Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
08:01 (GMT +7)

Văn chương nuôi dưỡng một nhân cách vĩ đại

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên lớp văn khóa 8, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1963 - 1967). Trong quá trình học tập và công tác, sau này ông chuyển sang nhiều lĩnh vực chuyên môn như lịch sử, triết học, quản lý, chính trị. Nhưng, những vần thơ, câu văn trên giảng đường đại học mãi theo ông trong suốt hành trình nhân sinh. Phải chăng, bài học nhân sinh về lẽ sống trọng đạo đức, nhân cách, lối sống thanh bạch, giản dị, khiêm cung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ít nhiều được nuôi dưỡng từ những áng văn chương kim cổ?

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền, xuân Kỷ Hợi 2019.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền, xuân Kỷ Hợi 2019

Một nhân cách, một lẽ sống cao đẹp

Theo lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện – bạn đồng môn, đồng khóa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, luận văn tốt nghiệp đại học của ông do GS. Đinh Gia Khánh hướng dẫn, với đề tài “Thơ dân gian với nhà thơ Tố Hữu” đạt xuất sắc. Thiển nghĩ, không phải ngẫu nhiên chàng thanh niên văn khoa 20 tuổi ấy lại chọn thơ Tố Hữu. Phải chăng, ông đã sớm nhìn thấy ở Tố Hữu – nhà thơ giác ngộ cách mạng từ thuở “Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu” có một sự “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”?

Lý tưởng sống của đồng chí Bí thư Chi đoàn Văn Khóa 8 năm xưa ấy, có lẽ sớm được hình thành từ khi cảm nhận ánh sáng cách mạng rọi chiếu từ Từ ấy của Tố Hữu, từ Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky, để rồi định hình phương châm sống "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ” (Lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021).

Sau này, tại buổi lễ nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ tình cảm của mình với Đảng bằng cách dẫn ý bài ca Tự nguyện của nhà thơ, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản".

Bao năm tháng qua đi, nhưng có lẽ những câu thơ thuở nào trên giảng đường Văn khoa Trường Đại học Tổng hợp vẫn theo ông suốt hành trình nhân sinh. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ, ông từng đọc nguyên văn bài thơ Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính. Câu kết: “Hôm qua em đi tỉnh về, Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” được ông nhắc lại hai lần, như một lời cảnh tỉnh sự tha hóa (biến đổi khác trước) của con người.

Bàn về hạnh phúc của đời người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Lẽ nghiệm sinh rất đỗi giản dị ấy của ông lấp lánh trong ý của câu thơ "Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình (Tạm dịch: Trên đời này mọi sự, mọi việc chỉ là bọt bèo và ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người). Và không ít lần ông nhắn gửi những bài học sâu sắc về giá trị nhân cách, đạo đức bằng những câu thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”; “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Lối sống thanh bạch, giản dị, khiêm cung

Trong nhiều cuộc chuyện trò đời thường hay phát biểu tại hội nghị, chúng ta thấy triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc, thấm thía của dân gian được thấm nhuần trong từng câu chữ, lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ - lời ăn tiếng nói của nhân dân đã được gọt giũa, chưng cất thành những viên ngọc quý như: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, “Đừng nhìn gà hóa cuốc”,  “Đừng thấy đỏ tưởng chín”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn, Thuận bạn thuận bè thì tát cạn biển Đông”. Việc vận dụng linh hoạt, tự nhiên “trí tuệ của muôn nhà” đã khiến những luận lý, quan điểm đạo đức trong các cuộc nói chuyện, phát biểu của ông trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn và cũng trở nên thấm thía hơn.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn câu thơ dân gian “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người” để phê phán một cách sinh động sâu sắc thói xấu, đi soi mói người khác, khi chính mình có rất nhiều tật xấu mà không chịu sửa đổi. Từ đó ngụ ý, khuyên người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Những bài học nhân sinh từ trong văn học dân gian dường như cũng được ông vận dụng vào cuộc sống đời thường của mình như trọng nghĩa tao khang “Vợ ta áo rách ta thương/Vợ người áo gấm xông hương mặc người”.

Bên cạnh những sáng tác dân gian, văn học hiện đại có lẽ, những bài học của các bậc nhà nho chân chính trong văn học trung đại Việt Nam, cũng có ảnh hưởng đậm nét trong lẽ sống an bần lạc đạo, tôn sư trọng đạo, lối sống giản dị, khiêm cung, trong phép “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, trong bài học cầm quyền trị nước “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tinh thần quyết liệt đấu tranh, loại trừ tham nhũng của người thợ đốt lò vĩ đại của chúng ta, chẳng khác nào thuở xưa Nguyễn Trãi đã từng khẳng định “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/Có nhân, có trí, có anh hùng”. Trong phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư phát biểu: "Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!"; trong chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào"; "chống tham nhũng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược". Cội nguồn của tinh thần đầu tranh quyết liệt ấy, xét cho cùng, là tấm lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của đồng chí Tổng Bí thư. Nó cũng như tấm lòng son của Nguyễn Trãi đối với dân với nước “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” khi xưa vậy.

Hình ảnh giản dị, gần gũi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Hình ảnh giản dị, gần gũi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” cũng luôn được đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc đến “Dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Tất nhiên, không chỉ là “giáo huấn” suông. Tinh thần “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” ấy được thể hiện một cách tự nhiên trong cách ứng xử của vị lãnh đạo Nhà nước với thầy cô trong ngày hội lớp: "Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!". Triết lý nhân sinh ấy, phải chăng cũng tương đồng với quan niệm của các nhà nho chân chính “Danh thơm một áng mây nổi”, “Phú quý treo sương ngọn cỏ/Công danh gửi kiến cành hòe” (Nguyễn Trãi).

Sự khiêm cung của Tổng Bí thư còn được thể hiện lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, nhớ kỷ niệm khi mới nhận chức Chủ tịch Quốc hội (2006), ông đã mượn hai câu Kiều để diễn tả tâm trạng, nỗi lo trách nhiệm với dân nước của mình: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”.

Với cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, giữa thủ đô hoa lệ, ông vẫn giữ nguyên lối sống khiêm cung, thanh bạch, giản dị. Trừ những lúc tiếp khách theo nghi lễ, thường ngày đi làm, hoặc đi xuống địa bàn thực tế, ông vẫn ăn vận bộ quần áo hơn 10 năm.

Tấm áo sờn tay của ông, có lẽ sẽ đi vào huyền thoại về một lối sống giản dị,“Cơm ăn nài chi dưa muối/Áo mặc nài chi gấm là” (Nguyễn Trãi), một nhân cách cao đẹp “Một đời thanh bạch chẳng vàng son” (Tố Hữu).

Căn hộ 25m2, tầng 3, khu tập thể cũ của 8 hộ gia đình trên phố Nguyễn Thượng Hiền – nơi gia đình ông từng sinh sống trong suốt 10 năm ấy, là bảo tàng về lối sống thanh liêm, cao khiết của vị lãnh tụ - “người đốt lò vĩ đại” của dân tộc Việt Nam.

Cách ứng xử của ông với người vợ tảo tần là bài học về trọng nghĩa tào khang “Vợ ta áo rách ta thương, Vợ người áo gấm xông hương mặc người”. Và bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quây quần gói bánh chưng ngày Tết bên cạnh những người thân, sẽ mãi là biểu tượng về “nếp nhà” của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Văn học là nhân học, là bài học nghiệm sinh của con người. Giá trị văn chương, có lẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng, nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn, lối sống cao đẹp, thanh liêm, cao khiết trọn đời vì dân, vì nước của vị lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái

9 đã tặng

2

3

4

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục