Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa

Quốc hội khóa XV đã bắt đầu Kỳ họp thứ 7 từ ngày 20/5, dự kiến bế mạc ngày 28/6. Báo cáo của Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc nêu rõ thông điệp: Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với dự kiến tổng mức đầu tư trên 250.000 tỷ đồng.

Quang cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Quang cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Người dân còn nhiều khó khăn

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày ngay trong phiên Khai mạc Kỳ họp.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ khái quát.

Về kinh tế, Phó Thủ tướng nêu kết quả nổi bật là tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Bên cạnh kinh tế, theo Chính phủ, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được quan tâm, đẩy mạnh. Nhận định này được các cơ quan của Quốc hội đồng tình khi tiến hành thẩm tra.

Nhưng, Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra về kinh tế, xã hội) chỉ rõ, thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân còn một số tồn tại, hạn chế.

Xuất hiện tình trạng lao động xin nghỉ việc hàng loạt do tâm lý e ngại chính sách đối với người lao động thay đổi (về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, không có phụ cấp thâm niên…). So với cùng kỳ, số lượng người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng hơn 15%, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng gần 5%. Tỷ lệ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế có xu hướng tăng trưởng chậm, số người tham gia BHXH tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng do mức hỗ trợ từ NSNN cho người tham gia còn thấp so với khả năng đóng góp của người dân.

Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ chậm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế để phù hợp, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tháng 1/2023 . Chậm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm quyền của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh nhưng cơ sở vẫn thiếu thuốc. Vấn đề đấu thầu sinh phẩm, thiết bị y tế còn bất cập, các bệnh viện tuyến cơ sở gặp khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu, thẩm định giá… theo các quy định hiện hành. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trên vẫn tiếp tục diễn ra hiện chưa có giải pháp đột phá để giải quyết triệt để vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức ngày 20/5/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức ngày 20/5/2024

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng khi có vi phạm về nội dung có mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội, nhất là của những người có ảnh hưởng còn diễn ra.

Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, cạnh tranh

Đánh giá chung về những kết quả của cả năm 2023 và những tháng đầu năm nay, một trong những bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra là lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Đề cập nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, ông Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ xác định phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Tiếp tục thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đẩy mạnh quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, cạnh tranh. Triển khai ngay Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình) về phát triển văn hóa sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chương trình này, theo hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội thì được thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, thôn và một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), trong đó vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Chính phủ cũng dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng. Như vậy, cả hai giai đoạn là 256.250 tỷ đồng.

Thu xếp nguồn vốn này cũng là thể hiện định hướng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, dự kiến tổng vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 vẫn còn tương đối lớn.

Nhìn vào các mục tiêu cụ thể, Chương trình cũng đã thể hiện định hướng phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, cạnh tranh, đã được lãnh đạo Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Chính phủ xác định, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước và nâng tỷ lệ này lên 8% vào năm 2035.

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp chiều 21/5
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp chiều 21/5

Cụ thể, về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% tổng số lao động có việc làm trên cả nước.

Đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD), ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; ngành quảng cáo đạt khoảng 3,2 tỷ USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các di sản văn hóa tiêu biểu nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hoá chủ lực, có giá trị thị trường cao.

Ngoài ra còn có chỉ tiêu khác là, 3 sàn giao dịch thương mại các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng được hình thành và vận hành nhằm khuyến khích sáng tạo, phát triển thị trường; bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ và sáng tạo của công chúng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng và chiếm 12% tổng số doanh nghiệp đăng ký cả nước.

Hình thành các sàn giao dịch quyền tác giả, tác quyền

Nội dung nhiệm vụ cụ thể cũng đã được xác định tại Chương trình, như hỗ trợ phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, hệ thống các không gian văn hóa, sáng tạo trên cả nước, kết nối với các mạng lưới sáng tạo quốc tế. Xây dựng hệ sinh thái để liên kết giữa các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo, các không gian văn hóa và doanh nghiệp, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi, phát triển theo định hướng công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hỗ trợ các di sản công nghiệp chuyển đổi, tái thiết thành các không gian văn hóa, sáng tạo.  

Các đại biểu Quốc hội tham dự một phiên họp
Các đại biểu Quốc hội tham dự một phiên họp

Hình thành các sàn giao dịch quyền tác giả, quyền liên quan của các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Hỗ trợ phân phối sản phẩm các ngành công nghiệp văn hoá trên các nền tảng ứng dụng công nghệ số, truyền thông số, du lịch số,... cũng là nhiệm vụ được xác định tại Chương trình.

Trong phát triển nguồn nhân lực văn hóa thì tạo môi trường để các chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ tài năng và học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội, tài năng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được sáng tạo, cống hiến, rèn luyện phát triển tài năng là nội dung được đề cập.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình được chuẩn bị bảo đảm điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo nghị trình, sáng 3/6 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và hội trường về nội dung này vào chiều 6/6 và chiều 18/6.

Cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đã tổng hợp được 1.502 lượt ý kiến. Ông Chiến phản ánh, cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số đồng chí cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao. Đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng khi số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 1 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 6 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 17 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước