Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:19 (GMT +7)

Vãn cảnh đình làng Phao Thanh

Thanh Ninh là một xã thuộc miền trung du Bắc Bộ, nằm ở phía đông nam huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, Thanh Ninh có tên gọi là Phao Thanh. Xã Phao Thanh (gồm hai làng Phượng Nghi và làng Quán) thuộc tổng Phao Thanh, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Đây là địa phương có ngôi đình hơn 700 năm tuổi với nhiều kiến trúc độc đáo, có tên: đình Phao Thanh.

Quang cảnh đình Phao Thanh
Quang cảnh đình Phao Thanh

Đình cách trung tâm huyện Phú Bình 9 km và cách trung tâm tỉnh Thái Nguyên 35 km. Ngôi đình được coi là biểu tượng quyền lực của làng xã, được xây dựng trên xóm Hoà Bình, ngay gần với chùa làng. Để gìn giữ được đình làng với những giá trị nghệ thuật kiến trúc dân gian cũng như giá trị lịch sử, văn hóa từ xa xưa để lại là cả quá trình gian nan, vất vả trong công cuộc bảo vệ, trùng tu, phục dựng của thế hệ lớp người đi trước và của dân làng Phao Thanh hiện nay.

Khu di tích Đình Phao Thanh được xây dựng vào thế kỷ XIV, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 triều Lê, đình được tôn tạo lại. Đình thờ vị đại thần Dương Tự Minh - người có công giúp vua diệt kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng (vào năm Đại Định thứ 5, năm 1144). Năm 1959, đình bị đổ, nhân dân cất giữ lại nghè và làm hai gian chùa để lưu giữ các di tích. Cho đến nay, Đình Phao Thanh mới được xây dựng trên khuôn viên rộng 2ha. Đình nằm trên một dải đất bình địa, mặt quay hướng Nam. Trước cửa Đình là hồ bán nguyệt. Nghi môn tứ trụ bề thế với ba lối cổng ra vào, một chính giữa và hai lối phụ hai bên, phân cách bằng các cột trụ quả dành, có hình long vân, hổ phù, các cây trong bộ tứ quý. Cổng giữa dựng bởi hai đồng trụ cao 6,7 m, đỉnh đắp nghê chầu; hai cổng bên xây thấp cùng hệ thống tường bao khép kín bảo vệ di tích. Sân đình rộng 300 m2 lát gạch đỏ, thuận tiện cho việc tế lễ.

Lễ cắt băng khánh thành Đình Làng Phao Thanh năm 2015
Lễ cắt băng khánh thành Đình Làng Phao Thanh năm 2015

Đình được xây theo kiểu chữ Đinh, có 5 gian tiền tế (3 gian 2 chái), 3 gian hậu cung (trên diện tích 40m2 ), 28 cột, 8 đao và 8 mái cong mềm mại. Bộ mái tiền đường lợp ngói mũi hài, đắp họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Bộ cửa gỗ tiền đường gồm 3 khoang, thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Tòa trung đường được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu gỗ, gạch và bê tông. Tòa hậu cung là trung tâm thờ thành Hoàng Làng, là nơi đặt ngai và bài vị Đức Thánh. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, Đình Phao Thanh gồm các hạng mục: ao đình, sân đình, nghi môn và công trình kiến trúc trung tâm kết hợp với nhiều cây xanh bóng mát xung quanh, tạo nên một khung cảnh linh thiêng, cổ kính. Từ sân đình nhìn ra trước mặt là cánh đồng trải dài, tạo không gian thoáng đãng, rộng mở.

Khu di tích Đình - Chùa Phao Thanh đã được Sở Văn hoá thể thao và Du lịch công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2016. UBND xã Thanh Ninh cũng đã tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử vào ngày 11/11/2016 (dương lịch), tức là ngày 12/10/2016 (âm lịch) năm Bính Thân.

Vãn cảnh đình làng Phao Thanh
Gian tiền tế trong Đình Phao Thanh

Tôi đến thăm Đình làng, các vị hương lão đang tất bật quét dọn, chuẩn bị đồ cúng, để ngày mai mùng một ra tế lễ đầu tháng. Khi tôi hỏi về các di tích còn lại nơi này thì cụ Nguyễn Ngọc Kha, 70 tuổi, Phó Trưởng ban Quản lí Đình làng Phao Thanh cho biết: “Di tích xưa còn lại là toàn bộ khu đất nền đình, tảng cột, sắc phong thuộc triều vua Khải Định, ban sắc ngày 25/7/1924, hai bộ hoành phi câu đối, một phần án gian, hai bia đá hiện đặt ở bên chùa. Bia đá soạn năm 1852 niên hiệu Tự Đức, chạm khắc chữ Hán Nôm, nói về việc tu sửa đình và điều lệ làng Phao Thanh xưa. Linh thiêng và rất cổ”.

Tôi xin phép đi dạo, để có thể chiêm ngưỡng nhiều cổ vật có giá trị. Từ cổng đi thẳng vào chúng ta có thể bắt gặp: Gốc đại cổ được trồng năm 1775 trước văn chỉ của Đình Làng, đá tảng cột con của đình cổ, phiến đá cổ dân làng Phao Thanh dùng mài binh khí chống giặc ngoại xâm ở những thế kỷ trước (Bi ký: ngày 12/10/2022). Bước vào trong gian tiền tế, ta có thể chiêm ngưỡng: khám thờ, bài vị, câu đối sơn son thếp vàng với các đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Lê.  

Vãn cảnh đình làng Phao Thanh
Một cổ vật còn lưu lại ở Đình Phao Thanh

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Ninh (1946 – 2010) cho biết: Trong cuộc đấu tranh chống Pháp xâm lược, Đình là nơi hoạt động của nghĩa quân Đề Thám. Năm 1884, Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), xã Phao Thanh trở thành một trong những vùng nghĩa quân hoạt động. Năm 1937, Đình là nơi họp và tập trung lực lượng phá kho thóc chia cho nhân dân. Trong Cách mạng Tháng Tám, Đình là nơi hội họp bí mật của cán bộ Mặt trận Việt Minh và xuất phát khởi nghĩa giành chính quyền. Từ năm 1945 - 1954, Đình là nơi tiễn các trai làng nhập ngũ, là địa điểm các đơn vị chủ lực đóng quân. Năm 1949, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, quân và dân ta bị thương khá nhiều, đình và chùa Phao Thanh trở thành nơi chăm sóc các thương bệnh binh. Chùa được chuyển thành nơi làm việc và nơi ở của các bác sĩ, y tá, còn đình là nơi điều trị cho các thương binh, bệnh binh. Được sự đùm bọc của nhân dân trong xã, Quân y viện Bắc Bắc đã cứu chữa được hàng nghìn người. Và đặc biệt là nhiều hội nghị của huyện Phú Bình, của tỉnh và khu Việt Bắc đã từng diễn ra tại Đình.

Chầm chậm bước chân đi vãn cảnh, tôi cảm nhận được nét kiến trúc đơn giản của đình làng rất gần gũi với những nếp nhà xưa cũ của người dân. Bộ mái lợp ngói rộng lớn, góc mái nhọn như nhắc lại việc sử dụng các công cụ thời khai hoang. Bên trong Đình có các cột gỗ lớn với các bức hoành phi, liễn đối, chạm khắc tứ linh, hoạ tiết mây, hoa, lá… tinh xảo, thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống no đủ, yên bình. Song song những giá trị văn hoá vật thể đó, đình làng còn lưu giữ giá trị văn hóa phi vật thể là phong tục thờ cúng Thần Thành Hoàng.

Vãn cảnh đình làng Phao Thanh
Đình Phao Thanh đã được Sở Văn hoá thể thao và Du lịch công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2016

Cứ vào ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, các hương lão đều mặc áo the, khăn xếp ra đình tế lễ Thành hoàng làng. Trước khi thụ lộc Thánh, ông Trưởng ban Quản lí đình đánh giá mọi hoạt động về lĩnh vực tôn giáo ở đình, ở chùa trong tháng; tuyên truyền vận động các hương lão, Phật tử về động viên gia đình, con cháu chấp hành tốt Điều lệ của Đảng, pháp luật Nhà nước cũng như quy ước địa phương. Chùa lễ vào ngày sóc ngày vọng và các ngày lễ lớn như ngày Lệ làng (12/10 Âm lịch), lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng), lễ Vu Lan (15/7 Âm lịch). Không chỉ vậy, mỗi gia đình khi có việc hệ trọng đều ra đình cầu xin thành hoàng phù trợ: cưới xin, làm nhà,… mong thần phù hộ cho gia chủ hạnh phúc, may mắn, bình an. Việc tổ chức ngày tế lễ hàng tháng, ngày lệ làng hàng năm của người dân nhằm nâng cao giá trị đình làng vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Làng Phao Thanh bao gồm 5 xóm: Hoà Bình 1, Hoà Bình 2, Phú Thanh 1, Phú Thanh 2 và Đồng Trong thuộc xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình với trên 600 hộ dân. Từ năm 2011 đến năm 2015, làng Phao Thanh đã vận động nhân dân chung sức, đồng lòng, công đức để phục dựng hoàn chỉnh Đình. Đường đến khu di tích lịch sử Đình Phao Thanh giờ là những con đường bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, vườn tược trù phú, cho thấy đời sống dân làng ngày càng phát triển và giàu mạnh. Cụ Nguyễn Ngọc Kha phấn khởi chia sẻ thêm: “Hiện tổng hương lão trong làng là 325 cụ. Cụ cao tuổi nhất là 97 tuổi. Các ông trong làng đến tuổi 49 đều ra làm lễ hầu Đình. Đến mùng 6 tháng Giêng năm sau là 50 tuổi, được mặc áo the, khăn xếp, kết vào hương lão. Các tuổi vào đình, đều cung tiến hiện vật, góp phần tôn tạo Đình ngày càng khang trang, tố hảo. Năm 2020, tuổi 49 (sinh năm 1971) cung tiến đôi Rồng đá trị giá 35 triệu. Năm 2021, tuổi 49 (sinh năm 1972) cung tiến đôi Đèn đá, trị giá 30 triệu. Năm 2022, tuổi 49 (sinh năm 1973) cung tiến bình phong trước cửa đình, trị giá 60 triệu. Năm 2023, tuổi 49 (sinh năm 1974) cung tiến nghi môn cửa đình, trị giá 300 triệu”.

Cư dân nơi đây luôn nhận thức được tầm quan trọng của đình làng trong đời sống tinh thần, tâm linh và cứ đến ngày 12 tháng 10 âm lịch hằng năm, những người con đi làm ăn xa, đều sắp xếp để về dự lễ hội cầu hưng thịnh cho làng và bình an cho gia đình.

Ông Nguyễn Hồng Thăng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh, Trưởng ban Quản lí Khu di tích cho biết: “Với người dân, ngôi đình làng là niềm tự hào của họ. Với những người con đi làm ăn xa, đây là nơi họ luôn mong mỏi, nhớ về!”.

Đình Phao Thanh là nơi chứa đựng những giá trị vật thể và phi vật thể vô giá cần được lưu giữ và bảo tồn. Dù đã trải qua những đợt trùng tu, tôn tạo nhưng Đình không hề thay đổi về mặt kiến trúc, hoa văn. Đình không những là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ không gian văn hoá dấu xưa: nếp sống, phong tục, tập quán... cho làng.

Dưới làn nắng thu, ngôi đình cổ kính đứng đó, buông toả nét bình yên, êm ả cho vùng quê này và luôn mở rộng cửa đón chào quý du khách thập phương về vãn cảnh, tới cầu may.

Diễm Thư

4 đã tặng

3

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Nguyễn Thị Quỳnh quyn****@gmail.com

    Rất tuyệt vời

  • Phan Nguyễn Phan****@gmail.com

    Bài viết hay, giọng văn xúc tích, ngòi bút sắc sảo, tô điểm thêm sự uy nghiêm của Đình Phao Thanh. Thank tác giả nhiều.