Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
10:23 (GMT +7)

Vĩnh biệt họa sĩ Trần Khánh Chương!

Họa sĩ Trần Khánh Chương (1943 - 2020)

Tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1975; Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1978. Đương thời, họa sĩ Trần Khánh Chương kinh qua nhiều vị trí, ông từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương khóa IX và X, Đại biểu Quốc hội khóa XI (2002 - 2007). Trong cuộc đời sáng tác họa sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng về Văn học Nghệ thuật và các huân, huy chương: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007); Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ hoạ Quốc tế “Integraphic 1984”; Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Lao động hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

 

VNTN - Họa sĩ Trần Khánh Chương có tới hai chục năm làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (1999 - 2019), ông vừa từ biệt cõi trần ở tuổi 77. Nhớ đến ông là nhớ đến một con người dành cả cuộc đời cho mỹ thuật. Ông dường như sinh ra là để cho công việc. Với công tác quản lý ông là con người rất cẩn thận, chỉn chu, cho dù khắt khe với công việc hàng ngày, song lại rất xuề xòa độ lượng.

Gần gũi với họa sĩ Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc đầu tiên; thuở ban đầu ấy là vào những năm đầu thập niên 90. Tiếp sau đó, Thái Nguyên lại đăng cai Triển Lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 3 năm 1998, và lúc đó Thái Nguyên có 15/85 tác phẩm tham dự. Nhưng có lẽ ấn tượng về họa sĩ Trần Khánh Chương gắn bó với Thái Nguyên là từ Triển lãm Mỹ thuật Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 13, năm 2008. Sau 10 năm đây là lần thứ 3 Thái Nguyên mới lại nhận đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực, với số lượng tác phẩm ấn tượng (37/264 tác phẩm). Họa sĩ Trần Khánh Chương lúc đó đã làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam được 9 năm, ông rất lăn lộn xông xáo với các hoạt động gây dựng phong trào của Hội. Triển lãm năm đó sau khi ông cùng các họa sĩ Thái Nguyên hoàn thành chu đáo mọi công việc của đơn vị đăng cai, đến bữa tiệc thì gặp “sự cố”… Ôi thôi, vì tỉnh vừa ra luật mới cấm uống rượu trong giờ nghỉ trưa nên lần đầu tiên tại một bữa tiệc khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực lại không có rượu. Thế là không khí tự nhiên trầm lắng, mọi câu chuyên không biết bắt đầu từ đâu. Không hiểu “sáng kiến” của ai mà chai nước Lavie đã được “đổi ruột” bí mật, không khí lại bắt đầu nóng hơn. Chủ tịch Trần Khánh Chương vốn là người bao quát rất nhanh nên ông đã lập tức đến từng mâm chia sẻ những thành công với anh em họa sĩ…

 

Tác phẩm "Đường lên Điện Biên"

Trong mỗi lần dự triển lãm, Chủ tịch Trần Khánh Chương thường đi một lượt xem tranh các tỉnh và nếu để ý bao giờ đến khu vực tranh của Thái Nguyên ông cũng dừng lại khá lâu và xem tên từng tác giả. Thấy tên lạ ông thường gọi ai đó trong đoàn đến để hỏi. Còn đội ngũ những họa sĩ Thái Nguyên ông đã biết mặt thì khi gặp, ông chỉ cần cái vỗ vai là anh em hiểu ngay ông muốn nhắc điều gì, những gì đẹp và chưa đẹp cần điều chỉnh trong tranh… Nhờ giao lưu, học hỏi trong mỗi lần dự triển lãm mỹ thuật khu vực, khiến đội ngũ họa sĩ Thái Nguyên trưởng thành hơn, đặc biệt là đội ngũ họa sĩ trẻ luôn được họa sĩ Trần Khánh Chương động viên bằng cách nhắc đến trong các buổi hội thảo. Những năm qua, gần như quanh năm họa sĩ Trần Khánh Chương cùng với Hội Mỹ thuật Việt Nam đi khắp khu vực để tổ chức chấm giải, khai mạc các cuộc triển lãm mỹ thuật. Qua 24 năm, Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc đã tổ chức, nhiều tài năng nghệ thuật của Thái Nguyên và khu vực đã được phát hiện, bồi dưỡng trở thành họa sĩ thực thụ. Triển lãm khu vực đã tạo ra không khí sôi động của giới mỹ thuật trong cả nước, góp phần đem mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, nhất là các tỉnh miền núi xa xôi. Dự kiến năm 2021, Thái Nguyên được giao nhận đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, lần thứ 26. Và chắc chắn Thái Nguyên sẽ là địa chỉ tin cậy mỗi lần đăng cai triển lãm; các họa sĩ Thái Nguyên lại có thêm cơ hội giới thiệu với công chúng những tác phẩm hay và ấn tượng.

Trọn đời cho mỹ thuật

Ngoài nhiệm vụ quản lý, họa sĩ Trần Khánh Chương còn là một nhà nghiên cứu mỹ thuật, có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật tạo hình và sáng tác. Từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về Nghệ thuật Gốm Việt Nam được xuất bản năm 1991, trong năm 2001, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu công phu, đặc sắc và có giá trị là Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ (500 trang); Gốm Việt Nam (bài viết và 700 ảnh gốm) - Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành và tiếp đó là cuốn Việt Nam Ceramics - Nhà xuất bản Thế giới, 2005. Được biết họa sĩ qua đời vẫn còn dở dang trên ba ngàn trang bản thảo chưa kịp hoàn tất lần cuối cho cuốn sách sắp xuất bản.

 

Tác phẩm “Buổi sáng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội”, 2015. Acrylic.

Là một trong những họa sĩ xuất thân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Trần Khánh Chương đã “nhập cuộc” - một tinh thần mỹ thuật trực họa, mỹ thuật vì kháng chiến. Lý tưởng đó đã trở thành truyền thống của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam ngày nay. Mặc dù bận rộn nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương vẫn quan tâm đến nhiều mảng đời sống xã hội. Ông liên tục sáng tác tranh về đề tài “lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” và đề tài “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Năm 1980, Trần Khánh Chương vẽ tranh sơn dầu “Màu xanh trên vùng đất đỏ”, thể hiện một cảnh lao động với những người thợ sửa chữa máy kéo. Bức tranh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhắc đến họa sĩ Trần Khánh Chương, người ta hay nhắc tới tranh khắc thạch cao và tranh lụa vẽ bằng tempera (hỗn hợp màu bột và lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng gà). Với tranh khắc thạch cao, ông từng giành giải chính thức Triển lãm Đồ họa Quốc tế “InterGrafik 1984” ở Berlin. Ông cũng đã thực sự tạo ra một hình thái riêng, thoát khỏi mọi ràng buộc của lối vẽ truyền thống hoặc cổ điển. Tác phẩm của họa sĩ hoàn toàn mới về hình và sắc. Ngoài các tranh hoa, thiếu nữ, phong cảnh hay mô típ dân gian, Trần Khánh Chương cũng đã có được một số tác phẩm “đề tài” đáng chú ý như “Ngày vui giải phóng” (khắc thạch cao) hoặc “Không quân Việt Nam” (tempera trên lụa)…

Họa sĩ Trần Khánh Chương thành công ở sê - ri tranh thể hiện các mô típ dân gian, với kỹ thuật khắc thạch cao in trên giấy hoa tiên (một loại giấy hàng mã truyền thống), những mảng màu tươi sáng làm bừng lên phong vị dân gian thuần Việt. Thử nghiệm, kinh qua nhiều chất liệu và bút pháp, những với tempera trên nền lụa, đã tạo ra một hình thái riêng của họa sĩ.

Gần đây, chất liệu acrylic đã được họa sĩ khai thác triệt để tính ưu việt của nó (màu tươi, khô nhanh). Chùm tranh của ông vẽ về “Hà Nội đổi mới”, đặc biệt về các công trình giao thông hiện đại, cũng đã thể hiện được ưu tính với acrylic - tạo ấn tượng về quy mô không gian của sự vật. Họa sĩ Trần Khánh Chương đã sáng tác được khá nhiều tác phẩm mỹ thuật. Tác phẩm được nhiều người biết đến là: "Màu xanh trên vùng đất đỏ" - sơn dầu (1980); "Đường lên Điện Biên" - sơn mài (2005); "Ngày vui giải phóng" - khắc thạch cao (1986); "Những cánh diều" - khắc thạch cao (1983); "Bên cầu Thê Húc" - sơn mài; "Nhịp thời gian" - sơn mài; "Trưa cửa Tùng" - sơn mài…

Bức sơn mài “Đường lên Điện Biên” là minh chứng cho sự nghiệp sáng tác của ông. Họa sĩ cho biết, tác phẩm này được ông sáng tác năm 2005 và trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại ngay sau đó. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những chuyến đi bằng ô tô của ông lên Điện Biên. Trong những chuyến đi đó, ông rất ấn tượng với con đường lên chiến trường xưa. Từ đó, ông có suy nghĩ phải vẽ lại con đường lịch sử đó trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với công binh mở đường và dân công, xe thồ cùng nhau vận chuyển lương thực, súng đạn lên mặt trận.

Với gam màu nâu vàng đặc trưng của sơn mài, họa sĩ khéo khai thác ánh sáng vàng để hiện rõ từng nhân vật ở trung tâm bức tranh. Qua đó thể hiện tình quân dân khăng khít. Những lời thăm hỏi và động viên của đồng bào đến các chiến sĩ đã tiếp thêm năng lượng, giúp các anh vững chắc tay súng. Ông từng chia sẻ đó là bức tranh đầu tiên ông vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. “Hồi bé, ở trong Liên khu 4, tôi đã được tiếp xúc với những vũ khí và bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là một điều rất hiện hữu, không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên rất giản dị trong bộ trang phục áo xanh. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng”.

Gần sáu chục năm gắn bó với nghề, kinh qua nhiều vị trí công tác, dù bận nhiều công việc nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương luôn dành thời gian cho sáng tác, gửi gắm tài năng, cảm xúc cho cái đẹp nghệ thuật. Với những gì cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Trần Khánh Chương vẫn luôn sống trong lòng của bạn bè đồng nghiệp và gia đình.

Những năm tháng cuối đời, gia đình họa sĩ có nhiều biến cố, để giải thoát cho những “cơn lốc” stress, họa sĩ thường vẽ tranh. Bẵng đi hai tháng không thấy ông đưa tranh lên facebook. Vậy là căn bệnh hiểm nghèo đã lấy đi sinh lực của họa sĩ mất rồi. Vĩnh biệt họa sĩ, các diễn đàn Mỹ thuật từ nay thiếu vắng một người chuyên tâm, tận tụy với nghề - với đồng nghiệp.

GIA KHÁNH

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy