Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
07:41 (GMT +7)

Từ “danh” xưa và liêm sỉ của kẻ sĩ thời hiện đại

VNTN - Ở nước ta hiện nay, tham nhũng đang là quốc nạn và con người dường như đang sống quá bản năng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó có lẽ do quan niệm về công danh của cộng đồng đã có sự thay đổi. Phải chăng người Việt đang chạy theo một tư duy thực dụng và bất chấp liêm sỉ?


Từ “danh” trong tiếng Việt vốn là từ Hán Việt, nghĩa chính là "tên". Nhưng "danh" vào tiếng Việt ít dùng với nghĩa từ đơn như vậy, vì tiếng Việt đã có từ "tên" thông dụng rồi. "danh" chỉ dùng theo nghĩa từ ghép Hán Việt trong các từ danh lợi, công danh, lưu danh, xưng danh, ẩn danh, công thành danh toại... Trong các từ ghép Hán Việt này "danh" hàm nghĩa ''tiếng tăm, tên tuổi".

Khi nói tới danh, người xưa thường dùng hai từ ''công danh" và ''lợi danh” để phân biệt hai ý nghĩa khác nhau về tên tuổi, tiếng tăm… “Công danh" để nói tiếng tốt, tiếng thơm (phương danh), bởi tên tuổi (danh) gắn với công lao (công), còn "lợi danh" chỉ "tiếng xấu","tai tiếng" (ô danh, xú danh), vì tên tuổi gắn liền với lợi lộc ích kỉ của cá nhân.

Kẻ sĩ Việt thường quan niệm con đường học hành chỉ để ra làm quan. Nhưng tục ngữ Việt cũng đã có câu: “Hổ chết để da người ta chết để tiếng”, vì vậy, làm người ai cũng muốn để lại tiếng tốt chẳng ai muốn lưu lại tiếng xấu dù làm quan hay làm dân. Bởi lưu lại tiếng tốt thì người đời biết ơn, tôn thờ, con cháu cũng được thơm lây; lưu tiếng xấu thì người đời lên án, phỉ nhổ, ca dao viết:"Cứu dân, dân lập đền thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ thối xương!".

Đối với sĩ phu, quân tử xưa,"công danh" là khao khát cháy bỏng phải lập công trạng với đất nước. Nguyễn Công Trứ đã từng có hai câu thơ “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” đó sao? Tướng Phạm Ngũ Lão nổi tiếng đời Trần cũng có hai câu: "Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu".

Người Việt xưa, ai cũng mong muốn lưu tiếng thơm lại cho đời, nhưng chỉ có những người kiệt xuất, lỗi lạc hoặc có chức tước, tầm ảnh hưởng lớn với xã hội mới có những công trạng, những cống hiến lớn lao cho xã hội cho nhân loại. Còn kẻ thường dân cố gắng lắm được để lại được tiếng là người tử tế trong làng xóm cũng là quý rồi!

Để có thể lưu được danh thơm, người xưa từng nêu lên ba bước như sau:

- Đầu tiên phải tu dưỡng để lập đức. Tức là tu dưỡng rèn luyện đạo đức nhân nghĩa, tức lòng vị tha, nhân hậu, biết ''thương người như thể thương thân''. Biểu hiện ra trong hành động, trong cách đối nhân xử thế đối với cha mẹ (hiếu), với người thân với xóm làng (nghĩa)... dư sức rồi mới đi học chữ nghĩa, thi đỗ đạt "Tiên học lễ hậu học văn" là vậy (Không phải như ý ngày nay nêu thành khẩu hiệu của ngành giáo dục nhưng lại bị hiểu sai và làm sai. Vấn đề này xin bàn ở bài khác).

- Bước thứ hai là lập công: Có học vấn mới có thể được tham gia bộ máy quản lí quốc gia. Đây là dịp đưa tài năng ra giúp nước giúp dân (Kinh bang tế thế), để ''lập công'' chứ tuyệt đối không phải trổ tài mưu mẹo để đục khoét hay làm hại dân mà mong lưu tiếng tốt được.

- Bước thứ ba là lập ngôn: Làm trọn vẹn được việc giúp nước, cứu dân rồi mới có thể "phát biểu" ra những lời hay ý đẹp về lẽ sống ở đời, những kinh nghiệm tốt mà do được trải nghiệm trong đời sống đã tích lũy được để truyền cho con cháu làm bài học... Làm được những điều trên ắt là có “công danh” tự khắc có tiếng thơm để lại cho đời. Người xưa thường nói "Hữu xạ tự nhiên hương" là như vậy. Ngày nay lắm kẻ tự đi tuyên truyền cho mình hoặc tinh vi hơn thì gián tiếp nhờ người khác, nhờ ''báo chí" quảng cáo tuyên dương trong khi chẳng có trình độ và công trạng gì, điều đó quả thật lố bịch và vô nghĩa bởi: "Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!".

Điều này cũng giải thích tại sao tiền nhân xưa có nhiều người làm văn thơ chỉ để nói cái chí của mình và tải cái đạo (lẽ sống) cho đời. ("Thi dĩ ngôn chí văn dĩ tải đạo" là vậy, không phải viết văn làm thơ để bán lấy tiền như ngày nay). Đọc thơ văn của người xưa, ta ít thấy nói về yêu đương nam nữ, đến cuộc sống cụ thể, không phải người xưa không có tình cảm đó. Có lẽ cha ông quan niệm những việc riêng tư, kín đáo không phải thứ khoe ra trên sách vở. Đây cũng là nét đặc thù của văn hóa phương Đông khác với phương Tây.

Việt Nam vốn gốc văn hóa nông nghiệp, với tính chất âm tính nên tư duy thường ít khoa học và dễ dẫn đến tầm nhìn ngắn cho nên rất hay bị môi trường xung quanh tác động và dẫn tới tâm lý đám đông, “Khôn độc không bằng ngốc đàn”. Không biết tự bao giờ những hiện thực ở cuộc sống xung quanh dễ khiến người ta nghĩ rằng công danh, tài lộc có thể giành được. Nhiều người Việt xem ra cũng muốn lưu danh tới ''muôn năm''? Nhưng có lẽ vì lợi quyền thôi thúc giục giã nên tự bao giờ đã thành một xu thế toàn làm ngược với người xưa. Người ta tranh nhau để ngụy biện, để ''lập ngôn" (ngôn ngữ mới gọi là ''chém gió'') bỏ qua bước "lập đức", "lập công" cho đỡ mệt(!) Thậm chí có kẻ còn bất chấp cả những việc làm thất đức, dùng mọi thủ đoạn để mưu cầu lợi, vơ vét cho đầy túi tham, mà không hề hổ thẹn. Nhiều kẻ không liêm sỉ còn dám lên đài, lên báo, lên bục để cao giọng rao giảng luân lý, kể lể công đức với nhân dân.

Rèn luyện sống để lưu được tiếng thơm quả là khó! Còn mang tiếng xấu xem ra chẳng khó gì. Chỉ cần mưu cầu cái lợi cho cá nhân bằng mọi giá. Đây là cái bản năng sống sẵn có trong mỗi con người, nó thôi thúc chẳng cần phải tu dưỡng rèn luyện gì cả. Xưa cũng vậy và nay cũng vậy, muốn lợi lộc nhiều thì phải tìm cách để đoạt được quyền thống trị người khác. Có quyền rồi ắt có lợi.

Học hành, đỗ đạt để có danh, làm quan để có quyền, có quyền để kiếm lợi, (Quyền - Danh - Lợi, cái vòng tròn đầy hấp dẫn và khó cưỡng). Như vậy, đạt được điều đó cũng có thể lưu được "danh" cho đời, nhưng đó không phải là ''danh tốt", "danh thơm" (phương danh), mà là "danh xấu'', (ô danh, xú danh) mà lịch sử thế giới và ở nước ta đã có nhiều dẫn chứng.

Xem ra xã hội càng phát triển thì phần bản năng (Con) phát triển nhanh hơn phần nhân tính (Người)! Người Việt đã bao đời đi học vì công danh trong đó có một phần vì lợi danh. Phục vụ cá nhân mình, cho gia đình, “vinh thân”, “phì gia”, điều đó quả cũng không sai, nhưng người hiện đại cũng phải hiểu rằng thứ công danh đó nó ở bậc thấp nhất của thang giá trị. Ngày nay bao “kẻ sĩ Việt” vì miếng cơm manh áo mà lao tâm khổ tứ bất chấp liêm sỉ thì quả không nên.

Ngay lúc này chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề. Vật chất đâu phải là tất cả, người Việt hiện đại rất cần sự độc lập trong suy nghĩ, “kẻ sĩ Việt” - một bộ phận tinh hoa của đất nước hơn lúc nào hết đang rất cần những con người nghĩ đến non sông đất nước, mang tài năng để phục vụ cộng đồng. Xác định được việc đó chắc chắn Việt Nam không xa nữa sẽ tự hào “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

Thái A

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy