Từ triền núi cao hai mùa na kết trái
Trên triền núi đá cheo leo của xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, nơi đất trời dường như khắc nghiệt hơn, có những con người vẫn ngày đêm miệt mài gieo hy vọng. Câu chuyện của ông Kiều Thượng Chất không chỉ là hành trình 14 năm gắn bó với những trái na ngọt lành mà còn là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự cộng hưởng kỳ diệu giữa khoa học kỹ thuật và đôi bàn tay cần mẫn của người nông dân.
Bắt đầu từ câu hỏi “liệu có thể không?”
Đến nay, dù vụ na chính kết thúc đã ba tháng, vườn na của ông Chất vẫn đung đưa những trái na vụ hai giữa nắng ươm vàng. Thứ quả trái mùa ấy không chỉ ngon ngọt mà còn mang lại nguồn thu nhập tương đương vụ chính.
Quay ngược thời gian 14 năm trước, ông Chất và vợ đã bắt đầu trồng những gốc na đầu tiên trên triền núi đá sau khi nhận thấy nghề chụp ảnh dịch vụ của ông rơi vào thoái trào. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nhưng cây na, vốn chịu hạn tốt, lại tỏ ra thích nghi với vùng đất này. Cũng chính nhờ lý do đó mà cây na được trồng ở Phú Thượng nói riêng, ở Võ Nhai nói chung cho chất lượng thơm ngon vượt trội. Danh tiếng na Võ Nhai “bay” mỗi lúc một xa, được thị trường đón nhận và trở thành đặc sản địa phương.
Thế nhưng, với người trồng na, cả năm chỉ chăm cây chờ một mùa thu hoạch, còn lại là thời gian nghỉ dài tới 7 - 8 tháng. Trong khi đó, thu nhập từ một vụ na không thể đủ trang trải cho 12 tháng trong năm. Ông Chất tự hỏi: Liệu có cách nào để tận dụng quãng thời gian ấy, bắt cây na ra thêm một vụ nữa, để người trồng na có thể sống được nhờ na mà không phải đi ra ngoài tìm thêm công việc khác?”.
Từ câu hỏi ấy, ông Chất bắt đầu mày mò lên mạng tìm hiểu cách "đánh thức" cây na. Nhưng mọi thứ chỉ là lý thuyết. Năm 2018, ông thử nghiệm những phương pháp học được, nhưng kết quả không như mong đợi. Những quả na đậu rồi lại rụng, số ít còn lại bị sâu bệnh cắn phá.
Không biết bao nhiêu ngày ông quên ăn, chỉ ngồi dưới gốc cây na mà ngẫm ngợi và thử nghiệm. Những ngày dài miệt mài thử nghiệm dưới cái “nắng tháng Tám rám trái bòng” của vùng núi đá gần như làm ông kiệt sức. Nhưng ý chí của người nông dân không cho phép ông bỏ cuộc.
"Hướng dẫn trên mạng thì có, nhưng mỗi nơi một kiểu, không cụ thể, nên tôi gặp nhiều thất bại trong quá trình thử nghiệm," ông cười nhẹ, ánh mắt ánh lên sự kiên trì.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông nhận ra để làm được na vụ hai thì yếu tố quan trọng nhất là nước tưới. Nhưng dẫn nước lên đồi lại không dễ dàng. Ông nhẩm tính, chi phí tối thiểu để đầu tư hệ thống tưới cho mỗi hecta na là hơn 40 triệu đồng. Với 2,5 hecta na, gia đình ông cần một khoản kinh phí lớn, lên tới cả trăm triệu đồng, một khoản tiền quá lớn với người nông dân như ông…
"Khó, nhưng không thể không làm nếu muốn tạo ra sự đột phá," ông trăn trở. Vợ chồng ông bàn bạc, xoay xở đồng vốn và quyết tâm đầu tư.
Như “nắng hạn gặp mưa”, cuối năm 2021, ông được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đến thăm mô hình, khảo sát và đề nghị hỗ trợ 40% để gia đình ông đầu tư hệ thống tưới lên đồi na. “Mừng quá, tôi đồng ý luôn. Vụ na năm ấy thu được bao nhiêu, vợ chồng tôi đập vào làm hệ thống tưới hết” - ông Chất kể.
Nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ đã giúp gia đình ông hoàn thiện hệ thống ống dẫn nước lên đồi. May mắn hơn, đúng thời điểm nghiệm thu công trình tưới tiêu, ông lại được đón đoàn khảo sát của Chi cục Khuyến nông. Nhờ có hệ thống tưới nước, diện tích trồng na của vợ chồng ông Chất đạt các tiêu chí để tham gia Dự án: "Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên", giai đoạn 2021 - 2024.
Ánh sáng từ nguồn hỗ trợ của nhà nước
Tham gia dự án, ông Chất được cấp phát vật tư, được đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công trong việc làm na rải vụ ở tỉnh bạn, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác từ kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa cành, thụ phấn nhân tạo cho na, đến kỹ thuật hướng quả trong thân cây.
Ông chia sẻ: Để có na vụ 2, tán cây na phải được tỉa thưa để ánh nắng lọt xuống kích thích nảy mầm trên cành. Khi các mầm đủ già, thân chuyển sang màu nâu gỗ, ta mới tiến hành cắt chỉ để lại 2 - 3 mắt, đồng thời tuốt lá. Những mầm mới sẽ phát triển từ những mắt ta để lại, từ đó ra nụ hoa và sau đó đậu quả.
Ông tâm đắc: Tôi nghiệm ra, làm gì thì làm, hiện đại đến đâu thì kinh nghiệm các cụ nhà ta đã đúc rút từ ngàn xưa vẫn luôn đúng, là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố này, chắc chắn sẽ thành công.
“Tuy nhiên - ông nói thêm - Đi học tập kinh nghiệm, dù các mô hình ấy có tương đồng với mô hình của mình ở nhiều nhẽ thì cũng không thể áp dụng 100% được. Chỉ có người trồng, hàng ngày chăm sóc mới có thể hiểu rõ cây trồng của mình nhất. Thế nên, để tạo ra hiệu quả cao nhất, vừa học hỏi mình vừa cần phải chọn lọc và cải biến sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình”.
Rồi ông “bật mí”: Hai năm nay, tôi cải tiến phương pháp lấy phấn. Tôi học theo cách lấy phấn của nông dân Đài Loan, thay vì lấy phấn tươi (lên vườn hái hoa và thụ phấn ngay) như mọi người và bản thân tôi trước đây vẫn làm, tôi lấy phấn từ chiều hôm trước về ủ cho hạt phấn chín, sau đó rũ hạt phấn ra rồi mới mang đi thụ. Phương pháp này giúp quả na phát triển cân đối, quả tròn và có khả năng to hết cỡ, mã đẹp, rất bắt mắt. Bên cạnh đó, tôi chọn bón cho cây bằng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học cao cấp để cây phát triển bộ rễ khoẻ mạnh. Đồng thời bọc túi bảo vệ cho quả nhằm tránh sâu bệnh và quan trọng nhất là cách quản lý thời điểm ra hoa, đậu quả để có vụ na thứ hai đạt năng suất.
Ông chất cho biết, dù sản lượng na vụ 2 chỉ chiếm khoảng 50 - 70% sản lượng na vụ 1 nhưng thu nhập mang lại tương đương, hoặc ít hơn cũng bằng khoảng 90% thu nhập so với na chính vụ.
Đứng trên đồi cao, giữa những tán na xanh ngắt, chợt có cơn gió khe khẽ len lỏi qua những tán lá, mang theo hương thơm dịu ngọt phảng phất, như thể rừng núi nơi đây đang thì thầm những bí mật riêng của mình. Tôi hít một hơi thật sâu, cảm nhận hương thơm tràn ngập lồng ngực, rồi tò mò hỏi ông Chất: “Đó có phải là mùi hoa của một loại cây rừng nào không?”.
Ông Chất mỉm cười hiền lành, ánh mắt đầy thông cảm: “Hoa na đấy!” Ông vừa nói vừa đưa tay ra hiệu mời tôi tiến lại gần, dẫn lối tới nơi mùi thơm quyến rũ ấy phát ra.
Bước tới dưới những tán cây, ánh mắt tôi lập tức bị hút chặt vào những quả na to chẳng khác nào hai bàn tay úp lại, căng mẩy và xanh mướt. “Đây là na dứa Đài Loan,” ông Chất giới thiệu, giọng đầy tự hào.
Ông ngắt một bông hoa từ tán cây, đưa nhẹ về phía tôi. Khi bông hoa vừa chạm vào tay, một mùi hương đậm đà, nồng nàn hơn hẳn hương thơm ban đầu ùa thẳng vào khứu giác, khiến tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên tôi biết hoa na lại có thể thơm đến như vậy. Hương thơm ấy dường như gói ghém cả sức sống mãnh liệt của đất trời, hòa quyện với sự tinh khôi của núi rừng, lưu lại trong tâm trí tôi một ấn tượng khó phai.
Ông Chất chậm rãi giải thích thêm: bên cạnh giống na dai truyền thống vốn quen thuộc với người dân địa phương, ông đã mạnh dạn trồng xen thêm hàng trăm gốc na Thái Nữ Hoàng, na dứa Đài Loan và cả giống na Sầu Riêng - những loại cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao.
Đây là những giống na cho năng suất vượt trội và còn có thời điểm thu hoạch không trùng với na truyền thống. Điều này không chỉ giúp tránh tình trạng "được mùa mất giá" mà còn đảm bảo gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, trải đều trong cả năm.
Giờ đây, đồi na của ông Chất không chỉ là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn như vết dầu thơm lan rộng ra cả vùng. Ông cho biết: Khi được chọn tham gia Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, tôi đã vận động thêm 2 hộ nữa cùng thực hiện. Vừa làm, chúng tôi vừa cùng nhau trao đổi, giúp đỡ nhau. Từ 3 hộ với 1,5 ha nằm trong dự án ban đầu, đến nay, cũng là thời điểm kết thúc dự án, tổng diện tích na áp dụng làm na vụ 2 của khu vực chúng tôi đã phát triển lên 20 ha.
Đặc biệt, do có thể điều chỉnh thời vụ nên chúng tôi vừa làm vừa “nhìn nhau”, người làm sớm hơn, người làm muộn hơn một hai tuần. Nhờ vậy, có thể chủ động để lượng na khi được thu hoạch bán ra thị trường không bị cùng thời điểm, hàng dễ bán, cũng không lo bị ép giá.
Những trái na vụ 2 ngọt thơm, căng mọng vươn mình đón nắng chính là minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy của người nông dân trên vùng đất khó. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, ông Chất và những người nông dân dám nghĩ, dám làm như ông đã biết cách “đồng hành” cùng thiên nhiên, khéo léo sử dụng kiến thức và công nghệ để tối ưu hóa giá trị của từng tấc đất, từng gốc cây trồng.
Trước khi mang na xuống núi ông Chất nhìn về phía chân núi, nơi có những ruộng lúa xanh mướt, mỉm cười: Làm nông dân ngày nay không chỉ cần cần cù, mà còn phải biết học hỏi và dám làm. Cây na đã cho tôi một cuộc sống ổn định, nhưng hơn cả, nó dạy tôi cách thay đổi để tốt hơn.
Nhìn vợ chồng ông Chất mỉm cười rạng rỡ, đôi vai vững chãi gánh những gánh na nặng trĩu từ triền núi xuống, tôi nhận ra câu chuyện của họ vượt lên trên thành công của một gia đình, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao. Đây là minh chứng sống động rằng khi người nông dân biết tận dụng sức mạnh của khoa học kỹ thuật, áp dụng đúng cách và phù hợp với thực tế, họ có thể biến những điều tưởng chừng không thể thành hiện thực, mở ra con đường mới đầy hứa hẹn cho chính mình và những người xung quanh.
Đúng như lời ông Chất: “Na ngon là nhờ đất, nhưng để có hai mùa na, tôi biết mình phải nhờ thêm kiến thức”. Lời nói giản dị mà thấm đượm cả một triết lý làm nông nghiệp hiện đại.
Hành trình đi tìm mùa na thứ hai của ông Chất là một bài học quý giá về cách người nông dân hôm nay vượt qua giới hạn của tự nhiên, là khúc ca đẹp về sức sống và nghị lực của những người “một nắng hai sương” với khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ vào khoa học kỹ thuật và tri thức.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...