Vị đắng
VNTN - Vị đắng, chẳng mấy ai thích, thậm chí là nỗi sợ và đôi khi là cái cớ để người ta vịn vào nó để biểu đạt nỗi lòng mình.
Cái vị đắng đót của trái dưa chuột cuối mùa thật khó tả, tôi đã bỏ đi biết bao trái khi nếm phải, nhưng bạn vẫn điềm nhiên, chầm chậm thưởng thức, bạn nói thích vị đắng. Tôi không tin vị đắng ấy hấp dẫn đến thế, đó chỉ là cái thú. Sau này thấy bạn uống trà, bạn mân mê chén trà trên tay, trà pha đặc nước một, bạn nhấp từng ngụm và hít hà mùi thơm lan ra từ chén nước còn nóng hổi, tôi mới tin rằng đối với một ai đó vị đắng không phải chỉ cái thú mà đó là thói quen, lòng kiên nhẫn, thậm chí là sự mê mẩn. Dường như trà nóng sinh ra là để dành cho những người thư thả, cho những cuộc chuyện dài hơi chứ không phải là thứ nước uống giải khát thông thường. Bạn nâng chén trà lên, bàn tay khum khum nơi miệng chén, khẽ hít sâu làn khói thong thả đưa hương, rồi nhấp từng ngụm nhỏ, giữ một lúc trong miệng mới từ từ nuốt. Bạn nói chả có gì thú vị như khi uống trà nóng, vị ngọt nơi cuống họng cứ chia đều khắp nơi, cái vị ngọt ấy mới hay ho thi vị làm sao. Tôi cũng thử nhấp một ngụm hòng chạm đến vị ngọt sau cùng nhưng vội phì ra bởi vị đắng chát se lưỡi. Bạn nhìn tôi cười, lắc đầu. Đi hết chuyện này đến chuyện khác, không biết vị trà đắng khiến chúng tôi chân thành hơn hay sự chân thành khiến vị đắng qua đi dễ dàng như vậy.
Thuở ấy, khi tôi còn là đứa trẻ lấm lem, không biết bao lần cả nhóm bạn ở xóm núi len lỏi khắp quả đồi để hái quả, nào là bứa, quả dâu da hoặc mác kham - thứ quả còn có tên gọi khác là me rừng, trong mỗi chuyến đi ấy chúng tôi đều mang về thêm túi nải rau rừng mà rặt là những thứ có vị đắng. Những trái mác kham xanh lét, đắng ngòm được chúng bạn chia nhau ăn, ăn vài quả lại uống một ngụm nước, mà phải là nước suối trong lành mới đã, từ vị đắng chuyển thành vị ngọt nơi đầu lưỡi, tôi không chịu được vị đắng, nhìn chúng bạn ăn ngon lành mà nuốt nước miếng.
Ảnh minh họa
Còn thứ mà chúng tôi cất trong túi nải kia đó là những trái mướp đắng rừng bé xíu, măng vầu, rau gai hay những bó rau đắng cảy giật mình đắng đót khi mùa sấm dậy đều được người lớn làm thành món ăn, vị đắng điềm nhiên len lỏi trong cả bữa cơm thường nhật. Tôi cứ thắc mắc mãi tại sao núi rừng cho con người nhiều đồ ăn mà lại có vị đắng như thế, còn thật nhiều thứ ngon mà tại sao người quê tôi lại thích vị khó ưa này. Với một đứa trẻ nghèo, trong bữa cơm mà chỉ có đĩa măng đắng xào hoặc bát canh mướp đắng quả là tội nghiệp. Thiên nhiên tặng cho người miền núi quê tôi những thức quà vừa như đặc ân vừa như thể thử thách lòng kiên nhẫn, nhưng có hề gì, người miền núi không chỉ biến vị đắng thành món ngon mà còn thể hiện vô cùng tinh tế. Ví như qủa núc nác, sau khi hái trên cây về còn mùi hăng và đắng đót, thế mà sau khi được vùi trong tro nóng hoặc nướng trên than hồng cho tới khi quả mềm, người ta dùng dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài sẽ dùng chấm mẻ, giấm tỏi ớt hoặc tẩm ướp cùng vài thứ gia vị làm nộm cũng thành đặc sản cho bữa ăn, ai thích ăn thành nghiện.
Có lần tôi nghe ông nội kể chuyện về thuở khai hoang ruộng nương, đó là thời kì khó khăn và thiếu thốn, ông bà làm việc cực nhọc mà đến bữa ăn chỉ có củ mài và rau đắng, năm thì mười họa mới bẫy được con gà rừng hoặc con sóc để cải thiện cho gia đình. Ấy vậy mà người tay cày, người tay cuốc dần dần cũng được hơn chục thửa ruộng để trồng cấy. Tôi hỏi ông sao không tìm thứ rau nào không đắng để ăn, ông mới bảo rau rừng tuy nhiều loại nhưng không phải mùa nào cũng có, mùa nào thức đấy, phải mùa nào có rau đắng thì ăn, ăn mãi thành quen và thấy ngon. Nghe những câu chuyện xưa tôi thấy trong đó có len lỏi vị mặn đắng cuộc đời bươn trải của bậc ông cha để mới có được ngọt ngào hôm nay.
Đến giờ tôi vẫn chưa biết thưởng thức trà nóng, chưa thể ăn những món ăn mang vị đắng như cách bạn tôi và cả những người miền núi quê tôi đã làm, nhưng tôi nhận ra một điều, bất luận là vị đắng nơi đầu môi hay trong tâm hồn nếu dũng cảm hòa cùng nó sẽ không cảm thấy sợ nữa, vì biết chắc, sau vị đắng ta sẽ chạm đến điều ngọt ngào.
Tản văn. Phùng Thị Hương Ly
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...