Út à… – Truyện ngắn. Sơn Trần
VNTN - 1.Cứ mỗi sáng thức dậy, khi vừa chui ra khỏi tấm mền kép rách tươm, cái đầu rối bù chưa kịp chải, câu đầu tiên của Tư bao giờ cũng là Út à…Út đâu rồi… Kêu riết thành quen. Mà cái người tên Út kia cũng lạ thật. Biết người ta nhớ mình, cần mình thì đứng sẵn trước cửa, hay làm gì cũng quanh đó thôi. Đằng này dăm bữa là quên, hoặc vô tình mà đi đâu mất, để Tư phải kêu toáng lên. Thành thử, mở mắt, gọi mà không nghe Út “ơi” là Tư thấy chột dạ, dáo dác tìm liền, có khi bật dậy chạy qua phòng bên. Nếu Út có ở nhà thì thế nào Tư cũng trách móc đôi câu rồi bỏ về phòng nằm tiếp. Là giận rồi. Còn khi cửa phòng của Út đóng kín, khóa bằng cái khóa cũ đã gỉ sắt thì Tư cũng vớt vát, buông một câu như đã mặc định, giờ này mà đi đâu vậy cà. Dù biết Út đi đâu, làm gì giờ đó. Bữa nay, Út dậy trễ nên te tái ra chợ mua nguyên vật liệu cho kịp nấu nồi chè đậu ván bán buổi trưa. Tuy vậy, Út cũng không quên sự hiện diện của người đàn ông bán vé số ở căn trọ liền kề, lúc Út dậy chùi xoong, chuẩn bị than củi, hắn còn ngủ mê mệt nên vừa đi Út vừa lẩm nhẩm điều gì đó. Tới chợ, Út không vô hàng đường bột như mọi lần mà rẽ qua hàng đồ ăn. Út đứng tần ngần trước mặt cô Năm bán cháo một chặp rồi mới đưa tay chỉ mấy khúc dồi non và miếng thịt ba chỉ, kêu cô Năm làm cho một tô đặc biệt, thêm nhiều hành và tiêu nữa. Cô Năm nheo mắt nhìn Út cười cười, ý chừng trêu chọc. Út thẹn thùng, cảm giác mặt nóng ran hỏi bâng quơ một câu gì đó không ăn nhập. Cô Năm phá lên cười, cho thằng chả hả nhỏ trước khi giao bịch cháo cho Út. Rồi cứ thế, ánh mắt tinh nghịch, trìu mến của cô Năm cứ đuổi theo cho đến khi Út khuất sau hàng rau củ.
Út à… Vẫn không nghe tiếng “ơi” hay ít ra một tiếng động gì đó để Tư biết Út có mặt quanh đây, đã nghe hắn gọi. Một sự im lặng bao trùm. Cả dãy trọ không một tiếng người. Đầu tuần nên chắc mọi người đi làm và trẻ con thì đến lớp. Tư cố ngồi dậy nhưng cái đầu như ai gắn thêm tảng đá, nặng và đau váng vất. Tư cố một lần nữa. Thấy chóng mặt và khô rát ở cuống họng. Tư nằm vật xuống, cặp mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà, ra điều nghĩ ngợi. Một thoáng thôi, Tư bật dậy thật nhanh, quên cả cơn đau đang hành hạ. Tư lật chiếc gối vá chằng bởi nhiều vụn vải ra. Xấp vé số hãy còn ở đó. Tư thở phào và gượng đứng lên nhưng cơn chóng mặt đã làm hắn loạng choạng, tay bíu nhanh vào vách tường. Hình như tối qua Tư nhậu và say. Tư nhớ lại và mồ hôi bắt đầu rịn ra khắp trán. Một cảm giác bất an khó tả ùa về. Chắc Út giận Tư mà bỏ đi đâu rồi. Út không thích đàn ông nhậu nhẹt, say xỉn. Út từng bảo rằng, nếu anh Tư mà uống rượu thì đừng làm bạn với tui nữa. Tư vò đầu bứt tai, trông thiểu não. Một cơn gió bất ngờ xô đến, cánh cửa đánh rầm một tiếng rồi mở toang. Lúc này Tư mới tỉnh hẳn và biết đích xác là tối qua hắn đi nhậu với thằng Nhiên cùng quê, lên đây bán mì gõ. Chỉ xị đế và mấy con khô thôi mà. Không, thằng Nhiên khoe vô mánh gì đó nên hứng chí kêu thêm mấy lon Sài Gòn thì phải. Bụng đang đói, Tư mới nhận xấp vé số từ đại lý bước ra, gặp nó ngoắc tay là tạt vô quán vỉa hè lai rai liền, uống gì mà chẳng say. Tệ thật, hèn gì Út giận bỏ đi mất tiêu rồi…
Út à… Lần này thì Út đã về và nghe Tư kêu nhưng Út không thèm lên tiếng “ơi” như mọi lần. Và cũng không thèm ngó Tư sống chết như thế nào. Nếu Út mà ghé mắt qua chỗ Tư đang ngồi tơ ngơ thì Tư cũng cố làm bộ đau khổ để Út động lòng, đằng này Út đi tuốt vô phòng. Không biết làm gì ở trỏng mà lâu vậy cà. Tư nhấp nhỏm muốn chạy vô coi thử nhưng thấy sao sao đó, nên ngồi nghệch mặt ra. Mấy con ranh phòng đối diện thấy vậy, chỉ trỏ làm Tư mắc cỡ không giấu đâu cho hết.
Rồi, Út cũng ra với Tư. Út không nói gì, mặt đanh lại, chắc cơn giận còn mắc ở cổ họng nên Út nói không được thì phải. Út chỉ đưa tô cháo lòng trước mặt Tư. Tư làm bộ làm tịch quay mặt đi chỗ khác, kiểu giận. Út lắc đầu, nở một nụ cười nhẹ rồi đem tô cháo đặt giữa nhà, nói trổng: Ăn đi cho lẹ, còn đi bán nữa, trưa trầy trưa trật rồi!
Tư giật mình như bị ai chích một luồng điện vào người. Chết cha, cả xấp vé hơn trăm chiếc chưa bán chiếc nào còn nằm kia. Tư liếc nhìn chiếc điện thoại cục gạch vứt lăn lóc nơi góc chiếu để coi giờ rồi húp lấy húp để tô cháo như người đói lâu ngày. Mọi động cử của Tư không qua được mắt người đàn bà nhỏ nhắn bán chè đậu ván đang kín đáo nhìn lén qua khe cửa sổ.
2. Thực ra Út không phải tên thật, mà chỉ gọi theo thứ, đứa con sinh sau nhất. Tên thật của Út rất hay, lại văn chương nữa. Thụy Miên. Tên hay nhưng ít mấy ai giải thích được nghĩa của nó là gì. Hỏi Út, Út chỉ cười, kêu cha là một đờn ca tài tử nổi tiếng nhưng lại thích nhạc Ngô Thụy Miên nên đặt tên cho đứa con gái út để làm kỉ niệm. Cả xóm trọ không ai học hành cao siêu nên gọi Út cho lành, Thụy Miên hay thiệt nhưng nghe sang trọng lại uốn miệng uốn lưỡi, không hợp lắm.
Út về xóm trọ mới gần được năm. Hỏi quê thì chỉ biết ở miền Tây chứ đích xác tỉnh nào, huyện nào thì Út không chịu nói. Ban đầu tiếp xúc với Út, Tư cảm thấy bực thiệt. Út ít nói, lại hay buồn. Hỏi, thích trả lời, không thì chẳng hé răng. Nhiều đêm, ghé tai sát vách, Tư biết Út khóc nữa. Tư đâm ra suy nghĩ và cố tình tìm hiểu. Út đi bán chè đậu ván, Tư lẽo đẽo theo sau. Út không ưa Tư làm vậy, nghiêm mặt, nói xóc óc. Tư cười hề hề. Mấy lần đều vậy. Út thua, đành cho Tư theo cùng nhưng với điều kiện Tư phải bán cho xong xấp vé số.
Quen biết được một thời gian, thấy Tư hiền, thiệt bụng nên Út mở lòng, cười nói nhiều hơn. Út có chồng cùng xã nhưng khác ấp, cách một con lộ, hai dòng kênh xáng mọc đầy cây bần và cánh đồng rộng nhưng chỉ làm được một mùa, mùa còn lại nước dâng cao, hoa điên điển nở vàng, nhức mắt. Nhà Út nghèo lại đông con, toàn con gái. Trên Út là ba người chị, việc gả chồng cho con đều được người cha nghệ sĩ nửa mùa định đoạt. Trong cuộc rượu với mấy gã trai hay bạn văn chương, đờn nhạc say xỉn, hứng lên là hứa hẹn, đại loại: Tao có con gái mày ưng không tao gả cho. Nói rồi cười hề hề và quên ngay, nhưng mấy người được ông gửi gắm thì cho là thiệt. Mà không thiệt cũng nghĩ là thiệt vì con gái miền này theo mai mối, nghe đâu lấy chồng Hàn, chồng Đài sắp hết. Mấy chị của Út cũng thế, đi biệt, chẳng thấy tăm hơi. Út lại hiền. Nghe cha nói vậy chỉ cười. Bữa Út đang lui cui nướng con cá lóc đằng sau bếp thì gã trai có cái ria mép đen như vết mực tàu quệt ngang ngồi xuống bắt chuyện. Gã còn phụ Út hái ớt giã muối. Trông cũng không đến nỗi nào. Gã nói chuyện rất có duyên, lại ca vọng cổ mùi nữa. Lòng Út cảm thấy chộn chạo, lén đưa mắt nhìn gã ôm cây đàn ca vọng cổ mà nghĩ mình đang nép người trong vòng tay của gã giống tích tuồng coi hồi nhỏ. Tàn cuộc, gã nán lại uống trà với cha. Tối mịt gã mới loạng choạng ra về. Cha bảo Út đem đèn pin rọi đường cho gã. Xuống bến, trước khi chèo ghe đi, gã còn bâng quơ cô Út đợi tui nghen. Giọng ngọt xớt đầm đìa cả giấc mơ.
Đám cưới sẽ được tổ chức vào cuối tháng. Út bất ngờ vì cho rằng việc lấy gã trai tên Toàn đó Út chưa xác định rõ, thêm nữa tình cảm của hai người chưa tới đâu. Gia cảnh nhà người ta, Út chưa tường. Họ mới chỉ ngồi bên bờ rạch mấy lần, rụt rè nắm lấy bàn tay run run chứ chưa hứa hẹn gì to tát. Gã ấy lại đi làm ăn xa, tới mấy con trăng tròn mới tạt về nhà một lần. Nhưng cha Út thì gia trưởng, đầy cảm tính, hối miết, Út đâm chán nản, đành phó mặc.
Út đi lấy chồng, nhà cửa vắng hoe. Bầy vịt thả rông theo con nước cũng trôi đi đâu hết. Ngồi tựa hàng ba, cha Út than ngắn thở dài rồi xuống xề mấy câu vọng cổ buồn nẫu ruột. Ông nghe phong thanh rằng con gái lấy phải thằng chồng nát rượu. Nó hay bị chồng rượt đánh một cách vô cớ. Đôi khi chỉ vì lỡ tay đánh rơi cái chén, hay cái muỗng va mạnh vào xoong tạo ra tiếng động mạnh cũng bị quát nạt. Thêm bà mẹ chồng nằm liệt giường, khó tính, hở chút là chửi. Cơm canh không vừa miệng là hất tung hất tóe. Út đều cắn răng chịu đựng. Người cha thương con, thấy xót lắm, muốn qua dẫn con gái về nhưng nó đang mang bầu, lại nữa nó giờ đã có chồng, là con cháu nhà người ta rồi. Ông buồn, hay uống rượu, khuya khoắt trộn cùng tiếng bìm bịp kêu sương là tiếng đờn cất lên xé nát cõi lòng.
Út phải về ở bên nhà sau lần đẻ non vì làm quá sức. Mấy công ruộng ngập nước mà mỗi mình Út cáng đáng. Gã chồng viện cớ bận việc không về nhưng thực ra theo gái. Út nghe mấy người gặt mướn đậu ghe ở bến cạnh nhà nói vậy. Út cũng chỉ cười, cái bụng đau âm ỉ. Út nhẩm tính, chưa đến ngày sinh mà, ừ mới hơn sáu tháng thôi. Út cố đem hết chỗ lúa này lên bờ, chứ sợ nay mai nước về thì trở tay không kịp. Gã chồng nghe tin vợ không giữ được đứa con nhưng vẫn không về, bà mẹ chồng thì chì chiết không tiếc lời. Út lủi thủi một mình một ghe vượt qua láng rộng trong đêm về nhà, nước mắt ngắn dài…
3. Khi Út vừa đặt gánh chè lên vai thì Tư cũng về tới đầu hẻm. Tư cười hề hề, mặt sáng rỡ. Chắc nay gặp mối hời, bán xong vé rồi. Thiệt tình cho cái tính thẳng đuột ruột ngựa, không giấu ai điều gì. Tư ngửa cổ tu một hơi cạn hết ly nước to rồi nhìn Út tỏ ý đi cùng. Út bảo anh nghỉ đi, Út đi một mình được rồi. Hôm nay nấu ít hơn mọi lần. Tư nài nỉ, cái mặt xụ xuống như trẻ con giận lẫy. Út gật đầu. Tư mừng quýnh quáng, ghé vai đỡ gánh chè cho Út.
Út à… Tư ngập ngừng khi Út vừa múc xong ly chè cho khách mang đi. Út không “ơi” mà nhíu mày nhìn Tư, vì trông hắn hôm nay lạ lắm. Tư lúng túng gãi đầu rồi thọc tay vào túi quần rồi lại rút ra đến mấy lần. Út thấy thế tức cười quá nhưng cố nén, hỏi đùa, anh định cho tui cái gì hả? Tư gật đầu lia lịa rồi mạnh dạn đưa tay vào túi, móc ra cái kẹp tóc bằng nhựa màu hồng. Lúc này thì Út không kiềm được nữa rồi, tiếng cười giòn rụm cất lên. Ai đời đã ba mấy bốn mươi rồi mà còn kẹp tóc, lại kẹp màu hồng nữa. Tư nghe Út cười thì ngạc nhiên dữ, tay chân lóng ngóng, miệng ấp úng gì đó rồi quay mặt, bỏ đi một nước.
Út dọn cơm, kêu mấy lần mà Tư không thèm nhúc nhích. Út biết tỏng tính Tư hay hờn nên cũng không thèm nài thêm. Út ngồi xuống ăn, cố tình khua khoắng cho Tư nghe. Nằm bên này, Tư nghe cả nhưng hắn nghĩ bây giờ qua thì ngại, thêm nữa tiếng cười của Út hồi chiều sao mà vô tâm quá, hay là Út khinh mình nghèo nên cười nhạo. Tư nghĩ ngợi lung lắm. Lại đói nữa. Ruột gan khó chịu thiệt. Mùi thức ăn khắp dãy trọ hình như xông lên, đều xộc vào mũi Tư thì phải, khiến nước bọt bắt đầu tứa ra. Đâu đó cái vị quen quen khó lẫn cũng lẩn quẩn khắp phòng. Tư nhớ ra rồi mùi canh chua nấu bông điên điển. Nghe thật gần mùi vị của ớt, của cá và vị đắng nhẩn của bông điên điển. Út nấu món này ngon lắm. Ngày xưa hắn cũng được má nấu cho ăn mỗi mùa nước nổi. Má nấu cũng ngon không kém. Má còn bày cho hắn cách chọn bông điên điển sao cho nấu canh được vừa ăn, không đắng không chua quá. Hắn cười cười, ủa con đâu phải là con gái mà rành chi ba cái vụ này. Mai mốt con có vợ thì vợ con nấu cho con chứ má lo gì. Má hắn nghiêm mặt, biết đâu mày cưới phải con vợ thành phố không biết lội đồng hái bông súng về làm nạm, không biết chọn bông điên điển nấu chua thì sao? Anh liệu cái thân đó.
Hắn nghe má nói vậy thì ra võng nằm đung đưa, nghĩ tới lúc mình có vợ thiệt thì sao nhỉ? Nhưng Tư chưa kịp thương trộm nhớ thầm đến ai thì má đã vội bỏ ra đi. Mà má cũng kì lắm, đi không nói một câu để khi hắn nghe tin chỉ biết há mồm, chết lặng. Nước mắt cố lắm mới rỉ ra từ hai khóe mắt đỏ ngầu. Nhà chỉ có hai má con, giờ má đi rồi Tư biết sống với ai. Má đi mang theo cái nhà mới vay mấy chục triệu dựng lên bên bờ sông, nửa phần nhà nằm trên mặt nước, đêm ngày nghe sóng ì oàm. Nói đúng hơn thì cái nhà ra đi đưa má đi cùng. Hôm ấy, Tư dậy sớm đi vô xóm kêu người ta mang hàng ra cho má bán. Lúc Tư đi ngôi nhà vẫn còn đó, ánh điện chênh chao trước ngọn gió mai thổi từ sông lên mát rượi. Vậy mà khi về, Tư thấy người ta xúm đen lại, cả dãy chục ngôi nhà đã đổ ùm xuống sông. Tiếng khóc, tiếng la, cả tiếng chửi rủa cái bọn neo xà lan hút cát bên kia, loạn cả khúc sông. Má đi khi bắt đầu con nước lớn. Tư buồn suốt nửa năm, mỗi chiều ngồi ngó dòng sông trôi mải miết, có khi tần ngần, có lúc đăm chiêu, rồi vừa ném từng viên sỏi xuống nước vừa nói chuyện với má. Nắng bao lần sạm da Tư, mưa bao ngày làm Tư ướt nhẹp, cảm sốt… Buồn, muốn quên nên Tư rời quê lên đây để không còn ám ảnh bởi khúc bờ bị lở, đổ ụp xuống sông mùa nước lớn.
Tiếng đóng cửa kéo Tư ngồi bật dậy như lò xo. Út đi đâu à? Hắn định chạy qua thì Út đã đứng ngay trước cửa. Trông hôm nay Út diện lắm. Hay Út đi xem kịch với ai? Tư vội lau giọt nước mắt còn đọng trên má. Út thấy hết, ngạc nhiên, rồi phân bua: Tui đi có chuyện, anh đói bụng thì qua ăn cơm. Vừa nói Út vừa đưa chìa khóa cho Tư. Tư ngần ngừ một lát rồi cầm lấy, môi mấp máy như muốn hỏi Út đi đâu giờ này nhưng không hiểu sao Tư mở lời không được. Út đi rồi thì Tư đứng ngồi không yên. Cơm canh Út phần Tư đậy ở góc phòng nhưng Tư không buồn ăn. Ngồi trước cửa phòng Út đợi mà lòng Tư ngổn ngang.
Út đến nhà cái người đăng quảng cáo muốn tìm người giúp việc theo giờ. Út muốn kiếm thêm tiền. Nghe Út nói vậy, Tư thở phào nhẹ nhõm nhưng rồi có gì đó ngắc ngứ khiến Tư không an lòng. Trông Út như vậy liệu rằng làm xuể không khi phải làm nhiều việc, cực lắm.
4. Đang nắng chang ấy vậy mà chặp chiều mưa đã xối xả, tựa như có bao nhiêu nước ông trời đều trút xuống thành phố hết vậy. Út về không kịp, ướt nhẹp. Tư sốt ruột ra đầu hẻm đón. Thấy Út, Tư đã cười toe. Gánh chè hôm nay còn nặng vai nên Út cũng không hồ hởi trước câu đùa của Tư. Tư biết thế nào tối nay cả xóm trọ đều được ăn chè miễn phí. Tư ghé vai đỡ gánh chè nhưng Út lắc đầu nên Tư cun cút theo sau. Nhìn cái dáng lầm lũi của Út mà Tư thấy thương chi lạ.
Tối, Út kêu Tư qua phòng có chút chuyện. Tư hồi hộp lắm vì không biết Út nói gì, có liên quan tới chuyện tình cảm của hai người không. Thực tình nhiều lần Tư muốn bộc bạch lòng mình, muốn hợp thức hóa mối quan hệ giữa mình với Út nhưng có vẻ Út lấn cấn điều gì đó. Tư đành chờ vậy.
Ngày kia Út về quê anh Tư à. Về lo giỗ ông già và cắt đứt quan hệ với người ta. Thì ra cha Út đã mất sau lần Út bỏ nhà người ta. Đau khổ, hối hận nghĩ mình là nguyên nhân gây nên bất hạnh cho con gái, ông đã sa vào rượu, uống cho quên sự đời. Và rồi hôm trời trở chướng, giữa bao la ruộng đồng, cha Út ra đi không quay về. Đến ngày thứ ba người ta mới vớt ông lên từ con kinh ngập đầy hoa bần rụng. Út lo tang ma cho cha xong rồi rời quê, như thể trốn chạy nỗi đau và tránh những đòn roi vô cớ của gã chồng, mỗi lần rượu vào là chèo ghe qua tìm Út.
Út rơm rớm nước mắt. Tiền kiếm được Út gói làm hai gói. Giỗ cha và đưa cho Tư trả tiền vay ngân hàng. Tư bất ngờ. Tư không biết nói gì cả. Út phân tích thiệt hơn. Út muốn ghé vai đỡ gánh nặng cho Tư, để Tư an tâm kiếm ăn, rằng… Tư hiểu lòng Út. Lúc này Tư muốn ôm Út vào lòng và nói một câu gì đó mùi mẫn, đại loại như cảm ơn Út, chính Út đã cứu vớt đời Tư nhưng không thể. Cửa phòng Út mở, mấy phòng trọ đối diện đèn còn chong, lối đi người qua kẻ lại nhiều. Lóng ngóng một chặp, Tư chạy về phòng mình lục túi xách giấu trong góc phòng. Một nắm tiền chẵn lẻ đều có, nhàu nhĩ. Út bảo, anh cất đi, để dành cho tụi mình nữa chứ.
Ừ hén, vậy mà tui nghĩ không ra. Tư ngây thơ buột miệng. Út nhìn Tư qua ánh đèn đang hắt từng luồng sáng dịu. Nồng nàn và trìu mến.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...