Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:30 (GMT +7)

Văn học dân tộc thiểu số trong chương trình sách giáo khoa lớp 6 hiện nay

 1.Nền văn học Việt Nam là nền văn học đa dân tộc, ngoài dân tộc Kinh, chúng ta còn có 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa và bản sắc riêng. Sự phong phú và đa dạng của văn hóa các dân tộc thiểu số được thể hiện sinh động một phần qua các sáng tác văn học.

Chính vì vậy, ngoài văn học người Kinh, văn học các dân tộc thiểu số cũng góp một phần quan trọng tạo nên bản hợp ca nhiều thanh âm của văn học Việt Nam. Đặc biệt, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam là “một mảng khá quan trọng góp phần làm nên thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Mảng văn học này đã khẳng định được những giá trị nhiều mặt và có ý nghĩa thiết thực trong việc phục vụ mục đích giáo dục toàn diện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số(1).

Văn học dân tộc thiểu số viết cho trẻ em đã phản ánh đời sống tâm hồn của trẻ em miền núi với những ước mơ, khát vọng hoài bão đẹp đẽ.

Đó là thế giới thiên nhiên sinh động trong mắt trẻ thơ, là những tấm gương thiếu nhi vượt khó vươn lên trong thiếu thốn hay dũng cảm dám chống lại kẻ thù, chống lại cái ác, cái xấu để bảo vệ lẽ phải.

Đó còn là hiện thực về cuộc sống đầy vất vả gian truân của trẻ em miền núi trong cuộc mưu sinh, trong hành trình chinh phục những đỉnh cao của tri thức và ước mơ.

Và tất yếu ở đó cũng có cả thế giới loài vật ngộ nghĩnh, đáng yêu gần gũi và gắn bó với tuổi thơ các em nhỏ...

Với những thành tựu và đóng góp của mình, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số xứng đáng có một vị trí trong dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam.

Trước đây mảng văn học này dường như bị lãng quên hoặc chỉ được tiếp nhận trong phạm vi hẹp có tính địa phương, vùng, miền. Hiện nay mảng văn học này có vị trí như thế nào trong đời sống văn học thiếu nhi Việt Nam và trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại? Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi xin được nhìn từ một phương diện đó là sách giáo khoa phổ thông, cụ thể trong chương trình Ngữ văn lớp 6 (soạn theo chương trình mới, được đưa vào giảng dạy từ năm 2021).

Cả 3 bộ sách đều có sự xuất hiện của tác phẩm hoặc tác giả dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa, nguồn ảnh: internet)

Hiện nay, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số cũng bước đầu được quan tâm và lựa chọn giới thiệu trong chương trình phổ thông. Trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (2018) (2) , Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ đối với yêu cầu lựa chọn văn bản (ngữ liệu), là: “Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại cơ bản (truyện, thơ, kí, kịch), giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, giữa Đông và Tây” (tr.91).

Có thể thấy, trong quy định này, văn học dân tộc thiểu số cũng là một nguồn ngữ liệu cần được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn khi biên soạn theo chương trình phổ thông năm 2018. Đây có thể coi là một tiền đề quan trọng tạo nên chỗ đứng cho văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số trong đời sống xã hội.

Việc đưa văn học dân tộc thiểu số vào sách giáo khoa phổ thông sẽ mở rộng phạm vi và đối tượng tiếp nhận đối với mảng sáng tác này. Bởi sách giáo khoa là một kênh tiếp nhận phổ thông và có tính bắt buộc, hệ thống nên văn học dân tộc thiểu số sẽ được biết đến rộng rãi hơn trong đời sống xã hội. Đặc biệt, văn hóa và tinh hoa văn học của các dân tộc thiểu số sẽ được đông đảo bạn đọc tiếp nhận và biết đến trong đời sống xã hội Việt Nam.

2.Thực tế, trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 soạn theo chương trình mới (xuất bản năm 2021), cả 3 bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo đều sử dụng một số ngữ liệu văn học dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy sự đúng đắn khi bám sát chương trình của các bộ sách giáo khoa mới, đồng thời cũng cho thấy vai trò và vị trí cần thiết của văn học dân tộc thiểu số trong đời sống tiếp nhận văn học ở các cấp học phổ thông hiện nay.

Ở bộ sách Cánh Diều, các tác giả đã lựa chọn truyện ngắn Chích bông ơi! của Cao Duy Sơn để đưa vào Bài 9 (tập hai, phần Thực hành đọc hiểu) (3).

Truyện đã giáo dục tình yêu thương loài vật ở trẻ em qua câu chuyện của hai cha con Ò Khìn và Dế Vần. Một câu chuyện cảm động về việc cậu bé Ò Khìn nhờ pa bắt cho con chim chích bông non đang bị mắc ở cành gai để chơi. Điều này làm người cha nhớ lại kỉ niệm của mình. Khi đó Dế Vần mới 8 tuổi, cùng cha lên rẫy cũng bắt được con chim chích bông con và muốn giữ để nuôi. Cậu bé rất yêu quý và nâng niu chăm sóc chim nhưng vì phải xa mẹ nên chích bông con đã chết. Chiều về nghe tiếng gọi thảm thiết của chim mẹ, Dế Vần ân hận biết bao. Ông đã kể cho con mình câu chuyện đó và chú bé Ò Khìn dù rất yêu chim chích bông nhưng đã rút ra bài học cho mình. Cậu bé quyết định thả chích bông non về với tự nhiên với lời thì thầm: “Bay đi, bay về với mé mày đi, mé mày đang đợi đấy! Chích bông ơi!”. Tình yêu thương gắn bó, tình cha con, bối cảnh không gian miền núi và tâm hồn trẻ thơ đã khiến truyện ngắn để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Một câu chuyện chân thực và cảm động, gửi gắm bài học về sự thân thiện với thiên nhiên và cách thể hiện tình yêu thương loài vật của các bạn nhỏ miền núi.

Ở bộ sách Chân trời sáng tạo, Bài 7, với chủ đề Gia đình yêu thương (4), các tác giả sách giáo khoa đã lựa chọn bài thơ Con là… của Y Phương để đưa vào phần Đọc mở rộng theo thể loại.

Với thể thơ tự do, bài thơ đã thể hiện rõ tình cảm yêu thương trân trọng gia đình của người cha khi thể hiện tình yêu thương đối với con. Trong vũ trụ của tình thương, con là hạt nhân trung tâm, là nỗi buồn, niềm vui, là cuộc sống, là hạnh phúc của mẹ, cha. Bài thơ đã sử dụng những hình ảnh so sánh gần gũi, mộc mạc để thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con:

Con là nỗi buồn của cha

Dù to bằng trời

Cũng sẽ được lấp đầy

 

Con là niềm vui của cha

Dù nhỏ bằng hạt vừng

Ăn mãi không bao giờ hết

 

Con là sợi dây hạnh phúc

Mảnh hơn sợi tóc

Buộc cuộc đời cha vào với mẹ.

Tình yêu thương và sự trân trọng gia đình là cội nguồn để tạo nên sự kết nối trong cuộc sống này. Đó là thông điệp giản dị nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ Tày Y Phương đã gửi gắm cho bạn đọc nhỏ tuổi.

Trong sách Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại giới thiệu về nhà thơ Lò Ngân Sủn (trong Bài 10, tập hai, mục Gặp gỡ tác giả) (5).

Chân dung cùng nét đặc trưng riêng của Lò Ngân Sủn - người con của núi đã được giới thiệu cụ thể và sinh động. Qua bài viết, tác giả Minh Khoa đã lí giải tại sao Lò Ngân Sủn lại được gọi là “người con của núi”. Những yếu tố về quê hương, bản quán, đặc biệt là tình yêu tha thiết với núi rừng đã làm nên một Lò Ngân Sủn rất riêng: “Không có tình yêu tha thiết với núi rừng, với quê hương, với “chồi non cỏ biếc”, với “đầu sông đầu suối”, với những “bậc thang mây”,… chắc hẳn không thể có nhà thơ Lò Ngân Sủn với những câu thơ “vạm vỡ” mà âm vang như “con suối thác đổ”, khiến trái tim bao độc giả phải bồi hồi”. Từ bài viết này, tác giả đã gợi dẫn cho các em hình dung về mạch nguồn tạo nên phong cách thơ Lò Ngân Sủn - một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc Giáy ở Bát Xát, Lào Cai.

Lò Ngân Sủn cũng là một tác giả dân tộc thiểu số có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Chúng ta có thể kể đến các tập thơ Lò Ngân Sủn viết cho thiếu nhi như: Suối Pí Lè, Cái bật lửa trời...

Trong thơ Lò Ngân Sủn, thiên nhiên vùng Tây Bắc hiện lên thật độc đáo. Ở tập thơ Suối Pí Lè, tác giả đã giới thiệu những nét đẹp của thiên nhiên miền núi qua các hình ảnh sinh động trong: Mừng xuân, mừng tết, Rừng ơi, Núi đồi, Chợ phiên, Đánh quay, Cái Nỏ, Những con bọ hung,

Qua việc giới thiệu về một nét đặc sắc trong phong cách thơ Lò Ngân Sủn, bạn đọc đã hiểu thêm về một nhà thơ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc có nhiều đóng góp cho văn học dân tộc.

Như vậy, ở cả 3 bộ sách đều có sự xuất hiện của tác phẩm hoặc tác giả dân tộc thiểu số. Nếu như ở bộ sách Cánh DiềuChân trời sáng tạo, tác phẩm được chọn hướng đến tình yêu thương gia đình, trân trọng và yêu thương loài vật, thiên nhiên thì ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, chúng ta lại được tiếp cận với một tác giả viết nhiều cho thiếu nhi và thơ ông thẫm đẫm tình yêu thiên nhiên, quê hương miền núi.

Việc góp mặt của những tác phẩm, tác giả văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số trong chương trình sách giáo khoa phổ thông đã cho thấy sự định hướng đúng đắn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đến khu vực văn học này. Đây là một tín hiệu đáng mừng so với giai đoạn trước. Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số đã được mở rộng phạm vi đọc và tiếp cận. Từ đó cho thấy vị trí và vai trò của mảng văn học này trong đời sống văn học nước nhà đã được chú ý, quan tâm.

Tuy nhiên, hiện thực tiếp nhận đối với văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số như trên vẫn còn khá khiêm tốn. Trên thực tế, hiện tượng trên chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số nước ta. Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam rất phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng. Ở từng khu vực nó gắn liền với những tên tuổi như:

Ở khu vực phía Bắc: Vi Hồng (Đường về với mẹ Chữ, Thách đố), Dương Thuấn (Chia trứng công), Dương Khâu Luông (Gọi bò về chuồng, Bắt cá sông quê), Đoàn Lư (Bên dòng Quây Sơn, Lê na - Kitty cô bé siêu nhân), Hà Lâm Kỳ (Kỷ vật cuối cùng, Chim ri núi), Đoàn Ngọc Minh (Núi Bó Phạ trở về), Hữu Tiến (Một cuộc đi săn)… dân tộc Tày; Mã A Lềnh (Thằng bé củ mài, Tấm lòng bè bạn) dân tộc Mông; Lò Ngân Sủn (Suối Pí lè, Cái bật lửa trời) dân tộc Giáy; Hà Thị Cẩm Anh (Thần rừng); Kha Thị Thường dân tộc Mường,...

Ở khu vực miền Trung: La Quán Miên (Bản nhỏ tuổi thơ) dân tộc Thái; Inrasara, Trà Vigia (Thả diều xứ nắng) dân tộc Chăm;

Ở khu vực miền Nam - Tây Nguyên: Kim Nhất (Kí ức rừng xanh) dân tộc Ba na; Hlinh Niê, Niê Thanh Mai dân tộc Ê đê,...

Điều này cho thấy văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số không phải là một “vùng trắng”, tuy nhiên, chưa được giới thiệu rộng rãi trong đời sống. Do đó, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến khu vực này để bạn đọc nhỏ tuổi biết đến những sáng tác tiêu biểu của văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số.

3.Nhìn chung, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số đã phản ánh được đời sống tâm hồn trẻ thơ miền núi khá đa dạng và phong phú. Nó có ý nghĩa giáo dục quan trọng và mang một bản sắc riêng độc đáo, hấp dẫn. Tuy ở một số tác phẩm, chất lượng nghệ thuật vẫn là vấn đề còn phải bàn luận, nhưng giá trị và đóng góp của văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số trong đời sống văn học nước nhà là một điều cần được khẳng định.

Cùng với sự nghiên cứu, giới thiệu của các nhà nghiên cứu và những chủ trương, chính sách của Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số dần dà đã có sự góp mặt trong đời sống xã hội, trong chương trình giáo dục phổ thông. Đây là sự thay đổi rất đáng trân trọng trong sự tiếp nhận văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số nói riêng trong đời sống hiện nay.

Hi vọng rằng, cùng với sự mở rộng tiếp nhận này, văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số sẽ ngày càng được tiếp cận rộng rãi hơn để trở thành món ăn tinh thần phổ biến trong phạm vi đọc của trẻ em, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số. Rất cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, những tác phẩm văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số chọn lọc ra mắt để giới thiệu, định hướng cho bạn đọc nhỏ tuổi về một vùng văn học giàu bản sắc văn hoá. Từ đó, khẳng định những đóng góp của các tác giả văn học dân tộc thiểu số viết cho thiếu nhi vào dòng chảy chung của văn học hiện đại nước nhà; góp phần định vị văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số trên bản đồ văn học thiếu nhi Việt Nam.

-------------

(1) Cao Thị Hảo (chủ biên) - Đào Thuỷ Nguyên (tham gia), Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.

(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (2018), Hà Nội, 2018.

(3) Nguyễn Minh Thuyết (Tcb) - Đỗ Ngọc Thống (Cb) và các cộng sự, Ngữ văn 6, tập hai, Nxb Giáo dục, 2021.

(4) Nguyễn Thị Hồng Nam (Cb) và các cộng sự, Ngữ văn 6, tập hai, Nxb Giáo dục, 2021.

(5) Bùi Mạnh Hùng (Tcb) - Nguyễn Thị Ngân Hoa (Cb) và các cộng sự, Ngữ văn 6, tập hai, Nxb Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2021.

Cao Thị Hảo

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy