VNTN - Không phải làm “nghề” nhà báo nhưng cái “duyên” với truyền thông đã cho tôi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, chuyên viết về văn hóa nghệ thuật (VHNT) và các vấn đề văn hóa xã hội. Kinh nghiệm của hơn 20 năm làm cộng tác viên với nhiều tờ báo danh tiếng, bản thân tôi cũng đã tự đặt cho mình “đạo đức nhà báo” lên hàng đầu, có trách nhiệm với trang viết của mình, với “nghề báo” và cộng đồng.
Còn nhớ bài báo đầu tiên tôi viết cách đây hơn 20 năm ở tạp chí Văn nghệ Công an, chỉ chưa đầy 500 chữ và chỉ là cảm xúc nho nhỏ với một bài thơ… Sau đó, tôi trở thành cộng tác viên “ruột” của tờ An ninh Thế giới ở một mảng chuyên đề rất “nghịch” với chuyên môn “văn” của tôi, viết về cảnh sát quốc tế từ những quan sát thực tế của tôi khi đi công tác nước ngoài, và tôi rất thích khi bài viết của mình là độc quyền của báo, thậm chí có khi còn được là “vedette” của số báo…
Có rất nhiều kỷ niệm khi tác nghiệp, nhưng có lẽ ấn tượng với tôi là khi cùng tác nghiệp với phóng viên các tập đoàn truyền thông lớn của thế giới trong các sự kiện quốc tế ở Việt Nam. Ngoài trang bị, phương tiện kỹ thuật hoàn toàn vượt trội và đi trước về công nghệ so với truyền thông Việt Nam - điều họ luôn làm tôi “choáng”, thì cách họ ứng xử khi tác nghiệp với các đồng nghiệp Việt Nam lại làm tôi “sốc”- cú sốc tình cảm thân thiện. Phần lớn họ đều cao lớn, trong khi các nhà báo Việt Nam của ta thì số đông là thấp bé; máy móc họ lại kềnh càng, song không vì thế mà họ chen hay cố tình đứng chắn mất tầm quan sát, hay di chuyển làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp Việt Nam. Thường trong các sự kiện, họ luôn được ưu tiên ở vị trí tốt nhất, bởi ai cũng biết thông tin của họ được tính bằng tiền bản quyền rất lớn. Vậy mà nhiều khi, họ đã nhường chỗ của mình cho các phóng viên chủ nhà, chấp nhận thay đổi vị trí khó tác nghiệp hơn. Điều này, qua hàng ngàn sự kiện tôi tham dự, thấy các nhà báo Việt Nam mình gần như không hề có thông lệ ứng xử như vậy, mà nhiều khi còn tranh chấp chen lấn đồng nghiệp để giành vị trí ngay trước mặt đồng nghiệp.
Có nhiều người quan niệm viết về VHNT dễ như ăn kẹo. Mà thực tế, trong các tòa soạn, thường những phóng viên không có nghiệp vụ chuyên môn về một số mảng như kinh tế, y tế, giáo dục, thể thao, ngoại ngữ…, hoặc chưa đủ tầm kinh nghiệm về lĩnh vực chính trị - xã hội, đặc biệt là phóng viên mới vào nghề thì hay được phân công viết mảng VHNT. Rất nhiều Tổng biên tập quan niệm VHNT là giải trí, ca múa trống kèn, phim ảnh màu mè, thời trang lòe loẹt, làm vui trang báo, thậm chí là nơi để câu view bán báo với những thông tin scandal, hay “hot”- nóng của giới showbiz Việt…, nên viết thế nào mà chẳng xong. Chính vì xem thường mảng VHNT mà lâu nay mới có rất nhiều “lỗi hệ thống” của ngành truyền thông về văn hóa - đạo đức người làm báo trong các vấn đề liên quan đến VHNT. Tôi nhớ một kỷ niệm khi thực tập một bài viết về sân khấu. Nhà trường đã cho sinh viên đi thực tế xem kịch diễn trên sân khấu, rồi tham quan phòng hóa trang, xem một buổi tập, trò chuyện với đạo diễn, phục trang, kỹ sư ánh sáng, âm thanh..., để thấy là muốn viết gì cũng phải thật nghiêm túc và hiểu tương đối kỹ, chứ không hời hợt mà rồi viết nhạt, viết rỗng, và quan trọng là viết sai…
Nghề báo, xét cho cùng là một nghề mang thông điệp cuộc sống đến cộng đồng, nghề “chở Đạo”, để sống nhân văn, sống chân- thiện- mỹ, nếu cứ nghĩ viết bài báo dễ như ăn viên kẹo thì có lẽ nên bỏ nghề báo mà làm nghề sản xuất “mì ăn liền” hay “Fast Food”- thức ăn nhanh.
Có thể nói, tôi đã có “duyên” khi được cộng tác với báo Văn nghệ Thái Nguyên, và ấn tượng đến bất ngờ khi tờ báo “văn nghệ tỉnh” nhưng chất lượng chẳng thua gì nhiều tờ báo văn nghệ có uy tín và lâu năm, mà có phần thú vị hơn bởi sự mới mẻ, khá đương đại, có phong cách trẻ nhưng chất lượng bài sâu sắc…
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2015, kính chúc tập thể các bạn phóng viên và báo Văn nghệ Thái Nguyên văn như “Văn” và “nghề” như “Nghệ tinh”.
Nhà báo Hoài Hương (Sở Văn hóa - Thể thao T.P Hồ Chí Minh)
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...