Trưởng họ
Nghe anh Hùng kiểm lâm nói chuyện lại, ông Hải gãi cằm kêu trời. Thằng cháu trưởng họ nhà ông bắt đầu giở chứng. Mả cha thằng đầu đất! Chửi buột miệng, ông Hải bỗng hối hận. Anh trai hi sinh ở Tây Nguyên, mộ còn chưa tìm thấy, mình lại dám chửi rủa thế. Lạy anh linh thiêng tha cho. Là em giận quá mất khôn, chứ thằng Đầu đất nhà mình lại gây chuyện rồi.
Nó là Tộc trưởng họ Hoàng, em đâu dám để nó kém cạnh ai. “Sảy cha còn chú”, em biết phải làm gì chứ? Thế mà nuôi nó mấy năm Đại học nông nghiệp, giờ nó đeo mo lên mặt em đây. Hai đứa con em đẻ ra, con chị thì công nhân lâm nghiệp, thằng em thì cầm cày ngắm đít trâu, có đứa nào được như thằng Đầu đất? Vậy mà tốt nghiệp đại học xong, bảo xin cho làm cán bộ địa chính huyện, nó lắc đầu. Nghề địa chính bây giờ là cái nghề ngồi chơi hốt tiền, nó còn hóng hớt gì. Bảo nó, hay về làm Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, nó bảo bây giờ ai người ta hợp tác, hợp te nữa mà chủ nhiệm? Có phải nó là thằng đầu đất không? Cái chân Chủ nhiệm chỉ là tạm thời, chờ cơ cấu bên ủy ban xã sau này, biết đâu lại dính chức phó chủ tịch phụ trách kinh tế thì mở mày, mở mặt.
Chuyện Đầu đất gây ra là tự dưng phá hết hai héc ta đồi bạch đàn để trồng cây đinh lăng. Nó về Hà Nội, liên hệ được với một Công ty Đông dược rồi hợp đồng nhận trồng cây nguyên liệu thuốc. Anh Hùng kiểm lâm tức tốc đến gặp ông Hải.
- Thằng cháu nhà anh coi trời bằng vung. Đất lâm nghiệp tự dưng nó dám chuyển đổi trồng cây dược liệu. Là cháu anh, chứ con cái người khác tôi thu trắng hai héc ta đồi.
- Chết thật! Để chiều tớ bảo văn phòng gọi nó lên ủy ban, cậu nẹt cho trọc đầu đi nhé.
Thằng Đầu đất tỏ ra biết điều, luôn miệng vâng dạ với kiểm lâm và địa chính xã nên ông Hải cũng yên tâm.
- Mày làm trang trại phát triển kinh tế, chú không ngăn cản. Nhưng vi phạm luật đất đai, sai bét!
- Ở đây là trụ sở ủy ban xã, chú đừng mày, tao thế...
Cái mặt nó lấc cấc đáng ghét.
Anh Hùng nhanh mồm đỡ cho ông Chủ tịch.
- Thế này anh Vũ ạ! Phá bỏ bạch đàn trồng đinh lăng là vi phạm luật đất đai, nể chú anh là chủ tịch xã... chứ không tôi lập biên bản, thu hồi đất rồi đấy.
Thằng Đầu đất tròn mắt nhìn cán bộ kiểm lâm.
- Nặng nề thế hả chú? Nếu đúng là phạm luật, đề nghị các chú cứ lập biên bản, đừng nể nang gì cả.
Ông Hải định chồm sang tát cho thằng cháu một cái vì tội hỗn, nhưng hai bắp đùi va phải mép bàn đau điếng, lại ngồi xuống. Anh Hùng gõ gõ chiếc bút bi xuống tập tài liệu mỏng.
- Có đúng cậu muốn chúng tôi lập biên bản không?
- Nếu cháu sai thì cứ lập ạ! Nhưng cháu chưa biết mình phạm pháp thế nào?
Anh Hùng có lẽ không chịu được thái độ ương bướng của Vũ. Anh giở cuốn nghị định hướng dẫn luật đất đai, đọc rõ từng điều khoản người sử dụng đất. Việc làm của Đầu đất, nhẹ thì bị phạt hành chính, bắt phục hồi nguyên trạng đất ban đầu, nặng thì thu hồi đất giao lại xã. Ông Hải biết anh Hùng dọa nó thế, nhưng lại bực mình vì thằng Đầu đất cứ nhe răng ra cười. Đã thế thì tao lập biên bản thật, cho mày trắng mắt ra. Nghe ông Hải dứt khoát nhưng lại đánh mắt ra hiệu, anh Hùng hiểu ý, giở cặp lấy giấy lập biên bản. Thằng Đầu đất ngạc nhiên.
- Thế chú cũng cho là cháu làm sai à?
- Vậy từ nãy tới giờ mày không nghe cán bộ kiểm lâm nói gì? Không sai mà người ta lập biên bản thu hồi đất?
Thằng Đầu đất không cười nữa.
- Điều 12 Luật Đất đai nói, Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất làm tăng hiệu quả kinh tế của đất. Trồng bạch đàn 7 năm mới được thu, mỗi héc ta lãi được 10 triệu đồng, lại làm đất cạn kiệt nước. Cây đinh lăng cháu trồng ăn chia với công ty đông dược, 5 năm dự tính thu lãi mỗi héc ta 90 triệu đồng. Vậy cái nào hơn?
Cây bút bi bên kia lại gõ gõ xuống tập tài liệu.
- Tất nhiên làm tăng hiệu quả kinh tế của đất là một điều tốt, nhưng phải trong hành lang pháp luật. Anh Vũ ạ. Anh là một cử nhân nông nghiệp, anh có biết Nghị định hướng dẫn về sử dụng đất của Chính phủ không?
Thằng Đầu đất giơ tay đón tập tài liệu, giở xem qua trang đầu rồi trả lại.
- Nghị định này ra trước luật đất đai mới những bốn năm, làm gì có hiệu lực nữa. Đại để thế này, đất của cháu là đất rừng sản xuất, không thuộc nhóm đất đặc biệt như rừng đặc dụng, đất nông nghiệp như điều 36 Luật Đất đai… cũng chẳng tham gia dự án lâm nghiệp nào, mà khi chuyển đổi mục đích sử dụng cần phải xin phép. Mà cháu nói thật, chú Hùng đang làm sai nhiệm vụ quyền hạn rồi đấy. Kiểm lâm là bảo vệ rừng, chứ làm gì có quyền thu hồi đất?
Nhìn mấy cái mặt thộn ra trước lời lẽ thằng Đầu đất, Chủ tịch Hải thấy bất ngờ, rồi khoái âm ỉ trong bụng. Chẳng gì họ Hoàng nhà mình cũng có người ăn học tử tế, đốp chát thiên hạ sợ bố con thằng nào. Nhưng nghĩ việc nó bóc mẽ cán bộ nhà nước giữa nơi công sở, ông lại giận tím ruột.
Đinh lăng của Đầu đất mười cây chết bảy, thất bại. Ông Hải sang nhà thăm chị dâu, tiện thể mắng thằng cháu.
- Bây giờ bán rừng mà trả nợ chứ?
- Việc gì mà phải bán rừng ạ? Cháu tiếp tục làm. Chẳng qua là mình chưa có kinh nghiệm. Công ty đông dược trồng cây đinh lăng dưới đồng bằng, nên chế độ cây giống, chăm bón khác. Đồi cháu hơi cao, cây giống phải dài hơn và phải tăng cường tưới cho cây con.
- Thế tiền đâu mà làm tiếp hở con? Mày tưởng mẹ góa con côi nhà này là tỉ phú à?
Thằng Đầu đất có vẻ hối hận. Nhưng vẫn nói cứng. Cháu sẽ làm lại. Thất bại là mẹ thành công mà.
Bà chị dâu buồn rầu phô với ông Hải, rằng thằng trưởng họ nhà ông lại gây chuyện lớn. Nó đem sáu sào đất hương hỏa họ Hoàng bên Dộc Hồng đổi chác lấy mẫu bảy đất chó ỉa của thằng Trung bên Bãi Bằng. Ông Hải hộc tốc phi xe đi tìm thằng Đầu đất. Có người bảo nó đang thuê người đào giếng trên đồi đinh lăng.
- Ai cho mày đem đổi bán mảnh đất hương hỏa của họ Hoàng?
- Chỗ ấy sắp giải toả cho dự án xây dựng khu làng nghề Phú Gia mà chú?
- Ừ thì giải tỏa. Nhưng mày biết đất bên ấy bây giờ có giá thế nào không?
- Đất ở đây thuộc đất loại ba chứ có gì ghê gớm đâu? Cháu đổi cho anh Trung được mẫu bảy, còn được thêm sáu chục triệu. Tội gì chẳng đổi. Cháu lại có tiền làm đinh lăng rồi.
Đến nước này thì bố mình sống lại cũng không chịu nổi. Chẳng lẽ càng học cao nó càng ngu hở trời? Thằng Trung chưa học hết lớp bảy, mà nó còn biết đổi lấy mảnh đất gần khu công nghiệp. Nó biết đất ấy mới là đất vàng đất bạc. Thằng Đầu đất nhà mình tham sáu chục triệu, thế là đổi toẹt sáu sào đất của tổ tiên. Lần này thì không thể nhu nhược với nó được nữa, mày kĩ sư chứ có là võ sư thì ông cũng phải tẩn cho một trận. Vậy mà khi cây gậy giơ lên sắp vụt vào thân xác nó, thằng Đầu đất vẫn đăm chiêu nghĩ ngợi ở đâu. Bị một gậy oằn lưng nó mới tỉnh ra.
- Sao chú đánh cháu?
Ông Hải tím tái mặt mày. Thì ra nó thấy sáu chục triệu là tối mắt. Mẫu bảy đất chó ỉa, lơ phơ đến cỏ chè vè còn không mọc nổi, nó tưởng mật à? Thằng Trung bỏ ra sáu mươi triệu, nhưng khi khu làng nghề xây dựng xong, nó có bạc tỉ, mày có biết không hở thằng đầu đất kia? Nó chỉ cười khểnh. Rõ là thằng mất dạy!
Đồi đinh lăng của thằng Đầu đất loe hoe lên được, thì cũng là lúc khu làng nghề san ủi mặt bằng. Thằng Trung tiu nghỉu vì sáu sào đất đổi được lại dính vào khu vực làm đường vận chuyển hàng từ nhà máy ra cảng sông. Tất tật được đền bù 120 triệu. Cũng có lãi nhưng thất vọng vì tan tành giác mơ tỉ phú. Khu làng nghề sắp đi vào hoạt động, công nhân hơn hai nghìn con người nườm nượp đổ về. Chỗ ăn ở trở thành chuyện bức xúc. Mấy nhà dân gần nhà máy, được dịp mở dịch vụ cho thuê nhà. Thôi thì chịu khó chật chội, cả nhà rút vào buồng, xuống bếp, dành mấy gian nhà cho công nhân thuê, mỗi tháng cũng kiếm thêm mấy trăm nghìn.
Mẫu bảy đất của thằng Đầu đất cũng tự nhiên có giá. Mấy ông chủ doanh nghiệp đề nghị nó nhượng lại để làm khu chứa rác thải. Hai trăm tám mươi triệu. Cái giá họ trả làm bà mẹ suýt ngất xỉu. Nhưng Đầu đất không nghe. Thế mới lạ. Hình như mấy ông chủ doanh nghiệp phải cầu cạnh đến ông Hải. Nếu xã nhượng lại cho họ miếng thổ cư cạnh chợ để đổi cho Đầu đất thì ông chủ tịch cũng có tí hoa hồng mười triệu đồng bỏ túi. Ông Hải chém tay vào không khí. Nhất định sẽ đổi cho nhà máy mẫu bảy đất, thằng cháu tôi không đổi thì tôi cũng đổi. Là ông Hải mừng quá hóa liều nói thế, chứ khi bàn việc đó với Đầu đất thì nó dửng dưng như bánh chưng ngày Tết. “Miếng đất thổ cư cạnh chợ, bán bây giờ cũng được ba, bốn trăm triệu, nhưng cháu có rồ đâu mà đổi”.
- Mày định chống lại sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa địa phương à?
Nó cười sằng sặc như thằng rồ. Chết thôi! Hay mồ mả nhà ông bị động? Thằng Đầu đất phát rồ thật thì lụn bại cả họ mất. Tiền bạc bỗng dưng đổ vào nhà mà nó cứ hất ra như hất rác. Không rồ thì cũng ma ám.
Đầu đất chỉ cho thuê đất. Nó bảo nếu các công ty kí hợp đồng dài hạn thuê chỗ đất ấy thì được, chứ không bán. Mỗi năm trả nó hai mươi triệu. Nó không phá hoại ai hết, bây giờ là thời kì nào rồi mà các ông cứ ép dân mãi. Kinh tế thị trường mà. Thích thì chơi, chẳng thích thì thôi. Thế mà mấy ông doanh nghiệp phải nghe theo.
Việc làm của Đầu đất gây khó khăn cho ông chú trong lãnh đạo xã, không khéo dân họ bắt chước thì không ổn. Cắn răng lại suy tính, ông Hải nhờ người chạy cho Đầu đất chân kĩ thuật viên ở Trung tâm nghiên cứu cây trồng. Việc này phù hợp với khả năng của một kĩ sư Nông nghiệp, lại dứt nó ra khỏi làng cho bớt gây họa về sau.
Thằng Đầu đất tỏ ra bất cần trước tin vui được đi công tác. Nó vẫn chúi mũi vào máy vi tính rồi thông báo với chú một ý tưởng mới. Rằng sẽ vận động bà con xã viên thành lập tổ dịch vụ thương mại, chuyên cung cấp hoa cho thị trường. Ruộng đất trung du không chủ động được nước tưới, năng suất lúa ngô toàn phụ thuộc vào trời, nếu chuyển sang chuyên trồng hoa, không thành triệu phú thì cũng không còn nghèo đói nữa. Ông Hải xây xẩm mặt mày. Nó lại sắp làm loạn nữa rồi. Mày mà gây ra lắm chuyện, tao sẽ đánh cho nhừ xương. Thề có vong linh anh trai là liệt sĩ, tao không dọa mày đâu.
Thằng Đầu đất chẳng tỏ vẻ sợ hãi. Nó vẫn nhe răng ra cười.
Truyện ngắn. Phùng Phương Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...