Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:33 (GMT +7)

Trường Hồng Tiến của chúng tôi

VNTN - Trường Trung học cơ sở Hồng Tiến thuộc xã Hồng Tiến, Phổ Yên, đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Hơn 50 năm qua, đã có bao thế hệ thầy cô giáo, bao thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường này. Lớp học trò đầu tiên của trường, nay có người đã ở tuổi “xưa nay hiếm''.

Khóa học 1969-1972 của chúng tôi cũng đã trên dưới 60 tuổi cả rồi. Cái khóa học đầy lận đận, vất vả của thời chiến tranh chống Mỹ, thời kỳ khốc liệt nhất của đất nước. Năm lớp 5/10, chúng tôi học ở xóm Hiệp Đồng, vì trường tôi sơ tán ở đó từ năm học 1966-1967. Mỗi lớp học ở một quả đồi, cách nhau vài trăm mét. Nhà hầm, có giao thông hào đến tận cửa lớp, có hầm trú ẩn chữ A tránh bom đạn. Mỗi khi mưa, trong lớp như ruộng cày, ướt và lầy lội. Bàn học là một tấm ván kê trên 4 cái cọc tre, đục lỗ, xỏ một que ngáng. Ghế ngồi là 2 đoạn tre, gác trên 4 cái chân cũng bằng tre, có ngáng nối hai chân. Đầu năm học, mỗi học sinh được phân phối mua giấy viết. Có cả tờ giấy to như cái chiếu, một mặt nhẵn, một mặt giáp (giấy gói hàng), màu xám nhạt. Khi đóng vở, phải lấy dao dọc. Vì thế, vở lơm nhơm, đủ các cỡ. Khi viết, phải lấy bút chì kẻ dòng. Sáng đi học, thường ăn khoai luộc, hoặc ngô rang. Có bạn còn nhịn đói đi học. Chúng tôi đi bộ, chân đất đến trường, vậy mà các bạn ở xa như Vân Dương, làng Bàn, làng Hắng, Liên Minh, Thành Lập… vẫn đi học rất đông. Các bạn phải đi từ mờ sáng. Nhà ai xa hơn, vừa đi, vừa chạy gằn đến lớp cho kịp giờ.

Năm chúng tôi học lớp 7, trường về địa điểm hiện nay. Cánh học sinh lớp 7 đi lao động bốc gạch lên xe ô tô chở về để sau xây trường. Nhà máy gạch tận Thanh Xuyên, cách trường hơn chục cây số. Năm ấy lụt rất to. Đi bộ từ nhà xuống Thanh Xuyên, chúng tôi mỏi nhừ, hai chân phồng rộp. Nước lụt to, xe không vào nhà máy được, chúng tôi lại vừa đi, vừa chạy về. Quá trưa, chúng tôi mới về đến nhà. Đói, mệt rã rời…

Thoáng vậy mà đã hơn 40 năm trôi qua. Trường PTCS Hồng Tiến của chúng tôi bây giờ khang trang xanh, sạch, đẹp với khuôn viên ngót 10 nghìn mét vuông. Cơ sở vật chất đảm bảo đầy đủ các phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng bộ môn, khu sân chơi, bãi tập. Trường có đủ phòng để học 1 ca, diện tích vượt mức quy định của Bộ GD ĐT (Bộ quy định 10m2). Các phòng học có đủ ánh sáng, có điện, có quạt máy, có nước uống tinh khiết, nước sinh hoạt sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Thư viện nhà trường có nhiều sách, có nhiều máy tính nối mang Internet; thiết bị, đồ dùng dạy học, bàn ghế, bảng đen đúng quy cách.

Ảnh: Văn Giang

Một dãy nhà để xe đạp, xe đạp điện của học sinh. Dãy nhà để xe máy của các thầy cô giáo. Có thầy cô đi dạy bằng ô tô. Mắt tôi cay cay khi nhớ tới cô Hoa, cô Phong, cô Nga, cô Lựu, cô Sung dạy chúng tôi hồi cấp 2. Các cô đi bộ đến trường. Cô có con nhỏ phải địu, phải cõng, bế đi dạy. Đến lớp, các anh chị học sinh thay nhau dỗ em khi cô giảng bài. Cô Hoa có em Huệ. Cô Phong có em Hương. Cô Lựu có em Yến là chúng tôi hay được bế, được chơi với các em khi cô đến lớp.

Hồi lớp 5 (đầu cấp 2) lớp tôi được thầy Đồng Văn Liệu, thầy hiệu trưởng dạy toán. Thầy dạy cặn kẽ, chu đáo, tận tâm, tận lực. Mấy đứa giỏi toán, trong đó có tôi, được thầy bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi. Không có chỗ để thầy bồi dưỡng đội tuyển, thầy dạy chúng tôi ở nhà thầy tận xóm Diện. Nhà thầy có cây khế to. Bác gái - vợ thầy làm ruộng, nhà trồng rất nhiều cà chua. Mấy đứa tôi thấy khế, thấy cà chua là mắt sáng lên. Có lần bác cho mỗi đứa một quả cà chua hồng để ăn sống. Còn khế thì bác bảo: “Muốn ăn, các cháu cứ lấy”. Nhưng chúng tôi ngoan lắm, chưa bao giờ tự tiện lấy một quả khế hay một quả cà chua để ăn. Năm chúng tôi học lớp 6 thì thầy Liệu được điều lên tỉnh làm việc. Thầy Bùi Kim Chung làm hiệu trưởng. Sau đó, thầy Bùi Kim Chung được lên Ty giáo dục Bắc Thái, thầy Đặng Văn Thọ làm hiệu trưởng. Lớp 7, thày Thọ dạy môn Hóa học. Thầy dạy rất kỹ việc viết phương trình hóa hoc, lập công thức các chất hóa học. Một lần, trong giờ hóa, tôi rụt rè giơ tay xin hỏi thầy:

-Thưa thầy, nếu những chất có từ 3 nguyên tố cấu tạo nên thì cách lập công thức như thế nào ạ?

Thầy cười, vỗ tay khen: “Giỏi! các em thật thông minh. Đó là những chất hữu cơ. Sau này học lên cấp 3, học cao hơn nữa, các em sẽ biết.''

Giờ đây, hai thầy hiệu trưởng đáng kính của tôi đã trở thành người thiên cổ. Ngày các thầy đi xa, tôi đều đến thắp hương, kính cẩn vĩnh biệt thầy với tấm lòng biết ơn vô hạn. Chính đức tính nghiêm cẩn trong công việc của thầy Đồng Văn Liệu, cách khích lệ đầy thiện chí với học trò của thầy Đặng Văn Thọ, đã tiếp sức cho tôi rất nhiều. Khi đã trở thành giáo viên, là đồng nghiệp của các thầy, tôi mới hiểu hơn, với nghề giáo, làm một người thầy đích thực, phải biết hy sinh vì trò như thế nào, biết động viên khích lệ trò như thế nào.

Hồi đó, vẫn có ngày Hiến chương các Nhà giáo của Quốc tế, chưa có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Học trò vùng nông thôn chúng tôi chưa hề biết tặng hoa, tặng quà thầy cô giáo. Các thầy cô, ngoài giờ ở trường, cũng làm ruộng, làm vườn, nuôi gà, nuôi lợn như thầy u chúng tôi. Vậy mà tình cảm thầy trò, tình cảm phụ huynh với nhà trường, với thầy cô lúc  nào cũng đầy đặn, ấm áp, chứa chan tình người.

Người dân xã Hồng Tiến hiếu học. Xã Hồng Tiến trước đây bao gồm cả thị trấn Bãi Bông ngày nay. Dù trong hoàn cảnh nào, người Hồng Tiến cũng coi trọng sự học.

Có lần, nói chuyện với bạn Nguyễn Thị Chuyền, hiệu trưởng đã nghỉ hưu năm 2012, nay làm Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Hồng Tiến, Chuyền kể: “Có bạn giáo viên bảo, cho em ngồi vào ghế của chị, để được làm sếp cái”. Chúng tôi cùng cười. Tôi nói với Chuyền: “Cái ghế hay chỗ đứng, chỗ ngồi không làm nên giá trị con người. Điều quan trọng là mỗi người đã làm được gì, đã để lại cho đời cái gì”. Tôi mừng vì hơn chục năm làm hiệu trưởng, Chuyền - bạn tôi đã làm được nhiều việc. Năm 2006, trường Hồng Tiến được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 vào năm 2011. Năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận cơ sở giáo dục phổ thông, đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 3.

Hiệu trưởng bây giờ là cô giáo Đỗ Thị Sa. Biết Sa là con gái cô giáo Lộc, dạy tôi hồi lớp 3, tôi bỗng thấy thân thiết lạ lùng. Sa rất giống mẹ hồi trẻ: Tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, cởi mở, nhã nhặn. Em dẫn tôi đi thăm toàn bộ khu trường, giới thiệu từng khu vực, công trình của nhà trường. Sa bộc bạch: “Em mới về đây được 2 năm và đang quen dần với môi trường mới. Em xác định là người đồng hành, người đi cuối hàng quân, để quan sát được tất cả. Em cảm thấy rất gắn bó với nơi này. Ở đây có một tập thể giáo viên đoàn kết, thương yêu và rất tâm  huyết với nghề”.

Nhờ có những thầy cô hiệu trưởng đứng đầu vững vàng, nhờ có đội ngũ giáo viên tâm huyết mà mọi kế hoạch của nhà trường luôn bám sát tình hình thực tế của địa phương, đạt được những thành tích đáng trân trọng. Từ năm học 2012-2013 đến nay, tập thể nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Nhà trường luôn đứng trong tốp đầu của thị xã Phổ Yên.

Chặng đường đi tới có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thử thách, gian truân. Mong và tin rằng trường THCS Hồng Tiến sẽ bắt nhịp được với nhịp sống của xã hội, của đất nước và thế giới...

Mai Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 13 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước