Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:01 (GMT +7)

Vẻ đẹp mùa xuân trong thơ viết cho thiếu nhi dân tộc thiểu số

Trong thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số, hình ảnh thiên nhiên hiện lên sinh động, tươi vui qua sắc màu của bức tranh bốn mùa. Tuy nhiên, mùa xuân là mùa thường được các tác giả ưu ái và dành cho nhiều trang viết ấn tượng, đặc sắc. Các tác giả Lò Ngân Sủn, Dương Khâu Luông, Trà Ma Hani,… đã khắc họa một cách rõ nét bức tranh mùa xuân thể hiện tâm hồn và tình yêu của trẻ thơ miền núi đối với mùa xuân quê hương.

Vẻ đẹp mùa xuân trong thơ viết cho thiếu nhi dân tộc thiểu số
Những đứa trẻ ở bản Tà Phìn - Sapa. 

Mùa xuân vốn được quan niệm là mùa của sự khởi đầu vạn vật sinh sôi, của lễ hội và của những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc văn hóa… Bởi vậy trẻ thơ thường đặc biệt yêu thích mùa xuân. Đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ nên trong thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số, mùa xuân nhận được sự ưu ái đặc biệt với tần số xuất hiện nhiều nhất trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân luôn mang một dấu ấn riêng trong cái nhìn và sự cảm nhận trong trẻo của trẻ thơ miền núi.

Trước hết, hình ảnh mùa xuân hiện lên qua sức sống của thiên nhiên. Dưới ngòi bút của các nhà thơ dân tộc thiểu số, vạn vật đang tưng bừng, căng tràn nhựa sống khi mùa xuân đến:

Gọi nắng

Gọi mưa

Gọi hoa

Nở ra

Mùa xuân”

(Trời - Lò Ngân Sủn)

Những sứ giả đầu tiên của mùa xuân miền núi là hoa mận, hoa đào đã nở báo hiệu nàng xuân đã chạm ngõ và đánh thức muôn loài:

“Hoa mận nở trước sân nhà

Hoa đào tươi trước sàn trăng

Chim lửa trời bay đến đậu trong vườn

Ồ mùa xuân đã đến!”

(Đón tết - Dương Khâu Luông)

Thế giới thiên nhiên như khoác lên mình một chiếc áo mới, một khuôn mặt mới lộng lẫy với sự hân hoan, háo hức để tham dự vào bữa tiệc dạ hội mùa xuân:

Mặt trời

Hé nở

Nàng xuân

Hiện dần

Mây

Mặc áo trắng

Nắng

Mặc áo vàng

Rừng

Mặc áo xanh

Núi

Trùm sương mây”

(Mừng xuân, mừng tết - Lò Ngân Sủn).

Bằng những hình ảnh thiên nhiên gần gũi với cuộc sống vùng cao như: mặt trời, mây, nắng, núi, hoa đào, hoa lê, hoa mận… khung cảnh thiên nhiên mùa xuân vùng cao hiện ra đẹp rực rỡ, tươi sáng với sự hấp dẫn, cuốn hút, mời gọi. Đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu nhi vốn ưa sự tìm tòi, khám phá, mùa xuân như một người bạn đồng hành cùng tuổi thơ của các em với những sắc màu rực rỡ.

Một thế giới các loại cây cỏ, hoa lá tiêu biểu cho thiên nhiên miền núi đã được các thi sĩ thể hiện trong “khu vườn thiếu nhi” của mình. Có thể coi đây là một khu vườn bách thảo rộng lớn, một cuốn từ điển tri thức bằng thơ với nhiều loại cây cối, hoa cỏ khác nhau hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều điều bổ ích, bất ngờ cho tuổi thơ.

Trong thế giới đó, ngoài những loài cây, loài hoa mà trẻ thơ quen thuộc, các nhà thơ dân tộc còn mở rộng phạm vi đến những loài cây, loài hoa lạ mà chỉ miền núi mới có như cây mỡ, cây măng, cây trúc, cây thông, cây chuối rừng, cây bạch đàn, cây trám… Tất cả tạo đã nên một thế giới thảo mộc vô cùng sinh động, hấp dẫn, mới lạ, muôn hình, vạn trạng dưới con mắt trẻ thơ:

Măng

vót chông

vót đũa

Thông

đứng giữa trời

thổi như mưa

Nứa

ôm nhau gáy

Trúc

cài cúc

đầy ngực”…

(Mừng xuân, mừng tết - Lò Ngân Sủn)

Nhà thơ Lò Ngân Sủn đã tạo nên một thế giới riêng của các loài cây. Mỗi loại cây với những khuôn hình đặc trưng khoe nét đẹp của mình trước mùa xuân đang đến. Điều này đã góp phần tạo nên không khí tươi vui, sinh động và đầy ngộ nghĩnh của thế giới thiên nhiên miền núi khi xuân về.

Trong ngày hội mùa xuân, không thể thiếu sự góp mặt của muôn loài. Mỗi loài một vẻ song đều cố gắng khoe những điểm tốt nhất, mạnh nhất của mình để tham dự vào bữa đại tiệc mùa xuân của thiên nhiên:

“Họa mi

thi hót

trên cây

Én

ném còn

trên không

Tung yến

giữa đồng

Hổ

rung chiêng

Chó

gõ trống

(Mừng xuân, mừng tết - Lò Ngân Sủn)

Trong thế giới rộng lớn đó, rừng là một cái ô lớn, là chỗ trú ngụ, ẩn nấp của muôn loài. Cả thiên nhiên như bừng lên một sức sống với bản hòa ca nhộn nhịp, tưng bừng của âm thanh. Các loài vật từ hiền lành đến mãnh thú đều sống hòa thuận với nhau trong một gia đình chung là rừng:

Tiếng ve ran mượt mà trong gió

Chim hót vang bài ca lộn xộn

Trăn cuộn tròn ngẫm nghĩ

Khỉ đánh đu dây rừng

Hươu, nai múa bên cây cổ thụ

Hổ, báo ngồi chồm chỗm ngó xem”

(Ô rừng - Lò Ngân Sủn).

Bạn đọc bắt gặp một thế giới ngộ nghĩnh đáng yêu, một không gian nghệ thuật rất riêng tạo nên nét đặc trưng cho văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số.

Khi mùa xuân đến, vạn vật như khoác lên mình một chiếc áo mới, một khuôn mặt lộng lẫy, đầy hân hoan, háo hức để tham dự vào buổi dạ hội mùa xuân. Trong đó, con người - trẻ em miền núi là những chủ nhân chính với niềm vui hân hoan đến trường:

“Giăng giăng hoa đào

Khèn vang vách núi

Người đi xuống chợ

Mặc áo hoa mới

 

a xuân khéo sao

Làm ai cũng đẹp

Đường vui đi học

mùa xuân theo

(Mùa xuân đi học - Dương Khâu Luông).

Mùa xuân miền núi trong tâm hồn thế giới trẻ thơ không chỉ thể hiện qua vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên rộn ràng âm thanh và màu sắc mà còn được thể hiện qua những trò chơi dân gian.

Ngày tết đến, xuân về, ở miền núi cao còn có rất nhiều những trò chơi dân gian truyền thống. Đó là những trò chơi được đông đảo đồng bào vùng cao và trẻ thơ rất yêu thích như: đánh yến, đánh pao, tung còn, bắn nỏ, đua thuyền, bắn tên, bắt vịt…Và cùng với những trò chơi này, mùa xuân rẻo cao hiện lên vui tươi, rộn rã hơn bao giờ hết:

“Hội xuân Ba Bể

Diễn đủ bao trò

- Đây lễ chọi bò

Đua thuyền độc mộc

- Này thì bắt vịt

Trên hồ nước xanh

- Kìa hội tung còn

Chói vòng xanh đỏ

Ai người tài tử

Ném thủng được đây?

 

Mùa xuân ngất ngây

Điệu then câu hát

Ai còn chơi tết

Mời đến hội xuân.”

(Hội xuân Ba Bể - Dương Khâu Luông)

Có thể thấy trong khung cảnh thanh bình của thiên nhiên vùng núi, tuổi thơ các em đã được sống hồn nhiên, trong sáng cùng những trò chơi gần gũi, quen thuộc bên những bạn bè cùng trang lứa. Tuổi thơ của trẻ em miền núi không có những đồ chơi đắt tiền hay công viên, nhà phao hiện đại mà gắn liền với những trò chơi dân gian. Những trò chơi của các em thường rất đơn giản, gắn liền với thiên nhiên song vô cùng hấp dẫn, phong phú, đa dạng và sinh động. Đặc biệt, nhiều trò chơi còn gắn với lễ hội và ngày tết với những phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

 Chính những lễ hội cùng những phong tục tập quán này đã trở thành một phần kí ức sâu đậm, không thể phai mờ trong tâm hồn trẻ thơ vùng cao. Các em đã quan sát, đã sống trong các lễ hội, phong tục tập quán của quê hương mình, của dân tộc mình để từ đó cất lên tiếng nói riêng đầy tự hào về dân tộc. Lứa tuổi trẻ thơ là lứa tuổi của những câu chuyện cổ tích và ước mong những điều may mắn:

 “Tết chị khâu quả còn

Nhiều tua xanh tua đỏ

Đi chơi được trứng luộc

Mẹ bảo hai màu ấy

Lộc may mắn đầu xuân.”

(Màu của tết - Dương Khâu Luông)

Trong tâm trạng hân hoan đón tết, mọi người lại háo hức, gấp rút sắm sửa cho mình những món quà nhỏ để tham dự hội xuân:

“Chị tìm lông gà làm yến

Mẹ nhuộm chỉ khâu còn

Em bện dây đánh quay

Ai cũng vui đón ngày tết đến”

(Đón tết - Dương Khâu Luông)

Ngoài ngày tết Nguyên đán thì các nhà thơ dân tộc thiểu số còn mang đến cho người đọc biết thêm nhiều lễ hội gắn với những phong tục đặc trưng của đồng bào các dân tộc như: hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, hội kèn Pí Lè của dân tộc Giáy, hội khai hạ, khuộng mùa của dân tộc Mường, hội diều, hội Katê của dân tộc Chăm hay hội trống Ginang của đồng bào Tây Nguyên nói chung…. Bằng sự gắn bó tha thiết với quê hương mình, dân tộc mình, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tái hiện lại không khí của những ngày lễ hội hết sức sinh động qua cái nhìn của trẻ thơ:

Katê ngày mở hội

Hội mở khắp làng Chăm

Bỏ nhọc nhằn năm cũ

Người đi tay trong tay

Bờ môi nối tiếng cười

Mắt tìm nhau thắp ấm”

(Hội làng Chăm - Trà Ma Hani)

Ngày hội thả diều cũng là một ngày hội lớn của nhiều đồng bào dân tộc trên đất nước ta. Từ một trò chơi truyền thống gắn liền với những mục đồng chăn trâu, thổi sáo thì trò chơi thả diều đã trở thành một ngày hội lớn ẩn chứa những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của dân tộc. Bởi vậy, ngày hội thả diều cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu số ghi lại qua những trang thơ thiếu nhi của mình hết sức dung dị, tự nhiên nhưng vẫn chứa đầy sự reo vui, náo nức của trẻ thơ:

“Một cánh diều - trăm cánh diều

Bay là bay lên - bay cao hơn nữa

Ăn gió cho no - sức dài cứ mở

Một cánh diều - ba cánh diều

Bay là bay cao - tung mình gió lớn”

(Hội diều - Trà Ma Hani)

***

Qua những vần thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số viết về mùa xuân và lễ hội, bên cạnh việc hiểu thêm về các phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng miền, người đọc còn cảm nhận được niềm tự hào, ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc không chỉ của các nhà thơ mà còn được trao truyền cho cả thế hệ thiếu nhi dân tộc khi được nuôi dưỡng, được tắm mình, được lớn lên trong suối nguồn văn hóa đó.  

Đồng thời từ đó tình yêu quê hương, đất nước của các em cũng được hình thành một cách tự nhiên và sâu sắc bởi yêu đất nước bắt nguồn từ tình yêu quê hương, gắn bó với từng gốc cây, ngọn cỏ của quê hương.

-----------

Tài liệu tham khảo:

[1]. Cao Thị Hảo (chủ biên) - Đào Thuỷ Nguyên (tham gia) (2020), Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[2]. Trần Thị Việt Trung (chủ biên), Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2010.

[3]. Cao Thị Hảo (2018), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - từ một góc nhìn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[4]. Dương Khâu Luông (2013), Khỉ con đi hái quả, Nxb Hội Nhà văn.

[5]. Lò Ngân Sủn, Vương Anh, Triều Ân, tuyển và bình (2001), Thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa dân tộc.

Ảnh minh họa (nguồn: taybacsensetravel.com/)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy