Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:55 (GMT +7)

Từ Ngày sách Việt Nam nghĩ về văn hóa đọc hiện nay

Ngày Sách và văn hóa đọc năm nay được các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức với rất nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động này, nhiều người vẫn cho rằng, việc tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Bitmap in 42-43.cdr
Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2024 được Thư viện tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Trường THPT Tức Tranh (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các em học sinh

Ngồi gỡ từng quyển sách được gắn chặt bởi băng dính để trưng bày trong ngày hội sách và văn hóa đọc diễn ra vừa rồi của nhà trường, cô bạn tôi là giáo viên trường THCS phàn nàn: Tôi là người được nhà trường giao trực tiếp tham gia xây dựng từ ý tưởng, tổ chức cho các lớp thi trưng bày sách nhưng thấy chưa hiệu quả lắm. Điều cốt lõi là giúp học sinh yêu thích sách và tìm đến sách để đọc thì hầu như chưa đạt được.

Năm nào công tác chuẩn bị, tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc cũng khiến cô bạn của tôi khá bận rộn. Nhà trường giao cho các giáo viên trẻ tập hợp trưng bày một gian sách chung để ở vị trí trung tâm. Những cuốn sách được huy động tối đa. Sách càng mới, càng dày càng tốt. Những cuốn sách lịch sử Đảng bộ, kỷ yếu,… với độ dày và sự chắc chắn đa màu sắc được ưu tiên số một để trang trí tầng tầng lớp lớp với nhiều kiểu cách khác nhau. Mỗi lớp học kê một chiếc bàn và trên đó được sắp xếp ngay ngắn các cuốn sách theo từng ý nghĩa khác nhau. Có lớp thì trang trí hình bản đồ Việt Nam, lớp thì trang trí hình quạt giấy, hình ngôi nhà…. Có những lớp đầu tư trang trí thêm các vật dụng trông khá bắt mắt.

Kết thúc ngày hội sách, điều đọng lại là những bức ảnh chụp bên bàn trưng bày sách đăng lên mạng xã hội. Những cuốn sách lại được cất gọn vào một góc đợi ngày sách sang năm lại được mang ra trưng bày. Phần giới thiệu sách được các lớp trình bày khá đơn giản, hầu hết đều là những bài giới thiệu mẫu tải về từ trên mạng chứ không phải là cảm nhận thực tế sau khi trực tiếp đọc cuốn sách cho nên ít  tạo ấn tượng với người nghe.

Thực tế, văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống tinh thần của mỗi người và cộng đồng xã hội, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Mục đích là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng và phát triển xã hội học tập.

Ngày Sách Việt Nam (21/4) trên địa bàn tỉnh được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, thiết thực, đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường niên, được cộng đồng xã hội đón nhận và tôn vinh. Các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, ban ngành, sinh hoạt văn hóa, chính trị của từng cơ quan, đơn vị và đặc thù riêng của từng địa phương, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của công chúng. Nhiều địa phương xây dựng các tủ sách đặt tại các nhà văn hóa; các trường học, lớp học cũng xây dựng tủ sách, có giờ ngoại khóa cho học sinh đọc sách,... Ngày Tết, nhiều người đã bắt đầu thay lì xì tiền bằng lì xì các cuốn sách hay, ý nghĩa,... Tất cả dần tạo ra cho mọi người nguồn tài liệu tham khảo hết sức phong phú và đa dạng.

Hiện nay, các trường học cũng là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc và là nơi nuôi dưỡng tình yêu sách với thế hệ trẻ. Hiểu được điều đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư, xây dựng thư viện, thư viện xanh, khuyến khích việc đọc bằng việc bố trí những giờ đọc sách, phát động tuần lễ đọc sách, thi giới thiệu sách trong các hoạt động ngoài giờ…

Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, Facebook, Youtube… việc đọc sách của mỗi người bị ảnh hưởng không nhỏ. Xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách đang hiện hữu khá rõ nét. Đọc sách cần phải được tạo dựng như một thói quen cần được lan tỏa. Khi trong một gia đình, nếu bố mẹ đọc sách, con cái cũng sẽ đọc sách. Trong lớp học, thầy cô, bạn bè đọc sách thì bản thân các bạn trẻ có động lực để đọc sách. Tôi còn nhớ khi còn học phổ thông, thế hệ 8x chúng tôi thường chờ đợi, mong ngóng hết giờ học thật nhanh ra bưu điện gần nhất để mua cuốn Hoa học trò hay chờ một tập truyện mới ra, lần lượt đọc và chuyền tay nhau…

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, vẫn còn thực trạng có nhiều tủ sách được đầu tư, trang bị lại không được quan tâm khai thác, sử dụng, mà chỉ mang tính tượng trưng, chưa thu hút được người đọc; mặt khác cơ sở hạ tầng, đầu sách nhiều nơi còn èo ọt, ít được cập nhật; cùng với đó văn hóa đọc đang chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đòi hỏi người đọc phải lựa chọn cho mình hình thức phù hợp.

Thiết nghĩ, để việc đọc sách trở thành thói quen tốt trong xã hội, các cấp ngành, cơ quan đơn vị, đặc biệt là các nhà trường và mỗi gia đình cần tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tủ sách gia đình, dòng họ, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hệ thống thư viện của các cơ sở giáo dục đào tạo, các phòng đọc, tủ sách cơ sở của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Trong đó, đặc biệt cần quan tâm đầu tư về trang thiết bị và đầu sách, tạo ra cho mỗi người nguồn tài liệu bổ ích, phong phú. Rèn luyện thói quen đọc sách, quý sách sẽ giúp mỗi người biết cách lựa chọn sách yêu thích, lĩnh vực yêu thích, đam mê, để tích nhặt những kiến thức đang thiếu, đang cần.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy