Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:39 (GMT +7)

Từ đội ngũ sáng tác, nghĩ về sự vận động của thơ Thái Nguyên

Để làm nên diện mạo một nền, một vùng văn học, lực lượng sáng tác là yếu tố căn cốt, mang tính quyết định. Lực lượng sáng tác phải đông đảo, đủ mạnh mới tạo ra một phong trào với những đặc điểm, đặc trưng và hành trình vận động riêng biệt. Nếu như văn học giai đoạn 1930 - 1945 chỉ có vài ba tác giả như Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ… thì làm sao tạo ra được phong trào thơ Mới với cuộc cách tân kỳ vĩ trong lịch sử thơ Việt. Văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) cũng vậy, nếu chỉ có vài nhà thơ lớp trước như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng… thì không thể làm nên một nền thơ nhiều thành tựu đến vậy.

Hội thảo "Thơ lục bát Thái Nguyên" năm 2019

Tỉnh Thái Nguyên là Thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc từ sau 1954. Vì vậy, Thái Nguyên đã sớm được thừa hưởng thành tựu và không khí thơ ca của trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị vùng Việt Bắc khi lực lượng sáng tác chủ yếu tập trung ở nơi này. Năm 1965, tỉnh Bắc Thái được thành lập từ sáp nhập hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên nhưng lực lượng sáng tác thơ tại Bắc Kạn rất mỏng, người làm thơ hầu hết đều sinh sống và làm việc ở thành phố Thái Nguyên.

Mặt khác, Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do đó, Thái Nguyên có mặt bằng tri thức và văn hóa khá cao so với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Điều này khiến cho mặt bằng thơ Thái Nguyên được nâng cao.

Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi ấy chỉ đủ để tạo ra một nền thơ rộng, còn để tạo ra những nhà thơ tầm cỡ thì cần phải có những thi tài đích thực, cần phải có thời gian và thậm chí cả một chút duyên may.

Nếu tính từ 1999 trở về trước thì tỉnh Thái Nguyên không có một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nào được kết nạp từ Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong khi đó, số lượng hội viên trong Chi hội Thơ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Đây là một thực tế rất cần được ngẫm suy và đánh giá một cách thấu đáo. Điều thú vị là mặc dù không vào Hội Nhà văn Việt Nam bằng con đường thơ nhưng nhiều nhà văn Thái Nguyên lại rất yêu mê thơ, sáng tác nhiều và xuất bản thơ cũng không ít.

Tính từ khi thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnhThái Nguyên đến năm 1999, chưa một tác giả thơ nào của Thái Nguyên đoạt giải trong các cuộc thi thơ có chất lượng cao trên phạm vi cả nước. Điểm sáng duy nhất là năm 1993, nhà thơ Võ Sa Hà đã lọt vào vòng chung khảo CUỘC THI THƠ HAY do báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức, sau đó còn có một bài lọt vào vòng 100 bài thơ hay nhất của cuộc thi ấy, đã được xuất bản thành một tập thơ riêng.

Bước sang thế kỷ XXI, thơ Thái Nguyên bắt đầu tỏa sáng với sự xuất hiện của hàng loạt cây bút. Tiêu biểu nhất là 3 tác giả: Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Thị Bạch Liễu. Trong 10 năm đầu thế kỷ XXI (2000- 2010), 3 tác giả này liên tiếp thu hái được những thành tựu thơ đáng nể từ các cuộc thi thơ được đánh giá là có chất lượng cao nhất của quốc gia. Nguyễn Thúy Quỳnh - giải C cuộc thi thơ do Tạp chí Văn Nghệ Quân đội tổ chức năm 2004. Lưu Thị Bạch Liễu - giải A và Võ Sa Hà - giải B cuộc thi thơ tình do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trên báo Văn nghệ Trẻ trong 2 năm 2006 - 2007. Võ Sa Hà - giải Khuyến khích cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 2008. Và đây cũng là 3 tác giả đoạt được những giải thưởng thơ cao nhất cho giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm do UBND tỉnh Thái Nguyên trao tặng trong suốt 20 năm qua.

Điều thú vị là cả 3 tác giả này đều được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ Hội đồng Thơ: Nguyễn Thúy Quỳnh - 2005, Võ Sa Hà - 2008, Lưu Thị Bạch Liễu - 2018. Ngoài ra còn có cố thi sĩ Thế Chính cũng được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp qua tuyển chọn từ Hội đồng Thơ năm 2014.

Bên cạnh những thành tựu ấy, cũng phải khẳng định rằng thơ Thái Nguyên đoạt được nhiều giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mà tôi không thể thống kê và kể ra hết được. Tuy nhiên, 2 giải thưởng này không được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng vì ít nhiều mang tính phong trào.

Điều đó chứng tỏ 20 năm cuối của thế kỷ XX bước sang 20 năm đầu của thế kỷ XXI, thơ Thái Nguyên đã có một sự đột phá về chất lượng nghệ thuật qua hàng loạt giải thưởng mà các tác giả Thái Nguyên đã giành được.

Về lực lượng sáng tác, hiện nay Thái Nguyên có sự tiếp nối và đan xen của 4 thế hệ: thế hệ trên 70 tuổi, thế hệ từ 50 đến dưới 70 tuổi, thế hệ từ 30  đến dưới 50 tuổi và thế hệ các tác giả dưới 30 tuổi. Sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối bởi vì một số tác giả 70, 71, 72… và 50, 51, 52 cũng có thể xếp cùng với thế hệ tiếp dưới.Ở thế hệ trên 70 tuổi, có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như: Ma Trường Nguyên, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Long, Nguyễn Ngọc Minh, Hồ Triệu Sơn, Ngọc Thị Kẹo, Trần Cầu, Xuân Nùng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Lê Hùng…. Thế hệ từ 50 đến dưới 70 có thể kể đến Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Thị Bạch Liễu, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Kiến Thọ, Minh Hằng, Cao Hồng, Minh Thắng, Mai Thắng, Trần Thị Vân Trung, Phan Thái… Thế hệ từ 30 đến dưới 50 có thể kể đến Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Doãn Long…

Sự đan xen giữa thế hệ này khiến cho thơ Thái Nguyên vẫn giữ được mạch nguồn thơ truyền thống, tràn đầy cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước, về Đảng, về cách mạng và đặc biệt về Bác Hồ. Thái Nguyên là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam, là Thủ Đô Gió Ngàn cho nên nguồn cảm hứng về cách mạng, về Bác Hồ không bao giờ vơi cạn. Nhiều tác giả Thái Nguyên rất thành công trong chủ đề này như: Ma Trường Nguyên, Nguyễn Long, Nguyễn Hữu Bài… Nhà thơ Nguyễn Long là một trong số ít các nhà thơ ở Việt Nam trong 20 năm đầu thế kỷ XXI viết nhiều nhất và cũng thành công nhất về Bác Hồ. Tập thơ Về giữa nguồn thương của ông xuất bản năm 2020 đã đoạt giải B của Tỉnh ủy Thái Nguyên về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt tập thơ Mái ấm tình Người của Nguyễn Long xuất bản 2009 đã được trao giải xuất sắc của Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cuộc vận động sáng tác văn học toàn quốc năm 2010.

Các nhà thơ từ 50 đến dưới 70 tuổi tập trung vào mảng thơ thế sự cùng những suy tư về thân phận con người. Hầu hết các tác giả đang tự làm mới mình, trăn trở trong tìm tòi và sáng tạo riêng, vẫn thường xuyên có thơ đăng trên các tờ báo và tạp chí có chất lượng thơ cao như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Thơ, tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí (báo) Văn nghệ Thái Nguyên…

Ở thế hệ tác giả từ 30 đến dưới 50 tuổi, nổi lên 2 gương mặt sáng giá là Phạm Văn Vũ và Nguyễn Nhật Huy. Thơ Phạm Văn Vũ có sự chặt chẽ trong cấu tứ, sự nén căng của con chữ với nhiều tìm tòi, phát hiện mới về nỗi đời, nỗi người qua cách diễn ngôn hiện đại. Thơ Nguyễn Nhật Huy có nhiều suy tư lạ, hệ thống thi ảnh thường được ảo hóavới những liên tưởng độc đáo, bất ngờ. Đặc biệt, thơ Nguyễn Nhật Huy ở nhiều bài còn ẩn giấu những triết luận nhân sinh sâu sắc. Đây là một nhà thơ trẻ luôn day dứt và tự dày vò trong cái bản thể thi sĩ của riêng mình. Hai tác giả này cùng với một số tác giả lớp trước cho chúng ta niềm tin về sự vận động của thơ Thái Nguyên theo xu hướng hiện đại, có thể bắt kịp với sự vận động chung của thơ cả nước.

Cho dù viết về chủ đề gì thì thơ đích thực vẫn là sự biểu hiện dòng nội cảm của chính nhà thơ. Mọi vấn đề của đời sống xã hội, mọi giá trị tinh thần của cộng đồng phải được nhà thơ cảm nhận, soi chiếu và trình bày qua cái bản thể thi sĩ của mình với một hình thức ngôn từ riêng và mới lạ. Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là “Ý tại ngôn ngoại”, hình tượng thơ luôn đa nghĩa, tạo ra những trường liên tưởng mở. Một bài thơ ít nhất phải có một chữ mới, một thi ảnh mới… Còn tạo được một dòng tâm cảm mới, một cấu tứ mới thì đã trở thành một bài thơ hay.

Tôi biết nhiều nhà thơ Thái Nguyên luôn trăn trở, vật vã trong hành trình sáng tạo, nhiều khi đau khổ, cô đơn vì mình vẫn cũ, không tìm được điều gì mới mẻ.

Dường như sự vật vã và khổ đau này chính là nguồn sinh lực bền bỉ và mãnh liệt giúp cho thơ Thái Nguyên tiếp tục vận động tới những thành công mới?

Từ góc nhìn về đội ngũ sáng tác thơ Thái Nguyên trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI, tôi khẳng định rằng thơ Thái Nguyên đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, tiếp tục hòa nhập với thơ cả nước theo xu hướng vừa dân tộc vừa hiện đại.

Ngô Gia Võ

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy