Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:57 (GMT +7)

Văn hóa của người Mỹ bản địa trong nền văn hóa Mỹ

VNTN - Nước Mỹ và châu Mỹ đến thế kỷ XV mới được thế giới biết đến nhưng thực ra đã tồn tại từ xa xưa. Ngày nay với sự phát triển của các ngành khoa học, các ngành nhân chủng học và dân tộc học đã cho ta biết dân bản địa ở đây vốn có gốc tích từ châu Á(1). Qua thăng trầm của lịch sử, người Mỹ bản địa hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% dân số nước Mỹ. Số còn lại là do dân di cư từ khắp thế giới đổ về trong suốt 400 năm qua với nhiều sắc tộc, văn hoá khác nhau.

Người da đỏ được coi là tộc người bản địa ở Bắc Mỹ. Ảnh: internet

  Châu Mỹ từ ngàn xưa là lục địa tách ra khỏi thế giới, nằm chơi vơi giữa hai đại dương là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nên không ai biết đến. Ở thế kỷ Băng Hà, băng tuyết mênh mông bao phủ trái đất. Biển Bêring hẹp và nông có những giải đất ngầm nối qua giữa Alaska (ngày nay thuộc Mỹ) và lục địa Xibery (của Nga) và trong cuộc vật lộn với thiên nhiên để mưu sinh, những người trung Á đã theo lối đi này vượt sang châu Mỹ và rồi định cư ở đó. Họ là những cư dân đầu tiên của châu Mỹ. Một số trong số này sẽ là người Mỹ bản địa về sau.

Cụ thể người châu Á, những cư dân đầu tiên của nước Mỹ ngày nay đã đến châu Mỹ vào thời gian nào? Có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới ánh sáng các nhà khoa học khảo cổ, người ta thấy cuối Kỷ Pleitoxen tức là 15.000 đến 10.000 năm trước Công nguyên đã có dấu tích của cụ tổ người Mỹ bản địa. Cũng có ý kiến cho rằng, người Châu Á đã sang đây từ 17.000 đến 30.000 năm rồi. Căn cứ trên các di chỉ cổ vật khai quật được ở Bắc Mỹ, các nhà khoa học cho biết, cách nay 25.000 năm chắc chắn có người châu Á sinh sống ở đây. Nhà văn hoá Hữu Ngọc trong cuốn “Hồ sơ văn hoá Mỹ” lại khẳng định rằng “Những di tích còn lại cho phép người ta xác định người Mỹ đầu tiên gốc từ châu Á tới Mỹ cách đây 12.000 năm “đến khi Colombus tìm ra Tân thế giới năm 1492, tổng số dân cư Tây bán cầu đã có 90 triệu, sống chủ yếu ở phía Nam sông Rio Grande, riêng vùng Bắc Mỹ hiện nay chỉ có khoảng 10 triệu người sinh sống” (tr 92). Riêng với “người Mỹ da đỏ gồm 1 triệu rưỡi cháu chắt của thổ dân Mỹ. Cách đây 400 năm họ có tới 25 triệu, thuộc hàng trăm dân tộc khác nhau như Lakota, Hauden Sauno, Dineh, Ojibnay” (tr 94).

Nói đến văn hoá Mỹ là phải nói đến văn hoá người thổ dân Mỹ mà nhiều nhà khoa học gọi là Native American, Người Mỹ Indian, người dân Quốc gia đầu tiên (people of the first Nation) hay Người bản địa (Indigenous) là chỉ người Mỹ di cư đến từ châu Á trong lịch sử xa xưa cùng với nền văn hoá của họ.

Ngày nay nước Mỹ có 700 dân tộc sinh sống với 5 nhóm tộc người là Dân bản địa (Native American), Người Mỹ gốc Châu Âu (European American), Người Mỹ gốc Phi (African American), Người Mỹ gốc Latinh (Hispa American) và người Mỹ gốc châu Á (Asian American).

Cho đến thế kỷ XV ở địa phận nước Mỹ ngày nay có khoảng 2 đến 10 triệu trong số 40 triệu người trên lục địa châu Mỹ, với 350 ngôn ngữ khác nhau. Người bản địa ở nước Mỹ sống rải rác trên lãnh thổ mênh mông của núi rừng miền Đông và Trung Tây, chủ yếu bằng săn bắn, hái lượm sau đó là trồng trọt và chăn nuôi. Gia đình đã có sự phân công lao động. Phụ nữ đảm nhận việc trồng trọt, nam giới săn bắn và tham gia chiến đấu. Đời sống xã hội theo cộng đồng và thị tộc.

Những người bản địa đã tạo nên một nền văn hóa thổ dân phong phú. Ngoài văn hoá dân gian, nhiều bộ lạc đã có ngôn ngữ và chữ viết tượng hình mà ngày nay còn lưu giữ. Nghệ thuật làm đồ gốm ra đời, đồ dùng bằng gốm có những trang trí tinh xảo. Nghề dệt từ vỏ cây được coi trọng, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của họ. Cư dân Apache rất khéo tay, đan lát bằng cành liễu, trang trí hạt cườm tinh xảo. Đồ thủ công làm bằng lông chim, vỏ sò, lông nhím, mai rùa đã tạo nên đồ dùng hàng ngày như rổ rá bằng cây cỏ, gáo múc nước bằng da, áo lông thú, có cả khung cửi có con suốt để dệt vỏ cây. Đồ mỹ nghệ ngày nay ở Mỹ là sự tiếp thu sản phẩm thủ công của người bản xứ để lại. Những phương tiện sinh hoạt như lều, nhà cửa, xe chó kéo, xe trượt tuyết, thuyền độc mộc kayak, tẩu hút thuốc, thuốc chữa bệnh từ quả coca-cola hay chocolate nổi tiếng của Mỹ ngày nay là bắt nguồn từ công thức tinh chế của người bản địa, thậm chí công thức làm kẹo cao su (singum) cũng do người bản địa tìm ra từ xưa.

Văn hoá ẩm thực của người Mỹ ngày nay chắc chắn phải nhờ đến những thực phẩm do người bản địa tạo nên. Những đậu, ngô, bí, cà chua, khoai lang, khoai tây, ớt, thuốc lá, chuối, artiso, hạt hướng dương, dầu ép từ các loại hạt và cả gà tây của KFC bây giờ cũng có lịch sử từ người bản địa. Ngành nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ ngày nay với sản lượng đứng đầu thế giới như lạc, cà chua, ngô…đều là do người Mỹ bản địa tạo nên.

Nền văn hoá của thổ dân hết sức phong phú. Gần một nửa tên các bang nước Mỹ là có nguồn gốc từ tiếng Thổ dân như: Chicago, Dakota, Massachussetts, Oregon, Mexico(2). Nhiều từ ngữ của thổ dân vẫn được sử dụng hàng ngày:Tobaco, manmonth moccasin, hominy, pappoose, tumpline, wampum, tomahawk, moose, totem, tuckahool, wigwam, sachem, sagamore, squaw, succotash… Hoặc ngôn ngữ tiếng Anh Mỹ có nguồn gốc vay mượn từ những từ ngữ thổ dân để gọi các địa phương, thị tứ, thành phố như: Topeka, Wichita, Tallahassee, Tacoma, Cheynne, Kansas, HacKensack, KeoKuk, Mobile, Mineapolis, MusKegon, Niarga, Omaha, Osceola(3) ….

 Văn hoá của  thổ dân Mỹ đã để lại một bức tranh đa dạng và phong phú của quá trình di cư từ châu Á sang lục địa mới mà sau thế kỷ XV là Tân Thế giới hay châu Mỹ, trong đó có nước Mỹ... Hưng thịnh và suy vong, máu và nước mắt, hoà bình và chiến tranh. Nhưng sau mất mát và đau thương, nhân loại và người Mỹ ngày nay vẫn tôn vinh nền văn hóa và tôn giáo với hy vọng với quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc của người Mỹ bản xứ, vì chỉ làm phong phú hơn, đa dạng hơn tôn giáo Mỹ.

Đến nay, người bản xứ được nhà cầm quyền xếp vào loại “Các da màu khác”. Người bản xứ chỉ còn 3,5%, người da đỏ bản xứ chỉ còn 1% nghĩa là xấp xỉ 28 vạn người; trong khi người da trắng chiếm 84,1%, người da đen chiếm 12,4% trong tổng số hơn 300 triệu công dân Mỹ. Với diện tích 9 triệu km2 (thứ 4 thế giới), 51 bang (trong đó Alaska và Hawai mới tách thành bang từ 1959). Mỹ là đất nước mênh mông, chiều ngang 2500 dặm (4000km) chiều dài 1.500 dặm (2400km). Như thế để thấy số phận hẩm hiu của những người bản xứ thổ dân và chủ nhân đầu tiên của nước Mỹ phải chịu bi kịch như thế nào.

Khi Zangwill đưa ra thuyết Nồi hầm nhừ (Melting Pot) ai cũng nghĩ đó là một thứ lý thuyết chỉ sự pha trộn văn hoá, trong đó văn hoá châu Âu là nguyên liệu chính để nhào nặn, làm hoà tan các nền văn hoá khác nhau ở Mỹ. Đã có lúc văn hóa thổ dân bị xói mòn, đứng trước sự đe doạ biến mất. Nhưng với sức sống bền bỉ, dẻo dai của truyền thống, văn hoá thổ dân vẫn không ngừng đấu tranh để duy trì sự sống bất khuất của nó. Nước Mỹ khi đã trở thành cường quốc cả về văn hoá thực dụng và duy lý, mới chợt nhớ lại cội rễ của mình. Và thế kỷ XX vừa qua đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI văn hoá Mỹ có nhiều biểu hiện níu giữ, bảo tồn và phát huy văn hoá thổ dân. Để giải quyết những mâu thuẫn của thời đại công nghiệp và tiêu dùng, Nhà nước Mỹ khá linh hoạt trong cuộc bảo tồn và khai thác, tập trung và phân tán, hiện đại và truyền thống trong việc bảo vệ văn hoá cổ truyền của thổ dân Mỹ. Những sáng kiến và sự ủng hộ văn hoá và bản sắc dân tộc của người bản xứ đang được thực hiện. Những tập tục, tín ngưỡng của người da đỏ như Sun Dance và Gost Dance đang được bảo lưu. Văn hoá vật thể và phi vật thể của người bản xứ đang được gìn giữ. Các Bảo tàng dân tộc học, Viện Bảo tàng Nghệ thuật, Viện Bảo tàng Văn hoá Nghệ thuật của Thổ dân Mỹ ở Santa Fe, New Mexico, ở Washington DC và nhiều nơi khác nhau đang hoạt động phong phú(4).

1. Susan Hazen Ham mond. Timeline of Native America History. The Berkeley. Publishing Group. 1997.

 2. Francis Paul Prucha (Ed) the Indian in American History Holt, Rinehart and Winston.1971.PP.330

3. Susan  Hazen  Hammord. Ibd.

4. Xem Kathleen Howard. The Metrpolitan of Arts Guide the Metropolitan of Art. 1994

 

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước