Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
14:04 (GMT +7)

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

 “Vị trí việc làm” đang là một từ khóa “hot” trên mạng internet ở Việt Nam hiện nay. Đó là bởi, chỉ còn hơn 3 tháng nữa (từ 01/7/2024) chế độ tiền lương mới sẽ chính thức được áp dụng. Do vậy, những cụm từ như “chính sách tiền lương”, “cải cách tiền lương”, “trả lương theo vị trí việc làm”… luôn xuất hiện trên mặt báo. Nó khiến độc giả không thể không quan tâm.

Vị trí việc làm của công chức, viên chức ở bộ phận “một cửa” hoặc trung tâm hành chính công luôn bận rộn suốt 8 tiếng trong giờ làm việc (hình chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: V.T
Vị trí việc làm của công chức, viên chức ở bộ phận “một cửa” hoặc trung tâm hành chính công luôn bận rộn suốt 8 tiếng trong giờ làm việc (hình chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: V.T

 

Theo quy định của pháp luật, “Vị trí việc làm” là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức; là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng của viên chức. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này.

Đợt cải cách tiền lương lần này sẽ áp dụng với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo thông tin báo chí, ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thiện Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo đó, hiện các bộ, cơ quan, địa phương đang triển khai và phải hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong tháng 3 để thực hiện chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan của Đảng, Quốc hội trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan.

Tuy nhiên, có một vấn đề xem ra chưa được rõ ràng lắm, ấy là khi xem xét các công việc “kiêm nhiệm” trong hệ thống vị trí việc làm. Rà soát trên các văn bản hướng dẫn thì hầu như các văn bản đều không nhắc gì đến công việc kiêm nhiệm. Câu hỏi đặt ra là các công việc kiêm nhiệm đó có được coi là nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức hay không?

Khi đảm nhiệm các chức danh kiêm nhiệm, người đảm nhiệm chức vụ sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Chẳng hạn như phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ cấp uỷ và cán bộ đoàn thể các cấp. Ngoài ra, còn có các ban chỉ đạo (phòng, chống tham nhũng; ban chỉ đạo 35; ban chỉ đạo thực hiện các đề án…) mà những người được cử tham gia kiêm nhiệm cũng đều được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm.

Hiểu một cách nôm na thì khi một cán bộ, công chức, viên chức nào đó được tín nhiệm bầu hoặc được cử tham gia thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm, họ sẽ được hưởng một khoản phụ cấp trách nhiệm, và nguồn chi trả đó không thuộc nguồn ngân sách để trả lương cho công việc chuyên môn của họ. Chính vì vậy, trong đề án vị trí việc làm và tới đây là trả lương theo vị trí việc làm thì các nhiệm vụ kiêm nhiệm đó không được đưa vào.

Sẽ không có gì đáng nói nếu các công việc kiêm nhiệm ấy nằm “ngoài hàng rào”, nghĩa là hoạt động ngoài giờ và không liên quan, không ảnh hưởng gì đến công việc chuyên môn, đến vị trí việc làm của người đó. Song thực tế, các công việc kiêm nhiệm chủ yếu được thực hiện trong giờ hành chính và đều có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, thậm chí quy định “cứng”. Nghĩa là, nếu một người giữ cương vị lãnh đạo nào đó thì chắc chắn sẽ phải kiêm nhiệm một chức danh tương ứng trong tổ chức đảng, đoàn thể hay ban chỉ đạo nói trên.

Ở những cơ quan, đơn vị đông người, lãnh đạo thường san sẻ các nhiệm vụ kiêm nhiệm cho cấp phó, thậm chí là cấp dưới, và thường giao cho bộ phận cấp dưới giúp triển khai công việc, soạn thảo các văn bản, báo cáo… Nhưng với những nơi không có điều kiện như vậy, các chức danh kiêm nhiệm chỉ dồn vào 1 - 2 người. Khi không có cấp dưới hay bộ phận tham mưu, thì người lãnh đạo giữ các chức vụ kiêm nhiệm ấy phải tự mình làm hết. Ngoài các chức danh kiêm nhiệm có hệ số phụ cấp kể trên, nhiều khi còn phải tham gia cả các chức danh kiêm nhiệm khác không có phụ cấp như các Ban Chấp hành, Ban Thư kí, Ban Chỉ đạo, đội ngũ báo cáo viên… của các tổ chức mà cơ quan, đơn vị họ là thành viên. Tổng hợp những công việc phải kiêm nhiệm đó lại, việc đi họp và làm báo cáo cũng phải ngốn mất ngót nửa quỹ thời gian chuyên môn. Và không có cách nào khác, họ phải cắm cúi làm ngoài giờ, cả công việc chuyên môn lẫn công việc kiêm nhiệm. Đôi khi, công việc kiêm nhiệm còn ảnh hưởng đến cả công việc chuyên môn, mà không thể thoái thác.

Rõ ràng là, những người này đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng tại sao, họ lại không được ghi nhận trong quy định phân công nhiệm vụ hay quy định về vị trí việc làm của cơ quan?

Khi nhìn sang khối các đơn vị doanh nghiệp thì ta thấy họ vận dụng sát hơn: Mỗi khi có hội họp hoặc các hoạt động do đảng, đoàn thể các cấp tổ chức trong giờ hành chính thì đơn vị sẽ tạo điều kiện về thời gian để tham gia. Cuối năm, họ vừa phải kiểm điểm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải kiểm điểm cả những nhiệm vụ kiêm nhiệm đã đảm nhận. Tiền trả phụ cấp cho người hoạt động kiêm nhiệm sẽ được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.  

Xét về mặt tích cực, việc thực hiện chế độ kiêm nhiệm trong hệ thống cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước hiện nay giúp tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng các yêu cầu của công việc, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Nhưng cũng nhân việc trả lương theo vị trí việc làm, chúng ta nên nhìn nhận lại tính pháp lý của các công việc kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người đang hưởng lương chuyên môn và thực hiện nghĩa vụ của mình trên cương vị vị trí việc làm đã được sắp xếp. Nếu chưa ghi nhận được trong các văn bản pháp luật (như Luật Cán bộ, công chức; Luật viên chức…) thì cũng nên ghi nhận trong đề án vị trí việc làm và trong quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy