Vòm trời tươi đẹp
Vũ đã đến từ rất sớm ngồi chờ trong quán café nhỏ. Phủi những hạt mưa còn dính đầy trên tóc, Tú phân trần:
- Cuối năm hay tăng ca, tôi không xin về sớm được. Ông đợi tôi lâu chưa?
- Bằng thời gian viết được bài thơ tình. Đấy là nếu tôi có cảm hứng. Ăn gì chưa? Có đói không?
- Ăn cơm ở công ty rồi. Đói thì tí về úp mì tôm.
- Ông làm để sống hay sống để làm?
- Những người như tôi còn chẳng có thời gian hỏi những câu vô nghĩa. Mà ông xuống phố có việc gì?
- Thì để gặp ông ngồi với nhau một lúc không được sao? Dạo này tôi bế tắc quá, không viết được cái gì ra hồn.
- Đừng tự áp lực mình, nghỉ ngơi một thời gian biết đâu cảm xúc sẽ tốt hơn.
- Tôi không muốn nghỉ ngơi. Tôi không thấy yên lòng. Tôi muốn đi tìm ý tưởng và nhân vật của mình.
- Thế trang trại trên nhà ai lo?
- Ôi dào! Nho mới thu hoạch, cũng đã cắt gốc xong. Ở nhà đã có vợ con và hai người giúp việc. Tôi quần quật cả năm, cũng phải có thời gian dành cho đam mê chứ.
- Nếu ông không chê, hay là về xóm trọ tôi đi. Biết đâu lại khối cái cho ông viết đấy.
Thế là Vũ nhập vào xóm trọ công nhân trong hành trình đi tìm một nhân vật để đời. Bây giờ đang là cuối năm, chút lạnh lẽo sót lại của mùa đông hiện trên bức tường bong tróc, những chiếc áo khoác công nhân bạc phếch treo ngoài dây phơi gió thổi quăng quật. Đâu đó tiếng trẻ con ho thành từng cơn vọng ra buốt ruột. Tú dặn “đừng bật nhạc to, nhiều người đi làm ca đêm, ngày về ngủ”. Vũ không có ý định làm náo loạn chỗ này, cũng chẳng nghĩ nơi đây có gì đó cho mình đáng viết. Anh là một nhà văn luôn trăn trở với nghề. Vũ viết rất ít, tác phẩm đếm trên đầu ngón tay. May mắn anh không để tiền nong vướng vào chuyện văn chương. Anh có một trang trại nhỏ trồng nông sản sạch chuyển về thành phố bán. Làm nông sản sạch cũng chẳng dễ dàng gì. Để không phá hoại chất đất, không dùng hóa chất thì sức người và vốn đầu tư bỏ ra không hề nhỏ. Tỷ lệ nông sản phải bỏ đi vì sâu bọ, mẫu mã xấu cũng không phải ít nên giá thành bán ra đội lên cao. Thời buổi lạm phát, người tiêu dùng phải chắt bóp từng đồng. Bài toán đặt ra cho người làm nông sản sạch càng vất vả hơn. Vũ không tham lợi nhuận, sống cho ra sống. Trong văn chương hay làm ăn kinh tế anh đều không đặt nặng đồng tiền hơn lương tâm. Thực ra cuối năm nông trại nhiều việc hơn bao giờ hết. Nhưng kệ, Vũ phải bứt mình ra khỏi cái guồng quay công việc. Anh phải sắp xếp cho mình một chuyến đi, reset lại đầu óc.
Tú thò đầu ra khỏi nhà tắm nhắc bạn:
- Nhiều muỗi phết đấy.
- Ăn thua gì so với đồi núi quê tôi.
Vũ ngồi xuống chiếc bàn giả gỗ, mở nắp ấm trà thấy đầy bã, tàn thuốc lá vương vãi dưới chân. Anh đưa mắt tìm một khoảng trống nào đó nhưng thất bại. Một xóm trọ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng, nhìn phía nào cũng là bê tông cốt thép. Ngửa cổ lên nhìn trời thì chỉ thấy mùng màn, quần áo người lớn trẻ con chen chúc. Ở núi đồi bát ngát mênh mông mãi quen rồi, giờ chui rúc nơi này chưa gì đã khiến Vũ ngạt thở. Anh toan đứng dậy đi vào phòng thì thấy có người đàn bà bế đứa cháu nhỏ đi ra. Thằng bé gầy còm xanh xao như chiếc dải khoai, đôi mắt trố sưng lên chắc do khóc nhiều. Trên trán thằng nhỏ dán miếng hạ sốt, mũi nhãi quệt ngang quệt dọc. Vũ bắt chuyện:
- Cháu ốm sao vậy cô?
- Viêm họng rồi sốt chú à. Mùa này đến là khổ. Nó quấy từ đêm đến giờ chẳng chịu ăn gì. Thuốc cứ uống vào lại nôn ra. Nghĩ thương cháu ghê. Bố mẹ thì đi làm hết, vật lộn với nó còn vất hơn đi làm đồng nhiều chú ơi.
- Ở đây chật chội thế này sao không để cháu ở quê cho thoải mái hả cô?
- Nó bé quá phải xa mẹ cũng tội. Cô đang bảo ra tết thì để cháu ở quê luôn với ông bà. Chứ ở đây bất tiện lắm...
Buổi tối xóm trọ được lấp đầy bởi những phận người. Hai dãy nhà rôm rả tiếng vào ra, cười nói. Cánh đàn ông vừa trông con vừa rủ nhau làm hụm nước chè. Đàn bà thì chợ búa, rau củ bày ra cả lối đi í ới hỏi nhau thịt ba chỉ bao nhiêu? Trứng cá chép bao tiền một lạng? Sao dạo này khoai lang đắt thế? Cái gì mà chả đắt, chỉ có lương ngày một hẹo đi. Vũ nghe thấy những tiếng thở dài nén lại trong lồng ngực. Họ ôm lấy con mình, dụi đầu vào ngực tụi nhỏ, mẹ cười con cười khúc khích. Vũ hòa vào xóm trọ rất nhanh bằng ly rượu ấm và bữa cơm công nhân đạm bạc trong căn phòng chật hẹp nhà hàng xóm phòng bên. Vừa nhậu vừa trông chừng đứa nhỏ bò vào mâm bốc rau trộn thịt, đĩa lạc rang vung vãi khắp nhà. Trong hơi men lâng lâng Vũ lặng im nghe họ nhắc đến một miền quê nào đó. Ai mà chẳng có quê. Quê nhà nằm trong tim họ.
Buổi tối mọi người tràn ra ngoài khoảng sân trước nhà. Thực ra đó là hành lang chung của hai dãy trọ quay mặt vào nhau. Quần áo, mùng mền đã được cất đi tránh sương đêm, hở ra bầu trời xám xịt. Một gã đàn ông nằm ngửa ra yên xe ngó trời hát nghêu ngao: “Gió bên sông thổi vào mái lá/ Nghe xạc xào lạnh giá lòng anh/ Em ơi giấc mộng chưa thành/ Sao em nỡ để tình anh lạnh lùng?”. Những người đàn bà trong xóm trọ lúc rảnh rỗi thường thích ngồi tựa cửa nhìn trời. Vũ nhớ đến bà đến mẹ mình cũng thường ngồi ở bậc hè ngó nắng quái, mây bã bừa, chớp giật đằng đông, hoàng hôn xuống núi. Cứ như thể cái nếp “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” đã ăn sâu vào máu những người đàn bà sinh ra từ chiếc nôi văn minh lúa nước, truyền từ kiếp này sang kiếp khác. Dù những người phụ nữ nơi đây đã bứt khỏi ruộng đồng trở thành giai cấp công nhân.
- Tết dương lịch được nghỉ dài ngày em tính về lợp lại cái mái nhà ở quê.
- Chắc cũng mất khá tiền. Đi tong khoản ki cóp cả năm đấy nhỉ?
- Lát lại cả nền nhà bị lún nữa chị ạ. Phải vay mượn nhiều chứ cả năm lo con cái học hành, thuốc thang bố mẹ đâu có tích cóp được gì. Nhưng lợp lại cho yên tâm. Chứ đi làm mà mùa mưa cứ nghĩ bố mẹ, các con ở nhà là thắt ruột. Thế nhà các anh chị, nghỉ lễ có đi đâu chơi không?
- Thì về quê thôi em. Đi làm biền biệt chỉ mong mấy ngày nghỉ quây quần bên gia đình, quê hương chứ chẳng thiết đi đâu cả. Giờ hỏi thèm gì nhất thì đúng là chỉ thèm làm nồi lẩu cả nhà quây quần. Tối đến rúc đầu vào tóc tụi nhỏ ngủ một bữa đã đời không phải sợ chuông báo thức reo. Quê em trong lành lắm. Sáng ra vươn vai một cái, hít căng lồng ngực một cái là thấy đời không gì sướng bằng. Thôi cố gắng cày cuốc ít năm nuôi con cái học hành, tích cóp chút vốn liếng về quê.
- Nhưng về quê thì cũng chẳng biết làm gì ngoài mấy sào ruộng.
- Chục năm nữa ở quê cũng phát triển lắm rồi. Lúc ấy tính chuyện làm ăn chắc cũng không quá khó.
Những câu chuyện lan từ phòng này đến phòng kia. Thỉnh thoảng tất cả đều chìm vào im lặng như đang mải mê nghĩ về một vùng trời ước vọng. Càng nhìn sự hoa lệ của thành phố Vũ càng nghĩ nhiều về phận đời công nhân của họ. Họ góp sức mình trong mỗi nhà máy, công xưởng tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội. Họ góp phần xây dựng thành phố thêm giàu đẹp. Họ co cụm lại trong những xóm trọ nhỏ, thêm thắt vào bức tranh phố thị mảng màu trầm. Vũ ngồi đó rất lâu, nhìn những cánh cửa phòng trọ khác đã đóng lại. Họ dần chìm vào giấc ngủ trong tiếng trẻ con quấy khóc, tiếng hát nghêu ngao, cười đùa rinh rích. Đâu đó vọng ra tiếng ngựa hí của một ông bố đang làm ngựa thồ con trên lưng. Tiếng trẻ con thích thú cười khanh khách lan xa, lan xa. Vũ tự hỏi sao ở đây nhiều tiếng cười đến vậy?
Chẳng biết có phải vì chút hơi men mà đêm đầu tiên trong căn phòng chật chội Vũ đã ngủ rất ngon. Vũ được đánh thức dậy bằng tiếng mẹ tạm biệt con, con bi bô chạy theo chào mẹ ngoài sân. Trong suốt quãng thời gian ở lại xóm trọ Vũ bị cuốn theo những âm thanh thân thương thường nhật nơi đây. Vũ thấy mùa xuân có lẽ đã gõ cửa trong những xóm trọ nghèo sớm nhất. Gõ cửa những lo toan, ước vọng, nỗi mong ngóng được trở về sum họp gia đình. Mùa xuân được gói ghém trong thang thuốc bổ ai đó mua về cho bố mẹ già. Trong mấy bộ quần áo mới tinh người mẹ nào loanh quanh suốt buổi chiều ngoài chợ chọn cho con. Trong thỏi son đỏ tươi người chồng mua tặng vợ. Ở đây ngày hay đêm bầu trời thường hạn hẹp và xám xịt. Nhưng Vũ tin những con người nơi đây họ luôn nhìn thấy trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Đó là bầu trời trong nỗi nhớ quê hương. Bầu trời của kí ức tuổi thơ và ước vọng tương lai tươi đẹp.
Vũ đã tìm thấy nhân vật của mình. Anh nhận ra không có nhân vật nào lớn lao cũng không có nhân vật nào nhỏ bé. Anh thức trắng đêm nghe hơi thở của gió xuân phả vào bức tường bong tróc. Thức để nghe thấy tiếng trẻ ngủ mơ cựa mình đòi mẹ. Thức nghe tiếng mở cửa khẽ khàng của người già phòng bên, chắc là nhớ quê không ngủ được. Thức để thấy đã đến lúc mình nên trở về nhà…
Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...