Vui buồn phim Việt bối cảnh xưa
VNTN - Ba năm trở lại đây, như một cách đổi món khi những phim mang phong cách Hàn Quốc, Hollywood, Hongkong… đã bắt đầu nhạt, thiếu hấp dẫn; phim truyền hình mang bối cảnh Việt xưa dần dần tạo dấu ấn với khán giả như một cách “ta về ta tắm ao ta” nhiều thú vị.
Thật ra dòng phim truyền hình bối cảnh Việt xưa đã được làm từ khá lâu, và phần nào chinh phục được khán giả nhờ kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học được nhiều người yêu thích, như "Đất phương Nam" từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi; "Người đẹp Tây Đô" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trầm Hương; “Mảnh đất lắm người nhiều ma” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Khắc Trường; “Trò đời” dựa vào các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng; “Lều chõng” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ngô Tất Tố… Mới đây nhất là phim "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng được chuyển thể từ tác phẩm "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng. Và cả một series 10 phim bối cảnh Nam Bộ xưa theo các tiều thuyết của Hồ Biểu Chánh được làm lai rai từ 1998 đến nay vẫn tiếp tục.
Phim bối cảnh Việt xưa đang thời hoàng kim?
Có thể nói các Hãng phim phía Nam “mặn” với dòng phim có bối cảnh Việt xưa khi chuyển thể các tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh, tạo nên một series phim mang phong cách Nam Bộ xưa thời thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 được khán giả truyền hình đón nhận: “Con nhà nghèo”, “Khóc thầm”, “Hai khối tình”, “Tại tôi”, “Ngọn cỏ gió đùa”, “Lòng dạ đàn bà”, “Tình án”, “Cay đắng mùi đời”, “Con nhà giàu”, “Chúa tàu Kim Quy”. Và tiếp theo “phim Hồ Biểu Chánh”, có một xu hướng làm phim theo chủ đề Nam Bộ xưa rất ăn khách như: "Lời sám hối", là câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa 5 người vợ trong một gia đình danh gia vọng tộc ở đất Cần Thơ, nhà ông Hội đồng Vĩnh; "Ải trần gian" xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Hội đồng Bùi ở Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre); "Hai người vợ" xoay quanh câu chuyện giữa hai người vợ Trinh Trinh và Dạ Thảo, xuất thân, địa vị xã hội khác nhau, nhưng lại có chung một người chồng; “Lời nguyền” là câu chuyện nói về thân phận người phụ nữ đầy đớn đau, bất hạnh, tủi nhục khi bị xem như một món hàng, một trò vui cho thiên hạ…
Nếu tính gần hơn thì từ năm 2017 sang đến năm 2018, ở cả hai miền Nam - Bắc đã và đang có kha khá phim đề tài Việt Nam bối cảnh xưa cách đây non nửa thế kỷ trở về trước ra mắt như: “Tơ hồng vương vấn”, “Thương nhớ ở ai”, “Thế thái nhân tình”, “Duyên định kim tiền”, “Cô Thắm về làng phần 3”, “Mộng phù hoa”, “Về quê ăn Tết”... Trong đó, tạo được "cơn sốt" khán giả với chỉ số rating (xếp hạng) khá cao là “Thương nhớ ở ai” lên sóng VTV. Lấy bối cảnh là một làng quê Bắc Bộ nghèo khó trong giai đoạn 1954-1975 với những người nông dân lam lũ, “một nắng hai sương”, trải qua hai cuộc chiến, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng, không chỉ chịu nỗi đau mất người thân, những người phụ nữ ấy còn bị trói buộc, giam cầm bởi những định kiến lạc hậu, hủ tục hà khắc… “Cô Thắm về làng phần 3” lên sóng HTV2 tiếp nối của 2 phần đầu đều đạt được rating kỷ lục và lượt xem cao trên YouTube. Đặc biệt, phim “Mộng phù hoa” dựa theo cuộc đời có thật của một “đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn” - Cô Ba Trà, với bối cảnh những năm 1930 - 1940. Năm 10 tuổi, cô chứng kiến cái chết tức tưởi của cha vì nghi ngờ mẹ ngoại tình, ngay sau đó, bà nội cô đột tử do quá sốc trước cái chết của con trai, hai đám tang đưa ra nghĩa địa trong một ngày mưa tầm tã mở đầu cho chuỗi dài bi kịch trong cuộc đời nổi trôi, phiêu dạt của cô, từ một cô gái trong trắng, chịu thương chịu khó, cô trở thành một kỹ nữ nổi tiếng bậc nhất Nam Kỳ. Phim lên sóng VTV3 thu hút khán giả khá cao.
Đến đầu năm 2019, bên cạnh một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh vẫn tiếp tục được chuyển thể thành phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã bắt tay vào chuẩn bị thực hiện phiên bản truyền hình có kịch bản dựa theo “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, lấy bối cảnh thời phong kiến triều Nguyễn thế kỷ 19. Còn đạo diễn Phương Điền đang làm hậu kỳ cho phim truyền hình “Giông bão” chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng “Lôi vũ” được Việt hóa bối cảnh Việt Nam, lấy bối cảnh miền Tây những năm đầu thế kỷ 20. Gia đình một ông bà hội đồng có hai người con trai - cậu Hai và cậu Ba. Cậu Hai không có khả năng sinh cháu “nối dõi tông đường” nên đứng trước nguy cơ mất hết quyền lực, tài sản vào tay vợ chồng cậu Ba. Mợ Hai vì sợ mất vị thế trong gia đình nên luôn tìm mọi cách để có con. Cao trào của câu chuyện là khi mợ Hai tìm cách khiến mợ Ba mất đứa con trong bụng; đồng thời ép một người giúp việc nam quan hệ với mình để có con nhằm qua mặt nhà chồng. Từ đây, bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm…
Nhưng không dễ làm…
Nhìn vào thành công của đa số phim truyền hình bối cảnh Việt xưa, tưởng chừng như dòng phim này “ngon ăn”, dễ làm, “câu” được khán giả. Nhưng chỉ những nhà sản xuất, những người làm phim mới cảm nhận hết vị đắng khi quyết định theo dòng này, bởi “5 ăn - 5 thua” chứ chẳng dễ gì.
Gần nhất là sự thất bại của phim “Mỹ nhân Sài thành” của đạo diễn kỳ cựu Lê Cung Bắc, người từng làm nhiều phim bối cảnh xưa như “Người đẹp Tây Đô”, “Dòng đời”, “Ngược sóng”, “Vó ngựa trời Nam”... Được đặt trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động tại miền Nam Việt Nam những năm 1950, “Mỹ nhân Sài thành” ban đầu có một kịch bản đồ sộ, lên tới 100 tập. Nhưng khi thực hiện, đạo diễn Lê Cung Bắc đã rút xuống còn 49 tập. Thông qua số phận của ba người đẹp Thanh Trà, Bạch Trà và Hồng Trà cùng những mối quan hệ xung quanh họ, bộ phim đã phản chiếu cuộc sống của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông một thời… Nguyên nhân thất bại thì có nhiều, nhưng tập trung là do phần kịch bản nhiều sạn, tình tiết vô lý, xa lạ, nhiều chi tiết phóng đại, không đúng nên không cuốn hút khán giả từng sống qua thời đó. Với khán giả có tuổi, muốn tìm lại kỷ niệm xưa qua phim thì lại bắt gặp nhiều "sạn", nhiều điều chưa đúng nên khó chịu, không muốn theo dõi tiếp phim. Với khán giả trẻ, phim bối cảnh xưa có phần thiếu gần gũi và tốc độ chậm, không cuốn hút.
Một số phim lấy bối cảnh Việt xưa, ngay người trong giới cũng cho rằng chinh phục được khán giả nhiều thế hệ là điều không dễ. Đạo diễn cứ mặc định phim bối cảnh xưa phải chậm, nói chậm, diễn tiến chậm, tình tiết chậm... Nhưng chậm quá cũng gây nhàm chán, nhất là khi chậm mà tình tiết chẳng có gì cuốn hút, thiếu cao trào, chỉ là các nhân vật đối thoại qua lại rồi hết một tập.
Như một trào lưu đua nhau làm mà phim bối cảnh xưa chất lượng ngày càng giảm. Về khách quan, phải kể đến việc vốn đầu tư cao. Nếu đầu tư đúng “chất” thì khó có lãi nên phải tiết kiệm tối đa. Phim bối cảnh xưa mà chi phí như phim bối cảnh đương đại thì phải thiếu trước hụt sau. Ai cũng thấy, đầu tiên là thiếu bối cảnh, đạo cụ. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi làm phim “Thương nhớ ở ai” đã cảm thán: “Với phim xưa thì không thể có cảnh xuất hiện dây điện chằng chịt hay đèn led sáng chói. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa bây giờ nhanh quá. Đi đâu cũng thấy đập vào mắt là nhà cao tầng, kể cả là về các vùng nông thôn…”. Hay như đạo diễn Quế Ngọc phim “Mộng phù hoa” đã phải tìm hiểu để phục dựng cả một khu phố người Hoa ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20, rồi trang phục sử dụng trong phim cũng đòi hỏi mức đầu tư lớn, thời này âu phục tràn vào và phổ biến, nhưng một bộ phận người dân lao động vẫn giữ phong cách ăn mặc truyền thống. “Mộng phù hoa” được may mới hoàn toàn khoảng 300 bộ, kèm theo nhiều phụ kiện như ô, kính mắt, găng tay, túi xách, tẩu thuốc, gậy batoong…
Thiếu kịch bản vẫn là “bệnh mãn tính”. Với những phim chuyển thể từ tiểu thuyết khai thác đúng tâm lý nhân vật sống thời đó nên người xem thấy thuyết phục. Nhưng nay, nhiều biên kịch viết kịch bản phim bối cảnh xưa lại đặt tâm lý nhân vật sống ở thời hiện đại vào nên tâm lý, hành xử của nhân vật “sai sai”, không hợp lý, ít nhiều gây sự khó chịu với khán giả. Cái khó nữa là, muốn chinh phục khán giả trẻ thì yêu cầu phải có sự thay đổi như đẩy nhanh mạch phim, cao trào trong mỗi tập; còn nếu muốn chinh phục khán giả trung niên, cao niên thì buộc giữ tâm lý nhân vật phù hợp với thời điểm phản ánh… Đó thật sự là thử thách cho biên kịch, đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất.
Có thể nói, khuyến khích và đầu tư phát triển dòng phim bối cảnh Việt xưa là nên và cần thiết. Bởi ở góc độ nào đó, xem phim như một cách “đọc” và “hiểu” về một khoảng lịch sử xã hội, đời sống của người Việt. Chính vì thế nó mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả; với người trẻ là khám phá, người lớn tuổi là hồi tưởng. Và trên nữa, dòng phim này còn mang thông điệp giữ gìn những vốn văn hóa truyền thống dân tộc quý giá để có ý thức chân - thiện - mỹ trong cuộc sống đương đại.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...