Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:12 (GMT +7)

Vị giác

“Nếu sốt cao trên ba tám độ rưỡi thì dùng thuốc hạ sốt”.

“Sẽ mất vị giác. Ho khan. Hạch sẽ nổi to ở sau tai”.

“Không nguy hiểm nhưng ít nhất một tuần mới khỏi”.

“Nghỉ ngơi. Bồi bổ”...

Mấy vỉ thuốc tây và những lời dặn dò nhàm chán của tay bác sĩ làm tôi thêm uể oải, tôi nghe mà như không nghe, chẳng thèm hỏi thêm gì chỉ chờ cho xong để đứng dậy. Ra khỏi phòng khám, vợ tôi bảo tôi gọi điện cho quản lý nhà hàng xin nghỉ một tuần hoặc hơn. Tôi nói với cô ấy, ba cái cảm cúm chỉ là thứ bệnh vặt thôi làm gì tới mức nghiêm trọng vậy.

vi
Minh họa: Hoàng Báu

“Thì cũng phải khỏi hẳn mới đi làm lại được chứ anh mất vị giác thì nấu cho người ta ăn kiểu gì?”, cô ấy gay gắt.

“Mất vị giác? Em nói cái gì? Mất vị giác là sao?”.

“Ủa, chứ nãy giờ anh ngồi nghe bác sĩ nói kiểu gì vậy? Mất vị giác mà hỏi mất vị giác là sao, em thật hết hiểu nổi”.

Cô ấy nói xong thì đi làm còn tôi đón grab về nhà. Lúc này đầu tôi đã đỡ đau và người cũng dễ chịu hơn rồi nhờ uống thuốc hạ sốt. Mất vị giác là không nếm được mùi vị gì thật sao? Tôi chẳng tin đâu, đời tôi chưa từng bị bao giờ.

***

Ực.

“Cái thứ chi chi thế này?”.

Tôi thử lại một ngụm nữa và nó vẫn vậy. Hoàn toàn giống thứ nước mà tôi vừa uống, trong cái ly kia. Tôi uống thêm một ngụm to và giữ nó lâu hơn trong miệng. Vẫn vậy. Hoàn toàn vẫn vậy. Mất vị giác! Đúng như tay bác sĩ nói? Tôi bật hết đèn trong bếp lên để soi cho kỹ xem có phải mình bị mụ mị hay hoang tưởng gì không. Mà không! Rõ ràng một bên là ly nước cam ép, nó màu vàng, soi kỹ còn thấy tép cam lợn cợn trong ly và một bên là ly nước lọc, nó trong suốt. Tôi chỉ bị cúm chứ đâu có bị mù, hai ly nước khác nhau rành rành mà tôi uống vào không thấy khác gì cả. Vị nước cam hoàn toàn giống nước lọc. Vị nước lọc hoàn toàn giống nước cam. Giờ mà bịt mắt tôi đi rồi cho uống thì tôi sẽ không biết mình đang uống thứ gì đâu. Có điên không chứ, vị giác của tôi là vị giác của một đầu bếp đấy nhé!

Tôi chưa bao giờ thấy khó chịu như lúc này. Tôi gí sát cốc nước cam lên mũi để ngửi, có thể không nếm ra vị bằng lưỡi nhưng vẫn ngửi ra mùi, nghe được mùi là đã phân biệt được tỉ thứ rồi và người ta thấy ngon đâu chỉ bằng cái lưỡi mà còn bằng cái mũi nữa. Tôi ngửi, ngửi, ngửi… mà không thấy mùi cam ép đâu cả. Loại nước đóng chai này là người ta dùng hương liệu nên mùi của nó có khi còn mạnh hơn mùi cam tươi thực sự ấy chứ. Khỉ thật, không có gì cả. Tôi lấy mấy củ tỏi trong tủ bếp ra, bóp mạnh, đưa lên mũi, vẫn không có gì. Không mùi không vị, thế này gọi là vô vị chứ còn gì nữa! Vô vị, vô vị, tôi nhìn quanh, thấy cả thế giới chìm trong vô vị.

Thả oạch người xuống nệm, tôi muốn chửi thề ghê gớm. Đúng là khỉ thật, tự nhiên đang ngủ thì trở mình thức dậy, cổ họng vừa cháy khát vừa đặc quánh, đầu váng vất đau và toàn thân bắt đầu nhưng nhức, lúc thấy lạnh, nhất là ở hai bàn chân, lúc lại thấy phừng phừng trên trán. Sáng ra, vợ tôi xin nghỉ làm nửa buổi để đưa tôi đi khám vì cô ấy thấy không yên tâm khi tôi chạy xe đi trong tình trạng sốt cao. Lúc ấy nhiệt kế báo hơn ba chín độ rồi. Tôi nói tôi không phải con nít mà cần một người phụ nữ đưa đi khám, chúng tôi lời qua tiếng lại một chút rồi cô ấy chở tôi đi. Sau khi xét nghiệm máu và làm vài thủ tục lặt vặt thì họ nói tôi bị cúm vi-rút và thế nào nhỉ, con vi-rút này sẽ làm tôi mất vị giác. Tay bác sĩ chết tiệt, giờ thì tôi mất hoàn toàn cảm nhận về mùi vị đúng như hắn nói và vợ tôi chắc cũng hả hê nữa.

***

Tới hôm nay, tôi đã nằm trong nhà như cái xác hơn hai ngày rồi. Con vi-rút chó chết, nó khiến tôi không còn chút cảm giác nào về mùi vị thật luôn, và đó là lý do chủ yếu khiến tôi không thể đi làm vì tôi là một đầu bếp. Người ta nói cúm này có thể lây nhưng giả sử nó không lây đi nữa thì tôi cũng phải nghỉ ở nhà chờ cho qua cái tuần mắc dịch này chứ vào bếp kiểu gì khi mà mũi thì điếc đặc có để cả bãi phân bên cạnh cũng không biết thối còn cái lưỡi thì như đã biến mất, mọi tế bào thần kinh từ lưỡi truyền đến não đều bị vô hiệu hóa. Và không phải chỉ vị giác thôi đâu mà dường như bộ não tôi cũng bị con vi-rút phong kín và vô hiệu hóa rồi. Tôi không biết làm gì khi ở trong ngôi nhà của mình cả. Sốt thì sau khi uống mấy cữ thuốc bác sĩ kê đã khỏi, thân nhiệt ổn định rồi không còn nóng lạnh bất chừng nữa, những cơn đau đầu cũng thuyên giảm hẳn chỉ còn ho khan. Cái đầu không đau nhưng mà nó trống trải quá, không một ý nghĩ nào thành hình thành dạng cho đàng hoàng.

Tôi nói tôi nằm như cái xác và đúng là thế thật chứ không phóng đại một tí tẹo nào. Ngoài những lúc ngủ, ăn, đi vệ sinh ra thì tôi nằm trên giường như cái xác. Thật, tôi chẳng nghĩ ra là mình có thể làm gì cho hết ngày trong cái nhà hai tầng mà tôi và vợ đổi cả thanh xuân để có được này. Tôi đã thử bật cái ti-vi màn hình phẳng trong phòng lên mà chẳng có gì xem, hình như tôi (chắc vợ tôi nữa) không có thói quen xem ti vi từ lâu nay rồi, chẳng hiểu sao lại sắm cái ti-vi treo trên tường làm gì trong khi toàn dùng điện thoại. Đến điện thoại với đủ thể loại mạng xã hội mà còn không có gì để xem cho ra xem đây này, cứ vào lướt lướt được một lúc là thấy chẳng có cái gì cả.

Tôi cứ nằm thế và chẳng có cái gì cả cho đến trưa thì có tiếng mở cổng. Vợ tôi về, cô ấy mở cốp xe lấy ra thứ gì đó mang vào nhà rồi đi xuống bếp, mở tủ lạnh, cất vào, xong thì bật bếp.

“Đáng ra anh phải bắt cơm rồi chứ”.

Cô ấy nói, không vào phòng ngủ mà vẫn biết là tôi đang thức dù tôi nằm thừ trên giường không gây một tiếng động nào.

“À, ừ. Anh không nhớ”, tôi nói vọng ra.

“Đáng lý là em không về”, vợ tôi nói.

“Vậy cũng được, có sao đâu!”, tôi đáp.

Bình thường cô ấy ăn trưa ở công ty, bữa tối thì ăn với bạn cùng tập yoga hay bạn nào đó, tôi chẳng để ý lắm.

“Nhưng anh đang bệnh. Anh phải…”.

Vợ tôi quay lại và tôi đã ở chỗ bàn ăn, ngay sau lưng cô ấy làm cô ấy khựng lại. Tôi ra để uống thêm một ly nước. Tôi lấy ly nước chanh dây nhưng nước gì bây giờ cũng chỉ là chất lỏng thôi vì tôi đâu có biết mùi vị gì nữa đâu. Trong lúc tôi uống, tôi nghe cô ấy thở dài một tiếng.

“Anh chỉ bị cúm thôi, anh vẫn có thể làm cái này cái kia chứ!”.

Tôi không biết cô ấy muốn nói gì, cái này cái kia là cái gì? Có phải là chuyện cắm cơm?

“Thì anh có nói em về đâu. Là em tự về còn gì”.

Tôi nói và đi vào phòng nằm lại. Khoảng bốn lăm phút sau thì cô ấy bày xong mọi thứ lên bàn và chúng tôi bắt đầu ăn cơm. Tôi không nếm ra thứ vị nào trong bát của mình cả. Không thể chịu nổi, không thể không than phiền dù tôi cố nhịn lắm rồi.

“Có phải mình anh bị cái cúm này đâu. Nhiều người cũng bị mà. Bác sĩ nói rồi, phải có thời gian nó mới hết mà anh nói tới nói lui làm gì.”.

Vợ tôi có vẻ không vui. Tôi biết cô ấy thấy mệt và phiền khi về nấu ăn cho tôi, nhưng tôi đâu có khiến.

“Bực bội quá. Phải có cách chứ thế này thì ăn uống kiểu gì. Mà lạ nhỉ, bác sĩ nói là nó dễ lây mà anh thấy em bình thường”.

“Anh nói cái gì thế! Em không bị là vì em chích vắc-xin, người em có kháng thể rồi, hiểu chưa.”

“Bởi, không bị thì làm sao mà biết. Khó chịu quá đi à!”, tôi bỏ đũa xuống, “phải có cách gì đó chứ thế này thì ăn uống gì!”.

“Cách gì là cách gì? Bị bệnh thì phải chữa bệnh thôi chứ cách gì. Mấy cái cúm vi-rút thì lúc nào cũng phải tới ngày nó mới hết. Em chạy từ công ty về giữa trưa đứng bóng, mà anh…”.

“Anh có bắt em chạy về à? Anh không phải đứa con nít. Em không thích thì đừng có về.”.

Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt mà tôi không thể nào hiểu được. Rồi bỗng dưng đang nói hăng thế thì lại dịu giọng.

“Em biết anh không phải là con nít nên em mới lấy anh. Anh không phải con nít thì anh làm một cái gì đi chứ. Anh chỉ bị cúm thôi, anh có phải bị câm bị điếc hay khuyết tật gì đâu. Lúc sáng, em đã nói là hôm nay người ta sẽ đến ghi số nước, anh mở cửa cho họ vào ghi mà họ tới gọi thế nào cũng không thấy anh ra, họ phải điện cho em. Rút cuộc là anh bị làm sao? Em cũng chịu hết nổi rồi”.

Xoảng…

Tôi dằn bát cơm xuống bàn.

“Này, ăn nói cho cẩn thận. Tôi không bỏ qua đâu!”.

Vợ tôi đứng dậy, mắt ngấn nước.

“Anh không cần phải bỏ qua gì cả. Em chịu hết nổi cái sự vô vị nhạt nhẽo này rồi. Em nói cho anh biết, không phải bây giờ anh mới mất vị giác đâu. Bao lâu rồi anh có cảm thấy một cái gì trong nhà mình đâu. Anh nói không nếm ra mùi vị nào cả anh chịu không nổi, là do bác sĩ nói anh mất vị giác nên anh mới biết anh mất vị giác rồi anh mới thế chứ em hỏi anh ở với nhau lâu nay có bữa ăn nào em nấu mà anh nếm ra ngon hay dở chưa? Anh có biết em hay nêm mặn hay nêm nhạt không? Rồi có ăn cay không? Anh nói đi, anh có nhớ cái gì không? Cả đồ anh nấu ra cũng vậy, anh có thấy ngon hay dở không? Hay anh nấu như một cái máy? Anh kể cho em nghe đi, có bữa ăn nào trong cái bếp này hay ở nhà hàng cũng được mà anh thấy ngon hay thấy dở? Bao lâu rồi anh có nhớ được cái món nào hay bữa cơm nào không? Không chứ gì? Thậm chí em dám cá là anh cũng không nhớ lần cuối cùng mình ăn bữa tối với nhau là khi nào nữa kìa. Em không biết sao em phải chịu đựng một cuộc sống như thế này. Có một người chồng như thế này”…

Tôi không hiểu vợ tôi bị trúng tà hay bị gì nữa nhưng dường như cô ấy đã chạm đến giới hạn của tôi rồi. Tôi nói bằng tất cả sự lạnh lùng dành cho người phụ nữ mà tôi gọi là vợ tôi ấy.

“Một cuộc sống thế này? Người chồng thế này? Thế này là thế nào, nói cho rõ vào. Không chịu nổi, ý là sao? Muốn gì thì nói thẳng, thằng này không ngán”.

“Em nói rõ ràng rồi. Em nghĩ anh không phải chỉ mất vị giác với đồ ăn thôi đâu. Em chẳng có ý gì nữa. Anh muốn hiểu sao thì hiểu!”.

Vợ tôi nói xong thì đi thẳng ra sân, mở cổng, dắt xe, nổ máy chạy. Tôi chẳng đuổi theo cũng chẳng gọi với theo làm gì. Bữa ăn kết thúc và trận cãi nhau cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Khỉ thật!

***

Bữa trưa không ăn được gì, tới giữa chiều thì chóng mặt xâm xoàng. Tôi biết là vì đói. Miệng không nếm ra thức gì vị gì nhưng dạ dày vẫn cứ đòi phải tống thức ăn vào. Tôi cố uống cho hết một cốc nước trái cây xong thì lấy chìa khóa mở cổng đi bộ ra ngoài đường. Vợ tôi nói tôi phải làm một cái gì đó đi, tôi vẫn nghĩ cô ấy sẽ phải hối hận vì những gì mà cô ấy đã nói, thật như một con điên, nhưng tôi vẫn cố làm một cái-gì-đó như điều cô ấy nói vì tôi không nằm yên được nữa. Người thì đói cồn cào mà nằm trong nhà chỉ có nổi điên thêm khi cứ cố nhắm mắt là nghe giọng cô ấy éo éo bên tai.

Tôi đi bộ ra đầu ngõ, tôi nhớ mang máng là dọc vỉa hè này người ta có bán thức ăn. Hủ tiếu, mì gõ, bún bánh gì đó. Mang máng thôi vì tôi chưa ăn uống gì quanh khu vực nhà mình bao giờ. Mới hơn ba giờ chiều, hình như còn quá sớm nên đi muốn rạc chân mới thấy một quán bánh canh vừa dọn ra, người chủ quán vẫn đang sửa soạn và nồi nước dùng thì đã bốc hơi. Tôi sà vào, tự kéo ghế ngồi, vì mỏi hơn là vì thèm. Giờ có ăn sơn hào hải vị cũng vô vị nói chi là cái món bình dân này mà thèm nhưng tôi tự hứa sẽ cố nuốt một chút vào bụng.

“Năm phút nữa thôi. Chỉ còn đợi nồi này năm phút”, anh ta chỉ vào nồi nước dùng đang bốc hơi, “và còn thêm một chút hành ngò. Nhanh thôi. Đợi nhé!”.

Chủ quán là một người đàn ông, anh ta chào tôi đon đả. Tôi đang mỏi nhừ nên có chỗ ngồi là tốt rồi, đợi thêm nữa cũng được. Nghĩ thế nhưng tôi chẳng nói vì tôi không có thói quen nói chuyện với người khác. Ở chỗ làm của tôi, cứ đến giờ là vào việc, mọi khâu mọi việc như công thức có sẵn rồi và tất nhiên là không nói chuyện trừ những lúc có việc quan trọng cần trao đổi.

“Thơm không? Thơm thật nhỉ? Hôm nay tôi lấy được mớ hành ngon, củ đầy đặn, múp míp. Xem này, hành lá loại này mới thơm với chất nhất này, cọng nó xanh từ gốc tới đọt không một tí úa. Phải ăn cái này chần qua nước dùng nóng hổi nó mới đúng bài”.

Anh ta vừa nói vừa cắt gốc hành rồi chẻ phần củ ra làm năm làm sáu, cho vào một cái tô, tiếp đó là thái lá hành. Động tác khá nhanh, có vẻ đã lành nghề. Tôi vốn không định để ý gì đến anh ta đâu vì tôi có thể dùng điện thoại trong lúc chờ nhưng cái kiểu anh ta nói khiến tôi thấy ngồ ngộ buồn cười. Xong xuôi phần hành lá mất phải hơn năm phút. Nhưng vẫn còn một bó ngò tây nữa.

“Mùi này nó làm mình đói bụng lắm này. Anh thích nhiều hành ngò hay ít hành ngò?”.

Anh ta quay lại nhìn tôi nhưng tôi chẳng biết trả lời thế nào cả, thế là tôi cười.

“Những lúc bị cảm cúm mà ăn một tô thật nóng với nhiều rau hành cho người nó đổ mồ hôi ra là sướng lắm, nhẹ hẳn luôn ấy”.

Anh ta tiếp tục cứ như đã biết tôi đang bị cúm. Và tôi gật, ý là cứ làm như anh muốn.

Thêm vài thủ tục nữa, ví dụ như “nước mắm hôm nay đã lắm, loại ớt xiêm rừng này thơm cay vừa phải”, thì tôi có được tô bánh canh cá lóc nóng hổi với rất nhiều hành ngò. Hơi nóng trong tô bốc lên, tôi múc muỗng đầu tiên gồm sợi bánh canh và một chút cá, và thế là tôi không được ngồi yên một mình để ăn nữa. Người đàn ông này mới thú vị và kỳ quặc làm sao, anh ta bắt tôi nghe một tràng về quá trình chế biến cá lóc từ khâu chọn cá, làm cá cho đến khâu ướp cá, xào cá… Không biết món ăn anh ta bán ngon đến đâu nhưng tôi chắc chắn anh này có tài, tài ăn nói, tài thuyết minh, nhìn cái miệng anh ta thuyết minh một lúc mà tôi bị cuốn theo luôn, mấy đoạn hấp dẫn tôi nuốt nước bọt luôn ấy. Có điều hình như anh ta không bình thường, cứ nhìn tôi mãi.

“Vừa miệng không? Không mặn đâu nhỉ? Thường tôi thích vừa vừa nhạt nhạt chút rồi người nào gu mặn thì chêm thêm nước mắm là ngon y, đúng bài”.

Trời ạ, tôi chỉ mới ăn được hai, ba muỗng và tôi không biết mình đang ăn cái gì nữa đây. Nhưng nghe anh ta, tôi múc một muỗng nước mắm cho vào tô. Chợt, như sực nhớ ra điều gì quan trọng lắm, anh ta phát ra một tiếng “chà” và vỗ đùi một cái rồi đứng dậy. Tôi không thể không tò mò về tay đầu bếp này được. Tôi nhìn anh ta, cho đến khi anh lại gần đặt xuống trước mặt tôi một cái bát nhỏ đựng tóp mỡ.

“Sém chút là quên mất. Phải có cái này nữa mới đúng bài của nó. Không biết anh sao chứ mấy khách khác là không thiếu cái này được. Giòn giòn vui miệng. Tóp mỡ tôi rán, không phải mua đâu á!”.

Sao mà anh ta hồn nhiên lạ. Anh ta quay đầu lại chuẩn bị đứng dậy… và, tôi thấy sau tai anh ta có một cục hạch. Vì tóc hớt rất cao nên tôi thấy rõ. Anh ta đi vội lại đằng kia xong thì ho khan một tràng dù đã kiềm chế. Cơn ho y hệt như những cơn ho của tôi.

“Anh bị cúm?”, tôi hỏi.

Anh ta có vẻ hơi hoảng trước câu hỏi bất thình lình của tôi, ngập ngừng kéo ghế ngồi.

“Tôi không biết… thật ra là tôi có bị cảm sốt… không phải vi-rút gì đâu. Không lây đâu”.

Sau câu nói đó thì tôi thấy anh ta nhìn tôi ái ngại. Những người hồn nhiên như anh ta không giỏi che giấu đâu. Giờ thì tôi lờ mờ hiểu ra tại sao anh ta nói nhiều và nhìn tôi hoài khi tôi ăn. Tôi quay người qua, vén tai lên cho anh ta thấy cục hạch sau tai tôi. Người đàn ông nhìn tôi bối rối.

“Chúng ta đều bị nên không có gì phải ngại, nhé. Tôi chỉ thắc mắc không hiểu anh nấu nướng nêm nếm kiểu gì khi bị mất vị giác. Không mùi không vị”.

Người đầu bếp nhìn tôi, cười như trút được một gánh nặng.

“Tôi nhớ lại. Tôi nêm nếm bằng cách hình dung những lần tôi đã nấu trước đây. Mũi và miệng không nghe được gì nữa nhưng mà cái tay mình nó có trí nhớ đó anh. Cái đầu mình nữa… Tôi thậm chí còn tưởng tượng ra được vẻ mặt của khách khi họ ăn. Bữa nào ngon, bữa lỡ tay bị đậm, khách nào thích nhiều hành, khách nào thích mặn, khách nào không ăn cay… tôi nhớ kỹ lắm. Anh mà ăn ở đây ba bữa thôi là tôi thuộc lòng khẩu vị của anh luôn đó”…

“Mưu sinh mà. Nên tôi vẫn bán. Mấy bữa nay rồi…”.

Tôi ngồi bất động nghe anh ta nói. Anh ta nói xong thì những điều vợ tôi nói lúc trưa vang lên trong đầu tôi lần nữa, nó khiến bộ não đang đông đặc của tôi quay cuồng choáng váng. Tôi choáng như bị điện giật. Có lẽ tôi không phải chỉ mất vị giác tạm thời với đồ ăn thức uống thôi đâu mà tôi đã mất đi vị giác với cuộc đời này…

“Sao vậy? Mất vị nên khó nuốt lắm hả?”, anh ta nhìn tôi lo lắng.

Tôi nhìn anh ta, nhìn rất kỹ người đàn ông vừa kéo tôi ra khỏi cơn choáng váng ấy. Rồi tôi nhìn vào trong tô, bình tâm lại, múc những muỗng to cho vào miệng. Có vẻ tôi đã bắt đầu nghe ra nếm ra mùi vị của mình.

“Ngon”, tôi nói, “tô bánh canh này ngon lắm. Nhưng có lẽ lúc nãy tôi chan hơi nhiều nước mắm. Bình thường tôi sẽ ăn nhạt hơn một tí”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục