng thực tế vẫn chưa được ngành du lịch khai thác hiệu quả. Minh chứng là hầu hết du khách trong nước, quốc tế khi đến Thái Nguyên mới dừng ở một số điểm quen thuộc là Khu du lịch Hồ Núi Cốc; Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá. Từ cuối năm 2019 có thêm điểm Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái… Nhiều du khách sau khi đến Thái Nguyên phàn nàn: Sản phẩm du lịch họ được phục vụ đơn điệu, chưa có hồn, thậm chí là nhàm chán nên ít có khả năng trở lại.

Cả nghìn điểm đến, song hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch chỉ đưa, đón khách đi tham quan trong ngày. Số du khách lưu trú qua đêm không đáng kể. Ngay như các nhà nghỉ được tỉnh đầu tư xây dựng tại đỉnh Đèo De (Phú Đình, Định Hoá); làng du lịch sinh thái Bản Quyên (Điềm Mặc, Định Hoá) và hầu hết các điểm dịch vụ ẩm thực, lưu trú tại các vùng chè đặc sản gần như không có du khách đăng kí sử dụng dịch vụ.

Mặc dù ngành Du lịch đã có những quyết tâm nhất định trong phát triển để tăng trưởng, nhưng chưa đủ mặn mà đối với du khách. Minh chứng năm 2016, ngành Du lịch đã đón hơn 2 triệu lượt du khách; năm 2019 đón gần 3 triệu lượt du khách. Rồi liên tiếp 3 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đóng băng. Tuy nhiên ở Thái Nguyên, một số đơn vị làm du lịch đã có động thái tích cực là chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón du khách, ngay khi du lịch được phép mở cửa trở lại. Do chủ động, năm 2022 Thái Nguyên đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Sang hết 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đón gần 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 780 tỷ đồng.

Như vậy, lượng khách và doanh thu từ du lịch sau khi dịch COVID-19 ổn định vẫn chưa có tín hiệu lạc quan, chỉ ngang bằng so với trước dịch. Bàn về phát triển du lịch Thái Nguyên, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: Thái Nguyên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Còn ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đúc kết: Tài nguyên phục vụ ngành du lịch Thái Nguyên còn bỏ ngỏ nhiều, vì tỉnh chưa chú trọng vào định hướng, phát triển về định vị thương hiệu du lịch, đặc biệt là cộng đồng du lịch tại Thái Nguyên. Với ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng thì… hiện Thái Nguyên chưa có sản phẩm du lịch hoàn thiện, nên chưa đủ “lực hấp dẫn ” để thu hút du khách.

Người Thái Nguyên đang “nằm trên mỏ vàng” tài nguyên du lịch, nhưng đa số người dân tại di tích chưa được thụ hưởng và có lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch, dẫn tới chưa khuyến khích được ý thức tự bảo tồn và phát huy giá trị di tích của người dân. Từ lâu, bài toán kinh tế du lịch Thái Nguyên đã chờ các cấp, ngành chức năng của tỉnh sớm tìm ra một đáp án đúng.

Lời giải cho bài toán kinh tế du lịch

Tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để “đánh thức” tiềm năng kinh tế du lịch. Với 4 dòng sản phẩm chính: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên và tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh nhấn mạnh.

                                    2-1694395056.jpg
Du khách tham quan các hiện vật chiến tranh tại Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên)

Bằng nhiều nỗ lực như quảng bá tuyên truyền, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách, “Bản đồ du lịch Thái Nguyên” ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế khi đến với tỉnh.

Một thuận lợi cho ngành du lịch phát triển là quy hoạch du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai, thực hiện. Với chủ trương hạ tầng giao thông đi trước một bước, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực cho thực hiện các dự án giao thông phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Nổi bật có Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ km31 QL.3 đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh; Dự án nâng cấp ĐT. 266 đoạn ngã tư Sông Công - ngã tư Điềm Thụy; Dự án đường du lịch ven hồ Núi Cốc tuyến bờ Bắc - bờ Nam; Dự án nối cao tốc quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên vào khu du lịch Hồ Núi Cốc (đường Bắc Sơn kéo dài).

Theo đó là danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch được tỉnh quan tâm, trong đó có Dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc (TP. Thái Nguyên); Dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại sườn Đông Tam Đảo (TP. Phổ Yên và Huyện Đại Từ); Dự án Trường đua ngựa, tổ hợp thương mại dịch vụ Núi Văn Núi Võ (Đại Từ); Dự án Khu du lịch cộng đồng, sinh thái, thương mại dịch vụ xã Phú Đình (Định Hoá); Dự án Tổ hợp du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng xã Quy Kỳ (Định Hoá); Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp khu ở sinh thái và dịch vụ hỗn hợp Phượng Hoàng (Võ Nhai); Dự án Vùng bảo tồn kết hợp du lịch sinh thái và trải nghiệm dưới tán rừng (Định Hoá); Dự án Khu du lịch sinh thái Bảo Linh (Định Hoá); Dự án Khu đô thị sinh thái Hồ Trại Gạo (Phú Bình).

Trong xây dựng các sản phẩm du lịch, Thái Nguyên tinh tế gắn các sản phẩm với văn hóa trà. Ví như du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn cơ bản được gắn kết với những vùng chè trù phú. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Mới đây là điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai); xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và điểm du lịch cộng động xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) được tỉnh công nhận.

Tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh từng bước được khai thác phục vụ du khách, tập trung chủ yếu tại các điểm di tích Lý Nam Đế (TP. Phổ Yên); Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên), đền Đuổm (Phú Lương), Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa, Thiền viện trúc lâm Tây Trúc, di tích núi Văn núi Võ, di tích lịch sử 27-7 và khu du lịch Hồ Núi Cốc (Đại Từ).

Tỉnh cũng quan tâm mời chào các doanh nhân đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo). Hiện ở các xã phía Tây TP. Thái Nguyên đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như Khu bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, một điểm đến được tổ chức Du lịch thế giới trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”; tại Phú Lương có “Thung lũng tình yêu” tại xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc; “Ngự hoa viên” ở xã Động Đạt. Đặc biệt là sản phẩm du lịch thể thao, khám phá hang động với một số điểm đã đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch như: hang Phượng Hoàng (Võ Nhai), hang Chùa Hang (Định Hóa).

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ ngành du lịch, Thái Nguyên chú trọng đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho 3 trường hợp, thẻ hướng dẫn viên du lịch cho 15 trường hợp. Đặc biệt tỉnh quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Đến nay, hệ thống Cổng du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên đã được tích hợp trên C-Thái Nguyên bao gồm: website (mythainguyen.vn), ứng dụng (Thai Nguyen Tourism). Đồng thời đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao, du lịch và tham gia các chương trình quảng bá du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, khu vực.

Cần có một “nhạc trưởng” đủ năng lực

Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả là mục tiêu Thái Nguyên hướng đến. Lộ trình đến năm 2025 ngành du lịch đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỉ đồng/năm. Nhưng để trở thành hiện thực, ngành du lịch Thái Nguyên cần có một “nhạc trưởng” đủ năng lực.

Từ năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện chủ trương xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được coi như một “kim chỉ nam” xuyên suốt cho ngành du lịch phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nhân, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến hợp tác khai thác tài nguyên du lịch phục vụ du khách.

Để mời gọi nhà đầu tư, tỉnh chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận đầu tư du lịch và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch. Ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, nhất là những tuyến đường kết nối khu, điểm du lịch với các tuyến du lịch hiện có và các khu du lịch, điểm du lịch. Cùng với đó tỉnh tăng cường liên kết với các địa phương đã kí kết hợp tác liên kết phát triển du lịch với tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế có tiềm năng.

Để không lãng phí nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, và để du khách không bị thiệt thòi khi đến Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tích cực phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam và các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch; hằng năm tổ chức đoàn tham gia Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc. Tỉnh đã ký kết hợp đồng quảng bá du lịch Thái Nguyên tại sân bay Nội Bài và một số điểm du lịch trọng điểm của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch chủ động liên kết, hợp tác, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới và làm mới lại sản phẩm du lịch. Đặc biệt Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức hội thảo dành cho doanh nhân làm du lịch. Với tinh thần đàm thoại công tâm, nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục hạn chế và cùng đàm thảo giải pháp sử dụng “chiếc chìa khoá vàng” để mở cửa kho báu của ngành du lịch. Không để nguồn tài nguyên du lịch dừng lại ở tiềm năng.

Không thể phủ nhận trong những năm gần đây ngành du lịch Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực vượt khó. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật: Du lịch Thái Nguyên chưa vượt qua được cái ngưỡng mang tên “còn nhiều hạn chế”. Bởi thực tế người dân ở vùng lõi các di sản, các khu, điểm du lịch chưa có thu nhập từ du lịch, hoặc có thì cũng chỉ là thu nhập phụ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn: Để hút khách, Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả chất lượng khách sạn, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt là chuyển đổi số trong ngành du lịch cần đi vào chiều sâu, có chất lượng. Vì các sản phẩm chuyển đổi số của du lịch Thái Nguyên đã có nhiều, nhưng cần tối ưu hóa, liên thông với các hệ thống để tạo ra những chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá cũng như định vị thương hiệu. Còn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: Thái Nguyên cần có sản phẩm du lịch hoàn thiện, có góc nhìn truyền thông để thu hút khách đến với Thái Nguyên.

                                    3-1694395059.jpg
Tại Không gian Văn hóa Trà Tân Cương (TP. Thái Nguyên), du khách thỏa sức tham quan, tìm hiểu về nghề làm chè và thưởng trà

Có một nguyên nhân khó khăn làm ngành du lịch Thái Nguyên phát triển chưa bài bản là giữa các doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch chưa thực sự có tinh thần liên kết. Các hoạt động liên quan đến du lịch như: Dịch vụ vận chuyển du khách; dịch vụ ẩm thực, dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm… gần như đứng đơn lẻ, chưa tạo thành một tuor chuỗi khép kín. Cũng do sự liên kết giữa các doanh nghiệp mang tính hình thức, mới dừng ở cam kết, liên kết bên ngoài, chưa có cơ chế ràng buộc dẫn đến tình trạng chung là “Mạnh ai nấy làm”. Từng doanh nghiệp chưa phát huy được giao ước liên kết, vẫn đơn lẻ hoạt động. Tất cả “họ” tự bơi trong dòng chảy của cơ chế thị trường.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, Giám đốc Công ty Khách sạn Du lịch Dạ Hương đúc kết: Quy luật thị trường nghiệt ngã, nhưng công bằng. Nếu các doanh nhân làm du lịch có ý thức liên kết, đồng thuận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phục vụ du khách thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp lớn… Ông Hiệp tâm đắc nhắc lại câu nói của doanh nhân tài ba người Mỹ, ông Warren Buffett: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Ngành du lịch cũng thế, muốn vươn ra thị trường rộng lớn, giải pháp hiệu quả nhất là hợp tác, cùng phát triển.

…Cơ hội cho du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đang mở ra. Minh chứng là các điều kiện cần và đủ được tỉnh chú trọng quan tâm. Cụ thể là các chính sách phát triển du lịch được tỉnh xây dựng, triển khai bài bản, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và các nước trong khu vực. Nhưng sẽ đầy đủ hơn khi ngành du lịch Thái Nguyên có một “nhạc trưởng” đủ năng lực về uy tín trên thương trường để tập hợp các doanh nhân, từ đó phân đoạn phục vụ, tạo dựng các xâu chuỗi, tuor tuyến du lịch hoàn chỉnh, khép kín, mang lại cho du khách những trải nghiệm và ấn tượng đẹp về đất và người Thái Nguyên.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 2 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 21 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước