Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:10 (GMT +7)

Vị trí nào cho những khúc hát tuổi thơ?

VNTN - Tuổi “chíp hôi” của tôi đã qua đi rất lâu rồi nhưng những bài hát một thời tuổi thơ về ông bà, cha mẹ, thầy cô, mái trường dường như còn nguyên vẹn trong tim. Những ca khúc: Tre ngà bên lăng Bác, Thầy cô cho em mùa xuân, Tia nắng hạt mưa…, chúng tôi không chỉ hát ở trường, mà bất cứ lúc nào, ở thềm nhà, khi ngồi nấu cơm, thả trâu trên đồng, hay hóng mát bờ tre,… và hát với một niềm say mê, yêu thích vô hạn. Giờ đây, mỗi lần có dịp nghe lại những bài hát thiếu nhi trên đài, tivi hay những chương trình văn nghệ trong trường học là tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, bởi một thời tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên như đang quay về.

Vậy mà gần đây, có dịp đi trải nghiệm với các em học sinh khối Tiểu học, Trung học cơ sở thì tôi không khỏi ngỡ ngàng. Suốt chặng đường đi, những bài hát các em hát cùng nhau, không phải là những: Mái trường mến yêu, Ngày đầu tiên đi học, Bụi phấn, Cô giáo em,… mà là những bài về tình yêu như: Em gái mưa, Chạm khẽ tim anh một chút thôi, Quan trọng là thần thái, Buồn của anh, Mình cưới nhau đi, Mình cùng nhau đóng băng, v.v. Trên xe ô tô có mạng wifi, có tivi kết nối Internet, và những bài hát các em yêu cầu mở nghe, cũng không hề có một ca khúc thiếu nhi nào, chỉ thấy các em dõng dạc những: Người lạ ơi, Người âm phủ, Cảm nắng, Người phản bội, Phía sau một cô gái,… Chưa kể đến những ca khúc nhạc chế mà tôi - dù đã rất cố gắng, cũng không thể nhớ nổi tên khi các em yêu cầu anh hướng dẫn viên.

Tôi nhớ những ngày đi học, đi du lịch cùng cả lớp, cô giáo của tôi đã bắt nhịp cho chúng tôi vừa hát vừa vỗ tay làm nhạc dọc đường đi những ca khúc tuổi học trò, hát cho tới khi mệt thì nghỉ, nghỉ rồi lại hát tiếp, hát cho tới nơi thì thôi. Cảm giác bên nhau của một tập thể thật ấm áp, và nhất là có những ca khúc thời bấy giờ đã trở thành kỉ niệm khó quên, in dấu tuổi thơ tôi, và nằm ngoan trong lòng cho đến tận bây giờ. Chúng ta có một kho tàng những bài hát dành cho thiếu nhi, và những bài hát hay thì đã được tập hợp thành những tuyển tập ca khúc. Vậy mà, những bài hát đó hiện đang được các em đưa vào dĩ vãng, mà nếu có bắt buộc phải học trên lớp, các em cũng chỉ học đối phó và sẽ quên ngay khi kiểm tra xong và quên luôn khi có những ca khúc nhạc trẻ sôi động mới xuất hiện.

Tôi có trò chuyện với một vài giáo viên dạy âm nhạc và bày tỏ sự e ngại của mình thì nhận được sự đồng tình từ họ: Rõ ràng ở lứa tuổi các em, việc hát những bài hát người lớn là không phù hợp. Ở các em học sinh Tiểu học, có thể do cha mẹ, người thân mải mê công việc mà từ nhỏ đã dúi vào tay các em chiếc ipad, điện thoại nên việc cập nhật các bài hát người lớn là không thể tránh khỏi. Còn ở các em học sinh Trung học cơ sở thì đã có sự thay đổi tâm lý rõ rệt. Chúng bắt đầu muốn thể hiện mình, muốn sành điệu, muốn phá cách, muốn nghêu ngao ca khúc người lớn bằng giọng điệu mới lớn của mình… Chúng ta đều thấy sức ảnh hưởng của mạng Internet rất lớn. Trong thời đại công nghệ thông tin, máy tính, điện thoại liên tục cập nhật những bài hát mới, và việc các em bắt nhịp rất nhanh theo xu thế của giới trẻ là điều hiển nhiên. Các em cùng nhau hát với một tâm thái rất thoải mái, như thể xác định rằng đó là quyền lợi của mình, việc can thiệp của các thầy cô dù có, cũng không khiến chúng phải bận tâm nhiều đến nỗi có thể thay đổi.

Ảnh minh họa (Nguồn hoinhacsi.vn)

Chúng ta đã từng có những thời gian chứng kiến sự báo động của văn hóa đọc, sự sao nhãng tri thức trong sách vở trước ảnh hưởng của mạng Internet, của văn hóa nghe nhìn trong thời đại công nghệ thông tin. Và, giờ đây, việc đại đa số các em học sinh từ Tiểu học, cho đến Trung học chỉ thích nghe và thuộc những bài hát người lớn từ trên mạng Internet mà không mấy quan tâm đến những ca khúc thiếu niên, nhi đồng trong sách giáo khoa, liệu có đáng báo động? Tuổi thơ của các em lớn lên từ những ca khúc tình yêu đôi lứa, liệu có ảnh hưởng đến tâm lí của các em hiện tại và sau này? Và biết bao những ca khúc thiếu nhi hay nhất dành cho tuổi thơ, đang ở vị trí nào trong lòng các em? Chẳng nhẽ, các ca khúc ấy chỉ được một đội văn nghệ và các em hát trên sân khấu của các cuộc thi, các chương trình lớn ở trường, trong giờ học và kiểm tra bài cũ, còn khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, về nhà rồi ra thế giới bên ngoài, thì chúng không có cơ hội được ngân nga, thánh thót trên môi xinh của các em nữa? Thực cũng là một trăn trở…

Yến Nhung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục