Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:47 (GMT +7)

Văn hóa và công nghiệp văn hóa trong hội nhập toàn cầu

Với những thành tựu từ đường lối đối ngoại đúng đắn, biểu hiện tập trung nhất là những sự kiện ngoại giao đỉnh cao cuối năm 2023, Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động, ổn định, được chào đón của toàn cầu. Trên nền tảng tôn trọng các thể chế chính trị khác nhau, tuân theo quy luật kinh tế thị trường vì lợi ích quốc gia, thì phát huy văn hóa dân tộc sẽ tạo nên bản sắc phát triển riêng biệt. Trong bối cảnh đất nước đang đề cao công cuộc chấn hưng văn hóa định hướng cho phát triển đi đến mục tiêu thịnh vượng, rất cần chú trọng đến những tiếp biến văn hóa dưới tác động của kinh tế thị trường để điều chỉnh.

Sức sống cơ bản của văn hóa mới bắt nguồn từ hoạt động sáng tạo trong hiện thực cuộc sống của nhân dân. Trong ảnh: Tiết mục “Mầm xanh” một trong những tác phẩm của nhóm tác giả chuyên ngành múa, giành giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Q.K
Sức sống cơ bản của văn hóa mới bắt nguồn từ hoạt động sáng tạo trong hiện thực cuộc sống của nhân dân. Trong ảnh: Tiết mục “Mầm xanh” một trong những tác phẩm của nhóm tác giả chuyên ngành múa, giành giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Q.K

 

Kinh tế thị trường tác động tích cực tới văn hóa và xây dựng con người

Ở nước ta, với thể chế của nền kinh tế mở trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, có sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau đóng góp vào phát triển chung. Kinh tế tư nhân đã phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều việc làm và tài sản cho xã hội, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, tạo điều kiện cho xã hội ổn định về mặt vật chất.

Kinh tế thị trường thúc đẩy sự đa dạng và năng động hóa nền sản xuất, đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa các thành phần kinh tế. Nền kinh tế nước ta đã hội nhập nhanh chóng vào kinh tế khu vực và thế giới với sự chuyển hướng tích cực. Đời sống người dân nâng cao, dân trí phát triển, hình thành nếp sống của xã hội công nghiệp, hướng đến văn minh, hiện đại. Kinh tế phát triển tác động mạnh đến việc hình thành thói quen tư duy về tính hiệu quả, thiết thực của công việc. Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, tạo những liên kết và ảnh hưởng mới trong mọi mặt đời sống, tạo ra những giao thoa về văn hóa, lối sống của cộng đồng.

Sự liên kết, tiếp thu công nghệ và những đổi mới, tiến bộ trong sản xuất toàn cầu đã nâng cao năng suất, giảm thời gian lao động, tăng nghỉ ngơi, giải trí. Những tiến bộ khoa học và công nghệ thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, tạo nên sự thu hút và hấp dẫn các tầng lớp công chúng khác nhau. Các dịch vụ viễn thông, các phương tiện truyền thông hiện đại, các trung tâm và loại hình vui chơi giải trí xuất hiện ngày càng nhiều. Nhân dân không chỉ là người tiếp nhận thụ động mà trở thành người chủ động trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần. Có điều kiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần ngày càng cao, con người đã từng bước xây dựng lối sống mới phù hợp hơn với xã hội hiện đại. Trong văn hóa đã có sự chấp nhận, khơi nguồn cho phát triển đa dạng, đáp ứng nhiều loại nhu cầu chính đáng, hợp lý của xã hội.

Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa. Quá trình sáng tạo, phổ biến các giá trị văn hóa càng thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Việc đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực giá trị trong hoạt động và nhân cách, buộc con người phải rèn luyện, nâng cao tư duy lý tính, lành mạnh, mục đích, động cơ phải trên cơ sở hiện thực và đi đôi với những biện pháp và phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa trong thực tế.

Kinh tế thị trường nghiêm khắc đào thải sự trì trệ, lạc hậu của con người. Về phương diện đạo đức, lối sống, ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường là từng bước thúc đẩy hình thành tính cách tự chủ, tự lập trong từng con người, rèn luyện cho con người về ý thức lao động, về bản lĩnh, tính năng động, thích nghi và khả năng sáng tạo. Những phẩm chất thuộc về đạo đức như ý chí, lòng dũng cảm, nghĩa vụ, tính nguyên tắc và lòng tự trọng luôn được đề cao ở mỗi con người cũng như cả cộng đồng.

Những tác động nghịch chiều

Kinh tế thị trường có khuynh hướng mở rộng các nguyên tắc trao đổi thị trường ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, xuất hiện khuynh hướng sống chạy theo đồng tiền làm nảy sinh nguy cơ thương mại hóa và đề cao lợi nhuận. Chạy theo đồng tiền dễ dẫn đến kiểu tồn tại bất chấp đạo lý. Các bậc giá trị có thể trở nên bị lệch lạc. Mọi trao đổi được quy thành tiền và lợi ích vật chất, lạnh lùng, tàn nhẫn, dẫn đến làm băng hoại đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục, âm thầm tấn công vào từng gia đình, từng người. Đã có không ít hiện tượng từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị, xã hội, sang tuyệt đối hóa các giá trị vật chất. Từ chỗ lấy con người tập thể, con người xã hội làm mẫu mực, hy sinh vì cộng đồng là đạo đức cao nhất, sang tuyệt đối hóa cá nhân, thậm chí là cá nhân ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Từ chỗ lấy lý tưởng, đạo đức làm mẫu mực chuyển sang coi thường đạo đức, phẩm giá, tuyệt đối hóa giá trị thực dụng, tôn sùng tiện nghi vật chất, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị của con người.

Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn cho hành vi của nhiều người, dẫn đến tệ nạn tham ô, hối lộ, móc ngoặc, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền… Những quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống như tinh thần chia sẻ, thái độ kính già yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, thủy chung, bị biến dạng. Nhiều người trẻ sống buông thả, thiếu hoài bão, lý tưởng, không quan tâm đến chính trị, quay lưng với truyền thống, tham gia vào các tệ nạn xã hội...

Điều đáng lo ngại về suy thoái đạo đức, lối sống đã lan sang cả các lĩnh vực vốn trước đây chưa từng xảy ra, như khoa học, văn học nghệ thuật và xâm nhập vào trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Có thể thấy điều này ở việc gian dối trong làm đề tài khoa học, hội thảo khoa học, dự án, mua bán bằng cấp...

Tệ nạn xã hội phát triển, nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, bệnh tật hiểm nghèo, nạn buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái... có diễn biến rất phức tạp. Ma tuý, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm với nhiều hình thức mới cũng gia tăng. Các loại tội phạm lạ lùng, chưa từng có, xuất hiện ngày càng nhiều…. 

Nhiều giá trị tinh thần bị biến dạng dẫn đến phai nhạt và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc đã chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng nghiệp. Nhiều người đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, không về nước. Lối sống hưởng thụ, thờ ơ với những vấn đề chung của đất nước, né tránh trách nhiệm, không muốn cống hiến cho xã hội có xu hướng tăng lên.

Ý thức cộng đồng gắn kết gia đình, làng xóm là một giá trị nổi bật trong lối sống của dân tộc, cũng bị thay đổi. Tình làng, nghĩa xóm, lòng bao dung mờ nhạt. Nếp sống công nghiệp và hiện đại làm mất đi những sinh hoạt thanh bình của làng quê, tình cảm gắn bó với thiên nhiên, thế giới tinh thần bị nghèo đi. Xu hướng chạy theo hưởng thụ, thỏa mãn nhu cầu cá nhân có chiều hướng phát triển. Nhiều cuộc hôn nhân không dựa trên cơ sở vững chắc là tình yêu mà theo danh vị, tiền bạc, thậm chí cả những thủ đoạn tồi tệ, hậu quả là tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao.

Một điều cần chú ý nữa là khi chuyển sang kinh tế thị trường, tính năng động phát triển, thu nhập tăng lên, nhiều cá nhân và tập thể bị tập nhiễm lối sống xa hoa, đua đòi, tiêu xài lãng phí, tinh thần cần cù lao động, tiết kiệm không được phát huy.

Xây dựng, phát huy văn hóa, công nghiệp văn hóa trong hội nhập kinh tế

Kinh tế thị trường là con đường tất yếu phải kinh qua. Từ những tác động thuận và nghịch chiều, rất cần được nhận thức sâu sắc, rút ra kinh nghiệm, tận dụng tác động tích cực và hạn chế thấp nhất tiêu cực, để phát huy, xây dựng, bồi đắp những giá trị mới tốt đẹp, phù hợp, làm phong phú và bền vững bản sắc văn hóa Việt Nam.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là một thực tế thuyết phục để chúng ta xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến. Văn hóa tiên tiến Việt Nam vừa bắt nguồn từ lịch sử văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc đồng thời gắn chặt với thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Tính chất tiên tiến của văn hóa không chỉ thể hiện ở sự tiếp nối truyền thống văn hóa lâu đời mà quan trọng nhất là thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới. Sức sống cơ bản của văn hóa mới bắt nguồn từ hoạt động sáng tạo trong hiện thực cuộc sống của nhân dân. Xây dựng văn hóa ở nước ta nếu không xuất phát từ thực tiễn này, không gắn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hút lấy dưỡng chất hiện đại và năng động, kể cả những sự bình đẳng, hiệu quả trong cạnh tranh, thì sự phát triển văn hóa tiên tiến dễ trở thành khẩu hiệu và khái niệm xơ cứng.

Bước vào thời đại toàn cầu trong bối cảnh liên thông và kinh tế số, sự phát triển con người là tổng hợp giữa con người kinh tế và con người văn hóa. Do tác động của phát triển khoa học theo hướng nhân văn, trong người lao động tri thức, con người văn hóa sẽ ngày càng trội hơn. Đây cũng chính là cái gốc của phát triển văn hóa.

Cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, cơ sở vật chất của phát triển văn hóa cũng biến đổi sâu sắc. Hàm lượng khoa học kỹ thuật của văn hóa ngày càng cao, phương thức chuyển tải hiện đại liên tục xuất hiện và truyền bá văn hóa ngày càng mở rộng và hiệu quả nhờ vào những thành tựu mới trong phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số hóa. Mặt khác, văn hóa và kinh tế ngày càng hòa nhập vào nhau. Trước đây, người ta cho rằng văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc, xa rời kinh tế và chỉ tác động gián tiếp đến sản xuất. Trong điều kiện phát triển hiện nay, việc sáng tạo, sản xuất văn hóa không chỉ mang ý nghĩa là sản phẩm truyền bá quan niệm, tư tưởng mà còn là một loại vật hóa. Những sản phẩm văn hóa được chế tác chính là kết quả của quá trình nhất thể hóa văn hóa và kinh tế. Văn hóa không đơn thuần là quan niệm, tư tưởng, có tác động gián tiếp tới sản xuất, mà còn là một ngành công nghiệp mới năng động có hiệu suất kinh tế cao là công nghiệp văn hóa.

Trong thời đại kinh tế tri thức, kinh tế số, văn hóa và kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa ngày càng gắn bó chặt chẽ. Sáng tạo ban đầu của văn hóa tuy vẫn mang tính cá thể nhưng đã được hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả của khoa học kỹ thuật trình độ cao, có khả năng lan tỏa hơn. Sự phát triển văn hóa ngày càng chịu sự chi phối của trình độ khoa học kỹ thuật và thực lực phát triển kinh tế. Vì vậy, đưa sáng tạo văn hóa vào quỹ đạo thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, thì phát triển văn hóa tiên tiến mới có cơ sở kinh tế vật chất hùng hậu hỗ trợ.

Sản xuất văn hóa trở thành một ngành công nghiệp vận hành theo quy tắc thị trường, thì thị trường sẽ trở thành cơ chế thực hiện của phát triển văn hóa tiên tiến. Thị trường trở thành biểu đồ xác định nhu cầu văn hóa tinh thần của con người, từ đó dẫn dắt con người sáng tạo văn hóa đáp ứng những nhu cầu đa dạng. Đồng thời do mục đích của văn hóa là hướng tới phục vụ đông đảo nhân dân, nên về cơ bản thị trường văn hóa nước ta hoàn toàn đồng nhất với lợi ích căn bản của nhân dân và thống nhất với phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến. Để chống lại sự xâm thực của những sản phẩm văn hóa thứ cấp một cách hiệu quả, cần phải tăng cường sáng tạo và sản xuất những sản phẩm văn hóa có giá trị cao quý thực sự.

Dẫu phát triển văn hóa tiên tiến không tách rời với phát triển kinh tế thị trường, nhưng không phải cứ phát triển kinh tế thì văn hóa sẽ phát triển. Văn hóa có tính đặc thù, độc lập tương đối với kinh tế và chính trị. Sản phẩm văn hóa một khi trở thành hàng hóa và bước vào thị trường, phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường, nhưng về bản chất, văn hóa là siêu kinh tế. Văn hóa tiên tiến là kết quả hoạt động tinh thần của con người, có nhiều tầng nội hàm hướng tới chân thiện mỹ. Với nội dung tinh thần phong phú, văn hóa tác động vào thế giới tinh thần của con người, từ đó góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan…

Sáng tạo, phát triển văn hóa cũng như phát triển công nghiệp văn hóa, có tính tất yếu và là hiện thực hợp lý. Sự phát triển kinh tế đúng hướng đòi hỏi phải có cơ chế sáng tạo văn hóa và quy mô công nghiệp văn hóa tương ứng. So với các quốc gia đang phát triển, việc đầu tư cho xây dựng văn hóa ở nước ta vẫn còn hạn chế. Cần nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn về vai trò của văn hóa và vị trí, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa với tư cách là trụ cột trong phát triển kinh tế hiện nay. Cần phát triển hài hòa văn hóa và kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu văn hóa làm tụt hậu phát triển kinh tế.

Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và số hóa, của liên thông toàn cầu về hợp tác kinh tế cũng như giao lưu văn hóa, chúng ta phải tạo lập được một phương thức vận hành của thị trường văn hóa thích ứng với quy luật kinh tế thị trường để từng bước hoàn chỉnh thể chế văn hóa, xây dựng một thị trường liên thông, có sức mạnh hòa nhập của một nền văn hóa Việt Nam vừa tiên tiến vừa giàu bản sắc riêng biệt, không thể trộn lẫn.

Nguyễn Thành Phong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục