Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
09:21 (GMT +7)

Vu Lan báo hiếu: Hãy trải tình thương đến muôn loài

Tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu. Đó là câu chuyện về một đại đệ tử của Đức Phật: Tôn Giả Mục Kiền Liên đã cứu thoát mẹ mình là bà Thanh Đề thoát ra khỏi ngục tối. Dù trong lịch sử, mẹ Tôn giả Mục Kiền Liên không hề cấm cản ngài đi tu, cũng không phá hoại Tăng đoàn nhưng, ngoài yếu tố lịch sử này thì ý trong kinh lại rất đúng. Đó là câu chuyện về đức hiếu hạnh của một người con. Câu chuyện của người con chí hiếu Mục Kiền Liên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận suốt mấy nghìn năm qua, để rồi, Phật giáo truyền đến đâu thì cùng với tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha. Những người con của Đức Phật noi theo tấm gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.

                                    1-1693276069.jpg
Chỉ có công đức cúng dường mười phương Tăng mới có thể hợp lực đưa bà Thanh Đề thoát ra khỏi ngục tối (hình minh họa)

 1. Truyền thuyết kể rằng bà Thanh Đề là mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên bị đọa vào địa ngục do những tội lỗi mà bà gây ra. Mỗi khi người ta dâng cơm cho bà thì lòng tham sân si nổi lên và bát cơm biến thành lửa cháy, bởi vậy bà luôn khổ sở vì đói khát. Thấy mẹ đói khát khổ sở, ngài đã dùng thần thông đem cơm xuống tận địa ngục dâng cho mẹ mình. Vì lửa tham nổi lên thiêu đốt, bà Thanh Đề, mỗi khi đưa thức ăn gần tới miệng thì thức ăn ấy liền biến thành lửa đỏ. Cũng theo kinh Vu Lan Bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ của mình, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Thế rồi, nhờ vào công đức cúng dường của chư tăng mười phương, sau mùa An cư kiết hạ, mẹ của ngài Mục Kiền Liên đã thoát ra khỏi ngục tối. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời. Câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu hạnh này đã giúp mỗi người khi tụng đọc Kinh Vu Lan lại nhớ về tấm gương đại hiếu Mục Kiền Liên.

                                    2-1693276066.jpg
Quang cảnh bên ngoài Chùa Phù Liễn – Trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên (Ảnh minh họa: V.T)

Theo quan niệm của nhà Phật, đời là bể khổ, nên nước mắt chúng sinh cộng lại đã nhiều hơn biển cả bao la. Vậy nên, tất cả những ai khi đến với cuộc đời này đều chào đời bằng tiếng khóc oa oa: “Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra…” (Nguyễn Gia Thiều). Đời là bể khổ nên Phật giáo khuyên những ai đã có may mắn đến với cuộc đời này hãy góp phần mình cho cuộc đời bớt khổ. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã khuyên rằng: “Sứ mệnh của chúng ta đến với cuộc đời này là để giúp đỡ người khác, và nếu không giúp đỡ được gì cho họ thì ta cũng không nên làm hại họ”.

Đời là bể khổ, nhưng vì sao ta khổ, Phật giáo đã chỉ ra nguyên nhân của sự khổ (Tập đế); chỉ ra con đường để diệt cái khổ đó, để đi tới sự an lạc Niết Bàn ấy là Đạo đế (37 phẩm trợ đạo, trong đó quan trọng nhất là Bát Chánh (Chính) Đạo). Bát Chánh đạo bao gồm: Chính kiến (Gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lý vô ngã); Chính tư duy (Suy nghĩ hay có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lý một cách không sai lầm); Chính ngữ (Nói thiện nói lành xây dựng ích lợi chung vì người nghe tiến bộ; nói đúng, khéo léo để người nghe dễ hiểu); Chính nghiệp (Làm những việc lành thiện tạo ích lợi chung; không làm điều xấu ác); Chính mệnh (Giữ gìn thân thể trong sạch mạnh khỏe bằng cách ăn uống, đủ chất; ăn uống do nghiệp lành, không do sát sinh tạo sân hận nghiệp ác gây nên, ngủ nghỉ chỗ trong sạch lành mạnh, tránh chỗ ô nhiễm; Chính tinh tiến (Luôn luôn nhớ hàng ngày, hàng giờ, hàng phút việc tu học, giữ giới luật để sao sát tiến bộ); Chính niệm (Tỉnh giác trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý); Chính định (Tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian). Hiểu nguyên nhân của sự khổ rồi (Tập đế); tìm cách diệt cái khổ ấy (Đạo đế) để vươn tới cảnh giới niết bàn, chấm dứt hoàn toàn đau khổ (Diệt đế).

Để đi tới con đường lớn của sự an lạc ấy, mỗi người đi qua các nấc thang khác nhau và hiếu hạnh hẳn nhiên là một trong những nấc thang ấy, bởi trong muôn vàn những đức tính tốt đẹp ở đời, hiếu hạnh đứng đầu. Có người hiểu sai câu nói của người xưa: “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” để nói rằng đâu cần phải đến chùa. Nếu vậy, người xưa cũng nói: “Học thày không tày học bạn” rồi chúng ta khỏi cần thày, khỏi tới lớp hay sao? Đó chỉ là những lời khuyên trong những ngữ cảnh cụ thể mà thôi. Chúng ta may mắn được làm người, lại may mắn biết Phật Pháp Tăng thì còn phước báu nào hơn. Vậy nên, đến chùa mùa lễ Vu Lan, ta sẽ được sống trong không khí linh thiêng của lòng biết ơn. Nếu đã biết một cảnh chùa, xin ai đó đừng bỏ lỡ, nhất là những dịp linh thiêng này…

2. Thân người ta khó mà có được. Kinh tạng nguyên thủy Nikaya ghi lại lời Đức Phật trong một lần dạy chư vị Tỳ kheo về việc này để thấy khó khăn thế nào khi một người được mang thân người. Đó là hình ảnh giữa biển khơi có một con rùa mù 2 mắt, cứ mỗi trăm năm rùa nổi lên một lần, lần nào đó con rùa nổi lên mà bắt gặp cái cây có bộng rỗng trôi trên biển và nó phải chui được đầu của mình vào đó, thì đó là lúc một sinh vật được đầu thai trở lại làm người. Trong lục đạo luân hồi sinh tử của Phật giáo, chỉ riêng cõi người mới là cõi mà con người ta có điều kiện thuận lợi để tu tập, để tu nhân tích đức, để tạo duyên lành, để khi chết đi rồi không phải chịu dày vò đau khổ như thân mẫu Thanh Đề của Tôn giả Mục Kiền Liên. Đây là một bài học nhân quả từ Kinh Vu Lan. Gieo nhân nào thì gặp quả đó, không gây nhân ác làm gì có quả báo ác?

Tại sao ngài Mục Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng vẫn không dùng thần thông ấy để cứu nổi mẹ mình mà phải nhờ vào tha lực từ công đức cúng dường mười phương Tăng sau mùa An cư kiết hạ? Luật nhân quả của Phật giáo là công bằng và không chừa một ai: Ai làm nấy chịu và không ai chịu tội thay cho ai.

Có một câu chuyện thiền kể rằng một người nọ đến gặp vị đại sư và nhờ vị đại sư này cứu giúp. Vị đại sư liền nói với ông khách rằng đợi ngài một chút để ngài đi tiểu tiện. Khi vừa bước ra khỏi cửa ngài quay lại nói với ông khách rằng: Ông thấy đấy, đến một việc cỏn con như thế này (tiểu tiện – NV) mà tôi vẫn phải tự mình làm lấy chứ không thể nhờ được ai. Thế nhưng, cứ một vật được ném ra thì ngay lập tức sẽ có một phản lực tương ứng. Tình thương, lòng trắc ẩn được gieo trồng sẽ làm nảy nở, sinh sôi tình thương, lòng trắc ẩn.

Vậy nên, công đức cúng dường mười phương Tăng ấy đã hợp lực đưa bà Thanh Đề thoát ra khỏi ngục tối. Ngài Mục Kiền Liên có thể dùng thần thông của mình để cứu mẹ ra khỏi địa ngục hay không? Nếu ngài dùng thần thông cứu mẹ mình thì còn đâu là luật nhân quả, còn đâu là lẽ công bằng. Nếu vậy hóa ra con người cứ thoải mái làm ác đi rồi nhờ thần thông quảng đại, nhờ cầu xin và giúp đỡ để thoát khổ hay sao? Vả chăng, cái ngục giam bà Mục Kiền Liên đâu phải có 4 bức tường, đâu phải có những cánh cửa sắt lạnh lùng khóa chặt, đó chỉ là cái ngục của tư tưởng. Bởi không có bức tường, không có cánh cửa nên nó có muôn ngàn bức tường, muôn ngàn cánh cửa. Vậy nên, ngài Mục Kiền Liên và các vị chư Phật đâu phải đến đó để phá cánh cửa đó và nắm tay bà Thanh Đề kéo ra, bởi làm gì có mà kéo – các vị ấy chỉ trải tình thương, công đức vô lượng ấy giúp bà Thanh Đề tự mình đập vỡ màn u minh giam giữ mình để tự mình thoát ra. Bà phải tự mình thoát ra thì mới có thể thoát ra vĩnh viễn, còn nếu người ta kéo bà ra có thể bà lại sẽ bị đọa vào.

3. Trước khi nhập diệt vào cõi Niết bàn, Đức Phật quay lại dặn dò các đệ tử rằng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người là do chính mỗi người quyết định. Không có bậc thần thông quảng đại nào, chả có bậc thánh thần nào có thể cứu nổi một người khi người đó gieo đầy nhân ác.

Kỷ niệm ngày Lễ Vu Lan cũng là ngày mà ở các ngôi chùa (theo Phật giáo Bắc Tông) kết thúc 3 tháng mùa An cư kiết hạ. Phật giáo không chỉ bảo vệ con người mà còn tôn trọng sự sống của muôn loài, bởi Phật giáo quan niệm tất cả chúng sinh sẽ trở thành các vị Phật tương lai. Mỗi khi mùa mưa tới, đó là mùa côn trùng sinh sôi nảy nở, nếu đi lại nhiều (thuở xưa đi khất thực) sẽ dẫm đạp các côn trùng mùa chúng đang sinh sản. Để bảo vệ sự sống muôn loài, cứ đến mùa ấy, những người con của Phật giáo lại bắt đầu vào mùa An cư kiết hạ.

                                    3-1693276069.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Tinh thần cao cả của Phật giáo là vô ngã, vị tha. Tình yêu thương, đạo hiếu không chỉ dành cho mẹ cho cha, cho anh em, bè bạn mà còn trải tình yêu thương đến muôn loài bởi trong lục đạo luân hồi rồi cũng có khi họ sẽ trở thành mẹ con, cha con. Vậy mà, có những người con tỏ ra là mình hiếu đạo, khi cha mẹ vừa nằm xuống đã lập tức giết trâu, mổ bò. Tại sao tiễn cha mẹ của mình đi lại giết hại chúng sinh khác để tế lễ. Đó không phải đạo hiếu mà chính là đang tạo nghiệp ác cả cho mình và cả cha mẹ quá cố?

4. Những câu chuyện trên nói lên những quan niệm mang đầy tính nhân văn của Đạo Phật mà chúng ta, dù có là phật tử hay không, cũng nên tham khảo. Rất nhiều người đi chùa Hương nhưng phải quyết ăn cho được thịt của con thú rừng bị thui chín treo lủng lẳng dọc đường, ngay trước cửa các ngôi chùa. Đó chẳng phải là đi chùa mà không hiểu gì về Đạo Phật?

Bà Thanh Đề có tội nhưng bà có con trai Mục Kiên Liên tìm cách cứu bà, còn chúng ta, chúng ta phạm tội ác rồi ai sẽ đến cứu chúng ta? Vậy nên, bài học hiếu đạo cao nhất mà Lễ Vu Lan để lại là mỗi người khi báo hiếu cha mẹ mình hãy trải tình thương đến với muôn loài, hãy gieo duyên lành bằng cách không gây đau khổ cho tất cả chúng sinh, chỉ có như vậy, mỗi người mới có một mùa Vu Lan an lành và hạnh phúc.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 3 giờ trước