Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:14 (GMT +7)

“Văn học với cuộc sống” – khơi dậy đam mê và sáng tạo trong sinh viên

VNTN- Khoa Ngôn ngữ & Văn hoá, Trường Đại học Khoa học vừa tổ chức thành công cuộc thi “Văn học với cuộc sống”. Đây là một sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cơ hội cho các bạn sinh viên mà còn chuyển tải thông điệp ý nghĩa về việc phát huy văn hoá đọc, về mối quan hệ bền chặt giữa văn học và đời sống thực tiễn.  

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đội thi
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đội thi

Chương trình có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học; PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái - Nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường; nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên, cùng các thầy cô lãnh đạo đại diện các khoa, trung tâm, phòng ban và các thầy cô giáo Khoa Ngôn ngữ & Văn hoá, và sự góp mặt của đông đảo sinh viên ngành Văn học và ngành Ngôn ngữ Anh.

Khai mạc cuộc thi, TS. Phan Thị Hoà – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa (NN&VH) nhấn mạnh: “Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, nơi sinh viên được thể hiện năng lực, hiểu biết. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp sinh viên gắn kết, giao lưu, học hỏi. Từ đó, thêm yêu ngành Văn học mình lựa chọn, yêu khoa NN&VH, yêu mái trường Trường Đại học Khoa học”.

Sau diễn văn Khai mạc, đại diện Ban Giám khảo đã nhận xét và công bố giải thưởng của cuộc thi Review phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học đã phát động từ tháng 9/2024.

Trao giải cuộc thi Review phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học
Trao giải cuộc thi Review phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học

Sau phần trao giải Review phim, 4 đội thi chính thức bước vào 4 vòng thi gay cấn. Trong phần thi thứ nhất - phần thi chào hỏi, các đội thi đã cùng nhau giới thiệu về ngành học, tên đội, slogan,.. gắn với chủ đề cuộc thi một cách dí dỏm, sáng tạo.

Tiếp nối phần thi chào hỏi là phần thi Khởi động - Hỏi nhanh đáp gọn. Nội dung của phần thi bao gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, có độ khó tăng dần, bao gồm các lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ, Lý luận Văn học, Phương pháp dạy học và Nội dung chương trình GDPT mới. Dường như cả hội trường đã nóng lên. Áp lực về thời gian và sự cổ vũ của khán giả khiến cho các đội đôi khi mất bình tĩnh. Tuy nhiên, đó chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho phần thi này.

Phần thi khởi động – hỏi nhanh đáp gọn
Phần thi khởi động – hỏi nhanh đáp gọn

Tiếp đó là phần thi Sáng tạo, tại đây các đội được tự do thể hiện tài năng qua nhiều nội dung như: thiết kế trang phục; vẽ tranh, sáng tạo video, v.v… Mở màn, Đội Khúc văn đã biến hội trường thành sàn trình diễn trang phục sáng tạo từ đồ tái chế. Đội đã tạo ra những tiếng cười giòn tan trước màn sân khấu hoá tác phẩm Số đỏ. Đây là phần thi vừa mang đậm tính nghệ thuật, vừa mang thông điệp gửi gắm về việc bảo vệ môi trường.

Tiếp nối không khí sôi nổi ấy, Đội Văn minh – Kết đoàn đã lựa chọn vào vai những người thầy giáo, cô giáo đang lo lắng, phiền muộn vì thiếu các ý tưởng mới lạ, độc đáo để lồng ghép vào chủ đề dạy học. Với chủ đề “Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên”, một cô giáo trẻ đã đưa ra ý tưởng sử dụng tiểu thuyết Ngày tháng năm của Diêm Liên Khoa làm ngữ liệu tham khảo. Phần sáng tạo video review sách nổi bật hơn cả nhờ giọng đọc truyền cảm, sâu lắng, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường sâu sắc.

Đội Bước chân thanh xuân lại lựa chọn chuyển thể tác phẩm văn học thành tranh vẽ. Ý nghĩa mà đội muốn mang tới cho cuộc thi chính là đề cao “nữ quyền” ở mọi thời đại. Nếu như ở xã hội cũ, chúng ta có một chị Dậu vì cái đói, cái nghèo mà phải bán con, bán chó, thì trong Vợ chồng A Phủ, người phụ nữ đã có nhận thức về hạnh phúc cá nhân, dám bước qua rào cản định kiến để ước mơ về một tương lai mới. Hai tác phẩm, hai bức tranh đặt cạnh nhau như để truyền tải thông điệp về sức mạnh tiềm tàng của người phụ nữ.

Đội Kết nối Tri thức trong phần thi Sáng tạo kết hợp nghệ thuật hội họa trên chất liệu ô vải và và nghệ thuật trình diễn sân khấu, kể lại bằng nghệ thuật câu chuyện Tấm Cám, Truyện Kiều, Tây Tiến, Chí Phèo, và Mắt biếc một cách đầy xúc cảm và sâu lắng. Đây cũng chính là đội thi được Ban Giám khảo và khán giả đánh giá có phần thi Sáng tạo xúc động và nổi bật nhất.

Phần thi Sáng tạo, chuyển thể tác phẩm văn học thành tranh vẽ…
Phần thi Sáng tạo, chuyển thể tác phẩm văn học thành tranh vẽ…

Phần thi cuối cùng là Tranh biện. Đội Khúc văn gặp đội Văn minh – Kết đoàn và đội Bước chân Thanh xuân gặp đội Kết nối Tri thức. Trong phần thi tranh biện với chủ đề "Flex bản thân” và “AI có thể thay thế con người hay không”, các đội thi đã thể hiện kĩ năng tranh biện và trình bày những góc nhìn khác nhau về giá trị và ảnh hưởng của việc thể hiện bản thân cũng như cách thức sử dụng AI trong xã hội hiện đại.

Đại diện Ban Giám khảo, PGS. Phạm Thị Phương Thái đã bày tỏ sự hài lòng và ấn tượng với chất lượng sản phẩm qua các phần thi mà các đội mang lại. Các phần thi đã gửi gắm suy nghĩ của sinh viên về văn học, triết lí nhân sinh, đến những vấn đề xã hội cấp bách như môi trường, trí tuệ nhân tạo, đổi mới giáo dục. PGS.TS. Phạm Phương Thái gửi lời mong muốn các bạn sinh viên tiếp tục theo đuổi niềm đam mê Văn học và không ngừng sáng tạo, đổi mới, cũng như sự mong chờ những cuộc thi tương tự trong những năm tiếp theo, nhằm góp phần bồi dưỡng năng lực và phẩm chất cũng như tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa sinh viên.  

Giây phút MC công bố kết quả, những giọt nước mắt đã rơi. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, mãn nguyện và còn cả những giọt nước mắt tiếc nuối. Giải Nhất thuộc về đội Văn minh – Kết đoàn, giải Nhì thuộc về đội Kết nối Tri thức, đồng giải Ba là đội Bước chân Thanh xuân và Khúc văn. Ngoài ra, còn có hai giải phụ: Giải “Tranh biện tốt nhất” thuộc về đội Bước chân Thanh xuân, giải “Sáng tạo nhất” thuộc về đội Kết nối Tri thức.

Sáng tạo với vẽ tranh trên ô
Sáng tạo với vẽ tranh trên ô

Hoà chung niềm vui ấy, bạn Phan Thanh Huyền – tân sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học chia sẻ: “Em cảm thấy rất may mắn khi được tham dự cuộc thi ngày hôm nay. Cuộc thi giúp em và các bạn được khám phá những câu chuyện, những thông điệp sâu sắc giữa nghệ thuật và đời sống thực tế. Bản thân em nhận ra rằng văn học và cuộc sống là mối quan hệ không thể tách rời, nhất là khi em đã lựa chọn ngành định hướng giáo viên môn Văn, trở thành người truyền lửa trong tương lai”.

Cuộc thi “Văn học với cuộc sống” là một sân chơi bổ ích, truyền cảm hứng cho sinh viên ngành Văn học nói riêng và sinh viên trong nhà trường nói chung.  Đây không chỉ là cơ hội rèn giũa, nâng cao năng lực sinh viên chuyên ngành Văn học mà còn góp phần vào việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Trần Thư Kỳ

Lớp Văn học K 21, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy