Về một số từ Việt cổ trong thơ Nôm trung đại
1.“Cố đấm ăn xôi” hay “cố bấm ăn xôi”?
Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài hoa đến mức xuất chúng của thơ ca cổ Việt Nam. Cái hơn người của bà là sự vận dụng khéo léo ngôn ngữ dân tộc để sáng tạo ra những vần thơ Nôm bất hủ. Độc giả yêu thích thơ Hồ Xuân Hương có lẽ không còn xa lạ với những bài thơ như: Mời trầu, Tự tình, Bánh trôi nước, Lấy chồng chung v.v.. Trong bài thơ Lấy chồng chung (còn có tên gọi là Vịnh người vợ lẽ hoặc Vịnh tác nhân thiếp) có hai câu được phiên như sau:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
(Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008)
Đối với hai câu thơ trên, người viết thấy cần bàn lại một chút. Trước nay, chúng ta vẫn quen với câu thành ngữ “cố đấm ăn xôi”, nhưng câu thơ của Hồ Xuân Hương có nên phiên nôm theo câu thành ngữ có phần hơi hướng hiện đại này không?
Để lý giải việc này, trước hết cần căn cứ vào tự dạng chữ Nôm. Trong các bản nôm, sau chữ cố là chữ 𢶸 chữ nôm này gồm bộ thủ 扌 và chữ 稟 lẫm, bẩm (được coi là bộ phận chỉnh âm). Chữ Nôm này có thể đọc là bấm hoặc đấm. Tuy nhiên theo một số quy tắc biến đổi âm đầu của tiếng Việt lịch sử: b có thể sang m, như bàn > mâm, bối > mới; bồ hôi > mồ hôi…; b có thể sang v như bíu > víu, băm > vằm…; hoặc b giữ nguyên như biều > bầu. Và không có quy tắc b > đ. Do đó, chữ bẩm có thể đọc thành bấm, giữ nguyên phụ âm đầu. Hơn nữa thanh hỏi và thanh sắc cùng thuộc thanh điệu bổng nên có thể chuyển biến cho nhau một cách thuận tiện.
Mặt khác, ở phương diện ngữ nghĩa, bấm là một từ Việt cổ, có nghĩa là nhịn. Sách Việt Nam từ điển có các từ như: bấm bụng, bấm gan. Do đó, cố bấm ở đây được hiểu là cố nhịn, cố chịu đựng. Nếu xét về tính chất lịch đại, tiếng Việt ở thế kỷ 18 vẫn còn tương đối nhiều từ Việt cổ, điều này có thể dễ dàng tìm thấy trong kiệt tác Truyện Kiều, nên chữ 𢶸 phiên là bấm cũng là điều dễ hiểu và phù hợp với thời đại tác phẩm.
Như vậy câu thơ của Hồ Xuân Hương sẽ được phiên cụ thể thành: “Cố bấm ăn xôi xôi lại hỏng”, có nghĩa là cố nhịn để đạt được một kết quả nào đó, nhưng kết quả đó lại không thành. Câu thơ khắc họa rất rõ bi kịch của một người vợ lẽ trong xã hội xưa.
2.“chia bào” hay “chia bâu”?
Câu hỏi này nghe chừng lạ nhưng thực chất rất cần để trao đổi. Những ai yêu thích Truyện Kiều, đặc biệt là học sinh phổ thông đã rất quen thuộc và thậm chí nhiều lần được thực hành phân tích hai câu thơ được cho là “mẫu mực” cho cảnh chia ly trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Về nội hàm ý nghĩa thì có không cần bàn nhiều, tuy nhiên về phương diện âm đọc chữ Nôm thì có lẽ cần bàn lại.
Về phương diện tự dạng chữ Nôm, hầu như tất cả các bản chữ Nôm Truyện Kiều còn lưu, đều chép (hoặc khắc) chữ cuối trong câu lục trên là 袍. Chữ này có âm Hán Việt là bào. Các nhà nghiên cứu như Nguyễn Quảng Tuân, Lê Văn Hòe đều phiên là bào. Đặc biệt, học giả Lê Văn Hòe còn giải thích như sau: “Kẻ chia bào: là Kiều buông áo để Thúc Sinh đi không giữ lại nữa. Bào tức là áo. Kẻ ở lại níu lấy áo người đi để tỏ ý không nỡ chia tay. Chia bào tức là buông áo người đi không níu nữa. Nếu người đi quả quyết ra đi không bịn rịn thương nhớ thì nói rứt áo ra đi.”[1] Và trong sách giáo khoa Ngữ văn ở các cấp có trích đoạn Thúy Kiều từ biệt Thúc Sinh đều phiên là bào. Tuy nhiên, một số học giả như Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Ngọc San đều phiên chữ 袍 là bâu, âm đọc từ Việt cổ. Có thể thấy, âm đọc ở đây phân chia thành hai chiều hướng, một là đọc theo âm Hán Việt, hai là đọc theo âm Nôm. Hai chiều hướng này đều không sai, tuy nhiên xét về mức độ và tính chất hợp lý thì chỉ nên lựa chọn một cách đọc.
Để lựa chọn ra một âm đọc hợp lý nhất, chúng ta cần chú ý đến vấn đề ngữ nghĩa và văn cảnh. Chữ袍 đọc theo âm Hán Việt là bào sẽ bao hàm 2 ý nghĩa: 1) cái áo dài; 2) cái vạt trước của áo. Khi chữ này được đọc theo âm Nôm là bâu thì cơ bản cũng có hai ý nghĩa: 1) cổ hoặc vạt áo, Từ điển Pigneau de Behaine, Từ điển Génibrel và Từ điển Bonet đều có từ bâu áo; 2) chia tay, Truyện Lục Vân Tiên có câu “Thấy chàng đã lại thêm đau/ Đất trời bao nỡ phân bâu cho đành”. Các học giả trong và ngoài nước khi nghiên cứu tiếng Việt cổ đều tương đối thống nhất về cách đọc chữ 袍 là bâu. Khi xét đến ngữ cảnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Cẩn trong bản Duy Minh Thị (1872) của Truyện Kiều sau khi phiên chữ袍 là bâu đã chú thích thêm: “Chữ BÀO có thể đọc cả BÂU (Huỳnh Tịnh Của). Trong Truyền kì mạn lục dùng CHIA BÂU dịch BIỆT DUỆ. Nói chung, sau CHIA thì nên đọc BÂU.”
Như vậy, xét trên cả ba phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ cảnh, cách đọc chữ袍 là bâu hoàn toàn chiếm ưu thế và phù hợp với tổng thể bản Nôm của Truyện Kiều. Câu thơ trong kiệt tác của Nguyễn Du cần được đọc là:
Người lên ngựa kẻ chia bâu,
Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...