Về hai vấn đề mới trong Nghị quyết Trung ương 7
VNTN - Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cùng với Nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, mà Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu đã ban hành, hai vấn đề lớn, hệ trọng có tính chất then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước đã được Trung ương đặc biệt quan tâm.
Từ Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VIII, đã có Nghị quyết về chiến lược cán bộ. Đánh giá tình hình từ bấy đến nay, Trung ương đã nhận định: “Sự trưởng thành, lớn mạnh phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước”.
Nguồn Internet
Từ thực tế đó, nhiệm vụ đặt ra là, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tích cực hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Tư tưởng xuyên suốt Nghị quyết là sự thống nhất giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ, quán triệt và thể hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.
Xuất phát từ tình hình và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới, nhận rõ thực trạng của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ hiện nay và những bài học được tổng kết, Nghị quyết đã đề ra những chủ trương và giải pháp vừa có tính cơ bản lâu dài vừa mang tính cấp bách trước mắt để xây dựng đội ngũ cán bộ và về công tác cán bộ. Cùng với nhiều chủ trương, giải pháp có tính nguyên lý đã thành quy trình công tác phổ biến, nền nếp, đã có những quyết sách xuất phát từ thực tế cuộc sống và thể hiện được sự đổi mới tư duy về cán bộ.
Có hai vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nhiều là: Chọn, bổ nhiệm cán bộ có cạnh tranh; kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Đây có thể coi là hai điểm mới mà các Nghị quyết trước chưa đề cập đến, hoặc có đề cập cũng chưa quyết liệt.
Chọn cán bộ có sự cạnh tranh
Chọn, quyết định bố trí cán bộ vào một vị trí công tác, nhất là vị trí lãnh đạo quản lý là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Nó là kết quả cuối cùng của việc xác định vị trí việc làm, đánh giá cán bộ và thực hiện quyền hạn của cơ quan có trách nhiệm và người đứng đầu. Thường đó là công việc của cơ quan tổ chức và cấp ủy Đảng. Tiến trình là một chiến lược giữ kín cho đến lúc quyết định bổ nhiệm được ký, ban hành. Đương sự chỉ được thông tin khi việc đã xong (hoặc coi như xong).
Chọn lựa, bổ nhiệm cán bộ có sự cạnh tranh là một cách tiếp cận mới trong khâu công tác này. Cơ sở vấn đề là: có khung tiêu chuẩn chung cho một chức danh. Sẽ có hơn một người có thể đáp ứng, nhưng chỉ có một người giỏi hơn và xứng đáng nhất cho vị trí, chức danh đó. Tạo điều kiện cho mỗi người được thể hiện năng lực phẩm chất của mình trong việc giải quyết những vấn đề thuộc chức trách, nhiệm vụ của chức danh đó là tạo ra sự cạnh tranh. Thông qua các hình thức cạnh tranh công khai, minh bạch, bình đẳng, cơ quan tham mưu và người có thẩm quyền sẽ có thêm thông tin, thêm cơ sở đáng tin cậy để đánh giá và quyết định.
Cùng với đổi mới việc đánh giá cán bộ theo hướng xuyêt suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm…, khi sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ vào vị trí mới nhất là vị trí cao hơn rất cần có sự sàng lọc, cạnh tranh. Đây là việc cụ thể thực hiện quy hoạch cán bộ mở; thể hiện được tính bình đẳng, công khai, minh bạch trong quy trình công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tệ hối lộ và chạy chức chạy quyền đối với không ít cán bộ lâu nay. Nó cũng giúp một phần cho cơ quan tham mưu và cấp có thẩm quyền tránh được những đề xuất và quyết định sai lầm do chủ quan, định kiến và thiếu công tâm. Cơ chế này cũng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy cán bộ tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để bản thân có năng lực thật, tự tin hướng tới thực hiện chủ trương đã được Nghị quyết đề ra là: tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và trọng dụng, thu hút nhân tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Từ những năm trước, một số trường đại học trên địa bàn tỉnh ta đã thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Mới đây, sau khi Nghị quyết ra đời, cũng đã có cơ quan Trung ương và tỉnh tuyển chọn cán bộ cấp vụ, cấp sở theo cách: Các ứng viên được trình bày đề án, chương trình hành động và trả lời phỏng vấn. Qua đó, người xuất sắc hơn đã được bổ nhiệm. Mặt tốt được ghi nhận ở đây là: người được chọn đã tự tin nhận nhiệm vụ; cán bộ đảng viên trong cơ quan và dự luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Để thực hiện được yêu cầu bố trí cán bộ “đúng người đúng việc”, các cơ quan có trách nhiệm trong công tác cán bộ cần tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm để vấn đề được giải quyết căn bản, bền vững.
Kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong lĩnh vực cán bộ
Mỗi một cá nhân, một tập thể lãnh đạo quản lý đều được giao quyền hạn. Quyền hạn đó để thực hiện chức trách (đối với cá nhân) và thực hiện chức năng nhiệm vụ (đối với tập thể). Những biểu hiện sai trái trong sử dụng quyền hạn được giao là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân; phe nhóm trong lĩnh vực cán bộ là không đúng quan điểm của Đảng về cán bộ. Ỷ quyền thế làm mất dân chủ, bỏ qua hoặc tác động làm sai lạc qui trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đưa con cháu, người thân, cánh hẩu vào bộ máy công quyền và các tổ chức kinh tế để phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm; Ăn hối lộ, tiếp tay cho cán bộ xấu chạy chức chạy quyền. Thực sự, đó là những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực cán bộ, là nguyên nhân chủ yếu tạo ra trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo lẫn lộn cả người giỏi, người kém; nhiều “con ông cháu cha” năng lực phẩm chất chưa tương xứng với vị trí đảm nhiệm.
Nghị quyết Trung ương 7 cũng đã đánh giá, nhận định về những tồn tại và yếu kém của đội ngũ cán bộ. Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ án lớn vừa qua đối với những cán bộ có chức có quyền phần lớn đều có các tội danh: lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái…, những cá nhân đó đều có điểm chung là không thực hiện đúng quyền và trách nhiệm được giao và sự buông lỏng, yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời đối với những sai phạm mà cán bộ mắc phải của cơ quan quản lý cán bộ trong một thời gian dài vừa qua.
Dư luận cho rằng nếu làm triệt để ráo riết nữa thì ở một số cơ quan trung ương và địa phương còn “chỉ mặt, vạch tên” được không ít cán bộ lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân vì kinh tế và gây ra tiêu cực, lũng đoạn công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ ở những nơi mà họ là người đứng đầu.
Từ thực tế đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh: “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ chống chạy chức chạy quyền trong lĩnh vực cán bộ là nhằm ngăn chặn cán bộ vượt quyền, lạm dụng quyền hạn để vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước làm hại đến nhân dân. Nó nhằm bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ giữ vững phẩm chất cách mạng thực hiện liêm chính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, là vốn quý, là tài sản của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân”.
Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng góp phần làm thanh sạch đội ngũ, loại bỏ và chấm dứt các tiêu cực ảnh hưởng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ mà ở không ít nơi đã trở thành tệ nạn như hối lộ, đút lót chạy chức chạy quyền gây bất bình, bức xúc trong đảng viên và nhân dân. Kiểm soát quyền lực bắt đầu từ việc làm rõ và gắn chặt quyền và trách nhiệm cho mỗi chức danh cán bộ; yêu cầu cán bộ thường xuyên tự kiểm tra và có định chế kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý cán bộ. Kịp thời và kiên quyết xử lý những vi phạm của cán bộ trong việc lộng quyền và lợi dụng chức quyền và những việc làm sai trái. Nhận rõ sự hệ trọng và cấp bách của việc kiểm soát quyền lực, Nghị quyết Trung ương đã nêu ra mốc thời gian là đến năm 2020 sẽ phải “hoàn thành cơ chế kiểm soát quyền lực kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức chạy quyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”.
Có thể thấy, đây là một quyết tâm rất lớn của Đảng ta nhằm làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và thiết thực, ngoài quyết tâm chính trị cao, còn cần nhiều nghiên cứu, thể nghiệm để xây dựng những cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp. Tổ chức thực hiện theo mục tiêu cụ thể. Có sự chỉ đạo chặt chẽ, sơ kết rút kinh nghiệm kịp thời. Đề cao kỉ luật chấp hành nghị quyết của Đảng.
Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ là một nghị quyết rất quan trọng. Bởi, như Bác Hồ đã nói: Cán bộ là gốc, có cán bộ tốt thì việc gì cũng thành công. Đảng bộ tỉnh ta cũng đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đến các ngành các cấp. Hệ thống những chủ trương, giải pháp về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là rất nhiều. Trong đó có những nội dung thể hiện rõ sự đổi mới tư duy bắt nguồn từ những bài học kinh nghiệm đã qua và yêu cầu đặt ra của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Từ những nội dung trên, chúng ta có thể hy vọng rằng, kết quả việc thực hiện Nghị quyết sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ nét của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân.
Đinh Quang Ấn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...