Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:10 (GMT +7)

Về những cán bộ nữ ở cơ sở

Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, thời gian qua, những nữ bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận xóm, tổ dân phố, trưởng làng nghề ở cơ sở trong tỉnh đã và đang đưa các phong trào thi đua của xóm, phố mình đạt kết quả cao. Trong khuôn khổ bài viết của mình, tôi chỉ xin nhắc đến  vài trường hợp điển hình.

55
Bà Nguyễn Quỳnh Nhinh (bên phải) trò chuyện, động viên bà Nguyễn Thị Hồng, người có hoàn cảnh khó khăn ở tổ dân phố 2, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).

Xốc vác mọi phong trào

Trò chuyện với bà Phạm Thị Xuyến, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), chúng tôi thấy bà nhớ tên, tuổi, vị trí nhà của đa số người dân và cả hoàn cảnh đặc biệt của một số gia đình trong tổ. Ông Vũ Văn Thực, tổ trưởng tổ dân phố 7 tự hào nói: Bà Xuyến có năng lực, trình độ, và luôn miệng nói, tay làm trong mọi công việc. Từ khi bà làm Bí thư Chi bộ, các phong trào ở tổ chúng tôi đều hoạt động tốt.

- Vậy trước đây phong trào của tổ mình trầm lắm ạ? - Tôi hỏi.

Nói về thực trạng trước năm 2017, một số đảng viên của chi bộ nhỏ nhẹ kể: Khi đó, tập thể cấp uỷ, chi bộ chưa thực sự đoàn kết, thống nhất, năng lực lãnh đạo còn hạn chế nên chưa phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Kết quả, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở tổ trì trệ, đánh giá hàng năm chi bộ chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, còn tổ dân phố luôn nằm tốp cuối ở phường vì nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành. Bắt đầu từ tháng 8/2017, bà Phạm Thị Xuyến được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ như mang “luồng gió mới” đến khu dân cư.

Bà Xuyến tâm sự: Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong cấp uỷ, chi bộ trước đây, tôi đã nhanh chóng cùng tập thể chi uỷ mới xây dựng quy chế hoạt động, thống nhất ban hành nghị quyết của Chi bộ triển khai với nhiều giải pháp khắc phục. Với quan điểm “cán bộ tốt phong trào mới mạnh”, cấp uỷ Chi bộ đã thực hiện việc phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đảng viên, có kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Đồng thời, kiện toàn các tổ chức đoàn thể trong tổ, chọn cử đảng viên là người đứng đầu ở các vị trí này. Tôi và các đồng chí trong cấp uỷ cũng dành nhiều thời gian để nắm tình hình các hộ dân trong tổ và có cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nhân dân tham gia các phong trào.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, mà người đứng đầu là bà Xuyến, mọi việc ở tổ dân phố 7 đã được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ nên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đảng viên, nhân dân. 5 năm qua, tổ dân phố 7 luôn hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, được UBND TP. Thái Nguyên tặng Giấy khen. Các tổ chức đoàn thể của tổ như phụ nữ, người cao tuổi, nông dân, cựu chiến binh… cũng được phường đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Còn Chi bộ tổ dân phố 7, phường Đồng Quang từ một tổ chức đảng luôn xếp thứ hạng cuối của phường đã “lội ngược dòng ngoạn mục”, vươn lên dẫn đầu. Năm 2022, đây là tổ chức đảng duy nhất của phường Đồng Quang được Thành uỷ Thái Nguyên tặng Giấy khen Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (giai đoạn 2018 - 2022).

Bà Phạm Thị Xuyến năm nay 65 tuổi, trước đây công tác ở Ngân hàng Công thương Thái Nguyên. Năm 2013, bà về nghỉ chế độ tại địa phương và tích cực hưởng ứng các phong trào ở khu dân cư. Ngoài vai trò Bí thư Chi bộ, từ năm 2021 đến nay bà còn là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Đồng Quang. 6 năm qua, bà đều là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận Bằng khen của Tỉnh uỷ là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (giai đoạn 2017 - 2021).

1
Bà Phạm Thị Xuyến (người đứng) chủ trì cuộc họp cấp uỷ mở rộng của Chi uỷ tổ 7, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên).

Cũng như bà Xuyến, bà Nguyễn Quỳnh Nhinh, Chi ủy viên Chi bộ 2, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) là người nhiều năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Sau khi về nghỉ chế độ năm 2010, bà Nhinh được nhân dân yêu mến gọi đùa là nữ cán bộ “trận nào cũng có mặt”. Trong mọi công tác từ Phụ nữ, Mặt trận, Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, cùng nhiều phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao ở tổ và phường, người dân luôn thấy người phụ nữ gần 70 tuổi này tham gia nhiệt tình, gương  mẫu.

Với sự khéo léo trong cách vận động của bà Nhinh, thời gian qua, người dân trong tổ 2 và một số doanh nghiệp trên địa bàn phường Gia Sàng đã ủng hộ kinh phí san gạt khu đất vốn là hố sâu sình lầy, bẩn bụi sau khu Lữ đoàn 210 cũ thuộc tổ dân phố 2 trở thành không gian xanh trồng hoa, thuốc nam và 600 cây  keo, cây ăn quả, trị giá gần 200 triệu đồng. Một số công trình, dự án triển khai tại địa bàn cần giải phóng mặt bằng cũng có sự góp sức không nhỏ của bà trong tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận cao. Sự cần mẫn, trách nhiệm, hết mình với công việc của tập thể, luôn gương mẫu đi trước, làm trước trong các hoạt động của cộng đồng chính là lý do bà Nhinh được nhân dân yêu mến. Bà Nguyễn Thị Hát, tổ dân phố 2 cười, nói ngắn gọn khi chúng tôi hỏi nhận xét về bà Nhinh: “Chẳng biết nói gì về bà Nhinh ngoài hai từ tuyệt vời”.

 Với những thành tích đã cống hiến trong nhiều năm công tác ở khu dân cư, bà Nguyễn Quỳnh Nhinh đã được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp từ trung ương đến địa phương. Mới đây, bà được tặng Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận khéo; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục, được Tỉnh uỷ, Thành uỷ biểu dương, khen thưởng.

Dân vận khéo làm lợi cho dân

Quá trình đi cơ sở tìm hiểu phong trào xây dựng đô thị văn minh và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tôi tiếp xúc với nhiều nữ bí thư chi bộ có cách dân vận khéo làm lợi cho dân rất đáng trân trọng. Bà Nguyễn Thị Minh Loan, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 13, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) là một người như thế. Nhắc đến vai trò dân vận khéo của bà Loan, không thể không kể đến việc bà đã thành công vận động nhiều hộ dân trong tổ hiến “tấc vàng”, phục vụ nhiệm vụ xây dựng đường nội thị. Hai năm qua, các tuyến đường vào ngõ, ngách của tổ dân phố 13, đặc biệt là đường Nguyễn Đình Chiểu đã được cải tạo, nâng cấp mở rộng, tạo diện mạo đô thị mới khang trang, thay thế cho những tuyến đường nhỏ hẹp trước đây. Từ chủ trương đúng đắn của Nhà nước, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cách vận động khéo léo của bà Loan, nhân dân đã đồng thuận hiến trên 700m2 diện tích “đất vàng”; đóng góp trên 800 triệu đồng để nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều đoạn đường dân sinh khác trong tổ.

1
Bà Nguyễn Thị Minh Loan, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 13, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) đã thành công vận động nhiều hộ dân trong tổ hiến “tấc vàng”, xây dựng đường Nguyễn Đình Chiểu rộng rãi, khang trang.

Tôi nhớ hôm vào tổ, có trò chuyện với ông Trần Trọng Phú, tổ dân phố 13, được ông kể lại: Khi triển khai làm nhiều đoạn đường cần người dân hiến đất, vẫn có một số ít người tư tưởng chưa thông. Có hộ dân khó vận động vì ai vào cũng không tiếp chuyện, song chỉ bà Loan gặp và thuyết phục thành công. Công trình nào ở tổ thi công, bà Loan đều có mặt sớm, tối giám sát.

Nghe ông Phú nói, bà Loan tiếp lời: Tôi cũng có kinh nghiệm dân vận khéo gì đâu, chỉ là xuất phát từ sự chân thành, gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư của họ, đứng ở phương diện của họ để nhìn nhận vấn đề rồi phân tích cái lợi chung và riêng khi làm đường thì họ sẽ đồng thuận thôi.

Chia sẻ của bà Loan khiến tôi nhớ đến cách tuyên truyền người dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương của chị Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý (Phú Lương): Phải để dân hiểu được xây dựng nông thôn mới, chính người dân hưởng lợi đầu tiên, thì họ sẽ đồng lòng, chung sức. Quá trình triển khai, cán bộ, đảng viên phải luôn làm gương và đi đầu.

Với cách dân vận gần gũi, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, chị Tâm đã khơi dậy tinh thần chung sức đồng lòng của đảng viên, người dân trong xóm đóng góp đối ứng hàng trăm triệu đồng và tham gia hiến hàng nghìn m2 đất làm đường bê tông, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng đường hoa. Điển hình như, chỉ trong năm 2022, nhân dân trong xóm đã đồng thuận đóng góp đối ứng với số tiền 1,5 triệu đồng/hộ và nhiều ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa mới. Đến nay, xóm Đồng Chợ đã có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, sạch sẽ với tổng diện tích cả khuôn viên 800m2, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Không riêng Đồng Chợ mà tại nhiều xóm của xã Phủ Lý, nhờ sự góp sức của những người đầu tầu gương mẫu như Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Tâm mà quá trình xã xây dựng nông thôn mới, đã có trên 800 hộ dân tự nguyện hiến gần 52 nghìn m2 đất các loại và đóng góp trên 2,7 tỷ đồng, hơn 4.000 ngày công lao động để làm đường giao thông, thuỷ lợi, nhà văn hóa.

Nữ nghệ nhân của làng

Tôi ấn tượng với sự giản dị, giọng nói trầm ấm và đôi mắt biết cười của chị Tống Thị Xuyến, Trưởng Làng nghề Chè truyền thống xóm Trung Thành 2, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương). Càng ấn tượng hơn khi nghe tâm niệm làm chè của chị: “Với tôi, sản xuất, chế biến chè an toàn, tạo cảnh quan đẹp cho mình, từ đó mới mang lại sự tin tưởng, an toàn cho người tiêu dùng. Mục đích tôi hướng tới là người làm chè phải hạnh phúc và lan tỏa niềm hạnh phúc ấy tới khách hàng”.

Là người làm chè giỏi có tiếng ở Vô Tranh nên năm 2014, xóm Trung Thành 2 được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống, chị Xuyến nhận trọng trách Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè (với gần 100 hộ, hàng trăm lao động tham gia). Nuôi ý tưởng xây dựng thương hiệu chè quê hương, sản xuất sản phẩm chè chất lượng và mang lại thu nhập khá cho người dân, năm 2017, chị Xuyến đã thành lập Tổ sản xuất chè VietGAP, tiên phong sản xuất chè an toàn. Dưới sự dẫn dắt của Trưởng Làng nghề Tống Thị Xuyến, người dân nhận thấy sự nguy hại đến sức khỏe khi lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, dần chuyển sang dùng các loại chế phẩm sinh học và phân hữu cơ chăm sóc chè. Nhờ đó, diện tích chè Trung Thành 2 với 30ha chè kinh doanh đã có 15ha được chứng nhận VietGAP, được đăng ký mã số vùng trồng 7ha, diện tích đang hướng tới hữu cơ là 5ha.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường và để mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu, năm 2020, chị Xuyến đứng ra thành lập HTX Chè an toàn Hoan Xuyến với vai trò Giám đốc (vẫn kiêm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè xóm Trung Thành 2). HTX của chị bao tiêu sản phẩm chè của các hộ dân, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các đề án hỗ trợ chế biến, bảo quản chè, đồng thời liên kết với các hộ dân làm chè an toàn. Đến nay, 50% người dân làm chè trong xóm đã tham gia HTX. Ngoài sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu của xóm Trung Thành 2, HTX cũng liên kết sản xuất theo chuỗi với các làng nghề chè khác của xã Vô Tranh và đã có một số sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 và 4 sao.

Với sự góp sức của chị Xuyến, Trung Thành 2 đã vinh dự được xướng tên là làng nghề tiêu biểu xuất sắc trong Lễ hội vinh danh các làng nghề chè do UBND huyện Phú Lương tổ chức. Năm 2018, Làng nghề được phong tặng danh hiệu Đơn vị kinh tế, du lịch làng nghề; năm 2019 tiếp tục được vinh danh Làng nghề chè Việt Nam tiêu biểu do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bầu chọn. Thương hiệu được xây dựng, giá bán chè của người dân cũng từ đó cao hơn nhiều so với trước. Mỗi tháng, thu nhập của những người làm chè Trung Thành 2 không dưới 10 triệu đồng. Sản xuất chè an toàn giúp người dân có cuộc sống đủ đầy, cùng hưởng môi trường sinh thái trong lành. Từng bãi chè không chỉ là nguồn sống mà còn chứa đựng trong đó niềm hạnh phúc kết nối các thế hệ để lưu truyền và gìn giữ, phát huy nghề làm chè lâu năm nơi đây. Trong sự phát triển của Làng nghề, ai cũng hiểu có sự đóng góp không nhỏ của chị Tống Thị Xuyến.

1
Chị Tống Thị Xuyến (áo trắng) khẳng định, sẽ tiếp tục cùng người dân xây dựng và đưa thương hiệu chè quê hương phát triển hơn nữa.

Cuối năm 2022, niềm vui lớn đến với chị Tống Thị Xuyến khi chị được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”. Chị đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của huyện Phú Lương được công nhận danh hiệu này. Bà Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Chi bộ xóm Trung Thành 2, tự hào nói: Danh hiệu Nghệ nhân làng nghề chè rất xứng đáng với chị Xuyến bởi những năm qua chị đã tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu Làng nghề. Chúng tôi hy vọng chị sẽ tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu dẫn dắt, đưa thương hiệu chè của chúng tôi ngày càng bay xa hơn nữa.

Còn chị Xuyến cười hạnh phúc bảo: Được công nhận nghệ nhân, tôi vui mừng nhưng cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề càng lớn hơn. Tôi sẽ tiếp tục cùng người dân xây dựng và đưa thương hiệu chè quê hương phát triển hơn nữa.

Khi tôi ngồi viết bài này, giai điệu của bài hát “Sống như những đóa hoa” bỗng vang lên bên tai:

“Và tôi sống như đóa hoa này

Tỏa ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng

Được hiến dâng cho cuộc đời”…

Tôi chợt liên tưởng những người phụ nữ như bà Xuyến, bà Nhinh, bà Loan, chị Tâm, chị Xuyến chính là những đóa hoa đang lặng lẽ tỏa hương. Tất cả họ có một điểm chung là sự hồn hậu, đảm đang, luôn sống với tinh thần trách nhiệm, đức tính hy sinh, cống hiến của người phụ nữ, trách nhiệm của người đảng viên. Luôn tiên phong đi trước, gương mẫu cho đồng chí, nhân dân làm theo, họ đã không quản ngại khó khăn, hy sinh thời gian, công sức để góp phần làm làng quê, tổ dân phố ngày càng phát triển…

Mai Linh Lan

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy