Văn học Thái Nguyên nhìn từ hoạt động các câu lạc bộ
I. Những hoạt động của các Câu lạc bộ
Những năm đầu thế kỷ XXI trào lưu các câu lạc bộ thơ trong cả nước phát triển một cách mạnh mẽ, đa dạng, đa hình thức. Đó là nhu cầu tất yếu đáp ứng nguyện vọng sáng tác, phổ biến tác phẩm của nhiều thế hệ người dân, những người trung tuổi, cao tuổi, người về hưu. 20 năm qua nhìn lại, tỉnh Thái Nguyên cũng không thể tách rời khỏi dòng chảy ấy. Các câu lạc bộ (CLB) từ tỉnh, huyện, phường, xã lần lượt thành lập một cách sổi nổi và đầy hào hứng. Như CLB thơ Sông Cầu, CLB thơ Mùa Thu, CLB thơ Đường luật Thái Nguyên, CLB thơ Lục bát tỉnh Thái Nguyên, CLB thơ Tháng năm, CLB thơ phường Quang Trung, CLB Thơ Hoa Sen Thịnh Đức vv… CLB là điểm hẹn sinh hoạt văn hóa tinh thần lý thú của người dân. Các hội viên tham gia CLB luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thơ và chia sẻ tâm giao với nhau những vui, buồn, chiêm nghiệm trong cuộc sống thông qua những tác phẩm thơ. Những thành viên trong các CLB từng là giáo viên, bộ đội, công nhân viên chức về hưu…tất cả đều có chung niềm đam mê thơ ca và nghệ thuật.
Các câu lạc bộ thơ là tổ chức tự nguyện của những người yêu thơ và làm thơ. Hoạt động theo nguyên tắc tự quản, trang trải kinh phí nhưng vẫn nằm trong sự quản lý của các cấp lãnh đạo. Những năm qua các CLB tỉnh thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ Trung tâm không còn có trách nhiệm quản lý các CLB. Đứng trước tình hình đó nữ thi sĩ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thúy Quỳnh đã tiếp nhận 4 CLB thơ về Văn phòng Hội quản lý. Đó là CLB thơ Sông Cầu, CLB thơ Mùa Thu, CLB thơ Tháng Năm và CLB thơ Lục bát tỉnh Thái Nguyên. Được mọi người đánh giá đây là bước tiến mới của Hội Văn học Thái Nguyên nhằm đáp ứng chủ trương; vừa phát triển văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa đi sâu vào đời sống văn hóa nghệ thuật cơ sở.
Trao Quyết định tiếp nhận các Câu lạc bộ văn học nghệ thuật về sinh hoạt tại Hội.
Qua 20 năm hoạt động và phát triển, tôi nhận thấy, có CLB thơ phát triển tự do theo hình thức online, chỉ gặp nhau và giao lưu thơ trên mạng, hàng năm tổ chức gặp nhau một lần, địa điểm tùy phát, con số tham gia có lúc đông đến không ngờ. Nhưng xét về độ bền vững thì các CLB hoạt động trên cơ sở quản lý của tỉnh, huyện và phường xã luôn bền vững, sôi nổi và có hiệu quả hơn. Cụ thể:
1. CLB thơ Sông Cầu thành lập tháng 10/1986 do nhà thơ Hữu Tiệp làm chủ nhiệm đến nay đã 36 năm. Dù nhà thơ Hữu Tiệp đi xa nhưng CLB vẫn được duy trì hoạt động bền bỉ và hiệu quả. Đến nay có 28 hội viên do anh Trương Dũng làm Chủ nhiệm. Ngoài sinh hoạt thường kỳ hàng tháng như đọc thơ, bình thơ và công bố tác phẩm, CLB thơ còn chú trọng đến hoạt động tham quan ở các cơ quan, công sở trong tỉnh tạo cảm hứng cho hội viên sáng tác. Vừa qua CLB đã đi thực tế Mỏ than Khánh Hòa. Hiện nay đang xây dựng kế hoạch đi Trại giam Phú Sơn.
2. CLB thơ Mùa Thu thành lập năm 2001 có 41 hội viên. Đã qua ba lần chủ nhiệm, nhưng người gắn bó gần hết chặng đường 20 năm với CLB vẫn là nhà thơ Nguyễn Hữu Bài. Năm mới thành lập tôi và những hội viên viết văn làm thơ của Hội văn học nghệ thuật tỉnh gần như đều có mặt ở CLB. Ở đây chúng tôi được sinh hoạt nhiều hơn, có nhiều thời gian đọc thơ cho nhau nghe nhiều hơn và cũng được tổ chức đi giao lưu ở các cơ sở nhiều hơn. Sau này do thời gian và đặc thù của người viết nên dần dần mọi người lặng lẽ tự rút không sinh hoạt nữa. Đến nay CLB vẫn duy trì sinh hoạt thường kỳ hàng tháng; đọc thơ, trình diễn thơ ca, bình thơ và góp ý xây dựng cho nhau đều đặn. CLB in được 13 tập thơ, mỗi tập in xong đều tổ chức giới thiệu ra mắt tập thơ. CLB chú trọng đến vấn đề đi thực tế sáng tác và giao lưu thơ ca với các CLB trong tỉnh, các Hội Văn học nghệ thuật các huyện như Định Hóa, Phổ Yên, Võ Nhai, Phú Lương…; các câu lạc bộ ngoài tỉnh như CLB Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Hải Dương. Ngoài ra còn tổ chức sinh hoạt giao lưu chung với ba CLB: Mùa Thu, Sông Cầu, Tháng Năm.
3. CLB thơ Tháng Năm thành lập năm 2002 hiện nay có 30 hội viên do nhà thơ Trần Đình Vinh làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ thơ Tháng Năm xuất bản được 12 tập thơ, trong đó có một tập thơ tuyển. Liên kết xuất bản 4 tập với Câu lạc bộ thơ lục bát Hà Nội. Có 9 hội viên xuất bản được 15 tập thơ riêng và 1 tập truyện ngắn của mình (Trần Đình Vinh, Trần Quang Tiến, Lê Thị Nhìn, Lê Thìn, Mai Ngọc Thư, Dương Văn Ký, Trần Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thúy Hòa, Phạm Kim Thoa). Kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật thành phố Thái Nguyên giới thiệu 3 tập thơ của hội viên Câu lạc bộ(Mai Ngọc Thư, Dương Văn Ký, Trần Thị Ngọc Oanh).
Câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ 2 tháng 1 lần, nội dung là giao lưu thơ ca, văn nghệ, phổ biến các tác phẩm mới sáng tác, trao đổi góp ý về chuyên môn (sáng tác văn học), góp ý và sữa chữa các tác phẩm mới của hội viên. Tham gia gửi bài cho các báo trong và ngoài tỉnh, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Thăm hỏi và động viên hội viên CLB khi ốm đau, hoạn nạn.
4. CLB thơ Lục bát tỉnh Thái Nguyên do nhà thơ Nguyễn Việt Bắc làm chủ nhiệm. Thành lập năm 2017 hiện nay có 250 hội viên sinh hoạt ở 7 Câu lạc bộ trực thuộc: Lục bát, Sông Quê, Hương chè xanh, Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá. CLB thơ Lục bát tỉnh Thái Nguyên xuất bản được 2 tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành, được chọn lọc kỹ lưỡng, gồm các nhà thơ lục bát tiêu biểu của Việt Nam, các nhà thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và hội viên của CLB. Các CLB trực thuộc in được 6 tập thơ chung. Cá nhân xuất bản được 20 tập thơ qua NXB Hội Nhà văn.
Từ lục bát phong trào, nhiều cây bút trưởng thành, được trao giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác thơ và trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh và hội viên Hội VHNT các huyện thành thị. CLB luôn duy trì sinh hoạt định kỳ, tổ chức gặp mặt đầu năm, giao lưu thơ ca, phát động sáng tác và tổ chức cuộc thi thơ trong CLB nhằm thúc đẩy phong trào và khích lệ sự sáng tác thơ của các hội viên trong CLB. Bước đầu đã tổ chức thành công tốt đẹp. Trong những năm qua, phong trào sáng tác thơ văn được đăng tải trên các trang thơ CLB Lục bát tỉnh Thái Nguyên và 4 trang thơ CLB Lục bát, Sông Quê, Gang Thép, Hương chè xanh, có nhiều bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Tạp chí Trà Việt, các báochí địa phương khác. Nhiều hội viên đạt giải trong cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” và các cuộc thi thơ do Hội VHNT tỉnh tổ chức; cuộc thi “Rực rỡ sắc màu Thái Nguyên” do Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên tổ chức.
II. Sự gắn kết và đóng góp của các CLB vào nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà
1. Nhiều năm qua Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã gắn kết với các CLB trong tỉnh nhà tổ chức Ngày thơ Nguyên tiêu chất lượng và phong phú. Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên thường tổ chức giao lưu thơ nhạc tại sân lớn Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, gồm các vườn thơ: Muôn nhà, Thơ và tuổi trẻ và Thi - Họa. Phần lễ chính hoành tráng, công phu với các tiết mục đặc sắc. Ngoài ra còn các hoạt động phụ trợ như: Cuộc thi thơ giữa các câu lạc bộ trên địa bàn; triển lãm ảnh của Chi hội Nhiếp ảnh; cuộc thi vẽ tranh theo thơ, trưng bày sách v.v.
Vườn thơ Muôn nhà - sân thơ của các CLB thơ, các trang thơ mạng diễn ra sôi nổi với các tiết mục ca múa, ngâm thơ, trình diễn nhạc cụ dân tộc thực sự là một sân chơi bổ ích và thú vị với người yêu thơ. Đây cũng là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, góp phần giúp Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên thực sự phục vụ nhu cầu thưởng thức thi ca nghệ thuật của nhân dân, trở thành lễ hội của nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên quê hương Thái Nguyên.
2. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên - tạp chí của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên không còn là sân chơi riêng của các hội viên Hội VHNT tỉnh mà còn là sân chơi của các CLB và những người làm thơ trong và ngoài tỉnh. Tạp chí dành riêng mục Văn nghệ địa phương để đăng tải những sáng tác của hội viên các CLB và người làm thơ trong tỉnh nhà.
3. Chi hội Thơ Hội VHNT tỉnh kết hợp với một số CLB thơ tổ chức hội thảo, tọa đàm và giới thiệu các tập thơ của các tập thể, nhà thơ trong tỉnh. Cụ thể năm 2018 kết hợp với CLB thơ Mùa Thu tổ chức Hội thảo: Nguyễn Hữu Bài - Tình thơ - Tình đời. Năm 2019 kết hợp với CLB thơ Lục bát Thái Nguyên tổ chức Hội thảo: Thơ Lục bát Thái Nguyên. Năm 2020 tổ chức giới thiệu tập Thơ lục bát Thái Nguyên và tiếp sau đó tổ chức Tọa đàm Thơ lục bát của nhà thơ Ngọc Tuấn và nhà thơ Việt Bắc.
4. Các CLB cũng góp phần vào việc phát hiện, giới thiệu hội viên mới cho đội ngũ của Hội VHNT tỉnh ngày một lớn mạnh.
20 năm qua, các CLB không ngừng phát triển và trưởng thành. Trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật đã thu hút được ngày càng đông đảo hội viên tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bản thân và cộng đồng. Các CLB thơ đã thực sự trở thành điểm hẹn văn hóa cho những người yêu thơ và sáng tác thơ; góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị của đời sống thi ca và đời sống tinh thần của người Việt trong nhiều thế kỷ qua; là nơi gắn kết và đóng góp vào nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà ngày một lớn mạnh và bền vững.
III. Một số đề xuất
1. Các CLB mong muốn Hội VHNT tỉnh và Chi hội Thơ tiếp tục hỗ trợ về mặt chuyên môn.
2. Các CLB mong muốn được tham gia các các hoạt động chuyên môn như toạ đàm, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sáng tác (trên tinh thần được đóng góp kinh phí để tham gia).
3. Nay các CLB đã được trực thuộc Văn phòng Hội nên sinh hoạt hàng tháng của các CLB xin Hội cho 1 ngày cố định cuối tháng cho từng CLB để sớm đi vào nề nếp và tránh trùng lặp vì có nhiều hội viên tham gia nhiều CLB.
Thái Nguyên, ngày 8/7/2022
Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thắng
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...