Trước giờ ra trận – Truyện ngắn. Lê Thế Thành
Đêm nay, đoàn văn công Quân khu sẽ biểu diễn một chương trình đặc biệt tại khu giải phóng để ngày mai chúng tôi sẽ hành quân lên vùng ven. Ai cũng biết vùng ven, nói một cách đầy đủ phải là vùng ven thành phố, là nơi ta và địch giành giật nhau khốc liệt từng ngày giữ vững từng con rạch, từng mảnh vườn làm nơi đứng chân để sinh tồn.
Tôi và hắn ở chung với nhau trong cùng một tiểu đội mà sao từ lúc mở màn đêm diễn đến giờ nom hắn lạ lắm. Con mắt hắn như nuốt lấy từng diễn viên, tất nhiên đó là những nữ diễn viên xinh đẹp, thanh thoát, vui tươi và giọng nói trong như tiếng chuông trên sông. Mặt hắn trang nghiêm, kể cả những tiết mục hài hắn cũng chỉ gật gật đầu mấy cái chứ hắn không cười.
Tôi bật cười. Thì ra nó đang tưởng tượng về vẻ đẹp của các cô gái trên sân khấu và bỗng so sánh làn da của các em trắng không phải là như trứng gà bóc mà ta quen dùng. Hắn so sánh với cổ hũ dừa. Quả là một sự so sánh táo bạo và chính xác.
Cứ mỗi khi hết một tiết mục là chúng tôi lại gào lên: Diễn lại đi. Diễn lại đi.... Tiết mục nào cũng phải diễn lại ít nhất là 2 lần. Tội nhất là các màn múa, hình như có em vừa khép màn thị bị ngất làm chúng tôi xôn xao.
- Cho tôi xin xác. Một ai đó hét lên. Rồi tất cả hét lên: Cho chúng tôi xin xác. Cho chúng tôi xin xác. Bọn trẻ chúng tôi hét lên như cuồng dại, cảm phục và tiếc thương người nữ biệt động cực kỳ xinh đẹp vừa hóa thân vào ánh chớp
Mấy hôm sau, vừa đặt ba lô trên bờ một con kênh ở vùng ven, chúng tôi dốc sức đào công sự cho đến sáng. Tranh thủ chợp mắt được mươi mười lăm phút thì pháo cỡ lớn của địch đã quất vào trận địa chúng tôi.
Mới 7 giờ, một chiếc đầm già L19 đã “tì ti, tì ti” trên đầu chúng tôi. Đó là loại chỉ điểm. Nó xuất hiện thế nào cũng có máy bay đến bỏ bom và đề phòng có quân đổ bộ. Tôi díp mắt vì thèm ngủ. Mả mẹ cái đầm già, tiếng tì ti của nó cứ như có âm thanh ru ngủ làm ai cũng muốn rũ ra. Cảo… Đùng… Cảo… Đùng… Chiếc đầm già phóng trái khói vào hai đầu trận địa của liên đoàn, chúng tôi nằm ở giữa hai luồng khói trắng. Chuẩn bị hứng bom.
Bom. Pháo. Rồi trực thăng đổ quân và xe bọc thép xuất hiện trước trận địa. Chờ một chiếc xe đến gần, giữa làn đạn dày đặc của địch, Tạ nhảy lên ép sau một gốc dừa giương khẩu B41 lên bắn trong vị trí tà âm. Đó là một thế bắn chính xác nhất và uy lực nhất, không loại xe nào chịu nổi sức công phá của nó. Trong tích tắc, dường như cả hai đối thủ đều bóp cò và cùng trúng đạn. Tạ ngã xuống bên gốc dừa và xe bọc thép bùng cháy dữ dội.
Tôi mang ba lô của Tạ về nơi đóng quân mới. Hôm sau là một ngày yên tĩnh. Một ngày nắng chói chang. Tôi tranh thủ giặt quần áo chăn màn của Tạ để lấy nắng trước khi giao cho bộ phận chính sách giữ kỷ vật của liệt sĩ. Trong ba lô của Tạ, tôi bất ngờ khi thấy có một túi thổ cẩm nhỏ chỉ bằng một chiếc ví đựng tiền. Tôi giở ra, trong đó có một lọn tóc mềm mại, ngoài ra còn có một miếng giấy ghi nghệ sĩ Thanh Nhanh Đoàn văn công Quân khu... Cũng không rõ vì động cơ gì mà khi giao ba lô của Tạ cho ban chính sách tôi lại giữ lại chiếc túi thổ cẩm ấy, hy vọng tìm ra được một mối manh nào đó trong cuộc đời của thằng bạn thân.
Nghệ sĩ Thanh Nhanh bây giờ đã trên dưới 60 nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp trời phú lúc còn trẻ.
- Chị ơi! Nó chết cực kỳ gan dạ. Rồi tôi kể lại trận chống càn năm ấy.
Nén xúc động một hồi lâu, Thanh Nhanh nói với tôi: Tội nghiệp. Em biết không. Sau đêm biểu diễn ấy, sau khi tẩy trang và ăn cháo đêm xong, chị vẫn thấy một cậu bộ đội đi đi lại lại dưới bóng dừa. Thấy lạ, chị bước lại gần. Cậu bộ đội hỏi luôn: Chị là Thanh Nhanh phải không ạ? Đêm ấy trăng sáng lắm nên nhìn thấy cậu ta còn trẻ, chị nói luôn: Đúng. Chị là Thanh Nhanh đây. Em cần gặp chị có việc gì không! Nghe tiếng chị từ lâu, em muốn gặp trực tiếp chị. Ngày mai chúng em ra vùng ven rồi. Chị biết. Hôm nay chị đến chia tay các em mà. Nhìn thấy một chiếc ghế đá của chủ vườn dưới gốc dừa, chị bảo. Nào! Ngồi đây chị em mình tâm sự. Vâng. Tạ trả lời rồi nói luôn, chị ơi em xin chị một điều, chị vào nhà thay chiếc áo quân phục này đi. Chị mặc chiếc áo bà ba ấy. Rồi! Chị chiều cậu. Một lát sau tôi lại trở lại luôn. Chắc nhớ người yêu phải không? Không chị ạ. Tạ lắc đầu. Chị ơi! Em chưa có bạn gái.
Chị tin cậu ta nói thật. Hai chị em ngồi sát bên nhau. Chị nghe tiếng tim đập thình thịch từ vồng ngực trai trẻ. Bằng kinh nghiệm của mình, chị biết Tạ rất xúc động. Nói gì với chị đi! Chị động viên. Kỳ này em đi, may ít rủi nhiều. Đừng nghĩ quẩn. Chị ngắt lời. Vâng. Em muốn trước lúc vào trận đánh được ôm mái tóc của người con gái. Sợ các bạn trẻ hiểu lầm nên em tìm chị. Lãng mạn quá ha! Chị quàng tay ôm Tạ như ôm một cậu em. Chắc em chưa được ôm người con gái nào phải không? Tạ lắc đầu. Mũi chị cay xè như muốn bật khóc! Có bao cậu học trò ra trận mà chưa được ôm hôn người con gái nào.
Chị muốn bật khóc vì thương nó. Một lát sau nó nói với chị, nó hạnh phúc hơn cậu bé chăn cừu trong những vì sao của AnphôngSơđơđê. Chị bật cười mà nước mắt trào ra. Cậu bé chăn cừu cảm thấy hạnh phúc khi cô bé con ông chủ ngủ say, tựa đầu vào vai cậu trong một đêm trên thảo nguyên mênh mông. Tạ nói: Chị ơi, chị đẹp quá! Sau này em sẽ yêu một người đẹp như chị. Chắc là do đêm ấy trăng sáng quá nên Tạ phát hiện ra nét đẹp của đàn bà. Chị vỗ vai an ủi, bao giờ hết chiến tranh, chị gả em gái chị cho em. Nó cũng 14, 15 tuổi rồi...
Em chờ chị một lát. Chị nói rồi đứng dậy vào nhà. Chị tìm một cái kéo và cắt lọn tóc này cho Tạ. Chị đưa cho Tạ rồi nói: Đây là tóc của chị, lúc nào nhớ chị thì giở ra xem. Chị ghi địa chỉ trên giấy. Hết chiến tranh, em nhớ tìm chị. Lúc đó, Tạ xúc động lắm. Hình như cậu muốn khóc nên sau khi cầm lọn tóc, hít một hơi dài trên mái tóc chị, Tạ vội quay đi.
Tôi xin được giữ lại lọn tóc của chị đã tặng bạn tôi trước giờ ra trận. Nó sẽ là một kỷ vật quý giá của người lính, của chiến tranh vì nó chứa đựng cả một câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương. Có phải vì những điều giản dị và sâu lắng ấy mà bạn tôi đã chiến đấu như một người anh hùng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...