Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
22:29 (GMT +7)

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Ngày bé tôi luôn phụng phịu và không hiểu tại sao bố mẹ lại chọn một nơi xa tít tắp mà không phải là trung tâm thành phố để ở. Điều đó khiến tôi rất buồn, mỗi khi đi học hay đi sinh hoạt hè. Nghĩ đến con đường về nhà xa lắc lơ đã thấy nản.

 Nhưng chị tôi nói “Nhà mình vẫn thuộc thành phố Thái Nguyên” khiến tôi vui hơn một chút.

Anh tôi thường thắc mắc “Sao không phải Trưng Vương, Lương Ngọc Quyến, Nha Trang… Cho hay một chút, mà lại là Vó Ngựa?”

Biển tên đường (ảnh trái) và đoạn đường QL37 chạy qua dốc Vó Ngựa (bên phải đường là chợ Vó Ngựa). Ảnh: V.T
Biển tên đường (ảnh trái) và đoạn đường chạy qua dốc Vó Ngựa (bên phải đường là chợ Vó Ngựa). Ảnh: V.T

Nhà tôi chuyển về Vó Ngựa từ năm 1972. Lúc ấy tôi mới bốn tuổi. Các anh chị lớn hơn phải đi bộ, tôi và đứa em được bố mẹ thay nhau gánh từ trên khu Tây (cách Vó Ngựa chừng 5km) xuống.

Bố tôi làm cái nhà bé tẹo trên nửa quả đồi, xung quanh có nhiều bụi cây rậm rạp. Rồi bố nói: “Ở đây cho an toàn”.

Điều tôi nhớ nhất hồi bấy giờ là cái đêm mẹ tôi sinh em út. Mẹ đau đẻ đúng vào lúc còi báo động. Ngồi trong hầm nghiến răng với những cơn đau vật vã mà không dám khóc. Cuối cùng bố và chị cả liều đưa mẹ đi trạm xá vì sợ ở nhà nguy hiểm đến tính mạng. Anh em tôi ở lại trong căn hầm dưới bụi cây với một ngọn đèn dầu Hoa Kỳ mà bố dặn đi dặn lại không được vặn to.

Sáng hôm sau bố kể: “Tuy mẹ tròn con vuông nhưng em tôi bị ngạt, người tím tái, cô y tá phải phát mấy cái vào mông mới khóc được”. Bố còn nói: “May mà nhà mình sơ tán kịp xuống đây, nhà cô Thu cạnh nhà cũ bị bom bỏ không một ai sống sót”.

Hàng ngày tôi lang thang ra vườn, xem bố trồng vài cây mít, cây xoan, bạch đàn… Mẹ thì gieo mấy hạt chè, trồng luống rau, thỉnh thoảng lại xòe tay đo xem cao được nhiều chưa.

Lên sáu tuổi tôi đi học vỡ lòng, rồi lớp một, lớp hai… Được quen nhiều bạn mới hơn, được khám phá nơi mình sống nhiều hơn. Dần dần tôi thấy yêu mảnh đất Vó Ngựa này.

Tính tôi tò mò nên luôn thắc mắc sao lại gọi là Vó Ngựa. Rất nhiều lần tôi hỏi người lớn mà không có câu trả lời thỏa đáng nên tự hình dung ra một câu chuyện rồi ngang nhiên kể cho các bạn nghe. Vậy mà chúng nó tin “sái cổ”.

Tôi đã bịa đại ra rằng: "Bố tớ bảo ngày xưa bọn giặc sang xâm lược nước ta đến khu đất này bị quân ta đánh tơi bời. Tướng giặc bị ngã ngựa chổng bốn vó lên trời. Từ đó mọi người gọi là Vó Ngựa".

Cả lũ xuýt xoa:

- Thảo nào mà cầu cũng là Vó Ngựa, chợ Vó Ngựa, bách hoá Vó Ngựa, kho gạo Vó Ngựa… Và chúng mình đi trên con đường Vó Ngựa này…

Cả nhóm gật gù, còn tôi tủm tỉm cười, đưa mắt nhìn xung quanh xem có thấy mỏm đồi hay cây gì có hình vó ngựa không. Nhưng bao lần nhìn trước nhìn sau mà vẫn không phát hiện được gì ngoài cái cầu bé tẹo bằng sắt, hai bên đường là những quả đồi trọc, hàng quán thưa thớt…

Con đường Vó Ngựa không dài, nhưng từ trung tâm thành phố hay khu Nam, khu Tây muốn xuống Phú Bình, vào Bệnh viện Gang Thép cũ… đều đi qua nó.

Nếu ai sống ở thập niên 70, 80 của thế kỷ trước đi qua con đường Vó Ngựa chắc sẽ chưa quên. Một con đường đất chật hẹp. Ổ gà, ổ trâu mấp mô, dốc nọ nối dốc kia. Khi mưa thì lầy lội bẩn thỉu, khi nắng thì bụi bặm, mỗi lần ô tô qua mù mịt cả đoạn dài. Đi bộ đã khổ, nhưng ai đèo hàng nặng thì đúng là một cực hình.

Trẻ con chúng tôi ngày ấy nhiều hôm trời mưa xong hay ngồi lên đỉnh đồi nhìn xuống đường đếm xem buổi sáng có bao nhiêu người bị ngã.

Một lần đi sinh hoạt hè về. Tôi thấy mấy người khiêng chiếc võng buộc vào cây tre, vừa đi vừa chạy rất nhanh về phía bệnh viện Gang Thép. Bên cạnh là người phụ nữ chạy theo chiếc cáng khóc, miệng luôn mồm nói: “Các chú ơi! Làm ơn nhanh giùm để cứu con tôi.” Mấy đứa chúng tôi hớt hải chạy theo. Tốp người khi bắt đầu đến dốc Vó Ngựa người đi dép không nhấc được lên, người đi đất thì trượt xuống. Cuối cùng họ đã bị ngã sóng xoài, bệnh nhân văng ra khỏi cáng. Chúng tôi cầm dép cho các chú cũng ngã dúi dụi, quần áo dính đầy đất vàng khè.

 Những lúc ấy tôi luôn ước ao có một con đường trải nhựa để ai ốm đi viện cho nhanh, ai chở nặng thì khỏi đổ hàng, để bố mẹ đi làm cho nhàn hạ…

Rồi một ngày, ước mơ đó đã thành sự thật. Con đường Vó Ngựa được mở rộng ra. Cầu Vó Ngựa xây bằng bê tông. Người dân quê tôi vui sướng vô cùng.

***

Hôm nay tôi về dự đám cưới con đứa bạn xóm cũ. Xong việc mọi người rủ nhau tới thăm mẹ tôi vì đã lâu không gặp cụ. Hơn một phần ba thế kỷ mới có dịp gặp nhau đông thế này. Chuyện trò râm ran trên trời dưới bể. Cả thế giới tuổi thơ được dịp bung mở. Tranh nhau nói, tranh nhau kể. Đứa thì oang oang khoe đi học không có cặp phải đựng sách vào bao tải. Đứa lại liến thoắng về những lần đi xếp hàng ở kho gạo Vó Ngựa từ hai, ba giờ sáng, ôm khư khư quyển sổ gạo trong bụng vì sợ mất. Rồi đi mua thực phẩm đặt những chiếc rổ, cái nón thậm chí là viên gạch để đỡ phải đứng mỏi chân... Rồi những lần đi bắt cua, đãi hến ở gần cầu Vó Ngựa…

Tôi liếc sang anh bạn học trên tôi hai lớp, bốn mắt gặp nhau rồi cùng be miệng cười vì cả hai chưa quên câu chuyện ba lăm năm trước. Đó là lần đầu tiên tôi nhận lời đi xem phim cùng anh. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, tôi đi vào đi ra chờ anh hơn một giờ đồng hồ mà không đến. Tôi thề sẽ không bao giờ nhìn mặt anh vì sai hẹn. Bất chợt anh xuất hiện trong bộ dạng quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem như chui từ cống ra, khiến tôi đang tức mà không nhịn được cười, vì anh đã bị “vồ ếch” trên đường Vó Ngựa khi đến đón tôi.

 Mải mê ôn những kỷ niệm cũ với nhóm bạn, ông xã đi chợ về phóng chiếc ô tô vào tận sân với một đống đồ ăn. Mấy cô bạn tôi hồ hởi:

 - Không phải xếp hàng như thời bao cấp nên nhanh anh nhỉ? Ông xã cười hóm hỉnh: Các cô hàng cá, hàng thịt tranh nhau mời em ạ! Chắc biết anh là rể Vó Ngựa. Rồi “hắn” thao thao bất tuyệt:

 - Trước anh đến tán vợ, bạn anh đều khâm phục vì anh vượt qua được con đường vào tận cùng của xóm này đấy. Em biết không, đường thì bé tẹo tối om, sơ sểnh một chút thì… “Răng ơi! Đợi tao với!”. Cả hội phá lên cười….

Đại gia đình nhà tôi chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà của bố mẹ tôi ở khu Vó Ngựa, thuộc phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên (tôi đứng cao nhất ở giữa, hàng sau cùng)
Đại gia đình nhà tôi chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà của bố mẹ tôi ở khu Vó Ngựa, thuộc phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên (tôi đứng cao nhất ở giữa, hàng sau cùng)

Thành phố của tôi đang phát triển, cuộc sống đầy đủ hơn, giao thông thuận tiện hơn. Chợ Vó Ngựa đã xây dựng khang trang, ăm ắp hàng hoá. Bệnh viện Gang Thép đã chuyển ra đường lớn, gần đảo tròn Gang Thép cho thuận tiện. Cửa hàng thực phẩm Vó Ngựa đã nhường chỗ cho trụ sở Ủy ban nhân dân phường Tân Thành. Bách hoá Vó Ngựa cũ đã thành những ngôi nhà, những biệt thự đẹp đẽ. Các đường trong tổ, trong xóm đã có số, có tên.

Thì ra mảnh đất quê tôi tuy là điểm cuối, nhưng là điểm dẻo dai nhất của chú ngựa. VÓ NGỰA đã và đang tung vó bay xa trên con đường thiên lý mã, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước... Giờ đây, mỗi bước chân, mỗi nẻo đường của quê tôi đều chứa đựng những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Tôi có thể tự hào rằng: Vó Ngựa quê tôi, một mảnh đất rất tuyệt vời.

Hồ Quỳnh Châu

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Lời mẹ ru

Thơ 6 giờ trước

Đón bạn về quê

Thơ 11 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 16 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 1 ngày trước