Vườn quê, thị đã lên đèn
VNTN - Một sáng mùa thu trong veo, giữa phố thị ồn ào tôi chạm lại mùi hương quen thuộc. Chỗ quẹo ngã ba, bà cụ bán hàng rong lúc nào cũng ngồi đấy, lỉnh kỉnh với biết bao nhiêu rau, củ quả. Bạn bè tôi bảo đồ bà cụ đích thị là đồ quê, không phải vì thấy bà cụ lam lũ, khổ sở mà tin tưởng chất lượng mặt hàng mà theo bằng cảm nhận của những người con bao năm sống ở quê có cái tinh ý như vậy.
Khi thấy những rổ thị vàng ươm, tôi thấy mình như kẻ lạ lên cơn thèm nhớ đến da diết khu vườn ở quê, nơi mà tôi đã gắn bó hơn mười năm.
Vườn quê không quá rộng nhưng khá đủ đầy cây trái. Từ na, ổi, bưởi, xoài, cam, táo và thị. Bố tôi bảo trồng cây cũng chẳng mong buôn bán lãi lời gì mà chỉ mong sao mỗi mùa con cái có lấy một vài loại quả để thưởng thức. Hồi nhỏ, ông tôi có dịp ra miền Bắc, thăm thú người thân, tình cờ thấy góc vườn có cây thị cỏ trĩu trịt quả, quả thơm như thể ai đó thả một túi hương khổng lồ bao quanh khu vườn, ông xin một vài quả về lấy hạt làm giống. Cây thị lớn lên cùng với bao gian truân khó nhọc, những thăng trầm với ông bà và bây giờ thì đồng hành với gia đình tôi.
Khi thị bắt đầu có quả. Và đều đặn tới mỗi mùa thị ông thường gọi điện ra Bắc nhắn lời cảm ơn. Ông bảo “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhưng kẻ trồng cây thì phải ơn người cho giống, đó là đạo lý mà đời đời con người phải thuộc lấy. Mỗi sáng sớm thu trong lành, ông kênh tôi lên cổ, dạo bước ra góc vườn, nơi cây thị đang thắp những chùm đèn vàng ươm. Tôi như chú chim non ríu rít hết cười rồi lại chỉ trỏ những quả thị be bé. Ông lấy cái vợt khều thị, đưa tôi một quả, tôi sung sướng cầm và cho lên mũi hít hà. Càng hít tôi càng lâng lâng hạnh phúc. Mùi thơm của thị như tràn đầy khoang mũi tôi, chạm tất cả những giây thần kinh khứu giác, chạm vào đê mê của cõi mộng mơ.
Những ngày tháng tám khi vẫn chưa phải đến trường, tôi í ới gọi lũ bạn tóc râu ngô trong xóm tới dưới gốc thị để chơi. Cây thị sum suê tỏa bóng mát rượi, chúng tôi chơi đồ hàng, chơi ô ăn quan và chơi bắn dây chun. Góc vườn rộn ràng hẳn với tiếng cười con trẻ, tiếng nói, tiếng cãi nhau khi đứa nào đó chơi gian, không trung thực. Thằng Thiên sau khi cãi cùn vì chơi lúc nào cũng thua, chán nó bỏ cuộc trèo lên cây thị, chỗ chạc ba chắc chắn nằm vắt vẻo. Con Nữ không chịu được cái tính ẩm ương của thằng Thiên, đứng dưới cây chọc qua chọc lại, đến nỗi thằng Thiên phát cáu. Buồn cười nhất là khi cả lũ đang mải chơi ô ăn quan, một trái thị già rơi trúng đầu con Hậu. Nó “úi da” một tiếng kèm theo cái bộ mặt nhăn nhó trông rất đáng thương. Quả thị rơi vào người nó, nó chiếm lĩnh, cầm ngửi một lúc, sau đó mân mê, bóp nắn thật mềm, khẽ tách lớp vỏ ra nó ăn ngon lành. Tụi con nít chúng tôi học được cách ăn thị không bị chát là như vậy. Tôi cũng từng thử các loại thị và thú thực là không thích ăn thị vì nó thường có vị chát. Nhưng thị vườn nhà tôi thì ngoại lệ. Thị đến lúc chín, ắt hẳn sẽ có một vị ngọt dịu.
Tôi cũng đã có lần liều lĩnh khi tự ý trèo lên cây thị, cứ ngỡ rằng mình cũng như thằng Thiên, ai ngờ tôi không hề biết trèo và bị mắc kẹt trên chạc ba của cây thị. Tôi đã gần như khóc, kêu thật lớn nhờ ông tôi ra giải quyết. Phía bên trong hai bắp chân, do quắp vào thân cây bị xước rất mạnh, máu rơm rớm chảy. Chiều, ông hòa muối với nước sôi để nguội rửa vết thương cho tôi lại càng xót hơn nữa. Thế là chừa việc trèo cây thị. Ông cũng dạy tôi rằng đừng ham leo trèo, nhỡ ngã xuống gẫy chân, gẫy tay thì rất nguy. Hôm thật lâu, đọc ở đâu đó câu thành ngữ “Nhà có phúc sinh con biết lội, nhà có tội sinh con hay trèo”, chột dạ nghĩ tới lời ông dặn, chắc có lẽ cũng vì một phần nguyên do từ câu thành ngữ này.
Có một năm, tôi cũng không nhớ là năm bao nhiêu nữa, cây thị nhà tôi ra quả nhiều vô kể. Hầu như nhánh cây nào cũng có quả lúc lỉu. Tôi mừng rơn, ngày nào cũng ra cây để thăm. Tôi ngỏ ý với ông và bố mẹ rằng hái thị ra góc chợ quê ngồi bán. Mười mấy tuổi, tôi như một ông cụ non, tính toán buôn bán như thật làm ai nấy đều buồn cười. Chiều tôi, ông vợt thị cho vào một cái rổ đầy ú ụ. Mẹ phụ, chở rổ thị ra chợ bảo tôi ngồi bán. Cái cảm giác ngồi từ sáng tới trưa trước mặt là một rổ thị đầy mà không ai mua tôi thất vọng chừng nào. Rồi tôi hiểu ra, cái nghề buôn bán ở chợ của mẹ nó vất vả cỡ nào. Vậy mà lâu nay tôi đâu hay chăng. Thấy đã sắp trưa mà tôi chưa về, mẹ tôi ào chạy ra chợ, phụ tôi bán thị. Tôi đã vỡ ra được nhiều bài học từ cách bán hàng của mẹ. Mẹ dạy tôi từ cách chào hàng, từng nụ cười niềm nở và ân cần. Vì khi đó thị cũng chẳng đáng giá bao nhiêu nên mẹ cũng thơm thảo vừa bán vừa cho. Đó là lần bán hàng đầu tiên trong đời và cũng là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất!
Hồi tôi còn nhỏ, tôi lúc nào cũng mạnh miệng bảo với ông bà, bố mẹ “Mai này lớn lên con ra phố xây nhà thật to để phụng dưỡng ông bà, bố mẹ…”. Thế mà từ cái ngày nói câu đó đến nay đã mười mấy năm trôi qua. Tôi cũng đã đi làm nhưng nhịp sống thị thành không như tôi tưởng, mệt mỏi, và bon chen để có thể sống qua ngày. Tự dưng tôi thèm quá trời thời bé thơ vô lo vô nghĩ mỗi mùa thị ra dưới gốc cây hóng mát, chuyện trò với lũ bạn. Cái ý nghĩ bỏ quê ra phố cũng dần biến mất trong tâm trí của tôi. Bởi, sau bao năm sống ở phố tôi nghiệm ra rằng, dẫu quê có nghèo một chút nhưng vẫn là nơi thanh bình, đáng sống hơn khi ở phố cứ vất vả với bao thường nhật lo toan. Tôi sẽ tích cóp và về quê sống với ông bà, bố mẹ sau khi về già. Nhất định là như vậy!
Trong nỗi nhớ quê, bâng khuâng tôi nhận ra mùa này vườn quê thị đã thắp đèn…
Mai Hoàng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...