Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:50 (GMT +7)

Văn chương, có nhất thiết phải hiểu?

Đôi khi, ta bắt gặp ai đó thốt lên rằng: Tôi không hiểu tác phẩm văn học ấy, tôi không hiểu họ viết gì… Đó là sự thực! Có một dòng văn chương thách thức sự hiểu của người đọc. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: có nhất thiết phải hiểu tác phẩm văn chương không?

Biết và hiểu là một tiến trình tâm lý, nhận thức của con người, nhằm hướng đến việc tri nhận, chiếm lĩnh, kiểm soát một đối tượng, một sự vật hiện tượng nào đó. Từ khi con người xuất hiện, kho tri thức của nhân loại luôn được bồi đắp bởi tiến trình khám phá, tiếp nhận và thông hiểu.

Văn chương, có nhất thiết phải hiểu?
Một số tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Đinh Phương và Nguyễn Thi Hải, được cho là sẽ gây khó khăn cho một nhóm người đọc nào đó

Tuy nhiên, di sản của con người không chỉ có sự hiểu, mà còn có sự cảm biết, sự hình dung, hay những ấn tượng mơ hồ, những ám ảnh không tường minh. Lịch sử tinh thần nhân loại đã mở rộng, hay đúng hơn là đã được nhìn nhận một cách đầy đủ bởi sự tồn tại của vô thức, tiềm thức, của những gì không thể hiểu, không thể giải thích được hoặc rất khó để giải thích một cách tường tận, rành rẽ.

Một trong những điều rất khó lí giải ấy chính là thế giới của văn chương nghệ thuật. Không cần phải nói đâu xa, ngay văn chương trong nước cũng có nhiều ca khiến sự đọc nản lòng. Những tiểu thuyết (Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già, Mình và họ, Kể xong rồi đi) hay thơ (Lam chướng, Từ chết sang trời biếc, Khách của trần gian, Buổi câu hờ hững) của Nguyễn Bình Phương, thơ Mai Văn Phấn (Hôm sau, Bầu trời không mái che…), Trương Đăng Dung (Những kỷ niệm tưởng tượng, Em là nơi anh tị nạn) và những người khác như Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Lê Vĩnh Tài… chắc có lẽ đã gây ra khó khăn với một nhóm người đọc nào đó.

Những người trẻ hơn như Nguyễn Thị Hải (Con cừu của Hoàng tử bé cổng ngõ của tôi, Một dòng tiểu sử của bạn tôi), Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Di chữ, Văn học vết thâm), Pháp Hoan (Lịch mùa), Đinh Phương (Nhụy khúc, Nắng Thổ Tang), Nguyễn Hải Nhật Huy (Tôi ngồi đây chờ cơn bão đến), Maik Cây (Wittgenstein của thiên đường đen)… cũng đang tạo nên những thách thức đối với cộng đồng đọc.

Tôi không hiểu được, lỗi tại ai? Tại sao lại viết rắc rối, khó hiểu như thế? Đó có lẽ là những băn khoăn của người đọc khi đứng trước những trường hợp khó như đã nêu. Câu chuyện ở đây lại quay về với bản chất thực sự của văn chương nghệ thuật. Văn chương nghệ thuật là thế giới tinh thần của cá nhân, là sự chuyển hoạt một cách tối đa nhất năng lượng tinh thần, tưởng tượng và cảm quan đời sống, nghệ thuật của một con người. Mà, như triết gia ngôn ngữ - phân tích L. Wittgenstein (người Áo) đã nói, con người là khác nhau. Bởi thế, đòi hỏi thông hiểu hay thấu triệt toàn diện một cá nhân là ảo tưởng. Bản thân con người tự nó khác biệt, do đó chúng ta chỉ có thể hi vọng hiểu được phần nào, cảm nhận được chút gì từ những hình thức mà họ thể hiện, hé lộ (trong đó có văn chương nghệ thuật).

Thế giới, đời sống là vô biên, nhưng chúng ta lại đầy giới hạn. Sự hiểu là một giới hạn khiến con người lao khổ, nhọc nhằn từ bao đời nay. Vượt lên trên sự hiểu, cảm biết - trực giác - vô thức… là sự cứu rỗi cho tinh thần con người. Văn chương nghệ thuật nương tựa vào cái phần mơ hồ, khác biệt, bất khả tường minh ấy mà tồn tại, mà tạo ra lịch sử của mình.

Nếu ai đó đã đọc tiểu thuyết và thơ Nguyễn Bình Phương, cứ cho rằng họ không hiểu, nhưng chắc hẳn, họ đã cảm nhận được những “âm u sâu xa”, những huyền bí mơ hồ, những dị nghịch lạ kỳ, những phi lý ngẫu nhiên trong thế giới ấy. Thế rồi, có đôi chỗ người đọc gai gợn vì sợ hãi, vì cảm nhận được những hoang mang điêu linh, những chuyển dịch hoang đường mà chân thực, những tiên cảm xa lạ nhưng đâu đó đã xuất hiện trong cõi vô thức của con người. Vậy thì, nào đã cần gì hiểu! Hãy để cho trí tưởng tượng bay bổng và cảm nhận từng con chữ, từng cấu trúc, từng nhịp điệu, từng hình tượng đang trình ra dưới mắt ta đời sống của nó.

Cũng như vậy, nếu cứ chăm chăm để xem Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Hải… viết gì trong thơ, hi vọng những bài thơ du dương, vần điệu, tỏ tường và tràn đầy xúc cảm, e rằng người đọc sẽ thất vọng.

Đinh Phương với Những đứa con của Chúa trời, Nhụy khúc, Đợi đến lượt… quả thực đã dẫn người đọc vào mê cung của cảm giác bằng “lối viết sương mù”. Có nhà văn nọ hễ gặp tôi khi nói về Đinh Phương lại hỏi: hãy tóm tắt lại tác phẩm của Đinh Phương? Tôi đồ rằng, như một văn hào đã nói, nếu phải tóm tắt nó, thì đành phải viết nó ra lần nữa vậy. Người đọc bị rơi vào thế giới mơ hồ, huyền hoặc, u minh và nhạt nhòa, dai dẳng, bám níu và trôi trượt. Đinh Phương viết bằng cảm thức ấy, như là thế giới mà anh ta sống, trải nghiệm. Tại sao ta lại cho mình cái quyền đòi hỏi anh ta phải đáp ứng giới hạn sự hiểu của ta?

Về cơ bản, con người sinh ra là tự đày mình vào các giới hạn. Có những giới hạn trùng lên nhau ở phần này, phần khác - như là sự hiểu biết. Có những tri thức chung mà chúng ta được học, được tìm hiểu, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ so với điều chúng ta không biết, chưa biết. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một nhà văn nào đó, rằng, nếu con người hiểu được một phần của tự nhiên, thì hẳn con người đã lựa chọn sự khiêm tốn.

Văn chương nghệ thuật tìm kiếm và khai mở thế giới chưa biết ấy của con người. Một khi, tác phẩm không còn sự lôi cuốn kì bí, không còn những huyền hồ khó lý giải tường minh, không còn những vẫy gọi ở phía chưa biết, điều đó đồng nghĩa với việc tác phẩm ấy đã có thể kết thúc đời sống của mình (Dĩ nhiên, khó hiểu, bí hiểm hay mơ hồ khó lý giải không phải là chiêu trò để che giấu sự tù mù, trá ngụy, đánh lừa người đọc).

Sự hiểu, trong thực tế là di sản vĩ đại của nhân loại, nhưng nó luôn có xu hướng tự giam mình vào trong chính những khám phá tường minh, sáng rõ. Sự nông cạn của lý trí, sự ngạo mạn của trí não đôi khi đã trở nên mù lòa trước thế giới nghệ thuật. Bởi thế mà S. Freud đã khảo sát và mở ra thế giới vô thức, H. Bergson đề cao trực giác, còn A. Einstein nêu lên thuyết tương đối… nhằm cân chỉnh lại sự duy lí máy móc và nghèo nàn.

Nghệ thuật hiện đại nói chung khai thác những chiều kích đa dạng của thế giới tinh thần, tư tưởng, trong đó, hiểu chỉ như một khía cạnh, một tầng bậc. Ngay bản thân việc hiểu, ở mỗi cá nhân cũng đã khác nhau, chính vì thế, đời sống của tác phẩm luôn nằm ở dạng tiềm tàng. Không hiểu không đồng nghĩa với việc tác phẩm ấy vô giá trị.

Mặt khác, ngay cả trạng thái mù mờ, khó nắm bắt, không thể tường minh… cũng đã mang đến cho con người khoái cảm, thậm chí, nó gợi lên hành trình nhiều hơn những gì đã lượm lặt cô kết một cách rõ rệt. Không ít người đọc Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) lần đầu tiên, bị rơi vào trạng thái bùng nhùng, hỗn loạn, rời rạc. Có thể, sự hiểu không đến ngay lúc ấy. Động lực để đọc lại, lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… chính là vì ta không thể bao quát, thâu tóm được thế giới ấy. Sự khó hiểu, mơ hồ, thách thức chúng ta, dẫn ta đi trên hành trình trải nghiệm kỹ lưỡng hơn. Trên một điểm dừng nghỉ nào đó, ta có thêm những chỉ dẫn, những gợi ý. Và, điều quan trọng hơn, thế giới của ta mở rộng ra cùng với những trải nghiệm về phía mơ hồ, khó hiểu ấy.

Vấn đề mà bài viết này đặt ra không nhằm khuyến khích sự khó hiểu hay không thể hiểu, cũng như không hạ thấp vai trò của việc hiểu. Xuất phát từ đặc trưng của thế giới nghệ thuật, của tinh thần chủ thể sáng tạo cũng như những khác biệt thuộc về bản chất tồn tại của con người, việc hiểu chỉ nên xem như là một trải nghiệm, một dạng thức trong nhiều dạng thức của tinh thần, trí tưởng. Văn chương nghệ thuật, dẫu sao cũng xuất phát từ con người và đi đến với con người. Nói không cần hiểu hay không nên hiểu là điều có vẻ như trái ngược hoặc tư biện. Tuy nhiên, hãy bình tình, tôi không hiểu nhưng người khác hiểu, kinh nghiệm thẩm mĩ của tôi không thỏa mãn được các hệ thức giá trị đặt ra trong tác phẩm, tác phẩm ấy không nằm trong tầm đón nhận của tôi đó là điều cần phải tự ý thức. Đọc là tiến trình kiếm tìm, thông hiểu hay cảm biết. Đọc để hình dung, tưởng tượng, hiểu biết về người khác, nhưng cũng là kiếm tìm và định hình chính bản thân mình. Vậy, trước điều DỄ HIỂU - KHÓ HIỂU, cái nào lôi cuốn chúng ta hơn? Đến đây, tôi tin rằng, bạn đọc đã có lựa chọn của riêng mình rồi.

Nguyễn Thanh Tâm

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục