Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:57 (GMT +7)

Từ con mèo bị mất của tôi đến những con thú ở Chernobyl

1. Cho đến sáng nay, khi tôi viết những dòng này, cậu con trai 24 tuổi của tôi vẫn quả quyết với tôi rằng Su chỉ đi chơi xa đâu đó thôi, rồi sẽ về. Nó tin như vậy vì trước đây Su đã từng rời nhà tôi, sống đời sống của một con mèo hoang dã đến vài tháng, rồi lại trở về. Nhưng trong thâm tâm, tôi hiểu con trai tôi cũng như tôi và chồng tôi - người những ngày qua vẫn lẳng lặng thay thức ăn mới trong bát ăn của Su - không muốn chấp nhận sự thật tồi tệ rằng chúng tôi đã mất Su mãi mãi.

Tối nào từ cửa hàng về nhà (nhà tôi có một nhà hàng cơm Hàn Quốc nho nhỏ, hết giờ làm việc ở cơ quan tôi hay về đó hỗ trợ chồng tôi phục vụ khách hàng), tôi cũng mong có Su ngồi chờ ngoài cửa, như Su vẫn hay vậy nếu không về bằng đường cửa sổ ngách hay cửa sổ tầng tum. Nhiều năm qua hàng xóm đã quá quen với hình ảnh con mèo xám ngồi thu lu dưới hiên nhà tôi, mặt ngoảnh ra đường, nơi sẽ vọng về tiếng động cơ ô tô quen thuộc của nó.

 

Hình minh họa. Nguồn: Internet.

Su sống trong nhà tôi từ khi còn là một bé mèo hai tháng tuổi. Đến một lúc nào đó, được cả nhà gọi là bà, bà Su. Đi đâu về, chúng tôi hỏi nhau: Bà Su có nhà không, bà Su về chưa.

Bà Su có rất nhiều con cháu trước khi bị chúng tôi tước đi khả năng sinh sản. Con cháu được chia đi các nơi hoặc bị mất dần. Chỉ còn lại mình bà, cho đến những ngày này hơn một tháng trước.

Tôi đã nuôi vài con chó mèo trước đó và không có ấn tượng gì đặc biệt về chúng. Nhưng tám năm có Su, tôi biết được nhiều điều mà trước đó tôi chưa hề biết.

Su, một con mèo ta, cho tôi biết thế nào là trí khôn và tình cảm của loài mèo.

Su bé tí đi chơi bị lạc đã biết tìm về meo meo ở đằng sau nhà để gọi chủ (phòng tôi ở tầng hai phía sau, nhà chỉ có cửa trước), khi tôi loẹt quẹt xuống mở cửa trước thì Su đã ngồi đó chờ cửa mở. Biết đánh tiếng gọi chủ mở cửa cho vào nhà mỗi lần đi đâu về. Biết cắn chân chủ để lôi đi ba tầng nhà tìm cách sang nhà bên cạnh cứu con nó vì nó tha sang bên đó nhưng chủ nhà khóa cửa đi vắng.

Tôi luôn nhớ cảnh Su cong mình lên chịu đựng để cho 5 đứa mèo cả con cả cháu bú ti một lúc. Luôn nhớ cảnh Su vật vã kêu gào, chạy ngược chạy xuôi tìm con khi bỗng dưng có đứa nào đó biến mất. Nó chạy khắp các xó xỉnh để tìm đã đành, lại còn bám riết lấy chân chủ để cầu xin sự giúp đỡ. Ánh mắt van vỉ và tiếng kêu bi thiết của Su luôn khiến tôi không chịu nổi, sau mấy năm thì đành cho nó đi triệt sản để chúng tôi không còn phải làm kẻ ác là bắt con của một bà mẹ đem cho đi. Không sinh đẻ được nữa nhưng Su vẫn hay săn chuột về cho tụi mèo cháu chắt ăn và trông coi chúng, dù chúng không phải do mình sinh ra.

Mỗi lần đi chơi về, Su đánh tiếng èo ẹo từ trên gác xuống theo kiểu “tôi về rồi đây”. Su thích dụi đầu, cọ lưng vào chúng tôi để bày tỏ tình cảm. Su không quên những người vắng nhà lâu ngày.

Ai đó, nhất là những người coi thịt chó thịt mèo là món khoái khẩu, chắc cười khẩy, cười nhạt, cho tôi là sến xẩm vì đã nói về một con mèo như vậy.

Nhưng nghĩ một cách sòng phẳng, Con Mèo ấy đã giúp cho tôi hiểu và cư xử cho ra Cái Con Người hơn đối với các loài vật, chứ không chỉ với riêng loài mèo.

2. Gần đây, tôi đọc cuốn sách “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”của nhà văn Svetlana Alexievich do nhà văn Nguyễn Bích Lan dịch và gửi tặng. Đọc xong cuốn sách này tôi như người sống ở hai thế giới. Một thế giới của những gì tôi đang tồn tại: ăn, ở, làm việc, lướt facebook... Một thế giới khác, mà tất cả những gì thuộc về nó đều vượt xa mọi sự tưởng tượng phong phú nhất của con người. Như thể đó là một thế giới giả tưởng. Nhưng tiếc thay, nó đã và đang hiện hữu như một phần đáng sợ và đáng thương nhất của nhân loại trên hành tinh này.

 

Bìa cuốn sách "Lời nguyện cầu từ Chernobyl"của nhà văn Svetlana Alexievich, dịch giả Nguyễn Bích Lan.

Có quá nhiều câu chuyện trong cuốn sách ám ảnh cả trong những khoảnh khắc thường nhật của tôi từ khi bắt đầu đọc nó. Mỗi câu chuyện cho thấy số phận của cá nhân và của từng cộng đồng trong biến cố kinh hoàng của Liên bang Xô viết (Liên Xô). Mỗi người là một bi kịch của số phận, của dân tộc, của thời đại mà họ không may bị sinh ra.

Đọc hết cuốn sách, tôi nhận ra thảm hoạ vật lý hạt nhân lớn nhất hành tinh này cho dù bắt đầu từ các lỗi kỹ thuật trong xây dựng, vận hành, xử lý sự cố... thì phía sau chúng không có nguyên do nào lớn hơn khuyết tật của chế độ Xô viết đã không được kịp thời khắc phục.

Đằng sau ánh hào quang lộng lẫy bẩy mươi năm là những ung nhọt sinh ra từ khuyết tật của thể chế, mà thay vì tỉnh táo nhìn nhận và sửa chữa chúng thì những người cộng sản Xô viết kiêu ngạo đã để cho sự vĩ cuồng cùng chủ nghĩa giáo điều che mờ lý trí, khiến họ bất chấp cả khoa học và lương tri con người. Chernobyl là điển hình kinh hoàng cho sự bùng vỡ những ung nhọt ấy.

Điều căm phẫn nhất là sự thật về thảm hoạ đã bị che dấu đến tận cùng, bởi cả một hệ thống từ kẻ chóp bu (Gorbachev) đến tận các nhân viên thực thi nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực. Những nhà khoa học cố gắng công bố sự thật để giảm thiểu hậu quả đối với nhân dân thì bị ngăn chặn.

Liên bang Xô viết tan tành ba năm sau thảm họa Chernobyl như một sự tất yếu khi mang trong mình quá nhiều ung nhọt. Nhưng Chernobyl thì vẫn còn đấy như một thế giới trong lòng thế giới. Một thế giới chết chóc.

Có quá nhiều chuyện bi thương về thân phận, cuộc đời của các nạn nhân, nhưng chẳng hiểu sao tôi luôn bị ám ảnh với chi tiết những bầy chó mèo rồng rắn chạy theo những chiếc xe chở người dân đi sơ tán, tạo nên hình ảnh ly tán kỳ dị nhất trong lịch sử. Có những con mèo ngồi trên cửa sổ chờ chủ nhà quay về, đói quá chúng ăn cả cà chua và dưa chuột. Có người đàn bà không chịu đi sơ tán, một mình ở lại làng. Ngày đầu tiên bà đi các nhà hàng xóm múc sữa và cắt bánh mì lên những chiếc đĩa cho chó mèo. Những ngày sau cũng vậy. Cho đến khi bà không còn gì để chăm chúng nữa. Rồi sau đó, người ta tiến hành truy lùng bắn giết chúng vì chúng đã bị nhiễm xạ. Hơn một lần, tôi bị những chi tiết này đuổi theo cả vào giấc ngủ.

 

Hai chú chó chơi đùa ngay trước nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina. Nguồn: vov.vn

Ít tháng sau khi đọc xong cuốn sách, tiếp tục tìm hiểu về Chernobyl, tôi thực sự kinh ngạc và vui sướng khi biết ở vùng đất chết chóc ấy thế giới tự nhiên đang tự chữa lành một cách kỳ diệu vết thương khủng khiếp tưởng chừng còn di họa đến mấy trăm năm sau. Các nhà khoa học trên thế giới cũng bất ngờ bởi điều đó vượt ra ngoài mọi phán đoán của họ. Chỉ mới hơn ba mươi năm sau khi con người gây ra thảm họa rồi tháo chạy, rừng và hệ sinh thái đa dạng ở Chernobyl đã hồi sinh mạnh mẽ, kéo theo sự trở về và sinh sôi của các loài muông thú. Hổ, báo, hươu, nai, sói, ngựa... và cả hậu duệ của những con chó con mèo may mắn thoát thân trong cuộc bắn giết của con người, tất cả đang làm cho vùng đất chết chóc hồi sinh trở lại. Hồi sinh ở nơi không có con người. Sự thật trớ trêu được các nhà khoa học nhìn nhận từ sự hồi sinh kỳ diệu này là: cho dù với loài vật, phóng xạ có thể ảnh hưởng xấu nhưng những hành vi của con người như săn bắn, khai thác, phá hoại môi trường... còn tệ hại hơn nhiều.

Niềm vui sướng về sự sinh tồn diệu kỳ ở miền đất xa xôi tưởng chừng không liên quan gì đến bà mèo Su bé nhỏ của tôi, nhưng mà có đấy. Từ Su, tôi biết yêu quý, thương cảm với các loài vật và thế giới tự nhiên nhiều hơn. Nhìn nhận vai trò của con người và xã hội trong mối tương quan với thế giới vạn vật bớt ngạo nghễ hơn.

3. Tôi chưa biết mình có nên nuôi mèo nữa hay không. Khi mà cõi người còn có những kẻ sống không bằng súc vật, sẵn sàng tiêu diệt loài khác, tiêu diệt đồng loại, tiêu diệt cả thế giới, thì việc nuôi một con mèo bé nhỏ cũng là khó khăn.

 

Một con quạ đang dang cánh đậu trên một biển cảnh báo về khu vực có mức phóng xạ cao ở quanh lò phản ứng hạt nhân Chernobyl gần làng Babchin, Belarus. Nguồn: vov.vn

Giờ thì Su của tôi đã hóa kiếp ở trên một bàn nhậu nào đó. Thông thường, khi sắp giết một con vật người ta buông ra một câu nửa như gia ơn cho nó, nửa như tự trấn an mình về hành vi sát sinh, ấy là “tao hóa kiếp cho mày được làm người nhé”. Kẻ sát vật nào đó chắc cũng nói như vậy với Su của tôi, hoặc là chẳng thèm nói gì. Nhưng tôi không mong Su hóa kiếp thành người. Mong kiếp sau Su vẫn làm mèo Su nhé. Một con mèo tinh khôn, ấm áp, sinh ra để dạy cho một con người cách yêu thương và tôn trọng các giống loài khác trên cõi đời này.

Nguyễn Thúy Quỳnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước