Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
06:18 (GMT +7)

Từ một diễn đàn văn chương online nghĩ về hoạt động của các hội văn học nghệ thuật

1Cuối tháng Tư, hàng trăm người yêu văn chương cả nước hội tụ về Hà Nội để tham dự một sự kiện có tên là Hội Quán Chiêu Văn.

Bạn đọc Văn nghệ Thái Nguyên hẳn đã biết, vừa mới đây Diễn đàn văn chương online Quán Chiêu Văn là đối tác phối hợp của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của hàng chục nghìn người yêu thơ, đã có hơn 500 người tham dự với nhiều tác phẩm chất lượng. Ban tổ chức cuộc thi đã tổng kết và trao giải vào đúng Ngày thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng, bộ tác phẩm đoạt giải thưởng của 11 tác giả nhận được sự đồng tình và trân trọng của đông đảo người theo dõi.

Nhà tài trợ trao quà cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi truyện ngắn trẻ 2021 của

Quán Chiêu Văn. Ảnh: Group Quán Chiêu Văn

Được thành lập ba năm trước bởi một nhóm Facebooker, Quán Chiêu Văn hiện là một trong các diễn đàn văn chương lớn và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Việt Nam, với hơn 31 nghìn thành viên, gồm những người Việt đang sinh sống, lao động và học tập ở gần 70 nước trên thế giới. Lấy tinh thần “thân thiện, vui chơi và học tập” làm cốt lõi, định hướng hoạt động là hướng ra công chúng, lan tỏa những giá trị văn chương đến cộng đồng ngoài diễn đàn, người tham gia không phân biệt vùng miền, độ tuổi, nghề nghiệp, công việc..., cũng không phân biệt người đã biết viết văn hay chưa biết viết. Chỉ cần yêu thích văn chương, chấp nhận những qui định của diễn đàn là được mời vào sinh hoạt, không bắt buộc phải viết bài, không phải đóng góp bất kỳ thứ lệ phí nào.

Theo nhà báo Trịnh Đình Nghi - thành viên sáng lập mà các thành viên khác trìu mến gọi là Cụ Chủ Quán - Quán Chiêu Văn hoạt động trên nguyên tắc tự do, tự nguyện. Việc tham gia, đóng góp xây dựng đều được chung tay trên nền tảng tình yêu văn chương, sự thân thiện và tự nguyện. Chính vì là một sân chơi tự nguyện nên việc quản trị và vận hành mọi hoạt động đều đề cao tính thân thiện và ý thức cộng đồng, văn hoá ứng xử và tinh thần cống hiến.

Quán Chiêu Văn dù hoạt động chủ yếu trong môi trường không gian mạng nhưng được tổ chức rất chặt chẽ, quy củ, khoa học, không kém gì một Hội đặc thù. “Quán” được điều hành bởi một Ban quản trị gồm các thành viên tâm huyết, có năng lực tổ chức ở nhiều lĩnh vực và hoàn toàn không hưởng bất kỳ một đồng thù lao nào.

Tất cả những hoạt động của Quán Chiêu Văn đều hướng đến mục tiêu học tập và trao đổi văn chương, lan tỏa những giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần đến cộng đồng, chia sẻ tình yêu cuộc sống và mang lại lợi ích từ tiếp thu tri thức, chuyên môn, kỹ năng... cho đến cả lợi ích kinh tế cho thành viên thông qua giới thiệu tác phẩm và hoạt động cộng đồng.

Với nguyên tắc tổ chức và mục đích hoạt động ấy, chỉ trong vòng 3 năm qua Quán Chiêu Văn đã tổ chức gần 20 cuộc thi sáng tác văn học với những quy mô khác nhau, xuất bản nhiều đầu sách; có gần 800 tác phẩm của thành viên được đăng tải trong các cơ quan báo chí văn nghệ trong và ngoài nước, hơn 70 thành viên được kết nạp vào các Hội VHNT trung ương và địa phương.

Không chỉ hoạt động văn chương, Quán Chiêu Văn còn tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện rất tích cực và hiệu quả như: xây tặng nhà tình nghĩa cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Nghệ An, gửi tặng 1.000 cuốn sách, 2.000 bộ quần áo, 300 đôi giày tất cho học sinh các trường vùng sâu vùng xa tại các tỉnh Lai Châu - Sơn La - Nghệ An; ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt tại Hà Tĩnh - Quảng Trị 12.000 cuốn vở, 2.000 bộ quần áo, 200 bộ chăn màn và 150 triệu đồng tiền mặt.

Uy tín và ảnh hưởng xã hội của Quán Chiêu Văn ngày càng lan rộng trong cộng đồng văn chương nước nhà. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo... là những tác giả đã thành danh, tên tuổi được đông đảo công chúng biết đến như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Văn Công Hùng, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thuý, Đoàn Văn Mật, Bình Nguyên Trang, Phạm Thuỳ Vinh, Hoàng Anh Tuấn,... đang là những thành viên tích cực của diễn đàn này.

Trong dịp Hội Quán ngày 25/4 vừa rồi, nhân kỷ niệm 3 năm thành lập, Quán Chiêu Văn đã đón nhận chứng nhận nhãn hiệu bản quyền Quán Chiêu Văn của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tổng kết Cuộc thi truyện ngắn trẻ 2020 - 2021, ra mắt các ấn phẩm mới phát hành và ra mắt các Chi hội Quán Chiêu Văn. Tất cả các thành viên tham dự đều tự nguyện đóng góp chi phí cá nhân, các chi phí khác cho công tác tổ chức sự kiện đều do Ban Quản trị vận động các nhà tài trợ ủng hộ.

Hàng năm Chính phủ đều có chương trình hỗ trợ sáng tạo dành cho hội viên các Hội VHNT, nhưng đời sống VHNT vẫn thiếu vắng các tác phẩm chất lượng cao. (Ảnh mang tính minh họa).

2Mô hình hoạt động của Quán Chiêu Văn đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng tôi, những người làm công tác hội VHNT phải suy nghĩ.

Tại sao một cộng đồng mạng, không thuộc về một tổ chức hội đoàn nào, không có biên chế, không được nhà nước hỗ trợ kinh phí thường xuyên, kinh phí hoạt động, không nhận được bất cứ sự ưu đãi nào từ chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm VHNT của Chính phủ,... lại làm được những việc mà như nhà thơ Văn Công Hùng nói, “những gì mà Quán Chiêu Văn đã làm trong hai năm thì có những hội VHNT địa phương phải làm trong mười năm”; lại nhanh chóng tạo được ảnh hưởng xã hội rộng lớn như vậy?

Không chỉ có Quán Chiêu Văn. Quanh chúng ta, từ thế giới ảo đến thế giới thực, có hàng nghìn hội nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, tầng lớp xã hội... Họ kết nối với nhau bằng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn học nghệ thuật. Họ được tổ chức lại bằng những người đứng đầu có uy tín và kinh nghiệm. Họ góp với nhau từng đồng tiền nước, suất ăn trưa, đến chi phí xuất bản các ấn phẩm, tổ chức chương trình nghệ thuật mà họ vừa là diễn viên vừa là khán giả của nhau.

Còn các hội VHNT của chúng ta, nhất là hội địa phương, thì sao?

Thì có tất cả: biên chế, kinh phí (dù ít dù nhiều), cơ chế đặc thù, vị thế xã hội. Nhưng chúng ta đã sử dụng tất cả những lợi thế ấy như thế nào? Ảnh hưởng của chúng ta đến đâu, ngay ở chính địa bàn hoạt động của mình? Đặc biệt là việc đánh thức các tiềm năng của xã hội, khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo của từng cá nhân, huy động các nguồn lực tinh thần và vật chất, biến các hoạt động văn học - nghệ thuật trở thành niềm hứng thú, công việc và trách nhiệm được tham gia của các thành viên trong và ngoài tổ chức hội.

Gọi việc làm này bằng một cách gọi khác, đó chính là xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật. Đó không chỉ là một nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao trong các chủ trương, nghị quyết, chính sách về VHNT, mà còn là phương thức tối ưu trong đổi mới hoạt động VHNT.

Nhìn từ Bắc vào Nam thì thấy, xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật tuy được một số hội VHNT thực hiện khá tốt nhưng về cơ bản vẫn là mảng yếu nhất của các hội VHNT địa phương. Không chỉ với các vùng miền ngoại vi mà ngay khu vực trung tâm, các đô thị lớn cũng rất khó thực thi. Nếu có làm thì cũng lúng túng “như gà mắc tóc”.

Với tư cách là người trong cuộc, “bắt bệnh” sự chậm trễ thụ động, lúng túng của các hội VHNT địa phương trong thực thi chủ trương xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, tôi cho rằng có lẽ thói quen được bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, là lực cản lớn nhất. Thói quen này có ở cả hai phía: những người lãnh đạo quản lý các hội, và đội ngũ hội viên.

Sinh ra và được nuôi dưỡng bởi cơ chế cũ, sau 35 năm Đổi Mới tuy có thay đổi ít nhiều theo sự vận động chung của toàn xã hội, nhất là gần đây khi chuyển sang cơ chế nhà nước đặt hàng, nhưng tư duy “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” trong tổ chức bộ máy và đông đảo hội viên các hội địa phương vẫn còn khá sâu đậm.

Tư duy ấy luôn có xu hướng triệt tiêu nhu cầu đổi mới, hạn chế động lực cải cách. Nó khiến những người lãnh đạo quản lý các hội trở thành các “quan chức hành chính”, điều hành tổ chức và hoạt động hội theo những lối mòn cũ kỹ năm này qua năm khác, không quan tâm đến nhu cầu thực sự của công chúng. Nó khiến hội viên các hội duy trì mãi nếp nghĩ “vào hội để được hưởng lợi từ sự ưu đãi của nhà nước” (như được đầu tư, được đi thực tế, đi giao lưu đó đây...) mà xem nhẹ trách nhiệm cá nhân trong sáng tạo và cống hiến, thiếu tinh thần ghé vai gánh vác, đóng góp cả tinh thần và vật chất cho các hoạt động chung. Thậm chí, nó khiến chúng ta có phần nào đó đã trở nên tự phụ, tự kiêu, thiếu bình đẳng với các cộng đồng khác trong sự nghiệp kiến tạo các giá trị tinh thần cho xã hội.

Sự nở rộ của các câu lạc bộ, hội nhóm, diễn đàn... trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trong khoảng hai chục năm qua cho thấy nhu cầu rất lớn của cá nhân và xã hội đối với hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Nay, với sự trợ giúp vô điều kiện của truyền thông số và mạng xã hội, sự khá giả về đời sống vật chất, cộng thêm những nhà tổ chức tài ba, dẫn dắt thành viên đi đúng con đường họ cần đi, “lan tỏa những giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần đến cộng đồng, chia sẻ tình yêu cuộc sống và mang lại lợi ích từ tiếp thu tri thức, chuyên môn, kỹ năng... cho đến cả lợi ích kinh tế cho thành viên” như Quán Chiêu Văn, thì sức mạnh của các cộng đồng “phi chính thống” (người viết xin tạm gọi như vậy dù chưa hài lòng với cách gọi này) này dường như là không giới hạn.

Nếu các hội VHNT địa phương chúng ta không thích nghi với thực trạng đó, để phát huy lợi thế của mình - về mặt cơ chế, tổ chức bộ máy, con người, kinh phí, vị trí xã hội, thậm chí nếu không khiêm tốn tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các hội nhóm “phi chính thống” hoạt động hiệu quả, từ đó xem sự cống hiến cho công chúng làm động lực sống còn để đổi mới và sáng tạo... thì chúng ta rất dễ bị bỏ lại phía sau, bị thất bát trên chính đất đai của mình. Thực tế thì khá đông chúng ta đã bị bỏ lại phía sau rồi. Chỉ là có dám nhìn thẳng vào thực tế ấy để chủ động thay đổi, đừng để bỏ lại xa hơn mà thôi

Nguyễn Thúy Quỳnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy