Xã hội hóa giáo dục – từ quan niệm đúng đến tư duy đột phá, sáng tạo
Từ việc “nhận thức lại” khái niệm xã hội hóa giáo dục
Một trong 6 quan điểm cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đó là chủ trương nhất quán, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển giáo dục, phù hợp với quy luật phát triển giáo dục của Việt Nam và thế giới. Những năm qua, nhờ xã hội hóa mà nhiều nguồn lực to lớn cả trong và ngoài nước đã được huy động để phát triển giáo dục, đáp ứng ngay một tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân, mở ra cho người học nhiều lựa chọn phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh của mình .
Những vụ việc tiêu cực gây bức xúc trong dư luận liên quan đến chủ trương xã hội hóa giáo dục những năm gần đây có nguyên nhân chính là do hiểu chưa đúng hoặc không toàn diện bản chất của xã hội hóa, dẫn đến ở một số cơ sở giáo dục công lập chuyện xã hội hóa dường như bị đồng nhất với chuyện thu tiền dẫn đến “nỗi lo tiền trường”, “loạn thu”, “lạm thu”...
Hoạt động ngoài giờ học của thầy trò trường THPT Đào Duy Từ
Xã hội hóa giáo dục có nghĩa là Nhà nước tạo ra không gian xã hội, pháp luật và chính trị cho việc hình thành một khu vực giáo dục mà ở đấy ai cũng có quyền đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thực hiện sự cạnh tranh về chất lượng giáo dục. Nội dung hoạt động xã hội hoá giáo dục hết sức phong phú, từ việc huy động các lực lượng xã hội đầu tư các nguồn lực bao gồm vật lực, tài lực…; tham gia vào quá trình đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, các loại hình học tập đến tham gia làm chương trình, sách giáo khoa...
Hiểu như vậy ta có thể khẳng định: nhờ chủ trương đúng đắn mang tầm chiến lược này mà xã hội đã vào cuộc cùng Nhà nước chăm lo cho sự phát triển của giáo dục nước nhà, từng bước tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh và quản lý giáo dục có hiệu quả. Xã hội hóa là một quá trình và thực tiễn sinh động đang bổ sung làm sâu sắc và phong phú thêm khái niệm và hoạt động xã hội hóa giáo dục. Quá trình này từng bước thể hiện tính chất dân chủ và bình đẳng của nền giáo dục nước ta. Không thể phủ nhận rằng, trong quá trình thực thi chủ trương xã hội hóa giáo dục thời gian qua, đã có không ít những hiện tượng lệch lạc, nhưng cũng đã có mô hình, điểm sáng mang tính đột phá, cần được nhân rộng. Đặc biệt là trong hệ thống ngoài công lập và xu thế quốc tế hóa giáo dục.
Sản phẩm hữu hình của quá trình xã hội hóa là hệ thống các trường ngoài công lập đã được hình thành từ mầm non đến đại học và không ngừng phát triển, phủ sóng trên nhiều địa bàn từ các thành phố lớn đến các huyện, thị. Bức tranh giáo dục ngoài công lập hiện còn những mảng màu đan xen tối – sáng. Còn nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập không thực hiện được sứ mệnh của mình, đuối sức hụt hơi với chồng chất khó khăn. Nhưng cũng đã xuất hiện nhiều mô hình ngoài công lập được đánh giá cao, tạo dựng được niềm tin trong xã hội, trở thành những thương hiệu mạnh, đi đầu trong việc đón bắt các xu thế giáo dục hiện đại của quốc tế.
Có lẽ nên bắt đầu từ một số đơn vị giáo dục ngoài công lập có thương hiệu, đã tạo lập được niềm tin trong xã trở thành những địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh. Ở bậc đại học, có thể kể đến những trường ĐH ra đời sớm nhất ngay ở thời kỳ đầu của quá trình đổi mới đất nước như ĐH Thăng Long, ĐH Hoa Sen, Đại học Tôn Đức Thắng, ĐH Nguyễn Tất Thành, đến những trường ra đời muộn hơn như Đại học Quốc tế RMIT, Đại học FPT, Đại Học Thành Tây...Trong số đó đã có 5 trường đạt tiêu chuẩn 3 sao của tổ chức QS Start. Ở phổ thông có thể kể ra như THPT Lương Thế Vinh, TH Marie Qurie, THPT FPT, Vinschool... ( Hà Nội), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Việt Anh, Trương Vĩnh Ký, các trường Quốc tế như Việt Anh, Việt Úc, APU, The International School... ( Thành phố Hồ Chí Minh). Ở bậc học mầm non trên các đô thị đã hình thành hệ thống trường mầm non ngoài công lập chất lượng cao. Tìm hiểu quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu của hệ thống các trường ngoài công lập thấy có chung một điểm là ngay từ ngày thành lập, các cơ sở giáo dục đó đã có tầm nhìn tiên phong hướng tới chuẩn mực quốc tế, cập nhật những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng niềm tin bằng chất lượng giáo dục cạnh tranh công khai minh bạch. Đặc biệt quan tâm hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo.
Trường đại học tư thục Thành Tây – từ con số không trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín như một kỳ tích có thể coi là minh chứng. Sau những thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học người ta tìm hiểu mới thấy được chiến lược đặc sắc của họ là “ đứng trên vai người khổng lồ” với cách làm táo bạo : thay vì xây dựng các trung tâm, các viện nghiên cứu trong nước, nhà trường đã đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học bên cạnh những trung tâm nghiên cứu khoa học danh tiếng ở các cường quốc về Khoa học như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc ..và cơ chế hợp tác hiệu quả với đối tác mạnh. Nhờ vậy, nhà trường đã nhanh chóng có công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Đó thực sự là một chiến lược đột phá, một cách xây dựng thương hiệu thông minh hiệu quả.
Đến chuyện xây dựng thương hiệu ở một ngôi trường
Câu chuyện của trường THPT Đào Duy Từ Thái Nguyên – sau hơn 10 năm đã lập nên những kì tích là một minh chứng nữa.
THPT Đào Duy Từ là trường THPT duy nhất trên địa bàn tỉnh có văn bản hợp tác với 4 trường THPT danh tiếng ở Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand...với chương liên kết đào tạo luôn phiên dành cho học sinh của các bên đối tác, là trường THPT duy nhất đã có 3 trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan cam kết cấp học bổng toàn phần cho học sinh. Tháng 5 năm 2018, có 5 học sinh xuất sắc, qua các vòng phỏng vấn, đã được các trường đại học nổi tiếng trên thế giới trao 7 suất học bổng du học, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Trong đó, Đại học tổng hợp Northern Kentucky (Mỹ) trao 5 học bổng trị giá 20.000 USD/học sinh; Trường Quản lý Khách sạn Quốc tế Thái Bình Dương (Trường PIHMS- New Zealand) trao 2 học bổng, trị giá 10.000 NZD/học sinh. Năm học 2017-2018, trong cuộc thi nghiên cứu khoa học quốc tế giành cho học sinh, sinh viên tổ chức ở Đài Loan, trường THPT có sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh được Bộ GD - ĐT chọn tham dự thi đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng được; Năm học 2018 – 2019 là trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có lớp Quốc tế.
Giáo sư Hà Huy Bằng – Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ: với sứ mệnh của trường là góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục để bắt kịp với xu hướng giáo dục hiện đại, giáo dục những Công dân toàn cầu tự tin, tự chủ hội nhập quốc tế. Với phương châm làm tốt nhất những gì mình có thể, nhà trường đã có những bước đi cụ thể và phù hợp, từng bước tạo dựng hệ giá trị cốt lõi, xây dựng thương hiệu bằng niềm tin, tiên phong đi đầu đổi mới và sáng tạo không ngừng. Với giáo dục đại trà, nhà trường phấn đấu để không một học sinh nào bị bỏ lại sau, quan tâm đến số phận từng em (học sinh của trường tham dự thi THPT 11 kỳ thì 6 kỳ đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%), đồng thời trường cũng đầu tư thỏa đáng cho giáo dục mũi nhọn và đã có những thành công lớn. Trong khi nhiều trường công lập nhiều năm không có giải học sinh giỏi quốc gia nhưng THPT Đào Duy Từ liên tục có học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, học sinh thi nghiên cứu khoa học đạt giải nhì lĩnh vực thiên văn toàn quốc – không có giải nhất; Trong cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học do Hàn Quốc tổ chức có 7 nước và vùng lãnh thổ tham gia, đoàn học sinh Đào Duy Từ được Bộ GD- ĐT chọn thay mặt khối PTTH dự thi và đã mang về 2 Huy chương vàng, 1 huy chương đồng.
Về giáo dục ngoài giờ lên lớp và giao tiếp, trường đã tạo sân chơi cho học sinh bằng việc thành lập nhiều Câu lạc bộ như: Câu lạc bộ MC - Hùng biện, Câu lạc bộ Nói tiếng Anh, Câu lạc bộ Nghệ thuật, Câu lạc bộ Khoa học...Thầy cô luôn tin rằng mỗi một học sinh đều có giá trị riêng, các em không thua kém bất cứ ai, khích lệ động viên để các em tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo sân chơi để các em tìm thấy mình trong các hoạt khi tìm thấy mình các em sẽ đam mê và tỏa sáng. Nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục hội nhập quốc tế. Tất cả các chương trình của nhà trường học sinh đều trực tiếp dẫn chương trình và ba năm gần đây các em dẫn bằng song ngữ Việt - Anh. Khi giao lưu với Ban giám khảo cuộc thi Nghiên cứu Khoa học quốc tế, vị giám khảo người Hàn Quốc đã rất ngạc nhiên về sự tự tin của các em, mỗi thành viên trong đoàn thực sự như một đại sứ văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chất lượng nhà giáo là yếu tố then chốt nên khi nhận rõ những hạn chế của các Cử nhân Sư phạm mới ra trường, nhà trường đã có kế hoạch “đào tạo lại” cho các giáo viên cơ hữu trẻ mới được tuyển dụng, theo công thức: kinh nghiệm của giáo viên già + sức bật của tuổi trẻ = chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên thao giảng 1 tiết/ tuần, thảo luận ngay trong tiết dạy, tăng cường giáo viên cốt cán của trường THPT Đào Duy Từ Hà Nội mỗi tuần.
Năm học 2018 – 2019, THPT Đào Duy Từ bùng nổ về số lượng với 9 lớp 10. Không phụ niềm tin yêu và kỳ vọng của phụ huynh và học sinh, nhà trường mở lớp quốc tế với 18 học sinh. Mục tiêu của lớp quốc tế là: giáo dục các Công dân toàn cầu để khi tốt nghiệp THPT các em có tâm thế toàn cầu: tự tin, tự chủ, đủ kiến thức, kĩ năng, để học tập hoặc tham gia lực lượng lao động trong môi trường quốc tế đa văn hóa, đa chủng tộc, Nhà trường ưu tiên thỏa đáng về giảng dạy tiếng Anh, rèn luyện các kĩ năng mềm, phát triển các năng lực cá nhân người học, tạo dấu ấn đặc biệt cho sản phẩm đầu ra tương đương các trường quốc tế. Tiếp tục tăng cường cho học sinh trải nghiệm học tập ở môi trường quốc tế. Đã 4 lần nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh giao lưu với các nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học do Bộ Giáo dục Singapore, Trường Tổng hợp Nanyang và Viện Hwa Chong tổ chức tại Singapore. Trường THPT Đào Duy Từ cũng đã tổ chức được 4 chuyến tham quan, giao lưu tại Đại học Quảng Tây, Đại học Vân Nam, Đại học Côn Minh, Tây An, Thượng Hải, cử học sinh tham dự Trại hè hàng năm ở trường Chung Ling, Malaysia, lớp Quốc tế sẽ được trải nghiệm thường xuyên hơn.
Sau hơn 10 năm thành lập, THPT Đào Duy Từ Thái Nguyên đã trở thành một thương hiệu mạnh, một điểm sáng trong giáo dục tỉnh nhà. Giám đốc Sở GD – ĐT Thái Nguyên, PGS.TS Phạm Việt Đức nhận xét: “đây là trường có nhiều sáng kiến nhất, là mô hình đáng để các trường khác đến học tập”. Những giá trị mà THPT Đào Duy Từ tạo dựng đang thể hiện vai trò tiên phong, tạo ra xu mới bắt kịp với xu thế của giáo dục hiện đại .
Lời kết
Vậy điều gì đã làm nên thành công của các mô hình giáo dục ngoài công lập? Phải chăng đó là việc xác định rõ sứ mệnh, có tầm nhìn chiến lược đặc sắc và bước đi hợp lí, đón đầu xu thế mới, không ngừng sáng tạo và đổi mới, có giải pháp độc đáo sẽ nhanh chóng tập hợp được tài lực và nhân lực, kiên trì tạo dựng những giá trị cốt lõi sẽ xây dựng thương hiệu bằng niềm tin và giá trị ngày càng lan tỏa. Ngược lại, những cơ sở giáo dục ngoài công lập chỉ nghĩ đến lợi nhuận như một doanh nghiệp dịch vụ khó có thể đi xa trong hoàn cảnh lợi thế nhiều mặt luôn thuộc về các trường công.
Thu Cúc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...