Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
20:47 (GMT +7)

Văn chương và câu chuyện “đi tìm nhân dạng”

Theo nhà văn người Mỹ Carlos Fuentes thì triết gia, nhà phê bình văn hóa người Đức Walter Benjamin đã có lần nói, đại ý: Cuộc cách mạng thật sự trong thế kỷ 19 là phát minh ra nhiếp ảnh. Trong suốt chiều dài lịch sử, con người không có khuôn mặt, và bỗng nhiên một ngày họ có khuôn mặt. Những tấm ảnh đầu tiên được cất giữ như báu vật trong những chiếc hộp bọc nhung. Bởi vì đó là nhân dạng của họ. Còn giờ đây, trong phút chốc anh được rất nhiều người ngồi xem. Anh có một nhân dạng. Anh tồn tại. Anh đã là một ai đó, bất kể đến việc xuất hiện ấy trôi tuột đi, chỉ trong chốc lát…

Văn chương và câu chuyện “đi tìm nhân dạng”
Bìa tiểu thuyết “Đi tìm nhân dạng của nhà văn người Ý Luigi Pirandello - giải Nobel văn chương 1934. (Nguồn ảnh: internet)

Chưa bao giờ như bây giờ, kỷ nguyên số với mạng xã hội mang đến cho con người cơ hội được tự nhìn thấy mình, được người khác nhìn thấy mình, cho dù cái "mình" hiển thị/ phô bày ấy thường khi rất "ảo", rất "màu", rất "hàng", rất "ánh trăng lừa dối"… Vậy nên, việc con người có khoái cảm "tự sướng" rồi bật chế độ công khai trên các trang cá nhân xem ra là đáng được thông cảm. Không hẳn là ái kỷ, là hám danh, mà là cưỡng lại cái bi kịch vô danh vô dạng vô tăm tích, giữa “lễ hội của vô nghĩa”…

Vấn đề là, “đi tìm nhân dạng” - của chính mình và của người khác - là hành trình tìm thấy hay đánh mất, khả dĩ hay bất khả. Bởi, nhân dạng cũng như tắc kè hoa, đa dạng màu. Oscar Wilde nói: "Khuôn mặt người đàn ông là cuốn tiểu sử tự thuật của anh ta. Khuôn mặt người phụ nữ là tác phẩm văn học nghệ thuật của cô ấy". Có nghĩa, theo nhà văn người Ireland này thì phụ nữ giỏi giấu mình/ biến hình, giỏi phi tang/ nguỵ trang mình hơn đàn ông. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thuật ẩn hình là ma thuật của con người nói chung, bất luận giới tính. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: Anh là tháp Bay-on bốn mặt/ giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình. Nhà thơ Xuân Diệu viết: Cái bay không đợi cái trôi/ từ tôi phút trước sang tôi phút này. Tục ngữ Trung Quốc có câu: Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt/ tri nhân tri diện bất tri tâm. Danh hoạ Van Gogh phát biểu: "Cũng chẳng dễ gì khi tự hoạ chính mình". Thật vậy, mỗi con người là một khối đa diện, một chủ thể đa nhân cách, nhiều con người trong một con người.

Ở tiết 58 của U Mộng ảnh, nhà văn người Trung Quốc Trương Triều viết: "Mây là thứ mà, khi vòi vọi như núi, khi sóng sánh như nước, khi như người, khi như thú, khi như lông chim, khi như vảy cá. Cho nên, muôn vật trong thiên hạ đều có thể vẽ được, duy có mây thì không thể vẽ. Mây mà người vẽ ra, cũng chỉ là miễn cưỡng gọi tên như vậy thôi".

Nhưng xem ra, con người còn biến ảo khôn lường hơn cả mây. Triết gia, nhà lý luận phê bình văn học người Nga Mikhail Bakhtin cho rằng: “Ngay cả ngoại hình của chính mình người ta cũng không thể thực sự nhìn thấy và không thể hiểu được tất cả về nó, chẳng có tấm gương nào, bức ảnh nào giúp được anh ta; diện mạo thực sự của anh ta chỉ những người khác mới có thể nhìn thấy và hiểu được nhờ vào vị thế đứng ngoài về mặt không gian của họ và nhờ họ chính là những người khác”. Tuy nhiên, nói theo cách của Trương Triều thì, diện mạo của một người mà người khác nhìn thấy, người mà người khác nhìn ra “cũng chỉ là miễn cưỡng gọi tên như vậy thôi". Nhà văn người Ý Luigi Pirandello (giải Nobel văn chương 1934) có tiểu thuyết Đi tìm nhân dạng kể về hành trình nội tâm giằng xé sâu sắc của Moscarda. Nhân vật này nhận ra mình vừa là một vừa không là gì cả và cũng là vô số, khiến anh ta xác quyết phải phá vỡ các bản thể khác nhau của mình, phá vỡ ấn tượng mà người khác định hình về anh ta. Nhà văn người Mỹ James Baldwin nói: “Thiên hạ muôn hình vạn trạng, sao có thể bị đối đãi hời hợt. Tôi đây muôn hình vạn trạng, sao có thể đáng tin”. Nhân vật trong tiểu thuyết Nhảy nhảy nhảy của nhà văn người Nhật Haruki Murakami phát biểu: "Vấn đề ở chỗ mặc dù tôi rất giỏi chiếm được lòng tin của người khác. Nhưng tôi không biết tôi có tin tưởng chính mình hay không nữa. Mọi người đều tin tưởng tôi, nhưng thực sự thì tôi chẳng là gì cả, ngoài cái hình ảnh đó. Chỉ cần ấn nút tắt một cái là - phụt - tôi biến mất. Chẳng phải vậy sao?".

Đúng vậy, không gì mơ hồ trừu tượng trên đời hơn con người. Wislawa Szymborska - nữ thi sĩ người Ba Lan đoạt giải Nobel văn học năm 1996 - có bài thơ Củ hành tây so sánh cấu tạo của củ hành tây với cấu tạo của con người. Theo đó, cấu tạo củ hành tây đơn giản, đồng nhất từ trong ra ngoài, là “bụng đẹp nhất thế gian”, còn con người thì phức tạp cả cấu tạo thể chất lẫn tinh thần: Trong chúng ta: chất béo/ dây thần kinh chịt chằng/ tĩnh mạch, niêm dịch ruột/ và bí mật chung riêng. Nhà thơ Huy Cận từng viết: Mỗi cuộc đời mang thầm bao nhiêu chuyện/ chạm nổi chạm chìm trong thịt trong xương. Và nhà thơ Tô Thùy Yên cũng từng viết: Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ đành không trải hết được lòng ta. Đời người là cuộc loay hoay lưỡng lự giữa đậy điệm và phơi trải. Vừa khôn khéo vừa vụng về. Chưa đâu vào đâu thì đã hết đời.

Người ta vẫn xác tín, rằng tác phẩm hằn in "vân chữ" - đặc điểm nhận dạng của nhà văn, rằng hành trình viết của nhà văn là hành trình anh ta “đi tìm mặt”, “đi tìm nhân dạng”. Eliot - nhà thơ, nhà viết kịch người Mỹ, quốc tịch Anh, giải Nobel văn chương 1948 - viết: Hãy nhảy nhảy đi/ nhảy như gấu ấy/ hãy hót như chim, huyên thuyên như khỉ/ để tìm ra cách nói riêng mình. Nghĩa là, mỗi chủ thể viết phải không ngừng tìm tòi, thể nghiệm phong cách cá nhân, để có thể tìm gặp được phiên bản vừa khuôn, tương thích, trùng khít nhất với chính mình - nơi mà anh ta được là chính mình nhất. Tuy nhiên, nếu người đọc vội vàng đồng nhất văn với người, cả tin rằng văn là người thì lại là cuồng tín. Tác phẩm tưởng là nơi mà chủ thể viết hiện thực hóa cái “khát vọng thành thực” của mình, thực tế thì nhiều khi đó lại là nơi mà anh ta thỏa sức “biên tập” chính mình. Thế mới có chuyện một số chủ thể viết một đời miệt mài cầm bút, để rồi đến cuối đời lại “sám hối”, lại “đi tìm cái tôi đã mất”. Nhà văn Nguyễn Việt Hà, trong tiểu thuyết Ba ngôi của người, đã hài-hước-đen: “Đeo râu giả lâu năm quá, đến khi giật ra nó vẫn bị bật máu”. Ngay cả hồi ký, tự truyện - được cho là thuộc thể loại phi hư cấu - suy cho cùng cũng là những tác phẩm ít nhiều hư cấu. Theo nhà thơ người Anh Ted Hughes thì nhà thơ người Bồ Đào Nha Fernando Pessoa cùng một lúc viết dưới bốn tên khác nhau - ông đơn giản là sống trong bốn con người ấy. Nhà phê bình, nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc viết: Đối với các nhà văn/ cuộc đời chỉ là/ một bản nháp; Con người luôn luôn ở ngoài/ bức tranh/ chân dung mình.

Nhà văn, nhà viết kịch người Anh William Somerset Maugham phát biểu: "Người ta không bao giờ biết hết mọi thứ cần biết về bản chất con người. Người ta chỉ dám chắc là Nó - cái bản chất ấy - sẽ không bao giờ thôi dành cho người khác một sự bất ngờ". Cùng tư tưởng ấy, nhà văn Ma Văn Kháng nói: “Cuộc sống thật kỳ lạ bởi con người vẫn là một cái gì bí ẩn". Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Từ Huy phản tỉnh: “Chúng ta biết gì về một con người? Đôi khi chúng ta cho phép mình mọi đánh giá, mọi phán xét, mọi chê bai, chỉ trích, hay ở cực đối lập là khen ngợi, ca tụng… dành cho một ai đó. Nhưng chúng ta biết gì về họ? Chúng ta lấy mình ra để đánh giá họ, chúng ta dùng lăng kính của mình để soi xét họ, chúng ta lấy các tiêu chí của mình để phán xét họ, nhưng họ có phải như chúng ta hình dung không? Những phán xét của chúng ta có trở thành bất công đối với họ không?”. Nhân vật trong tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami cũng tra vấn: “Nói cho cùng, con người ta có thể hoàn toàn hiểu nhau không? Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thời gian và công sức hòng hiểu được người khác, nhưng rốt cục chúng ta tiếp cận được tới đâu cái bản chất sâu xa của người đó? Ta tự thuyết phục mình rằng ta biết rõ người kia, nhưng liệu ta có thực sự biết điều gì hệ trọng về một ai đó không?”.

Mà, ta có nhất thiết phải thấu triệt bản lai diện mục (nếu có) của một ai đó không? Nói như nhà văn người Trung Quốc mang quốc tịch Pháp Cao Hành Kiện (giải Nobel văn chương năm 2000) trong tiểu thuyết Kinh thánh của một người thì: “Đời như một tấm lưới, nếu anh muốn gỡ hết, mắt này sang mắt khác, có lẽ sẽ vô cùng rối rắm và món nợ đó e khó mà trả nổi”. Nên chăng, ta tự trau dồi cho mình “phẩm chất cao đẹp” như cách của nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót: “Nếu không kể đến hậu quả, thì khả năng tin tưởng người khác một cách trọn vẹn là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của con người”. Để có thể “tin tưởng người khác” thì ta phải tháo dỡ “đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ” để kiến tạo “đôi mắt của tình thương”, theo chủ trương của nhà văn Nam Cao. Nhà văn Trung Quốc Bạch Lạc Mai nói: “Con người đi giữa thế gian đều phải đeo lên mình những chiếc mặt nạ khác nhau. Không phải vì giả tạo, mà là rất nhiều lúc cần phải trốn tránh tự nhiên, thuận theo hoàn cảnh. Nếu như bạn không thể thay đổi cuộc sống, thì phải vì cuộc sống mà đổi thay chính mình”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói: “Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo. Chấp nhận những gì khác mình đã quá khó, nói chi tới yêu thương”. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, cũng trình xuất nhân sinh quan tích cực, đại ý: Thế gian mênh mông đau khổ, trái ngang, song cũng là mênh mông tình thương. Hồn nhiên ngây ngô là chỉ biết tin vào những gì tích cực của thế gian. Còn những khuất lấp, những khúc quanh co thì chẳng nhìn thấy. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình.

Phải, hướng thiện/ hướng thượng như là một bản năng sống, một nỗ lực sống, một “kỳ vọng lớn lao” của con người. Đó là hành trình mà con người “vật lộn dai dẳng” với chính mình để tìm gặp một phiên bản “nhân dạng” tốt nhất của chính mình. Nhân vật trong tiểu thuyết Những kỳ vọng lớn lao của nhà văn người Anh Charles Dickens chân thành: "Tôi đã bị cong vênh và tan vỡ, nhưng-tôi hy vọng-vào một hình dạng tốt hơn”. Nhân vật trong tiểu thuyết Phía nam biên giới, phía tây mặt trời của Murakami giãi bộc: "Có vẻ như là lúc nào anh cũng cố trở thành con người khác. Có vẻ như là anh đã luôn muốn đi về phía những người và những nơi mới mẻ và khác lạ, để tạo lập một cuộc đời mới, trở thành người có tính cách khác hẳn. Anh đã làm đi làm lại điều đó rất nhiều lần trong đời, cho đến tận lúc này". Nhà văn mang hai quốc tịch Pháp và Séc Milan Kundera từng nói về nhà văn người Séc Vaclav Havel như sau: “Tôi có cảm tưởng rằng chính Havel đẽo gọt đời mình với một niềm thích thú của người nghệ sĩ, như một nhà điêu khắc đẽo gọt tảng đá, mỗi lúc đem lại cho nó một ý nghĩa và hình dạng sáng sủa hơn”.

Nên chăng, học theo cách của nhà văn Ma Văn Kháng: “Không nên quá khắt khe với sai lầm của con người, con người đang ở trong tiến trình của nó, nó còn vật lộn dai dẳng với bản thân nó, hãy giúp nó". Và học theo cách của nhân vật trong tiểu thuyết Suối nguồn của nhà văn người Mỹ Ayn Rand: “Ta đã để lỡ một vài điều nhưng ta không hề tiếc nuối, bởi vì ta đã yêu cuộc đời của ta như nó vốn có, kể cả những phút giây ta cảm thấy trống rỗng, kể cả những khi ta không tìm thấy lời giải đáp… ta vẫn yêu nó - đấy chính là cái chưa được giải đáp trong cuộc đời ta. Nhưng ta yêu nó”.

Nói như một nhân vật trong truyện ngắn Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì: “Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời”. Và yêu thương - yêu thương tha nhân và yêu thương bản thân - chính là quà tặng, là “suối nguồn” cuộc sống.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy