Xác xơ những vườn đào sau lũ
VNTN- Làng Đào Cam Giá vốn là nơi cung cấp hoa đào cho TP. Thái Nguyên và một số địa phương khác trong dịp Tết Nguyên Đán. Bao tâm huyết, chăm chút cây đào của người dân nơi đây suốt mấy chục năm qua đã tạo dựng nên thương hiệu “Làng nghề trồng hoa Đào Cam Giá” nức tiếng gần xa. Nhưng lũ dữ sau cơn bão số 3 đã cướp đi tất cả.
Clip: Chia sẻ của ông Lê Quý Long
Những khu ruộng vàng úa
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch HĐND phường Cam Giá cho biết: Đợt lũ lụt vừa qua, khu vực Làng Đào Cam Giá bị thiệt hại đáng kể. Nhiều gia đình ở Làng Đào chỉ trồng đào là chính, kết hợp trồng thêm lúa, nhưng cả đào và lúa bị hư hại nghiêm trọng. Nặng nhất là ở khu vực tổ 7, nhiều nhà mất trắng. Như gia đình Hiển – Lý mất toàn bộ diện tích, thiệt hại ước gần 1 tỷ đồng. Gia đình Trường - Hà (tổ 5) cả 4 năm nay đều bị thất thu, có năm phun thuốc không hợp lý nên đào không ra hoa, có năm bị lụt, úng, năm nay bị mất trắng nên xem như không còn khả năng vực dậy.
Không chỉ các hộ trồng đào bị ảnh hưởng, mà một số hộ kinh doanh khác cũng bị thiệt hại. Doanh nghiệp Kiên Mùi kinh doanh đồ điện dân dụng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Một trang trại nuôi gà bị ngập chết 6.000 con gà thịt. Cả phường có 130 ha lúa thì mất trắng 100ha, còn lại đổ rạp, phải bỏ nhiều công sức để cứu nhưng cũng chỉ là “vớt vát” cho khỏi tiếc. Điện bị mất từ 3 đến 5 ngày tuỳ nơi. Đời sống của người dân bị đảo lộn. … May mắn là không có thiệt hại về người.
Đây là trận lụt lịch sử, nước dâng cao chưa từng thấy ở khu vực này. Có cụ già hơn 80 tuổi, khi vận động di dời còn nói: ở đây (khu nhà ở của cụ) có bao giờ lụt tới đâu mà phải đi? Những bậc cao niên cho hay: Vùng này gần sông Cầu, nhưng là đoạn dưới đập Ba đa tắc cun nên nước ngập thấp hơn so với vùng nằm phía trên đập. Cũng có những trận lụt xảy ra vào các năm 1959, 1983, 1986 và 2001. Lớn nhất trong số đó là trận lụt năm 1959 do vỡ đê Cống Vọ, nhưng lần này nước ngập cao hơn.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Long – chị Hường ở tổ 7, phường Cam Giá. Anh chị cho biết: Nhà có 1 sào rau sắp được bán; 2 sào ruộng trồng lúa; 1,5 mẫu (khoảng 5.400 m²) đất trồng đào gồm đất của nhà và đi thuê, bị hư hại gần như toàn bộ. Tổng giá trị hoa màu bị mất vào khoảng 1 tỷ đồng, trong đó kinh phí gia đình đã đầu tư chiếm 50%, không tính công sức trồng trọt, chăm bón. Tuy không phải vay mượn ngân hàng, nhưng đây là toàn bộ số tiền mà gia đình đã tích lũy qua nhiều năm đổ vào, hi vọng sẽ thu lại vào dịp cuối năm, nhưng giờ đã trắng tay.
Nhìn những gốc đào cổ, đào thế trị giá từ 5 đến 10 triệu đang bị héo do ngâm nước lâu ngày, chúng tôi không khỏi ái ngại. Anh Long cho biết: những cây “thoi thóp”, không héo hết, còn một chỏm lá xanh này nhưng cũng khó có khả năng hồi phục. Thậm chí nếu không chết cũng coi như không còn giá trị gì, hầu như phải nhổ bỏ vì đã bị mất dáng, mất thế… Không ít cây trong số đó đã được bán “lúa non” (đã đặt mua) nay cây chết đương nhiên phải trả lại tiền cọc.
Ông Trần Văn Dậu, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 7 cho biết: Tổ có 232 hộ, 880 khẩu, 95% làm nông nghiệp, trong đó 60% trồng lúa, 40% trồng đào. Đây là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lụt vì nước ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Tỷ lệ thất thu hoa màu dự ước lên đến 95%.
Clip: Phỏng vấn ông Trần Văn Dậu
Gặp chị Nhung (Nhung - Hồng) đang dựng lúa đổ dưới ruộng. Chị cho biết: gia đình có 2 sào trồng đào, 1 sào trồng lúa đều bị ngập hết. Lúa đổ dựng lại có thể vớt vát được một ít thóc ăn, chứ đào coi như mất trắng.
Ông Dậu đưa chúng tôi sang nhà cháu Vũ Quang Huy ở kế bên, chúng tôi thấy cháu đang lau rửa nhà cửa, đồ đạc. Mọi thứ vẫn ngổn ngang sau lũ. Toàn bộ bàn ghế, tủ… những đồ gia dụng làm bằng gỗ công nghiệp đều bị hỏng và vứt bỏ. Gia đình cháu Huy có hoàn cảnh khá éo le: bố mất, mẹ đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Nhà chỉ có hai anh em: cháu Huy đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên). Hằng ngày cháu phải đi về vì còn phải quán xuyến công việc nhà và trông coi cậu em trai Vũ Duy Hòa đang học lớp 5. Cháu Huy cũng trồng được 300 gốc đào các loại, nhưng mất toàn bộ.
Vực dậy sau lũ
Bên cạnh những hộ bị thiệt hại nặng, cũng có những những người may mắn “thoát hiểm” trong gang tấc. Đó là hộ nhà ông Hợi (cùng tổ 7). Con rể ông là Lý Văn Toàn ở cùng với ông bà, mở trang trại chăn nuôi bò lai. Khi lũ về, trong trang trại có 21 con bò. Gia đình đã gọi cứu hộ nhưng xe không vào được.
Anh Toàn bèn nảy ra sáng kiến đem thả hơn 600 cuộn rơm vào chuồng. Trước đó, anh đã mua 700 cuộn rơm được ép chặt từ miền Nam ra với mục đích để làm thức ăn cho bò với giá 42.000đ/ 1 cuộn. Nay anh mang gần hết số rơm ra để làm "phao" cứu bò. Mực nước cứ dâng lên đến đâu, anh lại thả thêm rơm thêm vào đến đó. Khi thả rơm vào, bò sẽ đứng lên rơm và không bị chết đuối. 21 con bò trị giá hơn 1 tỷ đồng đã sống sót hoàn toàn. Tuy số rơm dìm nước sau đó phải vứt bỏ, nhưng chi phí ấy thật đáng giá. May mắn hơn, đúng ngày mưa lũ, một con bò trở dạ đẻ và chú bê con xinh xắn hôm nay vẫn chạy tung tăng quanh chuồng...
Đi qua khu vực trung tâm Làng Đào, chúng ta không cảm nhận được sự tàn khốc của trận lũ, bởi khu vực trung tâm không bị ngập úng dài ngày. Những vườn đào vẫn xanh tốt, thấp thoáng những người nông dân vẫn đang xới đất, chăm đào. Nhưng ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch HĐND phường Cam Giá cho biết: tổng diện tích trồng đào cả phường là hơn 34 ha, số bị chết do ngập ước khoảng 19 ha, giá trị thiệt hại ước khoảng 20 tỷ đồng. Tới đây địa phương mới tổ chức thống kê thiệt hại cụ thể để xin hỗ trợ, còn trước mắt đang lo việc tẩy uế, khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và ổn định đời sống nhân dân.
Mọi sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp vừa qua đối với địa phương thật đáng quý. Không chỉ động viên về tinh thần, sự hỗ trợ thiết thực về vật chất đã giúp người dân vùng ngập lụt vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, thời gian tới đây, chúng tôi vẫn mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa, nhất là đối với những hộ bị thiệt hại nặng để giúp họ sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh – ông Nam chia sẻ.
Trần Thép – Minh Trọng – Trần Giáp
Clip: Trần Thép
4 đã tặng
2
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...